Kỳ 30.
-Tướng quân Đỗ Nhân Giám và Bùi Khắc Trang nghe lệnh.
-Có mạt tướng.
-Hai tướng quân chỉ huy 4 vạn quân bao vây và tiêu diệt quân Minh phía tây bắc bãi Màn Trù.
-Mạt tướng tuân lệnh.
-Tướng Nguyễn Công Chứng nghe lệnh.
-Có mạt tướng.
-Tướngquân chỉ huy100 thuyền chiến và 2 vạn thủy binh đánh thẳng vào cửa sông mặt chính diện cửa Màn Trù.
-Mạt tướng tuân lệnh.
-Tướng quân Hồ Đỗ, Hồ Vấn và Đỗ Nhân nghe lệnh:
-Có mạt tướng.
-Ba tướng quân cùng ta đi hậu quân đốc chiến.
-Mạt tướng tuân lệnh.
Trong khi muốn đánh quân Minh bất ngờ nhưng quân Việt lại hành quân quá lộ liễu, thuyền chiến đi kín cả mặt sông kéo dài tới 10 dặm. Trương Phụ và Mộc Thạnh đang ngồi trong hành dinh thì có thám mã về báo:
-Dạ bẩm chủ tướng, quân Việt có hai đạo bộ binh tiến theo hai bờ sông và một đạo thủy binh đang tiến đánh quân ta ở cửa Hàm Tử.
Trương Phụ hỏi:
-Ước tính cả hai đạo chúng có bao nhiêu vạn quân?
-Dạ cả hai đạo khoảng 7 đến 8 vạn quân và khoảng 100 chiến thuyền.
Trương Phụ nói:
-Chúng có 8 vạn quân, ta có 15 vạn quân, không sợ. Tướng Mộc Thạnh đâu.
-Có mạt tướng.
-Tướng quân đem 7 vạn quân mai phục tiêu diệt quân Việt ở bờ bắc.
-Mạt tướng tuân lệnh.
-Tướng quân Nguyễn Đại.
-Có mạt tướng.
-Tướng quân cùng ta đem 8 vạn quân mai phục tiêu diệt quân Việt ở bờ nam sông Hồng.
-Tuân lệnh chủ tướng.
Quân Việt hành quân còn cách Màn Trù khoảng 1 dặm thì trời đã tối. Hai bên bờ sông cây cỏ rậm rạp. Thốt nhiên, có những mũi tên lửa bắn lên trời. Quân Việt chưa hiểu chuyện gì thì hai bên bờ sông, súng hỏa mai và tên của cung nỏ bắn ra như mưa. Súng nổ loạn xạ, tên bay dày đặc, đạn súng hỏa mai tóe lửa sáng lòe. Hàng nghìn quân Việt gục xuống. Hàng vạn quân Minh từ hai bên bờ sông xông ra bắn giết. Quân Việt tiếp tục hy sinh, tự hoảng loạn nhay xuống sông mà chết đuối. Số còn lại chống cự một cách anh dũng, tuyệt vọng và cũng ngã xuống. Quân Minh còn dùng tên có lửa bắn vào chiến thuyền quân Việt. Vài chục chiến thuyền bốc cháy. Đạo thủy quân Việt cũng bị tiêu diệt. Trong đêm cửa Hàm Tử lửa súng đạn, lửa thuyền cháy sáng rực, tiếng reo hò kinh thiên động địa, Tiếng hỏa mai như pháo, tiếng gươm giáo chạm nhau chát chúa. Hàng vạn quân Việt hy sinh, hàng vạn quân Minh bỏ mạng, thây nằm ngổn ngang, máu tràn như nước. Thủy quân Việt còn lại 20 chiếc thuyền và 1 vạn quân chạy thoát theo Hồ Nguyên Trừng về Tây Đô. Sau trận Đa Bang, đặc biệt là trận Hàm Tử, quân đội nhà Hồ, cả bộ binh và thủy binh bị tiêu hao nặng, không còn lực lượng để cản lại cuộc tấn công, truy kích gắt gao của quân Minh vào Tây Đô. Đó là tháng 4 năm 1407. Quân Minh bắt được hàng chục nghìn quân Việt. Trương Phụ ra lệnh:
-Tướng Trần Húc.
-Có mạt tướng.
-Đem tù binh ra bờ sông giết hết.
-Mạt tướng tuân lệnh.
Không giao chiến nữa nhưng hàng nghìn quân Việt vẫn máu chảy đầu rơi dưới lưỡi gươm tàn bạo của quân xâm lược. An phủ sứ Bắc Giang là Nguyễn Hy Chu bị bắt, bị trói dẫn đến trước mặt Trương Phụ. Nguyễn Hy Chu quát:
-Tại sao ở Thăng Long chúng mày cướp bóc, giết dân thường, hãm hiếp phụ nữ, đem hoạn cả những đứa trẻ con? Tại sao ở Hàm Tử, chúng mày tàn sát hàng nghìn tù binh? Chúng mày “Phò Trần diệt Hồ”cái gì. Chúng mày chỉ là lũ xâm lược cướp nước tàn bạo.
Trương Phụ tức giận vì bị sỉ nhục và bị lột trần mặt nạ, vạch đúng tim đen liền quát:
-Bay đâu.
-Dạ, đem lão già này ra chém.
-Dạ, tuân lệnh.
Nguyễn Hy Chu vẫn không ngớt lời chửi rủa Trương Phụ thì đầu đã rơi xuống đất, đôi mắt của ông vẫn sáng quắc căm hờn, đôi môi vẫn mấp máy như đang chửi rủa quân xâm lược tàn bạo. Trương Phụ ra lệnh:
-Tướng Mộc Thạnh.
-Có mạt tướng.
-Tướng quân cùng 5 vạn quân ở lại giữ miền Bắc, ta cùng Lý Bân đem 10 vạn quân nhanh chóng truy kích vào Tây Đô, nếu chậm, Hồ Quý Ly tổng động viên quân Thanh-Nghệ và miền Trung, chiến sự sẽ kéo dài, bất lợi cho chúng ta.
-Mạt tướng tuân lệnh.
Ngày 24 tháng 4 năm 1407, quân Minh đánh chiếm Lỗi Giang, quân Việt không kháng cự tự tan vỡ. Ngày 29 tháng 4, quân Minh đánh cửa biển Diễn Canh, thủy quân Việt tan vỡ. Thành An Tôn bị uy hiếp nghiêm trọng, triều đình đến hồi cực kỳ nguy cấp. Hồ Quý Ly đem triều đình chạy vào Tân Bình (Hà Tĩnh). Trương Phụ cho quân đuổi gấp. Ngày 5 tháng 5 năm 1407, quân Minh đã vào cửa biển Kỳ La, huyện Kỳ Anh, hàng tướng người Việt là Nguyễn Đại bắt được Hữu tướng quốc Hồ Quý Tỳ. Ngày 11 tháng 5, quân Minh đánh vào Vĩnh Ninh, Vương Sàn Hồ bắt được Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly ở ghềnh Chẩy Chẩy, Lý Bân bắt được Hồ Nguyên Trừng ở cửa biển Kỳ La. Tháng 12 năm 1407, hàng tướng người Việt là Nguyễn Nhữ Khanh bắt được vua Hồ Hán Thương và thái tử Hồ Nhuế ở Cao Vọng Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Cuộc kháng chiến chống Minh của Đại Ngu thất bại, triều Hồ kết thúc. Đại Ngu bị quân Minh thống trị. Ngoài bắt được Thái thượng hoàng, Hoàng đế, thái tử, tả hữu tướng quốc, quân Minh còn bắt được các đại thần triều Hồ như Hồ Đỗ, Phạm Lục Tài, Nguyễn Ngạn Quang, Đoàn Bồng, Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Phi Khanh là quan Hàn lâm Viện học sĩ nhà Hồ, con rể Trần Nguyên Đán. Những quan lại đã đầu hàng quân Minh từ trước như Trần Nhật Chiêu, Nguyễn Cẩn, Đỗ Mẫn. Riêng có Hành Khiển tham tri chính sự Ngô Miễn, Trực trưởng Kiều Bửu nhảy xuống sông chết để đền nợ nước. Vợ Ngô Miễn là Nguyễn Thị cũng nhảy xuống sông tuẫn tiết theo chồng cho tròn đạo nghĩa. Quan Ngự sử đài Chính chương nhà Hồ là Nguyễn Trãi, con Nguyễn Phi Khanh đã trốn thoát sự truy lùng của nhà Minh, ẩn thân suốt 10 năm trời. Năm 1418, khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Nguyễn Trãi mới theo về dâng “Bình Ngô sách”, trở thành mưu sĩ bậc nhất của Lam Sơn, hiến kế để cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi.
Vua quan nhà Hồ bị quân Minh giải về Trung Quốc. Minh Thành Tổ giả vờ phong quan cho các đại thần và cử về các địa phương nhậm chức nhưng dọc đường ngầm ra lệnh giết hết. Riêng Hồ Nguyên Trừng, qua Trương Phụ, nhà Minh biết là người có tài chế súng thần công “Thần cơ sang pháo” đầy uy lực, muốn sử dụng tài năng để phục vụ cho quân đội nhà Minh. Hồ Nguyên Trừng đặt điều kiện với Minh Thành Tổ:
-Hoàng thượng muốn thần phục vụ cho nhà Minh thì phải tha không được giết phụ thân, chú, em và cháu của thần.
Minh Thành Tổ nói:
-Chuẩn tấu, nay tha cho Hồ Quý Ly, Hồ Quý Tỳ, Hồ Hán Thương và Hồ Nhuế nhưng tất cả phải đổi thành họ Lê và cho về cư trú ở Quảng Tây.
Hồ Nguyên Trừng quỳ hành lễ:
-Đa tạ hoàng thượng. Thần sẽ hết mình chế tạo “Thần cơ sang pháo” cho quân đội nhà Minh.
Nhờ có Hồ Nguyên Trừng, hỏa khí, trong đó có súng thần công, thuốc súng của quân đội nhà Minh tiến bộ vượt bậc. Hồ Nguyên Trừng được nhà Minh phong Tả Thị lang (Thứ trưởng) Bộ công năm 1428, năm 1446, được nhà Minh phong đến chức Thượng thư (Bộ trưởng) Bộ công, được quan nhà Minh gọi là “ Hỏa khí chi thần”. Con cháu Hồ Nguyên Trừng cũng rất giỏi về hỏa khí, kỹ thuật quân sự. Con ông là Hồ Thúc Lâm sau này cũng được triều đình nhà Minh phong Hữu Thị lang Bộ công, cháu là Hồ Thế Vinh được phong Trung thư xạ nhân tại Công bộ. Triều Minh khi tế “Thần súng” phải hiến cúng Hồ Nguyên Trừng, coi ông là một trong những ông tổ của nghề chế hỏa khí ở Trung Quốc. Hồ Nguyên Trừng không chỉ là nhà kỹ thuật quân sự tài ba mà còn là kiến trúc sư lỗi lạc. Ông là kiến trúc sư thiết kế và chỉ huy xây dựng thành nhà Hồ ở Tây Đô. Khi ông bị bắt về Kim Lăng (Nam Kinh) là lúc nhà Minh đang xây dựng Tử Cấm Thành để dời đô lên Bắc Kinh, quân Minh đã đưa ông lên Bắc Kinh và ông đã đóng góp công sức trí tuệ không nhỏ cho việc xây dựng cung điện nguy nga tráng lệ của thành này hơn chục năm. Hồ Nguyên Trừng còn là nhà văn. Với cuốn “Nam Ông mộng lục "“(Chép lại những giấc mộng của Nam Ông), gồm 31 thiên chữ Hán, Hồ Nguyên Trừng đã mở đầu cho hướng viết tự sự, hiện thực trong văn xuôi Việt Nam thế kỷ XV. Hồ Nguyên Trừng tạ thế năm 1447, thọ 72 tuổi (1374-1447), mộ phần táng tại Bắc Kinh.
(Còn nữa)
CVL