Một chiều mùa hè năm 1980, tôi đèo con trai 4 tuổi bằng xe đạp từ doanh trại khu điều dưỡng thương binh về nhà. Dọc đường, sợ con ngồi ghế ngủ gật, tôi hô các phần tử bắn của cối 60mm để con trai thích chí cùng hò theo: "Độ âm không! Độ tà không! Độ hướng 30 không! Cấp tập! Bắn!...". Cùng lúc, một chiếc xe Honda đi ngược chiều lướt qua chừng mươi mét. Người lái xe cua vòng quay lại, đến ngang tầm xe đạp của bố con tôi, cất tiếng hỏi: "Ngọc phải không?".
Tôi phanh xe lại, linh cảm đó là Dung, bởi giọng nói êm ấm dù đã xa nhau 13 năm. Tôi hỏi lại: "Anh Dung à?".
Anh dừng xe bên lề đường rồi nhanh chóng chạy lại đỡ con trai tôi xuống. Anh ôm chầm lấy tôi. Cả hai chúng tôi xúc động rưng rưng làm nhiều người đi đường chú ý. Con trai thấy vậy đưa tay cầm vào thắt lưng tôi, gọi: "Bố! Bố!"... Dung thả tôi ra nói tiếp: "Nghe Ngọc hô độ âm, độ hướng là tôi nhận ra ngay".
Vậy là hình ảnh của tiểu đội chiến sĩ mới năm xưa ùa về trong chúng tôi. Ngày ấy (tháng 8-1966), tiểu đội có 10 người. Tiểu đội trưởng, tiểu đội phó là cán bộ khung (hai anh cùng ở xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), còn 8 anh em chúng tôi, gồm: Ngọc, Dung, Khôi, Tuyển, Thược, Tuyên, Chính và Lê Nại đều 18 tuổi từ huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, nhập ngũ vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 48, huấn luyện ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Tiểu đội được phân công hai khẩu đại liên, mỗi khẩu 4 thùng đạn rỗng. Sau một tháng, cả 8 thùng đều lắp đầy đủ đạn. Tôi và Dung được phân công vác càng. Ngày nào cũng vui vẻ, rộn ràng nhưng căng thẳng, vất vả. Khổ nhất là những lúc báo động, vác càng chạy qua các bãi cát, núi đồi, đồng ruộng... thở hơi ra cả hai tai, mồ hôi đầm đìa. Dung to cao hơn cả nên anh thường vượt lên phía trước, có khi còn quay lại hỗ trợ tôi.
Huấn luyện khẩn trương, đến cuối tháng thứ hai, chúng tôi đã được bắn đạn thật, ném lựu đạn thật. Đêm báo động, ngày báo động, đang ăn cơm cũng báo động. Không kể những tình huống của cán bộ tham mưu đặt ra, mà đã có nhiều tình huống của địch như: Chúng dùng ca nô, xuồng máy hoặc thủy phi cơ lén vào bờ, thả biệt kích trong cả những đêm mưa rét. Chúng tôi báo động có ngày 3-4 lần. Các núi Cùm, núi Trộn dọc bờ biển huyện Cẩm Xuyên được chúng tôi đào hào, làm nhiều hầm hố, sẵn sàng chiến đấu. Hết tháng thứ ba, cả đơn vị báo động tập hành quân xa. Chúng tôi rời huyện Cẩm Xuyên. Mỗi ngày hành quân 30km, có ngày 40km dọc dãy Trường Sơn, qua sông, qua núi, qua các làng xã hết đất tỉnh Quảng Bình. Kể sao hết sự gian khổ của những ngày hành quân này. Đến miền Tây huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi được giao về Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 90, Sư đoàn 324. Vào đơn vị mới, tôi được giữ khẩu AK, Khôi nhận thượng liên, còn Dung ở tổ cối 60mm.
Chúng tôi bí mật vượt đầu nguồn sông Bến Hải vào các làng của xã Gio An làm hầm, giữ chốt. Rồi đêm đêm luồn rừng, gùi ba lô vận tải đạn dược, lương thực từ hướng Bắc vào giấu ở các hầm dưới lòng đất, chuẩn bị cho những trận đánh lâu dài. Tại xã Gio An, tôi được gặp những du kích kiên cường, gan dạ. Các cô gái còn rất trẻ như cô Diệp, cô Lễ... bất kể bom đạn ngày đêm, cái chết luôn rình rập từng giờ vẫn vui vẻ đưa đón bộ đội. Hai cô gái trẻ này đã dẫn tôi cùng tổ bắn tỉa vượt làng An Hướng vào gần đồn Cồn Tiên để tiêu diệt địch.
Những trận chiến đấu với quân địch diễn ra liên tiếp khiến Thược hy sinh, Lê Nại bị thương phải ra Bắc. Cô Lễ du kích cũng hy sinh tại ngã ba làng Gia Bình. Trực thăng địch liên tục đổ quân, rồi bắt đầu mò ra càn quét. Cả mặt trận bước vào những trận chiến ác liệt. Một lần, Tuyển lên cài mìn định hướng ở gần ngã ba làng Gia Bình. Tuyển chờ địch đến gần mới giật cho mìn nổ. Chẳng rõ địch chết bao nhiêu nhưng Tuyển đã hy sinh bởi những mảnh mìn thổi lại. Chúng tôi lại xuất kích lên làng Hảo Sơn ủng hộ đơn vị bạn. Trong trận này, Tuyên và Chính bị thương phải ra Bắc. Còn tôi với Khôi và Dung trở thành lính cũ. Đơn vị lại tiếp tục nhận chiến sĩ mới.
Ngày 24-11-1967, đại đội tôi còn 24 tay súng nhận nhiệm vụ vận tải đạn cối 82mm cho đơn vị bạn chuẩn bị tập kích vào bãi pháo của địch ở Quán Ngang. Khi gần hoàn thành nhiệm vụ thì bị địch phát hiện. Địch tổ chức bao vây, máy 2W của chúng tôi không hoạt động được vì chúng gây nhiễu. Trời lại mưa phùn, gió bấc. Chúng tôi phải quyết tâm chiến đấu đến cùng. Khoảng một giờ đầu, địch đã thiệt hại nặng nề, phải lùi ra rồi gọi pháo, bom nện chúng tôi dữ dội. Lúc này, chi bộ còn 4 đảng viên, tôi được gọi lên hầm chỉ huy để tổ chức kết nạp Đảng. Trong hầm có cờ Đảng áp vào vách đất. Sau khi nghe đọc quyết định, tôi giơ tay hứa suốt đời phấn đấu hy sinh vì Đảng, vì dân. Hai bên hầm có hai khẩu cối 60mm. Tôi còn nghe rõ tiếng Dung hô: “Độ âm... độ tà... độ hướng... cấp tập... bắn!”. Địch cậy thế có lực lượng đông hơn, chúng lại tiếp tục mò lên, đơn vị được lệnh mở đường máu tìm hướng rút ra ngoài. Khi qua bãi cỏ tranh của làng Trung Sơn, tôi bị địch bắn trúng ngang cánh tay trái. Máu ra nhiều, tôi bị choáng nằm lịm bên những ngôi mộ của người dân địa phương. Sau đó không rõ ai đã chuyển tôi tới bến Than, đầu nguồn sông Bến Hải và được lực lượng bờ Bắc chuyển tới Đội điều trị 48 của Quân khu 4. Từ đó, tôi xa đơn vị.
Sáu tháng sau, đang ở Đoàn An điều dưỡng 200, tôi tưởng sẽ phải phục viên về quê khi Tổ quốc chưa hết bóng giặc thù thì được tiếp nhận về làm pháo thủ ở Đại đội 10, Tiểu đoàn 15, Trung đoàn 284. Giữa năm 1968, chúng tôi được lệnh sang Lào bảo vệ tuyến vận tải chiến lược 559 phía Tây Trường Sơn tại Lằng Khằng. Tôi được gặp lại Tuyên. Rất đỗi vui mừng, anh kể với tôi, sau trận ở Hảo Sơn, Gio An, anh bị thương rồi về Đoàn An điều dưỡng 200. Tạm ổn định vết thương, anh được đơn vị công binh nhận về phân công phụ trách trung đội mở đường ống cho xăng chảy vào mặt trận. Gặp nhau ở nước bạn, đang đánh địch, chúng tôi lại phải chia tay trong lưu luyến.
Đầu năm 1972, đơn vị cao xạ của tôi đã có mặt tại Quảng Trị, cùng các quân, binh chủng hợp đồng tấn công quyết tâm giải phóng tỉnh này. Trong một trận đánh lớn ở Thành cổ, 4 giờ ngày 20-7-1972, tôi bị thương nặng phải rời đơn vị.
Đến ngày thống nhất non sông, tôi đã phải điều trị ở rất nhiều bệnh viện, trải qua nhiều đơn vị an điều dưỡng ở các tỉnh phía Bắc. Khi các vết thương của tôi liền sẹo, tôi được về Khu điều dưỡng thương binh nặng Nghệ Tĩnh. Ở gần quê, tôi lấy vợ, rồi sinh con. Gặp lại anh Dung, tôi rất vui mừng. Anh kể cho tôi nghe, sau khi tôi được kết nạp Đảng, anh bị địch bắt làm tù binh, bị tra tấn dã man rồi đưa ra đảo Phú Quốc hành hạ. Đầu năm 1973, anh được trao trả theo Hiệp định Paris. Anh Dung cũng đã gặp lại Khôi lúc đang là Thượng tá, phụ trách Huyện đội trưởng Huyện đội Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh). Tôi rủ anh đi tìm những đồng đội còn lại. Khi đến gia đình Tuyên, chúng tôi biết anh đã hy sinh ở Lào năm 1971. Đến nhà Chính, các con anh cho biết: “Bố mẹ cháu sinh được 3 anh em, rồi bố mẹ cháu lần lượt qua đời”. Còn Lê Nại chuyển ngành làm công nhân và sống tại miền Tây Nghệ An. Hai chúng tôi quyết tâm tìm gặp Nại và thật mừng là anh vẫn vui vẻ, mạnh khỏe, hồn nhiên như những ngày mới vào bộ đội.
Vậy là tiểu đội huấn luyện chiến sĩ mới ngày ấy của chúng tôi đã có 4 đồng đội qua đời, trong đó 3 người là liệt sĩ. Cả 4 người còn lại đều là thương binh, trong đó có một thương binh nặng.
Theo Trái Tim Người Lính