Hai anh em tôi vào Nam sinh sống từ thuở còn thanh niên. Vợ chồng chú ấy chả đi đâu cả, ở nhà chăm bón mảnh ruộng vườn rau. Rồi trông nom mảnh đất tổ tiên ông bà để lại.
Nói bảo là lắm chuyện.
Nhưng mà thật, một suất ở lại quê hương, vào những năm kinh tế còn đói kém thì cũng vất vả. Được cái cả hai vợ chồng chú thím ấy chịu khó, suốt ngày cặm cụi ngoài đồng, rồi làm thêm nghề mây tre xuất khẩu thành ra...khá. Chả phải khoe, nhưng nhìn cái cơ ngơi chú thím ấy gầy dựng, thì mình còn lâu mới theo kip. Mặc dù mang tiếng là "nam tiến" từ thuở thanh xuân.
Thím ấy lấy em tôi từ thuở mười chín, thành ra mới ngoài bốn mươi, nhưng con cái cũng xấp tuổi với con tôi. Người ngoài quê là vậy, người ta lấy chồng từ mười tám.
Nói lại bảo khoe.
Thím ấy cũng tốt nết, ở nhà với ông bà, ấy mà mỗi lúc ông bà "trái gió giở giời" thì cũng lại đến tay. Mọi việc trong họ ngoài làng, cũng một tay chú thím lo toan. Anh em tôi ở trong Nam, tiếng là lớn mà chẳng giúp được gì. Mẹ mất, một tay thím lo cúng cơm. Các bác ở Nam về cũng chẳng mấy khi được tận tâm như vậy. Mỗi lần trở về nhà, thím ấy lại lo phần cơm nước. Bữa cơm quê dọn ra, mời cả nhà mà thấy ấm lòng.
Công việc ở quê, từ sáng sớm tới lúc ngủ, chả lúc nào ngơi tay. Cái dáng người nhỏ nhắn, lại chân chất kiểu quê mùa, ấy thế mà chả có gì là không qua tay. Từ miếng cơm manh áo, đến việc trong họ ngoài làng. Ngẫm cảnh chúng tôi xa quê hoá ra lại nhàn tênh, chẳng phải lo những việc như vậy bao giờ.
Ở quê tôi là vậy.
Nếp sống của mỗi gia đình có khác nhau, nhưng đều tựu trung về một nếp. Chúng tôi ở xa, cho nên có nhiều những "nếp quê" mà phải về tận nhà mới hiểu. Chú thím ấy ở quê từ nhỏ, nên có nhiều cái khi về nhà, chúng tôi còn phải hỏi. Quê hương luôn là chốn thanh bình, cũng rất vui khi mỗi lần chúng tôi trở về, mọi thứ đều có chú thím lo liệu. Hoá ra trong nhà, có người còn ở quê là một niềm hạnh phúc. Dù đi đâu dù bươn chải khắp nơi, thì khi trở về vẫn còn nhiều thứ để soi và ngẫm.
Nhà tôi có một em dâu.
Chuyện Làng Quê