Chiếc xe bỗng lắc mạnh, xoay chiều bởi một vòng cua gấp. Chàng trai vịn vào thành xe, cúi rạp xuống nhìn ra bên ngoài. Câu chuyện người đàn ông say rượu ban đêm vào nhầm nhà cô hàng xóm, đột ngột dừng lại . Chiếc mic trong tay chàng trai cất tiếng vội vàng:
" Thưa các bác, các anh, các chị...hiên giờ ta đang đi trên con đường phía tây Trường Sơn ".
Trường Sơn ! Tôi vội nhoài người nhìn ra bên ngoài. Một vách đá lởm chởm vừa lướt qua.
"Tất cả xuống xe ! " Một khẩu lệnh khô khốc của chỉ huy vang lên khi đoàn xe vừa dừng lại.
Chúng tôi vội ào xuống. Trời xắp sáng. Một đội quân chập chờn trong sương mờ, xếp thành hàng ở mép đường, nhường lối cho những chiếc ô tô gầm gừ tìm nơi ẩn nấp. Chúng tôi,những chàng trai tuổi vừa mười tám - người lính binh nhì - lầm lũi theo giao liên tiến về khu rừng Bồ.
Thế là hết ! Hết cái vẫy tay của những người dân nhìn theo đoàn tàu lao về phía Nam hôm nào. Hết nhìn thấy con phà trên sông Lam, trên sông Nhật lệ với đám bọt trắng cuồn cuộn đuổi theo. Cả những bài hát như gào lên thành điệp khúc, mỗi khi xe qua làng, cũng đã lịm đi. Trước mắt tôi là khu rừng già mênh mông. Tiếng người chỉ huy vẫn khô khốc, vô tình:
" Nghi...êm ! Các đồng chí nghe rõ đây ! Bắt đầu từ hôm nay chúng ta sẽ hành quân bộ, vượt Trường sơn ! ".
Chàng trai trẻ tươi cười đỡ các bà du khách của mình xuống xe. Vẫn cái giọng Hà Thành làm yên lòng mọi người: "Các bác, các anh chị nào thích đi bộ có thể đi,còn nếu không..." Anh ta chỉ tay vào đám xe du lịch mui trần chen chúc ở bến đỗ trước mặt. Những cô gái trẻ lái xe ào ra, rối rít vẫy tay gọi mời. Ôi, những cái vẫy tay của các cô thanh niên xung phong ngày ấy ở đâu ?
Tôi xốc chiếc ba lô nặng chĩu lên vai, mắt ngước nhìn ngọn núi cao vời vợi trước mặt. Một đứa học trò chỉ quen với đèn sách như tôi đang đứng trước thử thách lớn nhất của cuộc đời. Cái gì đang chờ tôi ở phía trước ?
Có ai đó vừa huých vào tôi ở phía sau. Tôi bước vội theo bản năng. " Thả cái thẻ vào " - người đó nói.Tôi buông tay. Một tiếng rơi vào đâu đó, hai thanh ngăn kim loại trắng tự động mở ra. Đây đâu phải là trạm giao liên năm xưa ! Tôi nhìn về phía mấy cô gái đi trước, họ đã đứng nép vào hàng cây, tạo dáng. Điện thoại thông minh tanh tách lẫn vào tiếng khanh khách cười.
Mùa xuân năm 1971 dường như nóng hơn những mùa xuân trước đó. Mồ hôi trên người tôi vã ra ngày càng nhiều. Nó rớt cả vào khẩu súng AK đang níu chặt vào cổ tôi, bắt tôi nhìn xuống đất. Tôi nhìn, để thấy con đường mòn nham nhở đầy sỏi đá. Tôi nhìn, để thấy gót giày người đi trước vừa nặng nề nhấc lên. " Đừng uống nước nhiều như thế "- tiểu đội trưởng nhắc nhở. Tôi vội đóng nắp bình tông như một cậu bé biết nghe lời, ngước lên vời vợi. Đây là đỉnh núi một ngàn lẻ một, mà chúng tôi phải vượt qua.
Anh chàng hướng dẫn viên thật chu đáo, anh dúi vào tay từng người khách của mình chai nước lavi trong suốt. Chiếc máy ảnh hiệu SONY tôi quàng dây trên cổ cứ nhảy nhót theo từng nhịp bước lên dốc . Con đường ngoằn ngoèo lát bê tông như níu lại bước chân người lính cũ. Tôi làm sao tìm thấy dấu chân tôi.
Trên đỉnh núi, gió thổi mạnh. Đơn vị tạm dừng chân. Trường Sơn chập trùng núi, chập trùng mây.Tôi lọt thỏm vào cái khoảng không mênh mông của trời đất. Tôi chẳng còn biết nơi tôi sinh ra đang ở phương nào. Phút giải lao,Tôi thu mình lại, kê lên ba lô cuốn sổ mang theo. Mấy dòng chữ viết vội:
Đứng dưới nhìn lên / không biết dốc này cao hay thấp / Hố bom không lấp / Con đường men theo / Những chiếc gậy hèo vẽ nốt / Những cây xạm đen lửa đốt / Kẻ thù chặn lối ta đi / Mở khắp Trường sơn hùng vĩ / Càng thêm nhiều dốc hành quân.
(Nhật ký 24-2-1971)
Mặt trận đang lầm lũi tiến lại. Tiếng phản lực cơ rèn rẹt lướt qua. Pháo sáng phia Bản Đông chấp chới buông rơi. Bấy giờ, làm sao tôi biết được nơi đó đang diễn ra trận huyết chiến " LAM SƠN 719 " (tên chiến dich của quân lực VNCH đặt ra ). Còn phia ta vẫn gọi là trận chiến ĐƯỜNG 9 - NAM LÀO.
Tôi đi lùi lai sau, nhìn vào đám cây rừng rậm rạp. Đột nhiên tôi lao vào trong đó. Chiếc dây quai máy ảnh mắc vào cành khô bật lại đập trúng vào người tôi, vẫn không làm tỉnh cơn mơ. Mấy du khách nước ngoài nhìn theo . Có thằng bé tóc vàng chỉ trỏ nói thứ tiếng léo nhéo với cha nó, cha nó có bộ râu xồm xoàm, mở to đôi mắt xanh ngơ ngác.Tôi cứ lủi sâu vào rừng mặc cái nhìn ai đó đập vào phía sau lưng, mặc cành cây vừa hất tung chiếc mũ đội đầu rơi xuống.
Hôm ấy, phải rồi, cái ngày 4-3- 1971 ấy tôi đã run sợ như thế nào. Máy bay đich lao tới tấn công dồn dập tuyến đường sát mặt trận. Tôi là người lính mới. Băng đạn vẫn lắp đầy mà tay tôi chỉ biết túm chặt quai ba lô, lao vào bụi rậm, mặc cho gai cào xước mặt. Tôi hé mắt nhìn lên trời cao. Trời xanh trong, ba con quái vật B52 kềnh càng, đôi cánh như cặp sừng trâu, lần lươt buông rơi cả một đống bom kêu u ú như cối xay lúa. Người lính cũ ngồi bên ngoài kéo tôi đứng dậy. " Không sợ, bom trông bằng cái bắp ngô thế kia thì xa lắm " - anh ta nói thế mà vẫn còn cười được. Còn tôi lý nhí trong tiếng nổ kéo dài " Em không sợ ! "
Gỡ cái dây còng queo trước mặt, tôi cố vươn cái gậy " tự sướng " về phia trước, cài máy điện thoại... và nhấn nút. Hình bóng người lính già chìm vào khu rừng Trường Sơn năm xưa.
Tôi nhìn cô gái Vân kiều mặc áo xanh, đội mũ tai bèo. Tôi tiến về phía cô gái: " Bác là bộ đội, bác muốn mượn chiếc mũ của cháu để chụp một tấm hình "? Cô gái Vân Kiều cười mới tươi tắn làm sao. Và chính cô gái chụp ảnh cho tôi khi tôi buông rơi chiếc gậy " tự sướng " mang theo.
Có lẽ tôi cũng chưa tìm thấy mình trong khoảng khắc ngắn ngủi khi chạm tới Trường Sơn. Tiếng anh chàng hướng dẫn viên rõ ràng một cách chuyên nghiệp:
" Mời các bác, các anh chị lên xe."
Cẩn trọng, anh còn đếm lại đầu người. Tôi vẫn kịp trả tiền mua một gói ớt rừng mang về làm quà cho vợ.
Chiếc xe ô tô rồ máy lao đi. Tôi níu lại không được nữa rồi, cánh rừng Trường Sơn chạy lùi ra phía sau, lùi mãi, lùi vào trong tôi nỗi nhớ miên man .
*. Từ năm 1971 tới 1975 tôi đã nhường một phần tuổi trẻ của tôi cho mảnh đất Quảng Trị nóng bỏng này.
TN . 2022
Chuyện quê