Tuy vậy, chúng tôi vẫn là những đứa trẻ, nên vẫn nghịch ngợm theo kiểu của con trẻ. Mặc dù nhà trường cho ăn uống rất đầy đủ, chúng tôi vẫn lén đem khoai tây sống về phòng gọt sạch vỏ, đặt lên lò sưởi cho cháy héo rồi ăn. Hoặc là ra đồng hái những lá cỏ có vị chua, đem về rửa sạch, rồi đi ra bãi rác nhặt những lọ mứt vứt đi đem về muối các lá thành dưa chua, phải đem giấu vào trong giầy ủng để ở nhà để giầy. Lâu lâu, thấy cô giáo Tiệp Khắc, hoặc bảo mẫu phân đoàn đi khám vệ sinh giầy và bị bắt. Chúng tôi bị phạt lao động, dọn vệ sinh công cộng, nhưng đứa nào cũng vui vì đó là sự ngây thơ của tuổi trẻ.
Mùa thu đến là mùa thu hoạch táo, bắp cải, khoai tây. Chúng tôi lại được đưa đi nông trường để tham gia tập lao động. Mỗi lần như vậy, chúng tôi rất vui, vì buổi tối được đốt lửa trại, nhảy múa quanh lửa trại tập thể. Các anh chị lớn lại biểu diễn văn nghệ, được tự nướng khoai tây, có khi còn được nướng cả xúc xích.
Trò trẻ con lại được bày ra. Lợi dụng những bộ quần áo chúng tôi mặc, nếu mùa thu thì hơi dầy phần bụng và ống quần có dây thun, nếu mùa hè thì mặc quần đùi, phần ống có dây thun thắt lại, thế là những nơi có dây thun đó được chúng tôi dấu những quả táo, quả lê, hái trộm hoặc hoa hướng dương để ăn hạt. Có nhiều lần cũng bị các nông trường viên đuổi bắt và bị phạt, nhưng chúng tôi vẫn không chừa được những trò nghịch ngợm trẻ thơ đó.
Tôi và các bạn lớn lên rất nhanh. Nhớ ngày mới tới, lạ nhà làm tôi sợ phát khóc. Chị Liễu đã đưa tôi vào phòng vệ sinh hướng dẫn chi tiết từng thứ một cách sử dụng ra sao. Chúng tôi đa phần nói với nhau bằng tiếng Tiệp. Thời gian học ở đây, Trường Thiếu nhi Quốc tế có rất nhiều đoàn đặc biệt đến thăm, Như Thủ tướng Tiệp Khắc, bác Tôn Đức Thắng, bà Hà Thị Xuyên, bà Thục Viên, Đại sứ Việt Nam tại Tiệp Khắc...
Nhưng có một đoàn rất đặc biệt, mà chúng tôi nhớ nhất. Đó là vào năm 1957, đoàn của Bác Hồ đã đến thăm chúng tôi. Đi cùng Bác đến thăm trường còn có cả Chủ tịch nước Tiệp Khắc. Các anh chị lớn trong trường tập múa hát, cả múa sạp để biểu diễn chào mừng Bác Hồ. Đây là một ký ức đặc biệt của tuổi thơ tôi.
Tôi còn nhớ, trong đoàn có một chú mặc quần áo đại cán bốn túi của sĩ quan quân đội, hỏi anh Dũng là Trưởng đoàn, phụ trách trực tiếp của tôi: “Có cháu Minh Vân ở đây không”? Anh Dũng gọi tôi ra. Chú đi trong đoàn với Bác Hồ cẩn trọng hỏi tôi: “Cháu tên gì?”. Tôi trả lời, rồi chú lại hỏi: “Bố cháu tên gì?”. Tôi trả lời là “ bố Lộc”. Tôi còn nhớ chú xoa đầu tôi, rồi đưa cho tôi một gói quà bé tí bằng nửa bàn tay. Chú bóc ra cho xem, trong đó có một cái kéo cắt giấy, một bấm móng tay, bốn con cá vàng màu khác nhau. Tôi nhớ những còn cá ấy khi cho vào nước chúng sẽ nổi và chìm khác nhau. Kèm trong gói quà, còn có một bức thư cũng chỉ nhỏ bằng ba ngón tay, tôi còn nhớ nội dung thư rất ngắn: “Bố Lộc yêu con nhiều và nhớ con gái Minh Vân của Bố lắm đấy! Bố hôn con thật nhiều”.
Chú chuyển quà nói với tôi:
- Chú và cha cháu làm ăn buôn bán chung với nhau. Biết chú qua đây, cha cháu đã nhờ gởi quà cho cháu. Chú mong cháu cố gắng học cho giỏi, để mau mau về còn gặp cha.
Cuộc vui vẫn tiếp tục, Bác Hồ phát kẹo, các anh chị biểu diễn múa hát cho Bác và các thành viên trong đoàn xem. Sau những tiết mục văn nghệ, khi nói chuyện với chúng tôi, Bác Hồ dạy những điều thiếu nhi phải làm. Bác còn dặn nhớ kính trọng các thầy cô giáo và đoàn kết với các bạn Quốc tế…
Trước lúc đoàn ra về, Bác Hồ đã cho tất cả chúng tôi được chụp ảnh với Bác. Thấy tôi thấp nhỏ, bẽn lẽn đứng xa, chú bạn của bố tôi đã chạy lại bế tôi lại và nhấc bổng lên đưa ngay vào lòng Bác Hồ. Bức ảnh đó hơn 30 năm sau này, tôi được nhận lại từ tay của bác Nguyễn Văn Linh. Đó là một câu chuyện cảm động, mà tôi sẽ kể ở phần sau… Khi bản thảo cuốn sách này hoàn thành, cần mời họa sĩ thiết kế bìa, Nhà văn Đặng Vương Hưng đã gợi ý cho tôi sử dụng bức ảnh vô giá nêu trên để đưa vào bìa sách.
Một lần khác, Trường chúng tôi còn được đón đoàn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến thăm. Sau này, tôi được nghe kể lại từ má Hai là Đại tướng tỏ vẻ không hài lòng và không vui khi thấy lũ học sinh chúng tôi đa phần nói tiếng Tiệp với nhau hoặc nói nửa Việt nửa Tiệp trong lúc trò chuyện.
Cũng sau này, tôi mới được biết, tất cả chúng tôi lúc đó đều là con em của các vị có những chức vụ khác nhau, hoạt động ở mọi ngành nghề cũng khác nhau, nhưng đều giữ những chúc vụ cao cấp và quan trọng ở trong Đảng. Do đang có chiến tranh, hai Miền Nam Bắc chia cắt nên Bác Hồ gởi ra nước ngoài học tập, đào tạo làm nguồn nhân lực tương lai.
Cùng thời gian mà tôi nhận được quà của cha ở bên Tiệp Khắc, sau này tìm hiểu và khớp thời gian, thì được biết cha tôi cũng vừa vượt ngục Phú Lợi ra, sức khỏe rất yếu, đang ở Nam Vang chữa bệnh. Xứ ủy Nam Bộ đã tiến hành kiểm tra, xác minh vụ vượt ngục của cha là do tổ chức và bản lĩnh vượt ngục thành công? Hay là địch có tham gia vào bố trí cho cha vượt ngục hay không? Nghe nói vụ kiểm điểm đó và chữa trị ho lao cho cha tôi kéo dài đến 6 tháng. Cha tôi đuợc làm rõ cuộc vượt ngục là do ông tự tổ chức và thành công ngoài sự mong đợi. Sau đó, cha tôi được cấp trên bố trí vào công việc quan trọng hơn.
Mùa Thu 1958, chúng tôi được chọn đi tham gia đóng bộ phim có tên “Lá cờ đen” ở Miền Nam nước Tiệp Khắc vùng Bratislava. Đó là một phim kể về một người lính Lê Dương gốc Tiệp đi lính cho Pháp, rồi bị Việt Minh bắt làm tù binh. Nhờ được giác ngộ, người lính Lê Dương này đã yêu một cô du kích Việt Minh. Diễn viên đóng cô du kích lúc đó là một chị sinh viên Việt Nam đang theo học ở Tiệp. Tôi cùng các bạn được chọn đóng vai quần chúng, chạy loạn trong chiến tranh khi giặc Pháp càn quét vào làng. Tôi nghe kể lại bộ phim sau đấy có giải cao.
Bratislava là vùng du lịch nổi tiếng của Tiệp Khắc. Một lần chúng tôi còn được đi tham quan và leo núi. Khi tắm suối tại đây, tôi bị một vật gì đó ở dưới suối cứa vào gân gót chân bên trái, máu chảy ra rất nhiều. Các anh chị lớn đã cõng tôi chạy, đưa đi cấp cứu kịp thời, để bác sĩ khâu phần gân đã đứt lại. Đến hôm nay, tôi vẫn cảm nhận được tình thương yêu sâu sắc ấy từ mọi người.
Tôi không hề biết rằng, lúc tôi đang sung sướng với tuổi thơ ở trường Thiếu nhi Quốc tế tại Tiệp Khắc, thì ở trong nước, tại căn cứ kháng chiến tại Miền Nam, cha tôi đang bị bệnh ho lao rất nặng vì di chứng của các cuộc tra tấn ở trong tù.
Một ngày, tôi nhận được thư của me Kíu, trong thư me báo cho tôi biết rằng: “Má Hường lại đi học ở Liên Xô, em Ngọc vẫn học ở trường Thiếu nhi Miền Nam. Gia đình ta có nhiều sự cố, khi con về sẽ biết”. Đọc thư của me tôi có cảm giác bà đang rất buồn. Nhưng trong thư của bà lúc nào cũng có câu: “Con ráng ngoan giỏi, khi cha biết tin, cha sẽ vui và me sẽ càng yên tâm về con hơn. Me yêu con nhiều”.
Tôi đâu có ngờ, có những tiếng lóng bà báo cho tôi: Má Hường của tôi lại lên đường đi B vào Miền Nam chiến đấu. Còn bà thì bị quy vào là “thành phần bóc lột tư sản”, bánh kẹo, toàn bộ tài sàn bị tịch thu trong chốc lát, nhà của thì bị tịch thu…
Khi về, tôi được nghe kể lại cửa hàng Tùng Hiên ở Hàng Ngang, Tùng Hiên 71 và Tùng Hiên 79 Hàng Đường đều bị đưa vào hợp doanh. Me Kíu từ vị trí bà chủ, phải làm công nhân bốc vác… ngay ở cơ sở cũ của mình. Bác Cầu cũng vậy.
Me Kíu vẫn im lặng không nói. Bà là cơ sở của tình báo trực tiếp của cha tôi. Bà từng nuôi dưỡng biết bao người họat động bí mật, trong đó có ông Sao Đỏ (tức Nguyễn Lương Bằng), người sau này là Phó Chủ Tịch nước. Bà không nói là đã nuôi dưỡng các con những người đồng chí của bà. Ngoài ra, chính bà là người cung cấp toàn bộ tài chánh cho cơ quan tình báo Quân ủy Hội Bộ Tổng Tham mưu những ngày chống Pháp, nơi mà các nhà tình báo địa phương ra vào và được hợp thức hóa là những người đi buôn.
Về sau, tôi hỏi mẹ sao me Kíu không nói ra sự thật để tự minh oan cho mình? Me bảo nguyên tắc hoạt động nghề nghiệp không cho phép. Hơn nữa, cha tôi còn đang trong lòng địch, không nên làm phức tạp vấn đề. Nói ra có ích gì vì có ai tin mình, mà có khi lại không an toàn cho bao đồng đội khác. Tôi khâm phục sự chịu đựng của bà. Tôi cảm ơn bà vì đã tham gia vào một phần nào đó bảo vệ cha tôi và nuôi dưỡng tôi. Nhờ thế mà cha tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Và tôi mới có ngày hôm nay…
Câu nói mà khi còn ở bên nhau, ngày nào me Kíu cũng nói với tôi “Ai cũng có nỗi khổ, kể cả con sau này cũng vậy, ráng cố gắng tự làm hết mọi thứ, ráng tự lập để khi có chuyện gì xảy ra con có thể chịu đựng và vượt qua được”. Không ngờ lại ứng vào bà.
Một lần, chúng tôi được nhà trường tổ chức cho đi thăm Thủ đô Praha. Chúng tôi mặc đồng phục của trường Thiếu nhi Quốc tế xếp hàng đi tham quan các lâu đài, Dinh Chủ tịch phủ cũng là lâu đài. Chúng tôi qua các cây cầu nổi tiếng có rất nhiều họa sĩ vẽ tranh, có nhiều người kéo vĩ cầm thổi kèn quanh cầu… Tôi mê mẩn nhìn các bức tượng ở trong nhà thờ, được ngắm dòng sông Vlutava chảy ngay giữa Thủ đô… Leo lên đồi để nhìn toàn cảnh Thủ đô Praha của Tiệp tôi thấy đẹp như xứ sở của thần tiên.
Sau này, khi trưởng thành, ra làm kinh tế, tôi cũng đến nhiều nơi như Italy, Vonevo, Israen, Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc… Nhưng thành phố mà tôi ấn tượng về vẻ đẹp cổ kính và thân thương nhất vẫn là Praha. Khi thăm tòa thánh Vatican, tôi cũng nhớ lại những bức tượng ở nhà thờ lớn của Tiệp. Những bức tượng ở Ý làm tôi nhớ lại các tranh vẽ và các bức tượng ở các lâu đài của Tiệp Khắc. Sau 1975, tôi đi học ở Viện Hàn lâm Ngoại thương toàn Liên bang Xô Viết, sống tại Mockva mấy năm. Mockva to thế, vĩ đại thế, rất đẹp nhưng tôi không nhớ bằng Praha. Đôi chân đi nhiều nơi nổi tiếng trên Thế giới song những phong cảnh của Tiệp không thể nào phai nhòa trong tôi. Những gì tôi đã học ở Tiệp, tôi đều có thể sử dụng ở Liên Xô như: Thức ăn, quan hệ giữa con người với con người, các sinh hoạt, các trò chơi mùa đông, và khí hậu thay đổi 4 mùa rõ rệt tôi đều cảm thấy quen biết như ở Tiệp. Tôi phát hiện ra con người ở Liên Xô cũng nồng hậu, tình cảm cũng chân thành thẳng thắn như ở Tiệp. Thế mới biết ấn tượng tuổi thơ rất sâu đậm và sẽ đi theo ta suốt cả đời người.
Ở trường Thiếu nhi Quốc tế cứ êm đềm trôi qua. Sau này tôi nhận được đôi ba lá thư của má Hai Hạnh là chị ruột của má Hường viết, đại ý là má Hường đã đi công tác xa, má Hai sẽ thay mặt má Hường lo lắng chăm sóc cho tôi và em Ngọc. Chữ má viết rất đẹp, tôi nhớ ra má là người lâu lâu có đến thăm mẹ tôi ở Lò Sũ. Một người mập mạp trắng trẻo, đeo kính cận, rất hay cười và vui tính. Tôi nhớ lại me Kíu tôi gọi bà là “chị Hai”. Còn bà gọi me của tôi là “chị Ba”.
Trong thư bà có nói “Con sẽ là con của má Hai, khi nào con về con sẽ gọi mẹ bằng má và má sẽ là mẹ của con…”. Chỉ tiếc rằng tất cả các bức thư ấy theo thời gian tôi không còn giữ được, vì sau tất cả những đợt sơ tán, chuyển chỗ ở. Như vậy, tôi lại có thêm một bà mẹ mới, và đó là người mẹ thứ năm của tôi.
Có lần tôi khoe với chị Bích, chị Đúng và chị Liễu là tôi có nhiều mẹ. Các chị không tin, ai lại có nhiều mẹ như vậy? Vậy mà tôi có những năm bà mẹ, kể ra cũng khác người thật. Và tất cả cũng là vì chiến tranh.
Nhưng tôi cũng rất may mắn, là cả năm bà mẹ đều thương yêu tôi. Cả năm bà mẹ của tôi đều giàu lòng nhân ái để cho một đứa trẻ mồ côi như tôi bớt đi nỗi cô đơn, trống vắng. Nhưng hai bà mẹ có ảnh hưởng tới tinh thần, cuộc sống của tôi nhất, có nhiều tác động nhất kể cả vui và buồn đó là me Kíu và má Hai. Ngoài mẹ ruột của tôi, lúc nào tôi cũng bị ảnh hưởng ở hai bà mẹ này, một người Bắc một người Nam.
Khoảng cuối năm 1959, chúng tôi nhận được thông báo: “Cháu nào học dưới cấp III sẽ về nước, còn các lớp trên sẽ ở lại học tiếp”. Sau này, tôi mới biết là lúc đó ở Tiệp đang có những biến động chính trị.
Một số bạn trong đó có tôi được chuẩn bị lên tàu Liên vận trở về lại Việt Nam. Chuyến đi tàu Liên vận này, trước đây tôi đã đi qua. Chỉ có khác là giờ đây tôi đã lớn khôn hơn, biết nhiều hơn, thân xác cũng to hơn. Nên lần này về, chúng tôi cảm nhận được tình cảm của tập thể đã sống chung đã yêu thương và đùm bọc nhau như anh chị em trong một gia đình lớn. Nhiều người viết lưu bút tặng nhau, tặng đồ kỷ niệm, cùng nhau ngắm cảnh qua cửa sổ của tàu dọc suốt đường đi…
Đến ga Hàng Cỏ, tôi không thấy có me Kíu và má Hường ra đón. Mà đón tôi ở ga là má Hai Hạnh và em Ngọc. Má Hai Hạnh nói: “Con về với má, vài ngày nữa má sẽ đưa con đi thăm me Kíu của con”. Tôi về nhà của bà ở số 7 Đặng Tất. Đó là nhà tập thể của Văn phòng Phủ Chủ tịch. Tôi có thêm một em trai mới là em Hoài Nam và một chị mới là chị Thu Thủy, con gái lớn của Má Hai.
Chị Thủy thì lâu lâu mới lại, vì chị sống với ba là bác Minh - Anh hùng Quân giới Nam Bộ. Trong nhà thường có tôi, em Nam còn nhỏ đi nhà trẻ và em Ngọc ở trường học sinh Miền Nam ở Hải Phòng về. Đến ngày, má Hai chở tôi bằng xe đạp xuống Lò Sũ. Đúng như me Kíu đã kể qua thư, căn nhà bị thu hẹp lại, Mẹ tôi lúc đó đi đổi bánh mì nóng lấy bột gạo, thấy tôi me bật khóc và nói:
- Con về rồi đấy nhỉ? Bây giờ thì mẹ chẳng còn gì cho con cả.
Mẹ quay qua má Hai hỏi:
- Có tin gì của bố cái Vân không? Tôi chỉ mong bố cháu trở về bình an và về minh oan cho tôi sớm ngày nào mừng ngày đó.
Tôi thấy má Hai cũng sụt sùi nói:
- Chị Ba yên tâm, cũng đã có nhiều người báo vào tin tức bị oan của chị rồi cho anh Năm rồi.
Tôi hỏi má Hai: “Anh Năm” là ai? Má trả lời: “Đó là tên mới của bố con”.
Vậy là tôi có cuộc sống mới ở khu tập thể của nhà má Hai, ăn cơm tập thể, theo tem phiếu ở nhà ăn tập thể 90 Quán Thánh. Tem phiếu cao cấp ngày đó có mấy loaị chính: A, B và C tùy theo lương, tùy theo chức vụ. Tôi và Ngọc thay phiên nhau đưa em Nam đi nhà trẻ, đi nhận cơm ở bếp ăn tập thể. Nhà tôi ở thường có 4 người, mà cơm chỉ mua của bếp ăn có hai phần, còn lại là luộc rau hoặc nấu thêm canh, hoặc nấu thêm một chút cơm bằng bếp nhồi trấu.
Ở tập thể, tắm ở nhà tắm tập thể, cuộc sống khác hẳn nhà me Kíu của tôi trước đây. Ở nhà má Hai, tôi phát hiện ra bà rất thông minh và đang giữ nhiệm vụ tương đối cao ở cơ quan của bà. Là người cởi mở, nhưng bà rất nóng tính và chóng quên. Tính cách này, tôi bị ảnh hưởng từ bà. Bà ham đọc sách báo, giấy tờ tài liệu. Mà khi bà đọc thì có thể quên luôn là các con đã ăn cơm chưa. Tôi cũng bị lây bà cái bệnh ham đọc sách báo cho tới bây giờ, cái gì cũng đọc đến 2 - 3 giờ sáng.
Ba chị em tôi hình hài khác nhau. Tôi thì hơi mập, nói giọng Bắc, còn Ngọc thì gầy và cao da ngăm ngăm đen nói giọng nửa Bắc nửa Nam. Em Hoài Nam thì da trắng, giống má Hai. Em rất nhõng nhẽo vì má cũng rất chiều em khi em còn dưới 6 tuổi và em cũng nói tiếng Bắc.
Thỉnh thoảng tôi với em Ngọc cũng đi tàu điện xuống thăm me Kíu. Những hôm như vậy me vui lắm. Má Hai thường gởi chúng tôi đưa cho mẹ ít tem phiếu, lúc thì mua đậu phụ, lúc thì vài lạng thịt, lúc thì ít tem đường. Tôi nghe me Kíu bảo: “Má Hai của con vừa làm lớn, vừa tốt bụng quá.”
Lúc nào tôi xuống, me Kíu cũng mua bún cho tôi ăn một bát, vì bà biết tôi thích ăn bún. Có những hôm bà đi xích lô với tôi đi thăm cô Thìn ở khu tập thể bờ sông. Lần nào thấy tôi là cô Thìn cũng nói: “Kìa cái Vân!”.
Đến một ngày, má Hai gọi tôi lại má bảo: “Con sắp vào trường học sinh Miền Nam ở Hải Phòng. Con sẽ ở tập thể với các bạn Miền Nam đi tập kết ra Bắc. Còn lưu ý là có bạn thì có gia đình ngoài này, còn đa phần các bạn không có ba má ngoài này, mà đều ở rất xa…”.
Má Hai còn nói thẳng với tôi: “Ba của con không phải đi học ở Liên Xô mà đi công tác đặc biệt. Còn má Hường của con là đi B, vào lại Miền Nam chiến đấu. Chú Minh Vân cũng đi công tác đặc biệt, bị lộ nên bị tụi nó bắt đang bị nhốt trong tù…”.
Bà đã không giấu tôi như me Kíu đã giấu và căn dặn kỹ càng. Có thể vì hoàn cảnh lúc đó cho phép nói ra. Cũng có thể do bà có địa vị gowin99 và chỗ bà ở toàn là những người ở Phủ Thủ tướng... hoặc ở các Bộ khác nhau, đa phần toàn là nói chuyện Nhà nước và nói chuyện chính trị và Đảng. Và lại, tôi cũng đã lớn, không còn quá trẻ con nữa.
Nhiều năm sau này, lòng tôi luôn tràn ngập những kỷ niệm về Thủ đô Hà Nội. Nơi cha mẹ tôi cưới nhau, nơi tôi được sinh ra, lớn lên, lấy chồng rồi sinh con đầu lòng ở đó. Nơi mà tôi đã chứng kiến bao biến động của lịch sử. Cũng là nơi tôi thoát chết trong trận bom B52 ở phố Khâm Thiên. Tôi thân thiết đến từng con đường. Nơi tôi từng nhặt hoa sữa, hoa phượng, hoa gạo, hoa lộc vừng và cả búp đa, từng cùng bạn bè đập trái bàng chín ăn hạt bên trong. Chính nơi đây, tôi có mối tình thơ ấu thủa học đại học và cũng là nơi tôi nhận được tin Cha tôi hy sinh từ chiến trường báo ra…
(Còn nữa)
______
Rút từ bộ sách CHUYỆN ĐỜI TÔI ngàn trang khổ lớn, do Đặng Vương Hưng chủ biên, dự kiến sẽ xuất bản quý II năm 2022. Ai có tự truyện muốn tham gia, hoặc đăng ký đọc sách, xin để lại tin nhắn và số điện thoại.
Theo Trái tim người lính