Thời bao cấp khó khăn, khoai sắn thay cơm. Tuổi thơ lầm lũi, bắt ốc mò cua để kiếm cái ăn hằng ngày. Được trời cho nhan sắc, dù khó khăn thiếu thốn nhưng Sim cứ tròn trịa mơn mởn như đóa hoa rừng mỗi ngày phô hương sắc với cặp mắt nai, đôi mày cong vút. Má lúm đồng tiền như xoáy nước làm bao kẻ đắm đuối si tình. Nhưng Sim đã chọn Phú, đúng như mong đợi của gia đình cô.
Phú là con trai một, anh còn ba cô em gái. Hai gia đình đi lại đã mấy năm, đang tính chuyện cho hai đứa về chung nhà. Nhưng Sim còn đỏng đảnh chưa muốn lấy chồng. Cô nói muốn ở nhà giúp bố mẹ vài năm nữa vì các em còn nhỏ.
Phú và Sim là những Đoàn viên tích cực trong các hoạt động của Đoàn xã hồi đó. Sim hát hay múa dẻo lại xinh đẹp duyên dáng. Đội văn nghệ diễn ở đâu cứ có Sim là nổi đình đám, bà con nhiệt liệt ủng hộ.
Lúc bấy giờ chiến trường Miền Nam đang cam go ác liệt. Rồi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Tất cả sức người sức của tập trung chi viện cho tiền tuyến đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Từng đợt, từng đợt thanh niên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của non sông. Trước tình hình đó, gia đình bàn bạc để tổ chức hôn lễ cho Phú và Sim.
Một đám cưới đơn giản nhưng đầy đủ lễ nghi để Sim theo chàng về dinh.
Vừa hết tuần trăng mật thì Phú lên đường nhập ngũ. Đêm chia tay, Sim khóc rấm rứt không muốn xa chồng. Phú phải lựa lời an ủi vợ, nhưng lòng anh cũng cháy bỏng nỗi nhớ thương khi người vợ trẻ chưa kịp bén hơi chồng, từ nay phải chịu cảnh cô đơn lẻ bóng mỗi ngày.
Phú đi được vài tuần Sim bỗng thấy thèm chua, ngửi mùi cá thì nôn ọe. Bố mẹ vô cùng mừng rỡ khi biết sắp có cháu nội. Cả hai nhà có miếng gì ngon cũng để phần Sim bồi bổ cho cháu.
Phú tập trung huấn luyện xong lên đường ngay để chi viện cho chiến trường miền Nam đánh giặc. Sim ở nhà sớm tối có hai bên gia đình nội ngoại ở gần chạy đi chạy lại nên cũng bớt cô quạnh. Đủ tháng đủ ngày, Sim khai hoa nở nhụy. Một thằng cu kháu khỉnh chào đời. Tuy mới sinh nhưng đã thừa hưởng nhiều nét của cha. Cả hai nhà bận rộn chăm sóc con cháu, vất vả nhưng rất vui. Con lớn chút Sim theo học khóa Sư phạm cấp tốc (vì khi đó thiếu giáo viên) rồi về dạy gần nhà.
Phú cùng đồng đội chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên. Giữa mùa khô năm đó, hôm ấy một tiểu đội đi trinh sát nắm tình hình địch trước khi vào trận.Không may, trúng phục kích của địch. Cả tiểu đội kiên cường chống trả. Hai đồng chí hi sinh. Mấy đồng chí bị thương. Phú cũng bị thương. Anh nghiến răng đứng dậy, nhưng cái chân không làm chủ được nữa. Anh ngã và lăn xuống vực bất tỉnh.
Chẳng biết anh nằm đó bao lâu. Cho đến lúc có hai cha con già làng người dân tộc đi rừng hái thuốc về bắt gặp.Họ đã sơ cứu và đưa anh về nhà chăm sóc.
Mấy ngày sau Phú tỉnh dậy nhưng anh không nhớ gì cả. Không biết tại sao mình lại ở đây. Thậm chí tên mình là gì? Anh cũng không nhớ được.
Nhờ thuốc lá rừng và những món ăn dân dã của đồng bào mà Phú dần khỏe lại.Giọng nói anh đã rõ ràng hơn. Nhưng vẫn chả nhớ gì cả. Giấy tờ tùy thân không có. Anh không biết mình từ đâu đến đây. Chỉ mang máng bản thân là bộ đội, còn ở đơn vị nào thì anh chịu.
Ngày qua tháng lại Phú sinh sống làm ăn ở đây. Gia đình ân nhân thấy anh hiền lành tử tế. Già làng gả con gái cho, hai vợ chồng sống yên ấm, hạnh phúc.
Năm sau HLang sinh được đứa con gái mũm mĩm như trái nho rừng Tây Nguyên, rất dễ thương. Phú yêu con, yêu mảnh đất Tây Nguyên này, nhưng lòng anh còn canh cánh bao điều trăn trở.
Ở quê nhà, Sim cùng gia đình vẫn đau đáu chờ tin của Phú. Ông hàng xóm có chiếc radio chạy pin.Tối nào bố chồng cô cũng sang nghe nhờ tin tức ở chiến trường: Ta thắng nhiều trận lớn. Quân địch bị tiêu diệt. Nhưng tin tức về đứa con trai ông vẫn mịt mù tăm cá.
Rồi một ngày đầu đông, gia đình nhận được giấy báo tử Phú.Anh hy sinh ở mặt trận phía Nam. Hi vọng cuối cùng trong mắt Sim tan như bong bóng xà phòng. Sim khóc ròng rã cả tháng trời, đến nỗi đi không nổi nữa. Thằng cu Sơn đã đi học lớp một trường làng. Nó là chỗ dựa duy nhất để Sim bám víu trong lúc này.
Tấm ảnh chụp vội trước ngày nhập ngũ được dùng làm ảnh thờ. Mỗi tối Sim lại nhìn tấm ảnh trò chuyện với vong linh của Phú.
Thời gian trôi đi. Nỗi đau nào rồi cũng phải nguôi ngoai. Sim đã mạnh mẽ trở lại, đảm đang công việc nhà nông và quán xuyến gia đình, nuôi con khôn lớn. Có mấy đám đánh tiếng muốn cùng Sim đi tiếp đoạn đời còn lại. Bố mẹ chồng cũng động viên Sim bước tiếp. Ông bà hứa sẽ nuôi cu Sơn để mẹ nó theo chồng. Nhưng Sim chỉ lắc đầu....
Năm tháng trôi đi, tóc trên đầu Sim đã có nhiều sợi bạc. Cu Sơn bé con ngày nào, nay đã đi học nghề và ra trường xin được việc làm ở xưởng cơ khí của nhà nước. Ông bà nội đã về cõi Phật.
Hai cụ đã đem theo cả niềm tự hào về Phú và gia đình Liệt sĩ về với Tổ tiên. Sim bằng lòng với cuộc sống hiện tại, chỉ mong con trai lấy vợ để có cháu bế bồng hủ hỉ.
******
Đùng một cái, Phú trở về, dắt theo cô con gái cũng đã lớn.
Phú xuất hiện trước mặt Sim tựa hồ trên trời rơi xuống. Sim há hốc mồm suýt ngất:
- Anh là người hay là ma?
Phú nói: Anh đây! Phú của Sim làng Vạn ngày xưa đây!
Sim phải bám lấy cây cột mới không bị té khụy.
Đến khi hoàn hồn, Sim ôm lấy Phú mà khóc, mà đấm anh thùm thụp:
- Anh ở đâu? Đi đâu bằng ấy năm trời? Ai cũng nghĩ anh chết rồi?
- Chuyện dài lắm, từ từ rồi anh sẽ kể tường tận em nghe.
Phú lau nước mắt cho Sim, để cho cô trấn tĩnh trở lại.
Sau giây phút trùng phùng bất ngờ đó, niềm vui vỡ òa trong ngôi nhà nhỏ của Sim. Thằng Sơn đi làm về, Sim phải giải thích mãi con mới hiểu. Nhưng nó cũng không vồ vập, vì khi Phú đi lính cu cậu còn chưa ra đời, đâu có tí kỉ niệm gì về cha để mà nhớ chứ.
Chuyện Phú còn sống trở về lan rộng. Chính quyền đến xác nhận. Làng xóm đến chia vui.
Thì ra chuyện của Phú cũng thật éo le. Anh đã kể lại toàn bộ câu chuyện trong thời gian lưu lạc ở Tây Nguyên cho mọi người nghe....
Cách đây mấy năm, người vợ sau của Phú lâm bệnh qua đời. Hai người chỉ có một cô con gái. Ông bà nhạc cũng chỉ có mình HLang. Khi ông bà mất đi để lại cho vợ chồng anh toàn bộ đất đai gia sản.
Một lần lên rẫy Phú bị trượt chân ngã, lăn mấy chục vòng đến chỗ gốc cây mới mắc lại được. Đầu va vào gốc cây. Sau cú ngã đó, Phú dần dần nhớ lại tất cả. Nay anh đã thu xếp được và dẫn con gái về quê với gia đình.
Tất cả là do chiến tranh. Không ai là người có lỗi. Phú vẫn trọn tình với Sim. Khi nhắc đến, Sim chỉ khóc mặc dù Phú đã về.Chắc Sim xót xa cho tuổi xuân trôi qua vò võ bao nhiêu năm trời.
Sau khi hồi phục trí nhớ, Phú tìm đến đơn vị cũ xin giấy tờ xác nhận và giám định thương tật. Anh bị lép một bên phổi do sức ép và chấn thương đầu. Phú được cấp thẻ thương binh. Anh được nhà nước tri ân và có chế độ phụ cấp hàng tháng.
Một thời gian sau, Phú vào Tây Nguyên giải quyết công việc gia đình trong đó. Anh bán nhượng lại toàn bộ đất vườn nương rẫy cho anh em họ hàng bên vợ. Ngôi nhà, chỉ là nhà tạm, anh cho luôn đứa cháu bên cạnh. Gom vốn liếng về dưỡng già và làm của hồi môn cho con gái.
Xong công việc, Phú trở về quê hương sống nốt phần đời còn lại bên cạnh Sim, người vợ kết tóc mà anh đã xa cách biền biệt cả một thời son trẻ.
Cuộc sống gia đình êm ấm. Giờ đây có tuổi rồi ông Phú chủ yếu ở nhà trông nom nhà cửa. Bà Sim làm cô giáo làng đã nghỉ hưu. Cu Sơn ngày nào còn bé tí mà từ khi có vợ con cũng thêm phần chững chạc quyết đoán trong công việc. Ông bà đã được cậy nhờ. Vợ chồng Sơn sinh đôi được hai thằng cu giống nhau như hai giọt nước và rất dễ thương. Cô gái Tây Nguyên đã gả chồng ngoài quê bố. Lớp trẻ bây giờ bắt nhịp sống rất nhanh. Ông bà cũng mừng thầm cho các con.
Mấy hôm nay thời tiết giao mùa ẩm ương, lúc mưa lúc nắng. Vết thương trên người ông lại dở chứng, đau nhức cả đêm không ngủ được. Bà ngồi bên xoa bóp cho chồng dịu cơn đau.
Vài hôm nữa đến ngày 27/7, chiều nay xã đã gửi giấy mời ông và các đồng chí thương bệnh binh, gia đình chính sách dự lễ mít tinh kỷ niệm tại nhà gowin99 xã. Để tri ân những người có công với đất nước. Buổi lễ sẽ rất vui và cảm động. Ông trào nước mắt nhớ về những năm tháng hào hùng đã trôi qua. Thế hệ các ông đã xả thân vì nền độc lập của dân tộc. Để đất nước ta có được như ngày nay. Bao thế hệ cha ông ta đã đổ máu hi sinh vì hồn thiêng sông núi.
Nghĩ lại những ngày tháng trong quá khứ, ông thấy lòng mình thanh thản. Chợt đứa cháu nội lên tiếng:
- Chào ông, con vừa đi học về!
Ông giật mình quay lại, ôm cháu vào lòng. Buổi chiều buông trên quê hương xóm Núi thanh bình mà ông đã cả đời gắn bó.
Chuyện Làng Quê