Trong những lần lái xe đưa bọn Tây đoan đi bắt thuế, anh đã chứng kiến cảnh nhân dân ta nghèo khổ cùng quẫn vì sưu cao, thuế nặng, đúng như cảnh chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố. Nhưng rồi anh chỉ biết uất ức mà không biết làm gì.
Được Việt Minh giác ngộ, anh tham gia các hoạt động cách mạng bí mật trước khởi nghĩa. Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, anh đã hăng hái tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội, nhờ vậy được tuyển về lái xe cho Báo Cờ Giải phóng, nhiều khi lái xe cho đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng ta.
Trong những ngày vận mệnh chính quyền cách mạng ở thế ngàn cân treo sợi tóc, với bao khó khăn, Phạm Văn Nền không hề nao núng, dao động, trung thành và tận tụy với công việc. Lòng trung thành và những phẩm chất cao quí của người lái xe 36 tuổi ấy đã được đoàn thể đánh giá cao. Mặc dù vậy, nhưng khi được đồng chí Trường Chinh giới thiệu về lái xe cho Bác Hồ vào lúc cách mạng nước ta đang ở vào thời kỳ căng thẳng nhất do bầu không khí chiến tranh giặc Pháp gây ra ở Hà Nội, anh vẫn không khỏi ngạc nhiên và bồi hồi. Bởi, anh nghĩ mình đã làm việc cho chế độ cũ, được Cách mạng giải phóng và trả lại quyền sống, quyền làm việc, cống hiến cho đất nước đã là điều ngoài sức tưởng tượng, chứ anh đâu có dám mơ ước được tuyển chọn để chịu trách nhiệm rất nặng nề trước Tổ quốc và nhân dân, trước sự nghiệp cách mạng của chúng ta bảo vệ cuộc sống và hoạt động của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Vậy mà điều anh không dám nghĩ, dám mơ tới ấy lại đã thành hiện thực.
Hôm đầu tiên nhận công tác, bước vào phòng ở của Bác ở Bắc Bộ Phủ, anh sợ sệt, không dám đi lại, cứ ngồi im một chỗ. Nhìn căn phòng Bác ở, anh vô cùng sửng sốt. Là Chủ tịch Nước sao các thứ Bác dùng đều mộc mạc, đơn sơ, giản dị, chỉ có một chiếc bàn làm việc bằng gỗ mộc, mấy chiếc ghế lim mặt đan bằng nan mây, mắt hình lục lăng... Đang mải mê ngắm nhìn nơi ở và làm việc của Bác, anh không để ý đến tiếng mở cửa thông ra phòng bên. Chỉ khi nghe tiếng bước nhè nhẹ đến gần, anh mới giật mình quay lại. Bác đã đến gần. Anh vội đứng dậy. Bằng một cái khoát tay nhẹ, Bác ra hiệu cho anh cứ ngồi tự nhiên, rồi Người tự kéo ghế ngồi đối diện.
Trước khi đến đây, anh Nền đã chuẩn bị sẵn và học thuộc lòng những điều sẽ thưa với Bác, chủ yếu là sẽ hứa với Bác bằng bất cứ giá nào, dù khó khăn gian khổ đến đâu, dù có phải hy sinh thân mình, anh cũng hoàn thành nhiệm vụ vinh quang mà đoàn thể giao cho.
Nhưng giờ đây, anh luống cuống, hai tay đan vào nhau, bồi hồi xúc động không biết bắt đầu ra sao. Đang lúc lúng túng, may sao Bác đã chủ động lên tiếng, hỏi:
- Chú Nền làm ở chỗ chú Trường Chinh phải không?
- Thưa Bác, vâng ạ!
- Giờ chú vào đây nhận công tác nhé.
- Vâng ạ!
- Để giữ bí mật, Bác đặt tên cho chú là chú Ngọc. Chú thấy thế nào?
- Dạ thưa Bác, được Bác đặt tên cho còn gì hạnh phúc bằng đâu ạ.
- Công việc cụ thể, chú Bằng (Nguyễn Lương Bằng - sau làm Phó Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) sẽ bàn bạc và giao nhiệm vụ cho chú. Sẽ rất khó khăn, gian khổ, chú phải cố gắng.
Anh Nền chăm chú lắng nhe, như uống từng lời của Bác căn dặn. Bỗng Bác vừa cười, vừa hỏi:
- Trước, chú lái xe đi bắt rượu lậu, thế chú có uống rượu không?
Anh Nền ngượng đỏ mặt, trả lời:
- Dạ, cũng có uống ạ.
- Uống cả những lúc chuẩn bị lên xe chứ?
- Dạ, cũng có uống ạ. Nhưng...
- Nhưng giờ thì thôi, có phải thế không? Thế là tốt!
Nói rồi, Bác chậm rãi giảng giải:
- Ngày xưa, tụi thực dân cấm dân ta nấu rượu là để nó độc quyền sản xuất và bán rượu, khuyến khích người ta uống rượu. Uống rượu nhiều là có hại cho sức khỏe và gây nên nhiều chuyện phiền phức. Nhất là người lái xe, uống rượu trước khi lên xe là rất nguy hiểm, cho nên luật lệ giao thông ở nước nào cũng nghiêm cấm người lái xe uống rượu và nghiệm rượu.
Nghe lời khuyên bảo nhẹ nhàng của Bác, anh Nền thấm mãi. Anh thầm hứa với Bác sẽ không bao giờ uống rượu nữa./.
(Theo sách Bảo vệ Bác Hồ, Nxb Nghệ Tĩnh, 1990, tác giả Nguyễn Minh San)