Nhưng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, câu chuyện sau đây không những bi tráng mà éo le: Người con gái đi chiến trường lành lặn trở về thì người con trai ở hậu phương đã mất… Diễn đàn Phù Đổng xin giới thiệu bài viết của tác giả Hồng Sơn:
Khi giặc đến nhà
Một ngày cuối tháng 4-2017, trong đoàn cựu chiến binh Đoàn K20 của Bộ đội Trường Sơn từ Hà Nội lên Thái Nguyên thăm gia đình Đại tá Nguyễn Đức Phương-“ông chủ lớn” trong đường dây vận chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men… từ Campuchia về miền Nam đánh Mỹ-có một người phụ nữ ngoài 80 tuổi, nhỏ nhắn, gương mặt phảng phất nét đài các xưa. Đại tá Đặng Đoãn Duy, người từng ở K20 nói với tôi: “Chị Thục Oanh đấy. Ngày xưa chị đẹp lắm, đẹp nhất rừng!”.
Bây giờ, người con gái đẹp nhất rừng Lào năm ấy đang ngồi trước mặt tôi, dù vẫn giữ được nét đẹp xưa và đã là Trung tá, bác sĩ, Thầy thuốc Ưu tú, nhưng vẫn không giấu được sự mỏi mệt do tuổi tác, bệnh tật và nỗi đau. Một nỗi đau riêng gắn bà và gia đình với số phận dân tộc qua các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.
Bà Trần Thục Oanh sinh năm 1935, ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang trong gia đình có bố tham gia Việt Minh giành chính quyền ở địa phương. Tháng 3-1947, mẹ bà ốm nặng rồi qua đời. Nỗi đau mất mẹ chưa nguôi thì tháng 10-1947, Pháp mở Chiến dịch Thu Đông tấn công Việt Bắc, càn quét vào xã Quyết Thắng của Thục Oanh, bắt bố bà về đồn Đoan Hùng tra tấn dã man rồi thủ tiêu mất xác. Ký ức đọng lại của cô bé 12 tuổi lúc đó là cùng chị đi học về thấy nhà bị đốt trơ trụi và trong buổi chiều cuối thu ấy, chạy dọc bờ sông Lô nước mắt đầm đìa khản cổ gọi “bố ơi”…
Nữ y sĩ Thục Oanh trước khi vào chiến trường. Năm 1951, đang học lớp 7 tại Tuyên Quang, Thục Oanh được tỉnh tuyển chọn đi học lớp y tá để phục vụ kháng chiến ở Đoan Hùng (Phú Thọ). Học xong, Thục Oanh được điều về Bệnh viện Quân y 6, tham gia phục vụ các Chiến dịch Tây Bắc, Hòa Bình và Điện Biên Phủ…
Cứ như vậy, từ cô y tá xinh đẹp đến y sĩ, rồi bác sĩ, từ nhà trường đến chiến trường rồi về lại nhà trường… Thục Oanh từng đặt chân đến các chiến trường ác liệt nhất của đất nước qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Nhưng chuyến đi gian khổ, ác liệt để lại trong bà nhiều kỷ niệm buồn vui nhất là chuyến vượt Trường Sơn vào Mặt trận Tây Nguyên năm 1966.
Ngày 31-12-1965, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bệnh viện Quân y 211 phục vụ chiến trường Tây Nguyên và miền Nam. Đội ngũ cán bộ của bệnh viện lựa chọn trong số y sĩ, bác sĩ của Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) và Viện Quân y 103 (nay là Bệnh viện Quân y 103). Nữ y sĩ Thục Oanh của Viện Quân y 108 có mặt trong số đó.
Trong hồi ký “Tây Nguyên ngày ấy”, đoạn nói về chuyến vượt Trường Sơn vào Nam của Giáo sư, bác sĩ Lê Cao Đài, hồi đó là Phó viện trưởng Viện Quân y 211 có viết: “Ngày 12-3-1966: Trong đoàn chúng tôi chỉ có một phụ nữ, cô Thục Oanh, y sĩ hóa nghiệm, một cô gái xinh xắn…”.
Vượt Trường Sơn ngày ấy chủ yếu là đi bộ xuyên rừng, lội suối giữa bom đạn, chất độc hóa học, sốt rét, bệnh tật để đến với chiến trường khốc liệt, là thử thách lớn với bất cứ người con trai nào, còn với người con gái mảnh mai như Thục Oanh thì khó khăn gấp bội. Con đường máu vào miền Nam với bao nhiêu gương mặt thân yêu, bao nhiêu chuyện thần kỳ, còn có nhiều chuyện đau thương đến không ngờ. Có lần, giữa đại ngàn Trường Sơn, Thục Oanh thấy dưới tán cây xanh là một chiếc võng với xác người chiến sĩ trẻ, tay vẫn ôm khẩu súng AK. Càng vào sâu, càng ở lâu chiến trường, người con gái xinh đẹp ấy càng chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh, sự anh dũng hy sinh của người lính. Từ một cô gái trắng trẻo, hồng hào, xinh đẹp, gần ba tháng vượt Trường Sơn, người con gái ấy đã sụt 10 cân, da sạm đi…
Ở Bệnh viện Quân y 211 chăm sóc thương binh, tăng gia sản xuất, “xuống núi” gùi gạo được hơn một năm, do nhu cầu của các đơn vị, bệnh viện tăng cường y sĩ, bác sĩ cho các hướng, các mũi trọng yếu. Thục Oanh được phân công về Đoàn K20 đóng quân ở khu rừng ven sông Sekong của huyện Samakkhixay, tỉnh Attapeu, nước Lào. Đoàn trưởng K20, Trung tá Nguyễn Đức Phương giao nhiệm vụ: Đây là trọng điểm sốt rét của rừng Lào, năm 1967 đã có tới 60 người chết bởi căn bệnh này, chủ yếu là bộ đội hành quân qua đây. Đơn vị lại chưa có bác sĩ mà chỉ có y tá. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe cho Đoàn K20, Thục Oanh còn phải tiếp nhận, cứu chữa những thương binh, bệnh binh hành quân qua đây.
Từ ngày đó, rừng Lào ở Samakkhixay như sáng lên khi có người con gái nhỏ nhắn, tóc phi dê, nói tiếng Hà Nội, như con thoi đi lại chăm sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh và nhân dân Lào, Campuchia. Có những lúc Thục Oanh phải vượt sông Sekong sang đồn Đôn Phầy của Campuchia chữa bệnh cho vợ quan hai của đồn, tạo mối thiện cảm để sau này hàng hóa của ta chuyển về phục vụ cho chiến trường Tây Nguyên dễ dàng hơn. Càng ngày, người dân vùng quanh đơn vị đóng quân đến khám, chữa bệnh càng nhiều, đến nỗi Thục Oanh không thể nhớ nổi một ngày phải tiếp bao nhiêu bệnh nhân. Có những ca điển hình như cứu một người phụ nữ người Campuchia có thai chết lưu, hoặc chăm sóc một ông già người Lào bị xơ gan cổ trướng… Uy tín của nữ quân y ngày càng lan rộng, đến nỗi mọi người đều gọi là bác sĩ Thục Oanh, mặc dù chị mới chỉ có bằng y sĩ. Đến cuối năm 1968, chị rời chiến trường trở về Hà Nội vì sức khỏe yếu.
Nhưng không chết người em nơi khói lửa...
Hồi đó, cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Quân y 211 và Đoàn K20 đều không hiểu vì sao cô y sĩ Thục Oanh giỏi giang, xinh đẹp nhất rừng đã ngoài 30 tuổi mà vẫn chưa lấy chồng và chẳng yêu ai. Thực ra, chị đã có một mối tình kéo dài tới 13 năm. Anh tên là Nguyễn Tâm. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, anh bị đạn địch bắn xuyên phổi, được đưa ra trạm cứu thương của Thục Oanh cứu chữa. Vết thương lành, hai người trở thành bạn, rồi tình yêu đến. Sau năm 1954, anh chuyển ngành về Hà Nội, Thục Oanh vẫn tiếp tục phục vụ quân đội, chuyển đơn vị rồi đi học, nên việc thành hôn vẫn lần lữa mãi. Mặc dù nhiều người “đặt vấn đề” với Thục Oanh, nhưng trong tim chị chỉ có chàng trai Nguyễn Tâm cao lớn và hiền hậu.
Nhưng trong chiến tranh, mọi chuyện đều có thể xảy ra, kể cả những điều éo le, trái ngược nhất. Ngày trở về Hà Nội, chị mong được gặp người yêu để bàn chuyện trăm năm thì một tin sét đánh: Nguyễn Tâm đã mất năm 1967 do vết thương cũ tái phát. Chị lặng đi vì đau đớn, tiếc thương. Viếng mộ anh ở nghĩa trang Văn Điển ngày nước ngập mênh mông, chị ngậm ngùi nhớ lại bài thơ anh tặng lúc lên xe vào chiến trường:
Tiễn em ra lại chiến trường/ Nghe lòng rớm lệ, nghe đường thẳm thêm/ Mười năm ủ mãi buồng tim/ Hỡi em sao chẳng nói lên một lời/ Mười năm ngỡ lửa tắt rồi/ Giữa mùa gió lạnh lại ngời lòng em/ Nói gì kịp nói gì thêm/ Cho anh được bước lặng im vượt đèo/ Bên em cùng mỏi, cùng trèo/ Mắt làm lửa sáng rọi vào Trường Sơn.
Từ đó, không có một ai làm cho Thục Oanh xúc động nữa. Trái tim một thời sôi nổi của chị đã đóng băng với tình yêu. Chị lao vào học tập, tốt nghiệp bác sĩ, trở về Tổng cục Hậu cần phục vụ. Năm tháng qua đi, chị phấn đấu trở thành Trung tá, Chủ nhiệm Quân y Cục Ô tô-máy kéo (nay là Cục Xe-Máy, Tổng cục Kỹ thuật), được tặng thưởng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Và giờ đây, đã ngoài 80 tuổi, bà Thục Oanh-người đẹp nhất rừng năm xưa vẫn sống một mình trong căn nhà nhỏ, ngõ nhỏ ở đường Bưởi, Hà Nội.
Bà Thục Oanh cho tôi xem những bài viết của bà về đồng đội, những trang nhật ký hồi ở chiến trường và cả… tập thư tỏ tình của các chàng trai gửi cho bà. Gương mặt bà vẫn mang vẻ đẹp đài các xưa, nhưng vẫn thoáng chốc buồn, không chỉ bởi đời tư mà còn do bệnh tật đang hành hạ: Chất độc da cam ngấm từ những ngày ở Tây Nguyên đang phát tác làm bà mất ăn mất ngủ. Hậu quả chiến tranh ở Việt Nam không từ một ai, kể cả những người phụ nữ xinh đẹp như bà. Quên đi nỗi đau, hễ có dịp là bà lại lên đường đến các vùng quê để làm từ thiện...
Theo Trái Tim Người Lính