Ngày 12/11 tới, Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội sẽ công chiếu buổi hoà nhạc “Đêm nhạc hiện đại và cổ điển – A night of Modern & Classical Music” tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
“A night of Modern & Classical” là đêm nhạc kết hợp giữa chất liệu Âm nhạc Dân gian Việt Nam và Âm nhạc phương Tây. Các tác phẩm Âm nhạc phương Tây bao gồm “Piano Concerto No.23 in A-major KV.488” - W.A.Mozart, “3 Fragments from L’Arleienne” - Bizet và “Restored Torch” - Jakub Polaczyk. Ba nhạc sĩ đại diện cho 3 thời kỳ âm nhạc, cụ thể: nhạc sĩ Mozart thời kỳ âm nhạc cổ điển, G.Bizet thời kỳ âm nhạc lãng mạn và Polaczyk thời kỳ âm nhạc đương đại. Có lẽ đây là một trong những lý do buổi hoà nhạc được đặt tên là “Hiện đại và cổ điển”.
Tác phẩm mang âm hưởng Dân gian Việt Nam được trình diễn trong buổi hoà nhạc là “Vũ khúc Chèo và Lên Đồng” của nhạc sĩ tài ba Đặng Hữu Phúc. Vũ khúc sử dụng các làn điệu Chèo như: “Con gà rừng”, “Xẩm xoan”, “Cách cú”, “Hề mồi”, “Bình thảo”, “Lưu không” và Chầu Văn “Dọc cờn xá”.
Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam. Chèo phát triển mạnh miền ở Bắc với trọng tâm là vùng đồng bằng sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân tộc. Chèo mang tính quần chúng và được coi là loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Nếu sân khấu truyền thống Trung Quốc có đại diện tiêu biểu là Kinh kịch của Bắc Kinh thì đại diện tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam là Chèo.
Lên đồng, hay còn gọi là hầu đồng là một nghi thức không thể thiếu trong hoạt động Đạo Mẫu tại Việt Nam. Âm nhạc trong Hầu đồng gọi là Chầu Văn, có nội dung ca ngợi sự linh thiêng của thần thánh và vẻ đẹp tiên giới.
Buổi hoà nhạc diễn ra dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Wojciech Czepiel đến từ Ba Lan. Czepiel là người đầu tiên dàn dựng và chỉ huy Vũ điệu Chèo và Lên Đồng cho dàn nhạc giao hưởng. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên Trống đế của Chèo được chơi như một soloist trong dàn nhạc giao hưởng. Điều này hứa hẹn sự bùng, đột phá cho các quý khán thính giả nói chung và những người yêu âm nhạc nói riêng.
"Đây là hai thể loại nghệ thuật tinh hoa của Việt Nam, của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Việc đưa hai loại hình nghệ thuật này vào dàn nhạc giao hưởng là sự nỗ lực rất lớn của những người làm nghệ thuật trong việc bảo tồn, phát huy và quảng bá nghệ thuật truyền thống rộng rãi với giới trẻ cũng như bạn bè thế giới”, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc chia sẻ.
Đêm nhạc không chỉ là nơi khán thính giả được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của âm nhạc dân gian Việt Nam; âm nhạc cổ điển, lãng mạn, hiện đại phương Tây, mà còn được xem những phần biểu diễn vô cùng tài năng các nghĩ sĩ đến từ Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội. Đồng thời, đêm nhạc có mở buổi ra mắt “Tác phẩm cho Hợp xướng Acappella, Thính phòng và Giao hưởng” của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc. Các tác phẩm được công diễn trong đêm nhạc đều nằm trong cuốn sách này. “Tác phẩm cho Hợp xướng Acappella, Thính phòng và Giao hưởng” là tâm huyết của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc và là cuốn sách được Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trân trọng giới thiệu nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày thành lập.
Buổi công diễn được tài trợ bởi “Quỹ đổi mới và sáng tạo VinIF” thuộc tập đoàn Vin group.
Thời gian ra mắt sách: 19h30 ngày 12/11/2022
Thời gian hoà nhạc: 20h ngày 12/11/2022
Địa điểm: Phòng hoà nhạc Lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, 77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội.
Liên hệ vé: Mrs.Thuyên: 038 661 0815, Mrs.Thư 083 894 8537