Anh nở nụ cười thật tươi, thật đôn hậu, một nụ cười dễ mến ít thấy trong cuộc sống bon chen này, rồi phát ra một câu đặc sệt Nghệ ngữ:
- Gư chà!
Rồi lại cười. Tôi nghĩ, vị này hồi trẻ chắc gái “chết” như rệp đây, bèn hỏi:
- Anh hỏi ai ạ?
“ Ầy", vị khách đáp. Tôi hỏi lại, to hơn. Anh lại cười, chỉ vào đôi tai mình:
- Tui bị điếc, anh ạ, ai hỏi phải viết vào giấy tôi mới biết!.
Anh ngồi xuống bàn, lôi trong tay nài ra một đống bản thảo, rồi nói:
- Nghe nhà văn Đặng Vương Hưng giới thiệu, Sự kiện và nhân chứng hay đăng những kỷ niệm của người lính trong chiến tranh, tui bắt tàu từ Vinh ra đây đưa anh mấy chuyện ni, xem có đăng được không. Năm 2006, cuốn nhật ký “Trời xanh không biên giới" do anh Hưng biên tập, đã được NXB Công an nhân dân xuất bản. Đây, biếu anh một cuốn.
Thì ra đây là thương binh nặng Đặng Sỹ Ngọc tôi từng nghe tên.
Đặng Sỹ Ngọc quê ở vùng rừng núi huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh. Bố mất sớm, nhà nghèo, một mình mẹ tần tảo nuôi con nên lên 9 tuổi, Ngọc mới được đi học. Học giỏi, năm 1966 được lên thẳng cấp 3, nhưng hồi đó chiến tranh ngày một ác liệt nên anh xung phong nhập ngũ. Chính quyền không cho vì con trai độc nhất, lại chưa đủ tuổi, phải đến lá đơn thứ ba anh ký bằng máu của mình, thêm chữ ký của mẹ, anh mới được lên đường.
Biên chế vào vào tiểu đoàn 9, E90 (có biệt dánh là trung đoàn Cửu Long) của sư đoàn bộ binh 324. Chiến đấu tại Gio Linh, Cam Lộ, Quảng Trị. Cùng du kích địa phương chặn đánh địch nhiều trận từ Đông Hà, Ái tử ra đồn Cồn Tiên càn quét. Tháng 11 năm 1967, Đặng Sỹ Ngọc được kết nạp vào Đảng, trong một trận chiến đấu ác liệt tại thôn Hà Thượng. Sau đó anh bị thương ở cánh tay trái, phải chuyển ra Bắc điều trị. Khi vết thương tạm ổn, anh được quân lực bổ sung vào tiểu đoàn 15, trung đoàn pháo phòng không 284, năm 1968 sang Lào, năm 1972 quay về Mặt trận Quảng Trị. Bị thương không biết bao nhiêu lần, cho đến trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị ngày 20-7-1972 mới loại anh khỏi cuộc đời quân ngũ: Gãy 2 chân, một tay; phải mổ bụng, khâu gan, nối ruột; bị sức ép toàn thân, hai tai điếc đặc... Anh mất sức chiến đấu 81%, được đưa về an dưỡng tại trại thương binh nặng Nghệ An, có chế độ người phục vụ suốt đời...
Khỏi phải nói những tháng ngày cơ cực, buồn bã trên giường bệnh của chàng trai còn đầy khát vọng Đặng Sỹ Ngọc. Nhưng với ý chí và nghị lực và sự ham đọc từ nhỏ, anh đến với sách báo, rồi viết về đồng đội, về những năm tháng chiến đấu. Nhớ gì viết nấy, trung thực và hồn nhiên, chiến thắng và mất mát, hy sinh, những tấm gương dũng cảm và cả những kẻ hèn nhát...
Rồi tình yêu đến. Vợ anh người cùng làng, là chiến sĩ Trường Sơn từ năm 1972. Sinh 7 lần, 4 lần sảy, chỉ nuôi được 3. Những năm tháng nuôi con trong thời kỳ bao cấp hằn sâu trong ký ức của anh. Lương của vợ và trợ cấp của anh không đủ nuôi 6 miệng ăn (hai vợ chồng, ba đứa con và mẹ già). Đói nghèo đến xót xa, anh xin trại an dưỡng về nhà sống với gia đình ở phường Hưng Dũng, Tp Vinh để nuôi gà, chăn lợn, nhận bóc lạc... Vẫn không đủ sống, anh đành theo một người bạn thương binh mất hai chân buôn lạc trên chuyến tàu Vinh- Hà Nội. Nhiều lúc anh nghĩ, mình làm thế này là đánh mất một phần phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nhưng không có cách nào khác. Có điều, tuyệt đối không buôn hàng quốc cấm, không gây gổ với công an, với quản lý thị trường. Mỗi lúc trở trời, nhiều đêm mưa rét, vết thương cũ tái phát vô cùng đau đớn, anh vẫn đi, bởi anh nghĩ, không thể để cho con cái nghèo hèn được.
Đất nước mở cửa, cuộc sống khá hơn, ba đứa con anh đều tốt nghiệp đại học, con trai là sĩ quan làm ở Bộ QP, 2 con gái là cán bộ ngân hàng. Thế nhưng, người ta vẫn thấy anh hằng ngày làm “anh xe ôm vui tính”, bởi khách bảo gì anh cũng cười, gật rồi nổ máy, trả tiền bao nhiêu cũng được. Anh bảo, làm xe ôm cũng là lao động, vừa vui vừa có tiền. Số tiền đó anh không dùng đến mà bỏ ống tiết kiệm để có kinh phí đi tìm hài cốt đồng đội ở Quảng Trị và trợ giúp bà con Vũ Quang quê nhà mùa mưa bão...
Tôi cảm động giở các trang bản thảo của Đặng Sỹ Ngọc. Anh viết rõ ràng, chân phương, và tôi biết để có những con chữ đó, đêm đêm anh phải đánh vật với nó như thế nào. Văn của anh hồn hậu, chân phương, trung thực...chỉ cần sửa vài lỗi chính tả là đăng báo được.
Tôi chuyển công tác, rồi về hưu, không còn được biên tập bài của anh. Nhưng tôi biết anh vẫn viết. Viết say sưa về cuộc đời mình, về chiến trận, về đồng đội yêu quý đăng trên các báo, nhiều nhất ở FB “Trái tim người lính”. Anh mới nhắn tin cho tôi, cho biết rằng đã viết xong 3 hồi ký, đang chờ điều kiện là xuất bản.
Tôi đã đọc “Chuyện một người chân chính” của nhà văn Bôris Pôlêvôi. Tôi nghĩ, Việt Nam đã có những Alếchxây Mêretxép như CCB Đặng Sỹ Ngọc, như CCB Phạm Hào Quang ( Quang Hào Phạm), chỉ chưa có những cây bút như B.Pôlêvôi!
Trái tim người lính