Kỳ 19
III
CHIẾN TRANH NGUYÊN MÔNG -ĐẠI VIỆT LẦN 3 (1287-1288)
Vạn Kiếp vào một đêm tháng 1 năm 1288, gió mùa đông bắc thổi ào ạt từng cơn rét mướt. Bầu trời đen kịt không một vì sao. Dòng sông Lục Đầu nước trôi âm thầm như màn nhung đen. Núi Chí Linh, núi Phả Lại vươn lên trong bóng đêm kỳ ảo. Cây lá thở xào xạc theo gió. Vài tiếng chó hoang sủa trong các làng xa xăm hoang vắng.
Ngồi trong tổng hành dinh ở thành Vạn Kiếp, Thoát Hoan đã dùng xong bữa tối đang ngồi uống trà. Hắn bỏ mũ đâu mâu vàng khỏi đầu, lộ ra khuôn mặt bầu bầu trẻ tuổi nhưng béo nung núc. Hắn không dám cởi áo giáp nên người vốn cao to càng thêm to béo lực lưỡng. Ngoài cửa hai tên võ sĩ mặc giáp sắt, đội mũ nhọn sắt, tay cầm gươm đứng bảo vệ.
Thoát Hoan không ngờ thời gian trôi nhanh như tên bay, như gió thổi, mới đó đã hai năm trời kể từ tháng 5 năm 1285 đến nay, hắn lại đã ngồi ở Vạn Kiếp, ngồi trên đất một đất nước đã làm hắn kinh hoàng bạt vía, phải nằm trong cái hòm đồng chứa vàng bạc cho lính khiêng chạy mới thoát chết. Lần này phụ hoàng Hốt Tất Liệt quyết tâm đánh bại nước Đại Việt, bắt sống vua Trần để trả thù cho hai lần thất bại nhục nhã, mối nhục nhã mà một đế quốc mạnh nhất thế giới, lãnh thổ vắt từ Thái Bình Dương qua Hắc Hải chưa gặp bao giờ, cả hai lần, đế quốc Nguyên Mông mất 60 vạn quân và nhiều tướng lĩnh tài ba đã từng chinh phục khắp Âu -Á như Toa Đô, Lý Hằng, Lý Quán. Điều cơ bản là không xâm lược được Đại Việt thì không mở được con đường xuống Đông Nam Châu Á, không thực hiện được giấc mộng bá chủ toàn cầu của Hãn Hốt Tất Liệt.
Thực ra sau chiến tranh lần 2 (1285), Đại Việt đã cử sứ giả đến Đại Đô trả lại 5 vạn tù binh mà Đại Việt bắt được trong chiến tranh. Nhưng cả hai điều mà Hốt Tất Liệt mong muốn nhất là yêu cầu nhà Trần cho đặt chức vụ Đạt Lỗ Hoa Xích, tức là đặt đại diện toàn quyền của nhà Nguyên Mông bên cạnh triều đình Đại Việt để sai khiến không chế, biến nhà Trần thành triều đình bù nhìn, mất độc lập và để do thám Đại Việt. Điều kiện thứ hai là yêu cầu vua Trần Nhân Tông sang chầu ở kinh đô Đại Đô của nhà Nguyên Mông. Cả hai điều đó nhà Trần dứt khoát từ chối, sẵn sàng đón nhận cuộc chinh phạt lần 3 vô cùng khốc liệt. Trong cuộc Nam chinh này, Thoát Hoan vẫn được cử làm chủ soái với chức vụ Trấn Nam Vương, thống lĩnh 50 vạn quân bao gồm kỵ binh, bộ binh, thủy binh. Rút kinh nghiệm của cuộc chiến tranh lần 1 và lần 2, khắc phục yếu kém của quân đội Mông Cổ trên chiến trường Đại Việt là không có thuyền bè và thủy binh không thiện chiến, lần này phụ hoàng Hốt Tất Liệt cho đóng 600 chiến thuyền to lớn với 5 vạn thủy binh toàn lính miền Nam thông thạo sông nước, lại tận dụng bọn cướp biển ở đảo Quỳnh Nhai (Hải Nam) như Trương Văn Hổ hộ tống 70 vạn thạch lương để khắc phục nạn thiếu lương thực, đi kèm với đạo thủy binh hùng mạnh do Ô Mã Nhi chỉ huy. Ngoài ra, còn hai đoàn thuyền lớn chở lương thực sẽ đi sau tiếp tế. Như vậy, trong cuộc chiến lần 3 này, quân Nguyên Mông không thiếu thuyền bè để truy kích quân Đại Việt khi họ tháo chạy, truy kích Triều đình Trần để nhanh chóng kết thúc chiến tranh, thứ nữa là lương thực như vậy đủ cho 50 vạn quân ăn đến tháng 6 khi mà chiến tranh đã kết thúc thắng lợi. Hơn nữa, trong quá trình hành quân vẫn thực hiện chính sách cổ truyền của quân Nguyên Mông “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” dù ở Đại Việt là không hiệu quả nhưng thêm được chút nào hay chút đó.
Tuy quân đội đông và dũng mãnh nhưng Thoát Hoan và quân Nguyên Mông cũng phải trải qua 8 ngày chiến đấu ác liệt với dân binh Đại Việt mới vào được đến Vạn Kiếp, dù từ biên giới vào đây không quá 300 dặm, 8 ngày qua cũng là những ngày khủng khiếp. Thoát Hoan nhớ lại, ngày 19-12-1287, đại quân Thoát Hoan bắt đầu xuất phát từ Tư Minh đến sông Kỳ Cùng, đồng loạt tấn công vào biên giới Đại Việt. Quân Nguyên Mông đã bị Quân Đại Việt ở Kỳ Cùng chặn đánh dữ dội. Ngày 25-12, quân Nguyên Mông đến Lạng Châu, Tại đây Thoát Hoan chia quân làm hai khối. Khối thứ nhất do Bốt La Hợp Đáp Nhĩ chỉ huy gồm 1 vạn quân cùng Trịnh Bằng Phi, từ Vĩnh Bình tiến xuống phía Tây đến ải Chi Lăng. Đạo thứ hai do A Bát Xích ở phía Đông gồm 1 vạn quân từ Lộc Bình Lạng Châu tiến về Sơn Động Bắc Giang. Thoát Hoan dẫn đại quân đi sau đạo quân này. Dọc đường thám mã liên tục chạy về phi báo:
-Dạ, bẩm chủ soái, quân của tướng quân Bốt La hợp Đáp Nhĩ đang giao chiến liên tục với quân Đại Việt ở Chi Lăng, Hãm Sa, Tư Trúc khoảng 17 trận. Quân Đại Việt đã phải rút lui ở tất cả các cửa ải. Quân ta đang tiến sát đến ải Nội Bàng và đang giao chiến kịch liệt với quân Đại Việt ở Bắc Giang.
Lại có thám mã về báo:
-Dạ, bẩm chủ soái, quân Việt do tướng Hưng Đức Hầu chỉ huy đang chặn đánh quân ta ở Lãng Kính. Quân Việt dùng tên độc bắn chết quân ta rất nhiều.
Thoát Hoan không một cảm xúc nào khi nghe tin quân Nguyên chết nhiều, xác rải chồng chất trên mỗi bước tiến từ biên giới về Vạn Kiếp. Điều đó không làm cho hắn quan tâm, mối quan tâm cuả Thoát Hoan là chiến thắng trong cuộc chiến tranh này.
Nhưng điều làm Thoát Hoan bất ngờ là khi vào Vạn Kiếp. Theo như chiến trận năm 1285, Vạn Kiếp sẽ là một trận giao tranh khốc liệt giữa quân Nguyên Mông và quân Đại Việt để nhanh chóng tiêu diệt chủ lực quân Đại Việt. Nhưng điều làm cho Thoát Hoan thất vọng là trận Vạn Kiếp lần này diễn ra quá sơ sài và quân Đại Việt nhanh chóng rút lui về Thăng Long. Tổng chỉ huy quân đội Đại Việt vẫn là Trần Hưng Đạo là một người khó hiểu nhưng Thoát Hoan lo lắng nghĩ rằng ông ta đang dùng chiến lược đánh lâu dài để phá tan chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của Thoát Hoan như cuộc chiến tranh năm 1285, nhưng đang được Trần Hưng Đạo vận dụng một cách nhuần nhuyễn và bài bản. Thoát Hoan nghĩ ngợi không biết làm thế nào để buộc Trần Hưng Đạo đem hết quân chủ lực đánh với Thoát Hoan một trận quyết định đây? Rút kinh nghiệm lần trước, lần này Thoát Hoan phải xây dựng Vạn Kiếp thành một cứ điểm vững chắc để khống chế miền Bắc, Đông Bắc Thăng Long và miền đồng bằng sông Hồng là Thiên Mạc, Thiên Trường, bảo đảm con đường huyết mạch về lương thực từ Tư Minh đến Vạn Kiếp. Thoát Hoan nghĩ Trần Hưng Đạo không đánh một trận quyết định cũng không sao, lần này Thoát Hoan đầy đủ lương thực để tiến hành chiến tranh lâu dài đến tháng 7-1288, lại có thủy binh là lực lượng cơ động để truy kích quân Đại Việt và triều đình Trần nhanh chóng, có thể phá tan chiến lược chiến tranh lâu dài của Trần Hưng Đạo. Thoát Hoan mơ màng thiếp đi trong cơn chiêm bao đầy máu lửa. Vạn Kiếp ban đêm sáng rực đèn, doanh trại của quân Nguyên Mông san sát bao la một vùng rộng lớn, dưới sông Lục Đầu Giang dày đặc thuyền chiến của giặc. Chúng như loài quỷ dữ vô cớ sang đây gieo chết chóc cho Đại Việt một lần nữa.
Sáng hôm sau một tùy tướng của Thoát Hoan vào báo:
-Dạ bẩm chủ soái, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy thủy binh đã từ Khâm Châu, qua Bạch Đằng Giang của Đại Việt, về đến Vạn Kiếp đêm qua muốn vào gặp chủ soái.
-Cho vào ngay.
-Dạ.
Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp bước vào hành dinh:
-Dạ, mạt tướng xin chào chủ soái.
Thoát Hoan hỏi ngay:
-Các tướng quân có gặp thủy quân Đại Việt không mà tiến quân nhanh vậy?
Ô Mã Nhi tự hào:
-Dạ bẩm chủ soái, mạt tướng xuất phát từ Khâm Châu tiến thẳng xuống Vân Đồn, gặp thủy quân Việt do Trần Khánh Dư chỉ huy chặn đánh, mạt tướng đã tiêu diệt thủy quân của Trần Khánh Dư nên tiến về đây nhanh chóng.
-Tướng quân khá lắm, không hổ danh là “Bạt Đô” của đế quốc Nguyên Mông vĩ đại của chúng ta. Thế còn Trương Văn Hổ đâu? Đoàn thuyền lương 70 vạn thạch đã đến rồi sao không thấy tướng quân Trương Văn Hổ?
Ô Mã Nhi lúng túng:
-Dạ, bẩm chủ soai, thủy quân của Đại Việt đã bị mạt tướng tiêu diệt hết, không còn cái gì đe dọa, đoàn thuyền lương đi chậm chạp nên mạt tướng để đi sau, còn thủy binh mạt tướng cho đi nhanh để cùng hội sư ở Vạn Kiếp đúng kế hoạch của chủ soái.
Thoát Hoàn không hài lòng nghiêm sắc mặt:
-Lương thực là một trong nhân tố quan trọng để ta tiến hành chiến tranh lâu dài. 70 vạn thạch lương liên quan đến sức mạnh 50 vạn quân. Tướng quân cử 50 chiến thuyền, 1 vạn quân đi hộ tống cho Trương Văn Hổ ngay.
-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.
Vừa khi đó Áo Lỗ Xích, người thay A Lý Hải Nha chức phó soái quân sư bước vào:
-Dạ, mạt tướng xin chào chủ soái.
Thoát Hoan đáp:
-Xin chào quân sư.
Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp:
-Xin chào phó soái quân sư.
-Xin chào hai tướng quân, Hay quá, thủy quân cũng đã đến rồi.
Rồi Áo Lỗ Xích nói tiếp:
-Xin chủ soái cho thủy binh, kỵ binh và bộ binh tiến đánh kinh thành Thăng Long ngay, nếu không triều đình Trần và quân chủ lực Đại Việt tháo chạy ta sẽ khó khăn.
Thoát Hoan nói:
-Rút kinh nghiệm lần trước, bỏ Vạn Kiếp là một sai lầm. Lần này ta quyết định xây dựng Vạn Kiếp thành một căn cứ vững chắc để khống chế miền Bắc, miền Đông Bắc, miền đồng bằng sông Hồng, không chế con đường huyết mạch của chúng ta từ Thăng Long đến Tư Minh. Vạn Kiếp là căn cứ bộ binh và căn cứ thủy binh thuận lợi.
Áo Lỗ Xích nói:
-Chủ soái nói cũng phải.
Thoát Hoan bảo Áo Lỗ Xích:
-Quân sư nhanh chóng cho chiếm các núi Phả Lại, Chí Linh và cho xây dựng thành bằng gỗ, xây kho lương thực và doanh trại.
Thoát Hoan gọi:
-Tướng quân Diệc Hác Mê Thất đâu.
-Dạ, có mạt tướng.
-Tướng quân cùng tướng quân A Lý, Ái Lỗ dùng 2 vạn quân bảo vệ Vạn Kiếp trong khi ta đến Thăng Long.
-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.
-Tướng quân Tích Đô Nhi đâu.
-Dạ, có mạt tướng.
-Tướng quân đem 2 vạn quân thủy bộ đánh ra các vùng phụ cận Vạn Kiếp để mở rộng địa bàn chiếm đóng, phần là để thu lương thực từ dân Việt. Không đưa lương thực hoặc chống lại thì giết không thương tiếc, khi rút đi phải đốt phá tan hoang, triệt hạ cả làng, rõ chưa?
-Mạt tướng tuân lệnh.
-Tướng quân A Lý Quy Thuận đâu.
-Dạ, có mạt tướng.
-Tướng quân đem 2 vạn quân đánh chiếm thành Linh Sơn, Chí Linh.
-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.
-Tướng quân Trương Ngọc đâu.
-Dạ, có mạt tướng.
-Tướng quân đem hai vạn quân chiếm thành Chữ Nhất, bảo vệ phía Đông Vạn Kiếp.
(Còn nữa)
CVL