Kỳ 31.
CHƯƠNG III.
HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH
I.
Thời gian đã vào cuối mùa thu năm 1407, gió đã bắt đầu se lạnh, cây cối ngã màu vàng nhạt và trút lá vàng rơi lả tả trong không gian. Vùng Mô Độ (Yên Mô, Ninh Bình) đồi núi cao thấp nhấp nhô lặng im phủ đầy sương trắng. Sương phủ bạt ngàn xuống dinh cơ của hào trưởng Trần Triệu Cơ. Ruộng vườn chen đồi núi mênh mông. Khu nhà ở lợp ngói xây gạch sang trọng cổ xưa vươn đà đao đầu rồng phượng lên bầu trời màu xám chen giữa cây cau cao vút, cây mít, rặng tre đung đưa theo gió.
Trong gian nhà ngói ba gian to rộng nhất của khu trang viên, gian giữa kê bàn thờ gia tiên họ Trần, có nhiều bàn cao thấp từ trong ra ngoài, các bàn thờ màu gụ, sơn son thếp vàng, trên đặt nhiều bát hương màu sứ trắng vẽ rồng phượng uốn quanh màu xanh vàng. Các bát hương đã đầy tàn hương. Trên bàn thờ trong cùng đặt các tay ngai, bài vị sơn son thếp vàng và đặt các lư hương bằng đồng màu vàng óng ánh. Quanh bàn thờ treo hoành phi câu đối sơn đen, chữ Hán màu vàng lung linh.
Gian giữa bên ngoài cạnh dưới bàn thờ đặt một chiếc bàn gỗ lim hình chữ nhật màu gụ, hai bên đặt hai chiếc tràng kỷ khảm trai khắc hoa lá lóng lánh. Bàn ghế rộng nhưng sáng nay chủ nhân của điền trang là hào trưởng Trần Triệu Cơ đang ngồi một mình uống trà sau bữa ăn sáng. Trần Triệu Cơ vừa uống nước nhâm nhi vừa suy nghĩ về thời cuộc, thời cuộc cay đắng tan nát làm ông thấy vị chè không ngon như ông uống thường ngày.
Vậy là tháng 5 năm 1407, cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, cha con Hồ Quý Ly chạy đến Kỳ Anh, Hà Tĩnh thì bị quân Minh bắt được đưa về Trung Quốc, không rõ sống chết ra sao, nước Đại Việt đã mất vào tay quân Minh. Quân Minh giết chóc dân Việt vô cùng tàn bạo, lấy thịt rán mỡ, lấy ruột quấn vào các gốc cây, bắt những người tài giỏi về Kim Lăng làm nô lệ, hoạn thiến đàn ông Việt để tiêu diệt nòi giống, đốt và cướp sách vở, tàn phá hủy diệt nền văn hóa, mặt nạ “Phù Trần diệt Hồ” đã rơi xuống, lộ rõ bộ mặt tàn bạo lang sói với dân Việt vô tội.
Trần Triệu Cơ uống cạn ly chè và đặt ly xuống thở dài. Trong thời từ Bắc Thuộc đến nay, khi dân tộc đứng trước nguy cơ diệt vong thì các đại hào trưởng các đời phải đứng ra dương ngọn cờ cứu nước. Vì vậy ta cũng phải đứng ra dương cờ khởi nghĩa. Nhưng bắt đầu từ đâu, tìm ai để tôn lên làm hoàng đế, con cháu tôn thất nhà Trần nay có còn ai không, tìm họ ở đâu để tôn phò mà hiệu triệu thiên hạ? Chợt có người gia nhân vào cắt đứt dòng suy nghĩ của Trần Triệu Cơ:
-Dạ, thưa chủ nhân có một vị khách muốn vào gặp.
-Cho vào ngay.
-Dạ, Tuân lệnh chủ nhân.
Vài khắc sau, gia nhân dẫn người khách vào. Trần Triệu Cơ nhìn người đó khoảng 30 tuổi, cao tầm thước, dáng người nho nhã. Nhìn ra thì đó là Giản Định Vương, Trần Triệu Cơ vội vã đứng dậy chắp tay cúi chào:
-Kính chào Giản Định Vương, cơn gió lành nào đưa ngài tới đây vậy?
Giản Định Vương chắp tay:
-Đã lâu rồi không có dịp ghé thăm trang trại của ngài. Đại nhân vẫn khỏe mạnh đấy chứ.
-Đa tạ, đa tạ, xin kính mời Giản Định Vương ngồi.
-Đa tạ, đa tạ.
-Bay đâu.
-Dạ.
-Rót nước mời Giản Định Vương.
-Dạ.
-Còn nữa, chuẩn bị rượu để ta nâng chén với Giản Định Vương.
-Dạ. Tuân lệnh chủ nhân.
Sau mấy lượt trà thì hai người cùng ăn cơm uống rượu, sau đó lại uống trà và đàm đạo. Trần Triệu Cơ biết Giản Định Vương tên húy là Trần Ngỗi, con thứ của Thái Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông, là đệ của Trang Định Vương Trần Ngạc, người đã bị sát hại năm 1397, trong vụ huyết án Trần Nghệ Tông giết vua Trần Phế Đế và các đại thần mưu giết Hồ Quý Ly. Sau khi Hồ Quý Ly xác lập nhà Hồ, Giản Định Vương được phong là Nhật Nam Quận Vương. Như vậy, Giản Định Vương là hoàng tử chính cống, dòng dõi Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông. Giản Định Vương về đây là phù hợp với công việc khởi nghĩa sắp tới của Trần Triệu Cơ, đi tìm một hoàng tộc nhà Trần làm hoàng đế, làm ngọn cờ tập hợp bách tính khởi nghĩa. Nhưng không biết bụng dạ ngài ta thế nào, có muốn làm đại nghĩa hay không hay là chỉ trốn chạy sự truy lùng của giặc Minh, hay là do thám của giặc, để ta tìm hiểu xem, đại sự không thể vội vã, sẽ chết cả ba họ.
Trần Triệu Cơ uống xong chén trà, đặt ly xuống và hỏi Giản Đinh Vương:
-Quân Minh lấy được Đại Việt, đang treo bảng tìm dòng dõi nhà Trần để trao lại ngai vàng, Giản Định Vương xứng đáng sao ngài lại không ra trình diện?
Giản Đinh Vương cũng cạn ly đặt xuống bàn và thở dài:
-“Phò Trần diệt Hồ”, sau đó treo bảng chiêu dụ dòng dõi nhà Trần ra để phò tá thực ra chỉ là một sự lừa bịp. Sau khi lấy được nước Việt, chúng giết dân ta một cách tàn khốc, rán thịt lấy mỡ, lấy ruột quấn lên cây mua vui. Chúng dụ con cháu họ Trần ra là để giết hại. Cứ như vậy trong vài năm nữa, người Việt sẽ không còn nòi giống nữa, đừng nói đến chuyện sống sót mà làm nô lệ cho chúng.
Trần Triệu Cơ cũng thở dài và nói:
-Quả nhiên giặc Minh rất tàn bạo. Bây giờ Giản Định Vương định thế nào?
-Thưa đại nhân, ta định đến nơi nào có cuộc khởi nghĩa sẽ tham gia, sẽ đem quân ra trận giết giặc để thỏa chí căm thù này với quân giặc, trả thù cho những người vô tội bị chúng sát hại.
-Giản Định Vương có lòng muốn cứu nước thì quý hóa quá. Nhưng với xuất thân là hoàng tử của ngài nên làm hoàng đế và kêu gọi hào kiệt, bách tính theo về, lập một triều đình mà đánh giặc.
Giản Định Vương đáp:
-Chỉ hư danh là hoàng tử, vương này vương nọ nhưng hiện chỉ có hai bàn tay trắng, ta cũng chưa biết tính sao.
Chợt một gia nhân tay cầm một tờ giấy vào báo:
-Dạ bẩm chủ nhân, lệnh truy nã Giản Định Vương của quân Minh rải và dán khắp nơi, gia nô nhặt được một tờ đây ạ.
-Đưa ta xem.
Trần Triệu Cơ cầm tờ giấy thì đó là lệnh truy nã Giản Định Vương của Trương Phụ. Lệnh truy nã viết: “Nhà Minh sang để “Phò Trần diệt Hồ” nhưng rất ít tôn thất nhà Trần hợp tác, như các hoàng tử của Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông không cộng tác, còn bỏ trốn, như hoàng tử của ngài là Giản Định Vương. Lệnh truy nã bắt về để trị tội. Kẻ nào chứa chấp coi như tòng phạm. Chủ tướng Trương Phụ".
Trần Triệu cơ đưa tờ truy nã cho Giản Định Vương. Ngoài chữ viết thì bản truy nã còn vẽ cả hình của Giản Định Vương bằng mực đen. Giản Định Vương cầm xem và nói:
-Chúng đã bức họ Trần và dân Việt đến bước đường cùng rồi.
Đến đó Trần Triệu cơ mới biết được chính xác là Giản Định Vương đang chạy trốn thật, liền uống một ly trà và nói:
-Tại hạ có lời này không biết nói vương có nghe không?
-Trần đại nhân có gì dạy bảo?
Trần Triệu Cơ đáp:
-Không dám, không dám. Từ xưa đến nay: “Quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách”. Kẻ thất phu hạ đẳng của xã hội còn có trách nhiệm khi đất nước lâm nguy, huống chi tại hạ và vương không thể trốn tránh, làm ngơ trước nguy cơ diệt chủng, diệt vong của đất nước, của dân tộc Việt. Cho nên từ lâu, tại hạ đã có ý muốn dựng cờ khởi nghĩa, chỉ hiềm chưa tìm được ai dòng dõi nhà Trần để tôn làm minh chủ phò tá. Nay gặp vương là trời đã đem vương đến cho tại hạ, cho nghiệp lớn được khởi sự.
Nói xong Trần Triệu cơ đứng dậy, quỳ lạy và nói:
-Hoàng thượng vạn vạn tuế.
-Hoàng thượng Giản Định Đế vạn tuế.
Giản Định Vương vội vã đứng dậy, đỡ Trần Triệu Cơ lên và nói:
-Đại nhân đừng làm vậy.
Trần Triệu Cơ nói:
-Ngài không muốn làm ngọn cờ khởi nghĩa cứu nước, cứu dân sao? Trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này ngài định chạy trốn mãi sao? Thần và nghĩa quân sẽ tôn ngài làm Giản Định Đế, thiết lập vương triều Hậu Trần để huy động cả nước đánh đuổi giặc Minh. Ngài không đồng ý sao? cứ chạy trốn mãi cho đến ngày quân Minh bắt thì chết vô ích sao?
Giản Định Vương khi đó mới tỉnh ra và nói:
-Đa tạ khanh đã nghĩ tới dân, tới nước. Ta đồng ý và cùng với ái khanh khởi sự việc lớn.
-Tạ ơn hoàng thượng đã nghĩ tới dân tới nước.
Trần Triệu Cơ đứng dậy và nói:
-Ngày mai thần sẽ dựng cờ khởi nghĩa, hoàng thượng hãy ra Bố cáo thành lập nhà Hậu Trần và hoàng thượng là Giản Định Đế, huy động bách tính, hào kiệt về với triều đình đánh giặc Minh.
-Đa tạ khanh đã vì đất nước, vì dân, vì giang sơn nước Việt.
Ăn cơm chiều xong, vua tôi lại ngồi bàn việc khởi sự suốt đêm, chè cạn bao nhiêu ấm mà vẫn không thôi bàn luận.
Vậy là ngày 12 tháng 10 năm Đinh Dậu 1407, Trần Ngỗi lên ngôi hoàng đế lập ra nhà Hậu Trần, lấy đế hiệu là Giản Định Đế, niên hiệu Hưng Khánh, năm 1407 là năm Hưng Khánh thứ nhất, lấy lại quốc hiệu là Đại Việt, lấy Mô Độ, Yên Mô Ninh Bình làm thủ đô kháng chiến, phong Trần Triệu Cơ làm Thái sư. Nghe tin Giản Định Đế khởi nghĩa, trai tráng, hào kiệt khắp nơi căm thù giặc Minh tàn ác lần lượt kéo về Mô Độ tham gia khởi nghĩa giết giặc. Không gian Yên Mô Ninh Bình rộn ràng tiếng trống ngũ liên, cờ vàng bay phấp phới, ba quân gươm giáo sáng lòa ngày đêm luyện tập.
Một sáng, Giản Định Đế và Thái phó Trần Triệu Cơ đang ngồi trong hành dinh bàn việc quân cơ thì có thám mã về báo:
-Dạ bẩm hoàng thượng.
-Có việc gì nói ngay.
-Dạ, tướng giặc Trương Phụ đang đem 10 vạn quân tiến đánh Mô Độ.
Giản Định Đế hỏi Triệu Cơ:
-Thái phó xem quân ta đã được 7 vạn chưa?
-Dạ bẩm hoàng thượng, chỉ mới được 5 vạn thôi ạ. Thần cho rằng quân ta ít, chưa luyện tập được bao nhiêu. Tốt nhất ta rút quân vào Hà Tĩnh, chờ quân ta lớn mạnh mới có thể quyết chiến được.
Giản Định Đế nói:
-Khanh nói chính hợp ý ta.
(Còn nữa)
CVL