Thông thường ngày 29 hoặc 30 mới gói, luộc đến tối là có bánh để trưng ban thờ cúng Tất Niên.
Nguyên liệu thì đơn giản nhưng ăn thì rất ngon. Nguyên liệu gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và gia vị vừa đủ. Gạo nếp phải là nếp cái hoa vàng mới ngon. Đỗ xanh là loại hạt nhỏ kìa. Thịt lợn là thịt ba chỉ có nạc mỡ vừa đủ. Gạo nếp được vo kỹ, rồi xóc muối vừa ăn. Đỗ xanh xay vỡ đôi, đãi vỏ đồ cách thủy chín rồi nắm thành từng cục bằng nắm tay trẻ con, thịt lợn xắt miếng bằng bàn tay trẻ con ướp muối hoặc nước mắm, tiêu. Đỗ xanh và thịt dùng làm nhân bánh. Tất nhiên không thể thiếu lá Dong, lạt Giang gói buộc bánh được mua từ trước. (Bố tôi nói gói bánh chưng phải buộc lạt giang vặn mới chặt, bánh mới ngon).
Tùy theo cái bánh to, nhỏ mà đổ bát gạo nếp trước lên lá, bỏ nhân bánh rồi đổ tiếp bát nữa phủ lên gói lại cho khéo để nhân không tràn ra.
Bánh phải gói chặt tay, vuông vức mới đẹp. Luộc bánh khá lâu đấy, ngày ấy chưa có đồng hồ thì thắp vài tuần hương canh thời gian, giờ tôi cũng không nhớ mấy tuần hương nữa. Bánh luộc kỹ rền, ăn ngon, để được lâu.
Bố tôi gói không cần khuôn mà cái bánh rất vuông vức, chặt tay. Bao giờ ông Cụ cũng gói thêm mấy cái nhỏ để cho chúng tôi ăn ngay đêm đó khi vớt bánh.
Gió mùa Đông Bắc mưa phùn rất lạnh, cả nhà xúm và sưởi ấm cái bếp củi gộc, nồi bánh to tướng đúng là vui như tết đấy!
Bánh khi được rồi vớt ra để ép cho nó ráo nước và dẽ mới ngon. Bánh chưng lên ban thờ, để trong chạn, ăn từ ngày mùng một đến rằm tháng riêng có khi mới hết ấy. Có nhà ăn khỏe ra giêng còn gói lần nữa ấy chứ.
Chúng tôi đi chơi tết đói bụng là về lấy ăn, thích lắm, bây giờ cứ nhớ mãi ấy!
Bố tôi gói bánh chưng tết khi Ông Cụ 93 tuổi, năm sau Cụ nói năm nay tay tao yếu gói cái bánh không chặt ăn không ngon nên thôi, thế rồi không bao giờ chúng tôi còn được ăn bánh Bố gói nữa!
Theo Chuyện làng quê