link tải gowin99 mới nhất

"Không thể mồ côi" (Kỳ 9): TRƯỜNG HỌC SINH MIỀN NAM SỐ 18

Tháng 10 năm 1960, tôi được má Hai đưa xuống Hải Phòng bằng xe ô tô của cơ quan. Tôi vào học tại Trường Học sinh Miền Nam số 18 tại Ngã Sáu.
chuytratim-1d-1640146220.jpg

 

So với các bạn cùng lớp, tôi đi học chậm hai tuổi. Tôi phải học tụt lại do tiếng Việt không sành sỏi. Đây lại là một thế giới khác, tất cả các bạn đều không nói giống tôi. Tôi nói giọng Hà Nội còn các bạn tất cả đều nói giọng từ Quảng Trị trở vào. Tôi dễ hòa hợp vì cái tính gà tồ và ruột để ngoài da như mẹ tôi hay nói. Nghĩa là tôi là một con người không để bụng.

Trong trường có hai loại sinh hoạt phí, một loại là có gia đình ở Miền Bắc, một loại là trong lý lịch có câu: “Cha mẹ đi công tác đặc biệt” thì được nhận sinh hoạt phí cao hơn. Tôi ở trong loại sau.

Em Ngọc lúc đó rất gầy, học ở trường học sinh Miền Nam số 14. Bạn bè và tôi, kể cả em Ngọc, lúc nào cũng có cảm giác đói.

chuytraitim2d-1640146361.jpg

 

Một cuộc sống trái ngược lại đến với tôi. Tôi được phát hai bộ quần áo, bát ăn cơm tráng bằng men. Tới bữa ăn, mâm cơm có sáu bạn, tất cả được dọn trong cái thau nhôm kích cỡ khác nhau. Trong bàn cơm có sự phân chia, ngày nào ai nhận cơm, ngày nào ai rửa bát, rửa thau. Quần áo vì đồng phục nên chỉ có một màu, một cỡ, ai béo cũng vậy, ai gầy hơn cũng thế. Do đó những ngày chủ nhật em Ngọc đi bộ từ Cầu Rào nơi trường em đóng lên thăm tôi, xa hơn 10 cây số, đều mặc áo rộng thùng thình. Có hôm Ngọc còn đi cả chân đất, vì mất cả dép cao su. Tất cả chúng tôi đều đi dép cao su có quai, nên lúc nào ở trong phòng cũng có sẵn vài cây que sỏ dép.

Ngọc rất ngoan, học giỏi và rất dễ thương. Em lại rất hiền, nên được các chị bạn của tôi rất thích. Khi nào em lên thăm tôi, thường là ở lại với chị một ngày, chiều chủ nhật lại lóc cóc đi bộ mấy cây số về lại trường. Chúng tôi đi bộ là thượng sách, vì lúc đó làm gì có tiền mà đi xích lô.

chuytraitim3d-1640146478.jpg

 

Một lần chú Sơn xuống thăm tôi. Chú đón tôi và em Ngọc đưa về Phố Lạch Tray giới thiệu hai chị em với cô Oanh. Cô có năm người con, chồng cô lúc đó đang là Chính ủy ở đảo Bạch Long Vĩ. Nhiều tháng chú mới về nhà một lần. Cô tôi nói to, quát cũng rất to, người cũng to con, cô làm liền chân liền tay, gánh nước thuê, đan len thuê, dán bao bì thuê, giữ xe đạp thuê... Nói chung là làm mọi nghề kiếm sống, để tồn tại và nuôi con, cô phải xin nghỉ hưu non.

Nhưng có một điều tôi không thích ở cô, mà cho đến tận bây giờ nhớ lại tôi vẫn sợ, mặc dù cô đã đi theo cha tôi rồi: Cô nóng tính, rất hay chửi bậy bạ và có vẻ dữ dằn. Lớn lên, tôi mới hiểu do cuộc sống quá khó khăn, chú lại ở bộ đội đóng xa trên đảo không giúp được gì cho cô. Nguyên nhân sâu xa khác là bà nội tôi mất, ông nội tôi lấy bà nhỏ là một cô đào hát. Bà nội ghẻ đó ác lắm, hay đánh chửi mấy chị em bố tôi. Bác Hải thì đi hoạt động thoát ly rồi, đến bố tôi cũng đi hoạt động. Thế là trong nhà còn lại có cô chiến đấu với bà mẹ ghẻ, tự bảo vệ riết, thành thói quen dữ dằn. Tôi nghe kể như vậy.

chuyetraitim4-1640146530.jpg

 

Tôi và Ngọc dắt nhau về cô cũng lo cho cơm nước ăn đầy đủ. Cô rất hay kể chuyện ngày xưa, lúc cha tôi còn là thanh niên học ở Hải Phòng rồi bị bà nội ghẻ đuổi ra khỏi và đi hoạt động cách mạng luôn. Các em con cô lúc đó còn rất nhỏ.

Tôi thích nhất là những lúc được cô cho ăn bún riêu với rau diếp cắt nhỏ. Dầu gì thì tôi và em Ngọc cũng có cô ruột ở Hải Phòng để lâu còn rủ nhau ra thăm.

Ở tập thể - một tập thể khác hẳn tập thể ở trường Thiếu nhi Quốc tế, cuộc sống mới khác hoàn toàn. Mỗi lần bạn nào có thư của gia đình gửi đến là cả lớp xem chung, nhất là bạn nào có thư từ chiến trường ra thì thư đó được đọc đi, đọc lại mãi. Ai ai cũng có rất nhiều chí (chấy) ở đầu. Cảnh tượng người này chải chí, bắt chí cho người kia là cảnh thường thấy trong khu tập thể của trường.

chuyejn-tratim5-1640146593.jpg
Chùm 5 ảnh: Bác Hồ đến thăm Trường Thiếu nhi Quốc tế Tiệp Khắc năm 1957 và kỷ niệm tại trường của Nhà thơ Bùi Văn Dung, cựu học sinh những năm 1956 - 1959. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Một việc khác nữa là học sinh của trường phải ngủ giường hai tầng bằng gỗ. Mà không hiểu sao các giường tầng ấy đều có rệp nhiều vô kể, chúng tha hồ cắn, đốt khiến cho người nằm không ngủ được. Ngoài giờ học tập, rảnh lúc nào chúng tôi cũng phải tìm và giết rệp. Người ta đã hướng dẫn chúng tôi đun nước sôi, đổ vào các khe giường cho trứng rệp và rệp chết bớt đi. Khổ là thế, vậy mà chúng tôi vẫn lớn, vẫn cố gắng học tập và trưởng thành.

Khác với tập thể trước tôi ở Tiệp Khắc, tập thể này chúng tôi sống bằng bản năng tự nhiên. Để tồn tại, thì kẻ đi trước dạy người đi sau. Đến tuổi dậy thì, ở đây băng lót vệ sinh là vải màn hoặc vải cũ cắt thành từng miếng vuông lót xong đem đi giặt sạch, cất đi để dùng cho tháng sau. Hồi đó đang thời kỳ bao cấp, chiến tranh, đời sống còn thiếu thốn, nên xà phòng gội đầu cũng là xà phòng giặt quần áo. Chúng tôi được phát những cục xà phòng đen xì, mùi hôi lắm, nhưng lúc đó là quý vô cùng, phải ưu tiên mới có.

Giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy rùng mình mỗi khi nhớ đến nhà vệ sinh. Chúng tôi phải đi vệ sinh vào thùng đổ tro, ruồi nhặng và dòi rất nhiều. Nhớ lại kỳ nghỉ hè nào cũng vậy, mỗi khi tôi về với má Hai, bao giờ bà cũng yêu cầu tôi đun nước sôi, rồi cởi đồ ngâm vào nước nóng cho chết hết rệp, để khỏi mang rệp vào nhà. Kế đến, má bảo đi gội đầu cho hết chí đi kẻo lây sang má và các em.

Ở tập thể Trường học sinh Miền Nam đa số là không có cha mẹ ở gần, nên ít có ai nhắc về kỷ niệm với gia đình. Ở đây ai cũng coi nhau là người một nhà. Tuy cũng có cãi nhau, gây sự, vì tính tình khác nhau, vì là con gái hay tự ái giận hờn. Nhưng chúng tôi làm hòa nhau cũng rất nhanh. Có cái gì ăn cũng chia đều, bởi vì mọi người ai cũng nghèo như nhau cả.

Tính tôi “ruột để ngoài da” không thù oán ai bao giờ, nên có rất nhiều bạn thân. Chúng tôi học trường nữ riêng, trường nam riêng, nên không có chuyện nam và nữ quen nhau. Tôi học được ở tập thể này tính cộng đồng cùng chia sẻ, cùng chờ đợi chung những lá thư ngắn ngủi của cha mẹ ở chiến trường gởi ra. Sống ở đây tôi mới càng hiểu cha tôi, má Hường và tất cả cha mẹ các bạn đang chiến đấu ở Miền Nam. Lâu lâu, chúng tôi lại thấy có bạn khóc rất nhiều sau khi nhận được thư. Lúc đó, chúng tôi hiểu là gia đình bạn lại có người vừa hy sinh.

Ngoài giờ lên lớp, chúng tôi còn đi lao động tập thể ở các nông trường. Buổi chiều sau khi ăn cơm xong, cả con đường gần ngã 6, nhất là vào mùa hè và mùa thu là trời đầy hoa phượng đỏ. Người ta gọi Hải Phòng là Thành phố Hoa Phượng Đỏ chẳng sai. Dưới tán phượng đỏ ấy toàn là các trường học sinh Miền Nam ở các trường. Cơ sở số 11, số 18, số 9 và số 4 đổ ra đi bộ đầy đường, quần áo giống nhau, tóc tai giống nhau, nói năng cười đùa giống nhau…

Chúng tôi đều thật thà, không có biết thủ đoạn, sống bằng bản năng chân thật. Có lẽ cách sống ấy chính là đặc điểm của hầu hết những người đã ở các Trường Học sinh Miền Nam.

Mỗi lớp như lớp tôi, có tới 40 học sinh, nhưng chỉ có một giáo viên chủ nhiệm, ngoài ra là giáo viên bộ môn, nên tính tự quản rất cao. Cũng vì điều kiện sống như vậy, mà sau này khi ra đời, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn và cũng nếm trải nhiều thất bại khi tiếp xúc trực tiếp với đời thường.

*

Một lần, má Hai đưa tôi đến nhà số 14 Phố Ga ở Hải Phòng để gặp chồng của má tên là bác Hai Phước. Đó là một người đàn ông rất cao to, tính tình đằm thắm và hiền lành. Bác kêu tôi gọi bác là ba Phước! Thế là tôi lại có thêm một người cha mới. Bác Hai Phước làm ở ngành tàu biển, lâu lâu bác lại đi đâu vài tháng. Khi công tác về, thế nào bác cũng vào trường đón tôi và em Ngọc về chơi chủ nhật.

Lâu lâu, tôi đi bộ ra nhà ba Phước, dắt theo cả lũ bạn. Những lúc như vậy, tôi nhớ lại ba Phước và chú Cao Lãnh sống chung nhà, không la mắng một câu. Có lúc tôi thấy ba cầm một đôi giày, hoặc cái áo đi đâu một lúc rồi ba mua gạo, mua rau, mua thịt về cho cả đám ăn. Các bạn chơi thân với tôi ai cũng quý mến ba Phước. Trong tôi ba Phước là một người đàn ông đầy tình thương bao la. Lúc nào gặp, ba cũng bảo tôi “để ba đưa con đi cắt tóc bớt đi cho bớt chí”. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng nghe lời của ba cả. Hoặc gặp xong là ba hỏi có tin hoặc thư của ba má tôi không? Đặc biệt ba rất thương em Ngọc của tôi. Mỗi khi em ra chơi, ăn uống xong, hầu như ba đều chở Ngọc về bằng xe đạp vì trường em ở xa.

Sau này tôi trưởng thành, có gia đình nghĩ lại, tôi mới hiểu trước đây mỗi lần lũ chúng tôi đến chơi, là ba Phước lại phải ra phố bán một món đồ nào đó, để có tiền mua thức ăn cho chúng tôi. Khi đó tôi quá vô tư, chưa có khái niệm gì về tiền bạc và vật chất. Các bạn của tôi cũng giống hệt như tôi. Uớc gì thời gian quay trở lại tôi sẽ không làm khổ làm phiền ba Phước nữa. Nhưng ước mong đó không bao giờ tôi thực hiện được, vì năm 1970 ba Phước đã nhận nhiệm vụ đi chiến trường B. Ông đã hi sinh và mãi mãi không trở về.

Ở trường lâu lâu tôi lại thấy có một chú bộ đội tên Tuyến hay xuống hỏi thăm cô giáo xem tôi ra sao? Và cho ít tiền, nhiều năm sau tôi mới biết chú ở Tổng cục Chính trị.

Mùa hè năm nào cũng vậy, bạn nào có gia đình hoặc bà con xa gần nhà trường cũng cho về nghỉ hè. Còn ai không có thì ở lại trường. Tôi chỉ về có hai nơi: Má Hai và me Kíu. Cũng có năm tôi không chịu về ngay mà ở lại trường cả tháng chơi với các bạn không có gia đình, cho đến khi ba Phước phải vào nhắc và mua vé tàu hỏa để lên Hà Nội.

Tôi và Ngọc nghỉ hè đều về má Hai, tôi hay xin má Hai qua bên Lò Sũ với mẹ ít ngày và lần nào má cũng bảo con qua bên đó đi mẹ con nhớ con lắm đấy, có lúc bà cho tôi tiền để chị em tôi đi tàu điện đến bờ hồ.

*

Mùa hè năm 1963, một lần tôi về nhà và nghe má Hai thông báo: “Vân ơi! Con sắp có thêm một em gái từ Nam Vang ra Miền Bắc đó. Em đi từ trong ra, phải đi đường vòng qua ngả Hồng Kông vất vả lắm. Mấy hôm nữa má con mình cùng đi đón em nha”.

Thực sự tôi rất ngạc nhiên, vì như vậy là tôi lại thêm một em gái ruột nữa. Má Hai còn nói vì má Hường còn bị bọn giặc bắt vào tù, chưa biết nhốt ở đâu? Cái ấn tượng ở tù là “ngồi trong chuồng chó” của tuổi thơ lại trở về… Tôi thương và lo cho má Hường vô cùng.

Chủ nhật đó, má cùng tôi đi vào Trại nhi đồng Miền Nam ở Đống Đa đón em về nhà. Đó là một em gái nhỏ, gầy đen, rất hay cắn móng tay và lầm lì chỉ nhìn không nói. Má nói “Em con đó, nó tên là Minh Hồng”. Tôi gọi em, em không trả lời, chỉ nhìn. Tôi hỏi em, em cũng không trả lời, lúc má Hải bảo: “Chào chị đi!” thì em khóc thét lên.

Giờ nghĩ lại, đúng là lúc đó đối với em Hồng đã quá khó khăn để chấp nhận chị Vân, má Hai và anh Ngọc. Tôi nghe bảo do má Hường phải vào Sài Gòn hoạt động bí mật, nên gởi em lại cho gia đình người Campuchia nuôi, nay tổ chức mới đưa ra cho em đi học.

Từ một mình, chỉ trong vài năm tôi đã có thêm em Ngọc, giờ lại có thêm em Hồng… Vậy mà tôi vẫn chưa biết mặt bố và các em cũng thế. Khó nhất là hồi đó sống cùng nhà mà em Hồng không chịu nói gì. Đầu em rất nhiều chí, tôi muốn bắt giúp cũng không cho, gọi đi tắm cũng không chịu.

Lúc đó tôi không hiểu tại sao em lại như vậy, sau này tôi mới biết và càng thương em. Cuộc sống gia đình có anh, có chị đối với em là quá mới và thật sự là khó. Do em sống lưu lạc, nên đó là một hình thức tự vệ của tuổi thơ. Chính vì vậy, tôi chưa bao giờ dám mắng la em lấy một câu, cho đến tận bây giờ. Hồng biết yếu điểm của tôi, nên sau này đã thân quen nhau, hình như em rất hay châm chọc và ăn hiếp chị. Với tôi, những lần như vậy tôi chọn biện pháp im lặng. Trong lòng tôi luôn nghĩ: Tuổi thơ em đã quá thiệt thòi, mà mình lại là chị cả, như Miền Bắc thường gọi, phải có trách nhiệm bù đắp cho em.

Mùa hè đầu tiên ba chị em tôi ở với nhau tại nhà của má Hai. Hồi đó, má đã dọn nhà lên số nhà 114 Hoàng Hoa Thám. Nơi ở có rộng hơn một chút, nhà có hai phòng. Qua hè, em Ngọc và tôi về Hải Phòng còn Hồng thì về lại trường Học sinh Miền Nam lớp nhỏ.

Tôi nhớ lại năm 1967 cha tôi có gởi ra cho tôi một bức thư từ chiến trường, địa chỉ ghi hòm thư “T4 Nam Bộ”. Trong thư, cha tôi có viết một đoạn: “Ba và má con ao ước trước đây được học lên cao nữa mà không được, cũng như bao thanh niên của Miền Nam bấy giờ…”. Còn tôi, thì cho đến hôm nay mới càng thấm sự hy sinh xương máu cho độc lập của cha mẹ tôi. Họ đã chịu mọi sự thiếu thốn vật chất, luôn sống trong nguy hiểm rình rập để bảo vệ lý tưởng đã chọn là “Con đường bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc”. Các đồng đội của cha mẹ tôi và cả ông bà đã không có một phút giây phút an lành giữa những bom đạn… Còn tôi thì nay đây mai đó, hết đi nước này đến nước khác. Đa phần vì công việc, nhưng cũng có nhiều lúc vì cả gia đình đi du lịch.

*

Cuộc chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ ra Miền Bắc ngày càng ác liệt. Hải Phòng là một trong những trọng điểm bị máy bay Mỹ ném bom nhiều ở Miền Bắc hồi đó. Chúng ném bom xuống Hải Phòng làm thay đổi cả cuộc sống sinh hoạt của những học sinh Miền Nam như chúng tôi. Để tránh máy bay Mỹ, ba chị em tôi lại đi sơ tán ba nơi khác nhau.

Năm đó, Ngọc có dáng người cao, lại hát rất hay và làm thơ cũng giỏi. Ngọc ngoan hiền như con gái, thấy các bạn của em có đứa gọi em là “chị Ngọc”. Nhìn ảnh cha, tôi thấy em có xương trán, xương cằm giống hệt cha. Em đi sơ tán tận biên giới Trung Quốc là Móng Cái.

Minh Hồng càng lớn, tôi càng thấy em giống bố từ nét mặt đến ánh mắt, cằm, trán (âu cũng là cái phúc con gái giống cha giàu ba họ). Răng của Hồng mọc lộn xộn, không được đẹp, vì điều kiện khó khăn ngày đó không được chăm sóc nha khoa cho kỹ lưỡng lúc thay răng ở tuổi mới lớn. Các chị em tôi đều thiệt thòi về tình mẫu tử. Hồng phải đi sơ tán bên nước bạn Trung Quốc theo nhà trường.

Tôi lớn nhất trong nhà, lâu lâu lại về với má Hai. Một lần, tôi nghe mấy cô chú nói chuyện rằng tôi còn một em gái nữa tên là Minh Thu, đang ở với cậu Tư ở Cần Thơ. Nghe kể, em vừa sinh ra chưa đầy tháng má Hường đi tập kết bằng tàu thủy, sợ mang theo em không chịu được sóng gió, nên gởi lại cho gia đình anh ruột của má Hường tên là Tư nuôi giúp… Trong thư gởi cho tôi, nhiều lúc bố tôi cũng nhắc “Lâu nay cha không thấy có tin tức gì của em Thu cả”.

*

Cuộc đời cũng thật là, tôi từ có năm em ở nhà me Kíu với họ khác nhau cha mẹ cũng khác nhau. Sau đó, tôi lại lần lượt có thêm ba em nữa cùng cha khác mẹ, đều có tên đệm là “Minh”: Minh Ngọc, Minh Hồng và Minh Thu. Giữa năm 1975, khi chúng tôi được gặp nhau tại Sài Gòn, tôi mới biết riêng Minh Thu đã đổi lại tên đệm là Bích Thu. Đó là ngày 24 tháng 6 năm 1975 tại số nhà 14 Ngô Tùng Châu (nay đổi thành Lê Thị Riêng, Quận 1), cả tôi và Ngọc, Hồng cùng em Thu và má Hường lần đầu tiên có sự đoàn tụ.

Ấn tượng của tôi về Thu lúc ấy là một thiếu nữ dịu dàng, xinh đẹp, lễ phép. Em đang là sinh viên năm 2 của Đại học. Em cũng mang họ của ba Tư là họ Bùi. Ngắm em tôi hiểu, em được ba Tư và má Tư nuôi dưỡng trong một tình thương đầy đủ, giống như tôi đã được me Kíu thương yêu.

Khi gặp nhau tôi nói giọng Bắc hoàn toàn. Bé Đào lúc đó được gần 4 tuổi cũng theo mẹ. Hồng và Ngọc thì nói giọng nửa Nam, nửa Bắc. Tôi đã hi vọng biết bao, vì đây là lần đầu tiên có sự xum họp gia đình ruột thịt. Trong tư tưởng của tôi đây cũng là mong ước cả đời chị em được xum họp bên nhau, chị em sẻ chia, đùm bọc và sẽ cùng nhau đi tìm hài cốt của cha về… Tôi đã hi vọng nhiều, thật nhiều sau lần gặp gỡ ấy…

Nhưng rồi biến cố xảy ra và niềm hi vọng ấy trong tôi bị tắt lụi. Tôi tin trong chừng mực nào đó các em tôi cũng có những suy nghĩ như tôi. Ngày gặp lại cũng là ngày mà mỗi con người trong thành viên gia đình tự mình chọn lấy hướng đi của mình trong tương lai.

Má Hường đã chọn con đường cho riêng má là đi bước nữa. Tôi cứ hi vọng má ở vậy và làm trung tâm quy tụ con cái lại, sau bao năm ly tán vì chiến tranh và loạn lạc… Nhưng má Hường cũng còn trẻ và cần có tình cảm riêng. Gia đình chúng tôi đã dần dần cách xa nhau. Tôi đã bao hi vọng khi gặp được đủ bốn chị em, nhưng không ngờ đã gặp phải tình thế trớ trêu như vậy.

Tôi đã tự chọn cho mình con đường riêng, vì tôi là con của bố Lộc và mẹ Phụng. Thực lòng, tôi vẫn kính trọng sự can trường, chịu giữ khí tiết của má Hường khi ở trong tù Côn Đảo. Kính trọng má là người của công việc chung. Tôi cảm ơn bà đã ra Hà Nội, đi tìm tôi và đổi họ cho tôi.

*

Còn nhớ, mùa hè 1970, tôi được tin bác Hai Phước sẽ lên đường đi B. Lúc đó máy bay Mỹ ném bom khắp nơi, đường xá đi lại rất khó khăn. Tôi không biết làm thế nào để có thể đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng để gặp được bác Hai. Hồi đó đi B cũng đồng nghĩa với việc có thể sẽ không bao giờ còn gặp lại. Lý do nữa, bác Phước và má Hai đã chia tay nhau. Tôi rất kính trọng và yêu thương bác Phước. Ngược lại, bác cũng yêu thương tôi như vậy. Tôi không muốn bác nghĩ vì tôi ở nhà má Hai, có ba mới rồi nên quên bác.

Hồi đó, tôi ra ra Hà Nội và được người ta thông báo là xe lửa không đi Hải Phòng được, vì các đường ray có nhiều đoạn đã bị máy bay Mỹ ném bom đánh phá bị hư hết, chưa khắc phục xong. Tôi đem chuyện đó nói với hai người bạn lớn tuổi hơn, cả hai đều vừa tốt nghiệp Đại học là anh Trần Thiện và anh Hoàng Lân. Hai anh đã bàn nhau và quyết định ủng hộ tôi bằng cách sẽ mượn hai chiếc xe đạp, rồi cùng nhau đạp xe trên chặng đường dài cả đi và về là hơn 200 cây số. Chúng tôi đã đi với sự hưng phấn của tuổi trẻ, không sợ gì vất vả. Và hai anh bạn đó thay phiên nhau chở tôi về Hải Phòng.

Trong túi chúng tôi lúc đó chỉ có vài đồng bạc, mà cứ đi, lúc có báo động ném bom thì tạm thời ẩn nấp. Những đoạn đường hỏng lúc đó, thì phải xuống dắt đi bộ, thậm chí còn phải vác xe đạp lên vai, gọi là “tăng bo” từng đoạn. Đã thế, hai chiếc xe đạp mượn được đều thuộc dạng “cà tàng”, dây xích thì tụt lên tụt xuống, vậy mà chúng tôi vẫn đi và vẫn hát. Anh Thiện hát rất hay, nên anh hát động viên chặng đường dài. Còn anh Lân là người yêu thời sinh viên của tôi, thì khỏi phải nói làm gì.

Giờ nghĩ lại, vẫn biết là mỗi thời mỗi khác, nhưng chắc chắn sẽ không có một ai lại nhiệt tình chở tôi bằng xe đạp đi trên hơn 200 cây số như thế nữa. Chứ đừng nói trong hoàn cảnh chiến tranh, máy bay Mỹ có thể ném bom bất ngờ, đầy nguy hiểm và rủi ro như vậy. Đúng là một tình cảm trong sáng và không vụ lợi mà chỉ có ở tuổi trẻ…

Cuối cùng, chúng tôi đã gặp được bác Hai Phước, được bác cho ăn bữa cơm và ngồi với bác được vài tiếng. Bác cứ nói sau này thống nhất bác còn sống trở về nhất định bác con ta sẽ gặp lại. Bác dặn đi dặn lại: Con nhớ thương yêu em Hoài Nam, bác Hai sẽ về đi tìm em Hoài Phong anh của Nam cũng đang ở chỗ ba Tư trước khi tập kết. Không ngờ buổi gặp chia tay đó là buổi gặp mặt cuối cùng với bác, vì bác ra đi mãi mãi tại chiến trường biên giới Campuchia.

Tôi biết ơn hai người bạn lúc đó đã giúp đỡ tôi được gặp bác lần cuối cùng trong đời. Trong nhà ngoài tôi ra còn Ngọc, Nam, Phong không có ai được gặp bác vào giây phút ấy.

Bác có nói với tôi câu mà tôi nhớ mãi: “Con nói với má Hai cho Bác gởi lời chào. Chúc má Hai hạnh phúc. Con nhớ nói với má: Bác lên đường sẽ trở lại quê hương”…

Không hiểu sao với cái tính gà tồ ruột để ngoài da, vậy mà lúc quay lại tại Hà Nội, gặp má Hai, tôi chỉ bảo:

- Thưa má, con vừa ở chỗ bác Phước mới về.

Bà hơi ngạc nhiên, nên hỏi lại:

- Vậy hả? Con đi lúc nào? Đi bằng cái gì?

Tôi trả lời:

- Con đi bằng xe đạp. Các bạn chở đi…

Tôi đã không thể nói được lời nhắn của bác Hai Phước cho Bà. Có lẽ tôi cũng đã lớn, và trong nhà đã có bác Hai Tiên. Đây là chuyện tế nhị và nhạy cảm của người lớn. Khi trả lời các câu hỏi của má Hai xong, tôi chỉ nghe bà nói một mình: “Vậy là đã đi rồi..”.

Bây giờ, tôi đi đâu một bước là xe ôtô, một bước là máy bay. Lâu lâu tôi được gặp lại các anh Trần Thiện và anh Hoàng Lân, Chúng tôi ngồi ăn bữa cơm, hoặc uống trà, cà phê với nhau, ba anh em vẫn nhắc chuyến đi Hải Phòng vào năm 1970 ấy. Đến chặng đường về thì anh Hoàng Lân phải về trước vì có việc. Lai tôi ngược lại quay về từ Hải Phòng lên Hà Nội chỉ còn mình anh Thiện.

(Còn nữa)

______

Rút từ bộ sách CHUYỆN ĐỜI TÔI ngàn trang khổ lớn, do Đặng Vương Hưng chủ biên, dự kiến sẽ xuất bản quý II năm 2022. Ai có tự truyện muốn tham gia, hoặc đăng ký đọc sách, xin để lại tin nhắn và số điện thoại.

Theo Trái tim người lính