link tải gowin99 mới nhất

“Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài”: Khúc ca nơi đảo xa

Bài thơ “Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài” của nhà thơ Trần Đăng Khoa tựa như một khúc ca nơi đảo xa. Bài thơ ra đời cách đây đã gần năm mươi năm. Ngày ấy và bây giờ nơi ở của các chiến sĩ trên đảo Thuyền Chài chắc chắn đã khác.
cac-chien-si-thuoc-lu-doan-146-hai-quan-dung-nha-choi-tren-dao-thuyen-chai-nam-1978-suu-tam-1731468087.jpg
Các chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 146 hải quân dựng nhà chòi trên đảo Thuyền Chài năm 1978 (sưu tầm)

Tìm hiểu về thơ của Trần Đăng Khoa, ngoài phần nổi tiếng từng được ca ngợi là “thần đồng” được làm từ hồi những năm cuối của thập niên sáu mươi và những năm đầu của thập niên bảy mươi ở thế kỷ trước, người ta không thể không nhắc đến mảng thơ về người lính ở giai đoạn sau này, khi nhà thơ đã trưởng thành; trong đó nổi bật là những bài thơ viết về người lính ở nơi hải đảo xa xôi. Ở mảng đề tài này chúng ta có thể kể đến những tác phẩm như: “Thơ tình người lính biển”, “Lính đảo hát tình ca trên đảo”, “Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài”, “Cây bão táp trên đảo Nam Yết”, “Đoạn văn xuôi chép ở đảo Chìm”, “Hát về hòn đảo chìm”, “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” … Trong số những bài thơ kể trên, tôi nhớ mãi và rất ấn tượng về bài thơ “Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài”. Bài thơ như sau:

Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời
Đến một cái gai cũng không sống được
Sớm mở mắt, nắng lùa ngun ngút
Đêm trong lều như trôi trong mây...

Những con chim kỳ quái thấy hơi người
Mừng rỡ quá, cánh bay như bão thốc
Chỉ tiếng cánh chim bay quanh lều nghe đã căng nhức óc
Sủi tăm dưới chân sàn, bóng mập lượn vòng quanh.

Đảo tự giấu mình trong màu nước lam xanh
Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng.
Tổ quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống
Bóng chúng tôi trùm khắp đảo Thuyền Chài..
                            Đảo Thuyền Chài, 5/1978
                        (Trần Đăng Khoa, “Bên cửa sổ máy bay”, NXB Tác phẩm mới, 1985)

Đảo Thuyền Chài thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đây là một đảo chìm có chiều dài 15,8 hải lý (29,3 km), chiều rộng nhất 1,9 hải lý (3,5 km); xung quanh có thềm san hô, hai đầu thu nhỏ, giữa phình to, từ xa trông thấy đảo hiện lên với hình dáng giống một con thuyền đánh cá nên được đặt tên là đảo Thuyền Chài.

Trên đảo có ba bãi cát nhỏ, khi thủy triều xuống thì cao hơn mặt nước khoảng nửa mét, khi thủy triều lên thì ngập sâu trong nước khoảng một mét. Trước đây hải quân của ta phải dựng các chòi trên mặt biển “Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời” để canh giữ, bảo vệ phần lãnh hải của Tổ quốc. Sau này, bắt đầu từ năm 1987, chúng ta mới xây dựng được ba ngôi nhà kiên cố để thay cho những chiếc chòi bằng “lều bạt” trước đó. Có thể nói, cùng với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Thuyền Chài là một lá chắn vòng ngoài để bảo vệ sườn phía Đông, gồm các tỉnh Nam Trung bộ.

Tôi chưa ra Trường Sa nên chưa tận mắt chứng kiến nỗi gian khổ ở nơi đây. Nhưng bạn tôi có người đã ôm súng canh giữ trời biển của Tổ quốc trên quần đảo ấy mấy năm liền về kể cho nghe cuộc sống ngoài đảo khơi của bộ đội thì cũng phần nào hình dung được cái nỗi vất vả ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Chỉ tính riêng khí hậu thôi cũng đã thấy vô cùng khắc nghiệt. Trên quần đảo Trường Sa quanh năm thiếu nước ngọt (phụ thuộc vào trời mưa ít hay mưa nhiều) nhưng thừa nắng, gió, giông, bão; nhiều hòn đảo không có cây mọc, muốn trồng rau bộ đội phải mang đất từ trong đất liền ra để tăng gia sản xuất. Mẫu số chung ở Trường Sa là vậy nhưng ở trên đảo Thuyền Chài nỗi vất vả còn nhiều hơn.

Do đặc thù là đảo chìm, ở cách xa các đảo, nằm trong khu vực thường xuyên có gió lớn, sóng to và dòng chảy xiết nên ở đây tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Đấy là chưa kể nơi đảo xa xôi ấy “chưa một ngày yên ả” bởi “Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn”. Biết về đảo Thuyền Chài như thế ta sẽ hiểu hơn về cuộc sống của người chiến sĩ trên đảo Thuyền Chài; sẽ thấy tình yêu và ý thức trách nhiệm của những người chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của đất nước trong bài thơ của Trần Đăng Khoa.

Bài thơ “Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài” được nhà thơ Trần Đăng Khoa lấy cảm hứng từ chuyến công tác tại bãi Thuyền Chài vào năm 1978 và sáng tác theo thể thơ tự do. Dường như sử dụng thể thơ tự do để diễn tả cảm xúc nhà thơ đã khai thác tối đa sức mạnh vốn có của thể loại thông qua sự linh hoạt, tài tình trong việc lựa chọn từ ngữ, hình ảnh để khắc họa cảnh vật; đồng thời khéo léo trong cách phối âm, hợp vần, ngắt nhịp trong các câu thơ để tạo nên những âm điệu khi thì dữ dằn lúc lại thiết tha, sâu nặng.

Bài thơ mộc mạc, giản dị và cấu trúc cũng không cầu kỳ. Bố cục và nội dung bài thơ rất rõ ràng với ba khổ; trong đó hai khổ đầu nói về những gian khổ và nguy hiểm ở đảo Thuyền Chài mà những người lính phải đối diện hàng ngày, khổ thơ cuối cùng nói về tình yêu Tổ quốc tha thiết của những người chiến sĩ hải quân, được thể hiện qua ý thức, trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của đất nước.

Có thể nói, bước vào quân ngũ với những năm tháng trực tiếp cầm súng bảo vệ Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa, nhà thơ Trần Đăng Khoa thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn gian khổ ở nơi này. Cho nên khi viết về đồng đội và hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc nhà thơ dường như không phải dụng công nhiều.

Trần Đăng Khoa chỉ phác họa qua vài ba nét vẽ đơn giản, tựa như một lời kể rất tự nhiên thế mà cảnh vật giữa trùng khơi mênh mông sóng nước của đại dương cùng cuộc sống của những người lính biển ở nơi ấy trào ra ngọn bút và hiện lên một cách sống động nhưng cũng rất chân thực.

tac-gia-va-nha-tho-tran-dang-khoa-1731468267.JPG
Tác giả và nhà thơ Trần Đăng Khoa

Trần Đăng Khoa kể cho mọi người nghe về cuộc sống, nơi ở và những cảnh vật xung quanh nơi ở của những người lính biển, đồng đội của nhà thơ trên đảo Thuyền Chài. Nơi ở là “Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời”. Cảnh vật xung quanh thì “Đến một cái gai cũng không sống được”, “Sớm mở mắt, nắng lùa ngun ngút” “Đêm trong lều như trôi trong mây”, “Những con chim kỳ quái thấy hơi người/ Mừng rỡ quá, cánh bay như bão thốc/ Chỉ tiếng cánh chim bay quanh lều nghe đã căng nhức óc”, “Sủi tăm dưới chân sàn, bóng mập lượn vòng quanh.”.

Không trực tiếp kể lể về những gian khổ này nọ, Trần Đăng Khoa chỉ liệt kê và đặc tả qua vài ba hình ảnh rất cụ thể như vậy nhưng cũng đủ để gợi lên trong người đọc về cái hoàn cảnh sống đầy gian khó cùng những hiểm nguy luôn rình rập quanh nơi ở của những người chiến sĩ hải quân ở ngoài khơi xa.

Bây giờ trên đảo Thuyền Chài đã có những công trình quân sự kiên cố, cuộc sống của những người lính biển đã đỡ vất vả hơn rất nhiều. Nhưng nhớ lại hồi năm 1978, đất nước chúng ta vừa bước ra khỏi chiến tranh mới có ba năm, lại đang bị kẻ thù cấm vận bao vây kinh tế; mặt khác biên giới phía Tây Nam cũng chưa bình yên, đang bị bọ Pôn Pốt gây hấn. Mặc dù khó khăn trăm bề như vậy nhưng chúng ta vẫn quyết tâm giữ vững chủ quyền trên biển đảo quê hương. Các chiến sĩ hải quân không chỉ bảo vệ quần đảo Trường Sa trên các đảo nổi mà còn đưa người ra canh giữ cả những nơi đảo chìm. Đảo Thuyền Chài là một đảo chìm như vậy.

Năm 1978, các chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 146 hải quân đã dựng nhà chòi để bám trụ, giữ vững chủ quyền Tổ quốc trên đảo Thuyền Chài. Hình ảnh “Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời” chính là cái chòi giữ biển của những chiến sĩ hải quân năm xưa. Hai chữ “lều bạt” vừa diễn tả được nét thô sơ vừa tái hiện được sự thiếu thốn của cái “doanh trại” khi ấy. Đi kèm với hình ảnh “lều bạt” (một nơi ở rất thô sơ) nhà thơ còn sử dụng một từ láy “chung chiêng” để diễn tả cái trạng thái lơ lửng trong không trung - trên là trời, dưới là biển; nghiêng qua nghiêng lại - không ổn định, không vững chắc của căn chòi. Chưa hết, đấy mới chỉ là khó khăn về nơi ở, ngoài đảo còn có cả những khắc nghiệt, hiểm nguy của những điều kiện tự nhiên nữa. 

Nói về những khắc nghiệt, hiểm nguy này Trần Đăng Khoa đã sử dụng một loạt các nghệ thuật tu từ như nói quá: “Đến một cái gai cũng không sống được”; nhân hóa: “Sớm mở mắt, nắng lùa ngun ngút”, “Mừng rỡ quá”; so sánh “Đêm trong lều như trôi trong mây”, “cánh bay như bão thốc”; đảo ngữ: “Mừng rỡ quá, cánh bay như bão thốc”, “Sủi tăm dưới chân sàn, bóng mập lượn vòng quanh”. Nghệ thuật nói quá đã cho thấy được cái khổ của những người ở giữa nước mà lại bị thiếu nước (thừa nước mặn nhưng thiếu nước ngọt). Minh chứng cho cái khắc nghiệt này là cây gai. Cứ tưởng những loài cây họ nhà gai vốn rất dễ thích nghi với các loại môi trường đến đây sẽ sống được nhưng hóa ra cũng không thể nào sống nổi.

Nghệ thuật nhân hóa cho thấy cái nắng nhiều, dữ dội, bỏng rát ở giữa đại dương; cho thấy được sự thích thú, vui mừng của bầy “chim kỳ quái” khi phát hiện ra hơi người ở giữa nơi mênh mông sóng to gió cả nhưng đồng thời cũng gợi lên cái cảm giác hoang vắng, rờn rợn, ghê người. Nghệ thuật so sánh cho thấy được cái cảm giác chòng chành, chao đảo như thể trong trạng thái không trọng lượng của căn chòi thô sơ giữa biển đêm mịt mùng bởi những gió to sóng lớn liên tiếp kéo đến, dội vào; cho thấy được sức mạnh ghê người của bầy “chim kỳ quái”. Nghệ thuật đảo ngữ có tác dụng nhấn mạnh sự vui mừng của các loài sinh vật nguy hiểm với con người trên biển (bầy chim kỳ quái và lũ cá mập) khi chúng phát hiện ra có sự xuất hiện con người.

Hình ảnh đàn chim càng mừng rỡ, bay nhanh bao nhiêu, tăm cá mập càng sủi nhiều dưới chân sàn nhà bao nhiêu thì nguy hiểm càng rình rập, đợi chờ người lính bấy nhiêu. Có thể nói, chỉ với vài hình ảnh thực tế ấy thôi nhưng người ta có cảm giác cái chết luôn rình rập, đón đợi những người lính biển từng giây, từng phút. Đúng là một nơi sống chẳng giống ai nhưng mà lại có thật.

Rõ ràng, Trần Đăng Khoa không rườm rà, chỉ cần bấy nhiêu thôi nhưng cũng đủ để tái hiện một cách rất chân thật cái hiện thực trần trụi, khắc nghiệt, thậm chí còn có cả những hiểm nguy mà những người lính trên đảo ngày đêm đang phải đối diện. Cái hiện thực gian khổ này Trần Đăng Khoa không chỉ một lần nhắc đến trong thơ mình.

Hẳn là ai đã đọc những bài thơ viết về biển của nhà thơ thì sẽ không thể nào quên được cái cảnh: “Đảo vẫn còn chìm dưới ba mét nước/ Măng khô hết rồi. Chỉ thăm thẳm biển xanh/ Lưới chẳng có mà cá vờn trước mặt/ Biết tìm đâu ra một bát canh?/ Lựu đạn bất ngờ nổ banh ruột nước/ Cá từng đàn bỗng nổi trắng như sao/ Anh bạn tôi nhào ra vớt cá/ Trong lúc xung quanh lũ mập cũng lao vào” (Đoạn văn xuôi chép ở đảo Chìm) hay nỗi khát thèm nước ngọt ở trong bài thơ: “Ôi ước gì được thấy mưa rơi/ Mặt chúng tôi ngửa lên như đất/ Những màu mây sẽ thôi không héo quắt/ Đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên/ Đảo xa khơi sẽ hóa đất liền/ Chúng tôi không cạo đầu, để tóc lên như cỏ/ Rồi kháo nhau/ Bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt/ Ôi ước gì được thấy mưa rơi” (Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn)…

Gian khổ, nguy hiểm là vậy xong người lính biển không hề nao núng, sợ hãi. Trái lại, càng gian khổ, càng hiểm nguy thì người chiến sĩ càng quyết tâm, càng sẵn sàng hy sinh tất cả để giữ gìn biển đảo thân yêu: 

“Đảo tự giấu mình trong màu nước lam xanh
Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng.
Tổ quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống
Bóng chúng tôi trùm khắp đảo Thuyền Chài.”

Có thể thấy, nếu hai khổ thơ ở trên, hình ảnh thơ có vẻ trần trụi với cái hiện thực đầy khắc nghiệt thì ở khổ thơ cuối này hình ảnh thơ có phần tươi đẹp hơn. Câu thơ với phép tu từ nhân hóa “Đảo tự giấu mình trong màu nước lam xanh” không chỉ miêu tả được thực tế những đảo đá chìm dưới nước biển mà còn gợi lên cái màu muôn thủa của đại dương: “lam xanh”. Hình ảnh Trường Sa với đảo Thuyền Chài hiện lên đúng là không chỉ có khắc nghiệt mà còn rất hùng vĩ, đẹp đẽ.

Ngoài ra, trong khổ thơ, cùng với hình ảnh nhân hóa Trần Đăng Khoa còn sáng tạo được một hình ảnh ẩn dụ rất hay để gọi tên hòn đảo Thuyền Chài: “giọt máu thiêng”. Với hình ảnh ẩn dụ này câu thơ hiện lên thật gợi hình, gợi cảm. Hòn đảo chìm dưới làn nước “lam xanh” kia không còn là một thực thể vô hồn nữa. Ngược lại nó trở thành một sinh thể máu thịt của dân tộc Việt Nam. Nó là một phần thân thể không thể tách rời ra khỏi Tổ quốc thân yêu.

Bằng cách nói ẩn dụ như thế nhà thơ đã nói lên được sự gắn bó máu thịt, tình yêu tha thiết của những người lính trên đảo nói riêng và của người Việt Nam nói chung với những hòn đảo ở nơi phương xa của đất nước. Bởi thế nên kết thúc khổ thơ và cũng là bài thơ, nhà thơ đã cất lên một tiếng gọi Tổ quốc đầy tha thiết và thiêng liêng bằng một câu cảm thán: “Tổ quốc ơi!”.

“Tổ quốc ơi!” là tiếng gọi người mẹ hiền vĩ đại. Tiếng gọi ấy chất chứa tình yêu đất mẹ. Người lính biển cất tiếng gọi Tổ quốc thiêng liêng nhưng đồng thời cũng ý thức được trách nhiệm của mình với người mẹ hiền yêu dấu: “chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống”. Ánh mắt nhìn xuống biển (đứng trên chòi quan sát xuống mặt biển) đó là ánh mắt cảnh giác cao độ để canh giữ bảo vệ biển đảo quê hương. Tiếng gọi Tổ quốc và hành động như thế vừa thể hiện một ý thức vừa phản ánh được một quyết tâm cao độ trong việc bảo vệ biển đảo.

Đúng là chúng ta phải ý thức cảnh giác cao độ để bảo vệ vùng trời biển thiêng liêng của Tổ quốc bởi tiếng súng tuy đã tạm ngừng nhưng hiểm họa xâm lăng thì vẫn chưa hết: “Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả”, “Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn”. Những người lính biển (chúng tôi - những người lính giữ đảo Thuyền Chài, nhân vật trữ tình trong bài thơ) cất lên tiếng gọi quê hương tha thiết. Đó là tiếng gọi của trái tim. Tiếng gọi ấy cũng chính là lời thề sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh ở nơi đảo xa. Tiếng gọi ấy, lời thề ấy được nhà thơ khắc họa bằng một hình ảnh đầy trách nhiệm và cũng đầy yêu thương: “Bóng chúng tôi trùm khắp đảo Thuyền Chài”. 

Bài thơ “Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài” của nhà thơ Trần Đăng Khoa tựa như một khúc ca nơi đảo xa. Bài thơ ra đời cách đây đã gần năm mươi năm. Ngày ấy và bây giờ nơi ở của các chiến sĩ trên đảo Thuyền Chài chắc chắn đã khác. Hẳn là không còn cái cảnh “Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời”. Nhưng không phải vì thế mà ý nghĩa của bài thơ bị giảm đi bởi vì biển Tổ quốc vẫn “chưa một ngày yên ả”, đâu đó vẫn còn những “bóng giặc vẫn chập chờn”. Chính vì thế mỗi lần đọc bài thơ, người ta không chỉ thấy yêu biển đảo quê hương hơn, không chỉ biết ơn những người lính giữ biển ở ngoài đảo xa mà còn ý thức được cả phần trách nhiệm của mình với biển đảo. Đấy chính là tình yêu nước.

Có thể nói, với bài thơ nói riêng và chùm thơ viết về người lính trên quần đảo Trường Sa nói chung, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã xây dựng được một tượng đài lính hải quân trong thơ ca Việt Nam. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Nguyễn Việt Chiến là nói rằng: “Chúng ta đã có một Trường Sơn - Thơ của Phạm Tiến Duật trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước trước đây và có một Trường Sa - Thơ của Trần Đăng Khoa trong hành trình bảo vệ Tổ quốc và biển đảo ngày hôm nay”. Đây là một vinh dự và cũng là một đóng góp đáng ghi nhận của nhà thơ Trần Đăng Khoa.