Ngày ấy là thời gian nửa cuối năm 1971. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang vào giai đoạn ác liệt trên cả hai miền Nam, Bắc.
Miền Bắc thì nhiều nơi, kể cả thành thị, nông thôn thường bị máy bay Mỹ ngày đêm dội bom, bắn đạn rốc két. Đó là cuộc chiến tranh phá hoại nhằm ngăn cản hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Miền Nam thì từng đoàn quân được rèn luyện khoảng thời gian sáu tháng, sau rút ngắn xuống còn ba đến bốn tháng cả về sức khỏe và yếu lĩnh sử dụng vũ khí, trang bị trên thao trường.
Khẩu hiệu thời đó: "CÀNG ĐỔ MỒ HÔI TRÊN THAO TRƯỜNG, CÀNG BỚT ĐỔ MÁU NGOÀI CHIẾN TRƯỜNG"!
Các đơn vị bộ đội khi đó không có doanh trại mà đưa quân về ở nhờ các địa phương các vùng nông thôn, ăn uống tại bếp tập thể do quân nhu đảm nhiệm, còn ngủ, nghỉ thì tại nhà dân. Mặc dù khi đó đa số nhân dân nhà cửa thấp bé, chật chội, nhưng mỗi gia đình cũng cố dành ra nơi ở cho từ 2 đến 3 chú bộ đội. Nhà chị nghèo, căn nhà trên nhỏ bé 4 gian tường đất, phên che, mái rạ. Bố mẹ chị chỉ có mỗi mình chị là cô con gái duy nhất. Bố chị mất sớm khi chị chưa đầy mười tuổi. Mẹ chị ở vậy nuôi con. Mẹ con dựa dẫm, đùm bọc lấy nhau, rau cháo sống cuộc đời nghèo túng. Chị cũng được bố, mẹ cho ăn học hết cấp hai. Vất vả vì cuộc sống mưu sinh, chị lại có nước da bánh mật nên không "có sắc cho lắm"!
Anh cùng một chiến sỹ trong Tiểu đội được phân công ở nhà mẹ con chị. Tuy thời gian ngắn, nhưng họ xem ra cũng có tình cảm với nhau. Nhưng cuộc đời người lính, chuẩn bị hành trang ra chiến trường, nên chuyện yêu đương hầu như bị gác lại. Cuộc kháng chiến ác liệt, không đoán trước điều gì, nên nhiều đôi nam, nữ không dám hẹn ước. Việc xưng hô của các chiến sỹ với bà mẹ thân mật như mẹ - con. Còn chị đối với họ thì dùng xưng hô, quan hệ anh - em cho thân tình.
Chị và anh có tình cảm với nhau trong hoàn cảnh như vậy. Vừa gần gũi, vừa phải tạo ra khoảng cách, cho nên mọi người không biết được họ đã thầm yêu nhau.
Ngày ấy do yêu cầu giữ bí mật, nên hầu như chỉ biết các anh bộ đội đến đóng quân, chứ các anh ấy không nói quê quán, mà người dân cũng không phép được tò mò.
Trước ngày lên đường ra trận, sau khi đã hoàn thành công việc huấn luyện, bộ đội thường được về thăm quê mấy ngày, sau đó lại trở lại đơn vị để chuẩn bị hành trang ra trận.
Chẳng hiểu lý do gì, anh về quê chỉ có ba ngày, xong lại quay về đơn vị ngay, trong khi những người khác về quê hẳn một tuần. Anh lên ở luôn trong nhà chị mấy ngày liền, cùng ăn uống, sinh hoạt với mẹ con chị.
Quân tập trung lại sau hai ngày thì toàn đơn vị anh hành quân vào Nam chiến đấu. Họ bịn rịn chia tay nhau, không hẹn ngày trở lại.
Cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt. Năm 1972 bao nhiêu cán bộ, chiến sỹ ta đã anh dũng hy sinh tại chiến trường. Còn đơn vị anh cũng chiến đấu ở vùng chiến sự ác liệt, miền Trung Nam bộ. Nhiều người đã hy sinh, nhiều người bị thương, bị nhiễm chất độc hóa học.
Thời đó thông tin liên lạc, thư từ, giao liên yếu kém, lạc hậu nên họ không có tin tức gì cho nhau.
Anh vào chiến trường chỉ mấy ngày đầu đã bị thương, bị sức ép của đạn pháo làm anh thành người ngớ ngẩn, mất trí nhớ. Anh được Quân y tiền phương chữa chạy một thời gian, vết thương đã lành, nhưng thần kinh bất ổn, anh chẳng nói, chẳng rằng cứ ngồi lầm rầm một mình và rất sợ chỗ ồn ào đông người. Sau khi đưa anh ra trạm điều dưỡng ngoài miền Trung Bắc bộ, một thời gian sau, anh được giải quyết chế độ thương tật, được trở về quê với gia đình.
Anh tuyệt nhiên quên hẳn chị và mối tình chớp nhoáng, ngắn ngủi nơi anh đã đóng quân. Cũng tại chiến tranh làm anh như thế, chứ có phải anh cố tình đâu.
Về phần chị, sau cuộc tình, việc yêu chớp nhoáng đó, chị có thai. Thời ấy gái chưa chồng mà chửa cũng khổ với sự dèm phe, dè bỉu của người đời. Nhất là chị không khai ra chuyện đã trao thân cho anh mấy ngày anh lên phép trước. Mà anh chắc gì đã biết là anh đã làm cho chị có chửa. Sự tình cứ thế trôi đi theo thời gian. Được mẹ thông cảm, đùm bọc, chị sinh ra cháu gái cũng kháu kỉnh, khỏe mạnh. Bà cháu, mẹ con đùm bọc nuôi nhau. Chỉ mỗi tội lời ra tiếng vào, con chị là con hoang. Cháu gái khi đó lại không biết bố là ai, mẹ và bà vẫn cố tình giữ kín!
Khi cháu đi học cũng chịu thân phận tủi hờn, bị bạn bè dèm pha, trêu chọc!
Thời đó là như vậy!
Biết làm sao được!
Thương cho cháu bé phải cam chịu, cứ lầm lũi cả lúc ở trường, lẫn khi về nhà.
Thời gian thấm thoát trôi đi, mọi thứ rồi cũng nguôi ngoai, trở lại bình thường.
Bỗng nhiên năm đó vào mùa Xuân năm 1985 có đơn vị bộ đội về lấy quân ở quê chị. Một anh cán bộ tuyển quân về nhận quân, anh này trước cũng đã từng đóng quân ở địa phương thời đó. Tình cờ nghe chuyện anh ta mới nhớ ra, anh ta đã ở đơn vị cùng với anh. Anh cán bộ tuyển quân cùng huyện với anh chiến sỹ kia. Anh cán bộ cũng nghe nói láng máng anh chiến sỹ ấy may mắn vẫn còn sống, bị sức ép trong chiến tranh, được giải quyết chính sách, hiện đang sống ở quê. Anh cán bộ nhiệt tình tìm cách liên lạc với đồng đội, xác minh chính xác về anh chiến sỹ kia.
Thế là thời gian sau, anh các bộ bố trí thời gian cùng bạn chiến đấu đã chuyển ngành về tận gia đình anh chiến sỹ, hiện là thương binh đón anh và gia đình đến thăm mẹ con, bà cháu chị.
Sau thời gian rời quân ngũ về quê hưởng chính sách thương tật, do thần kinh còn bất ổn nên anh mãi chẳng chịu lấy vợ, mà cứ lầm lũi, sống độc thân cùng bố mẹ. Cả họ cứ giục anh lấy vợ, nhưng anh cứ lầm lũi chẳng nói, chẳng rằng.
Khi hai đồng đội đưa anh cùng đại diện gia đình đến thăm ba bà cháu, mẹ con. Họ tay bắt mặt mừng, còn anh và chị chỉ nhìn nhau. Sau một hồi hai người ôm chầm lấy nhau. Chị nước mắt chứa chan. Cháu bé đi học vắng nhà, khi về được giới thiệu rõ ràng, cháu sà ngay vào lòng anh. Bố con quấn quýt lấy nhau.
Cuộc gặp ấy, anh được chị xin phép hai bên gia đình, được sự đồng tình của hai người đồng đội giữ luôn anh ở lại với ba bà cháu, mẹ con chị.
Nghe nói sau đó hai bên gia đình cùng anh chị ra chính quyền hai địa phương làm giấy đăng ký kết hôn cho họ và tổ chức mấy chục mâm cơm để mừng và chứng nhận hạnh phúc của họ. Mặc dù khi đó kinh tế cả hai gia đình anh chị cũng đang còn túng thiếu.
Nhưng:
- Việc nào ra việc ấy! - Bố mẹ anh và mẹ chị tâm sự!
Cháu gái, khỏi phải nói khi tìm được bố đẻ, cháu vui mừng, quấn quýt với bố không rời. Cứ đi đâu về nó lại sà vào lòng bố, nói chuyện rủ rỉ với bố. Ban đầu bố nó còn lơ ngơ, ngọng nghịu, nhưng dần dà anh thay đổi, tâm tính tốt hẳn lên, vui vẻ hẳn ra, không còn lầm lũi như trước.
Một thời gian sau anh chị xin phép hai bên gia đình nội ngoại cho anh ở hẳn bên nhà chị.
Từ khi gặp chị, gặp con, bệnh tình anh giảm hẳn. Sau đó hơn một năm họ lại có thêm với nhau một cậu con trai. Có chị, có em, chị em nó quấn quýt lấy nhau.
Về sau này, khi anh có chị, có con động viên, giúp đỡ, tâm sự, bệnh tình anh thuyên giảm khá nhiều, anh đã trở lại gần như bình thường.
Dù muộn và trắc trở nhưng anh chị đã có một gia đình êm ấm, hạnh phúc bố mẹ, con cái quây quần, đùm bọc nhau.
Hiện nay anh chị đã thành ông bà nội, ngoại với bốn đứa cháu trai, gái đủ cả. Các cháu ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ.
Đặc biệt mừng vui hơn cho anh chị là họ đã có một chắt ngoại sắp ra đời!
Tôi vui mừng khi nghe được thông tin ấy và viết câu chuyện kể lại cuộc tình của người lính có cái kết đẹp, mặc dù họ phải trải qua cuộc chiến tranh đầy đau thương và mất mát!
Trái tim người lính