Kỳ 18.
Tại Thăng Long, quân Việt bao vây nhiều tầng nhiều lớp, nhận được lệnh từ tổng hành dinh, Trần Quang Khải ra lệnh bắt đầu tấn công thành. Từ bên ngoài quân Việt dội tên và đá vào thành như mưa. Quân Nguyên Mông chết chồng chất lên nhau. Quân Nguyên Mông giữ vòng thành ngoài chết gần hết, Tướng Nạp Hải phải lui vào trong. Quân Nguyên Mông do hết lương thực nhiều ngày nên đói khát, sức cùng lực kiệt, không còn sức để chiến đấu, chỉ dựa người vào tường thành mà bắn ra không có hiệu quả. Kỵ binh dồn ứ lại không có không gian để tung hoành, chỉ chạy đi chạy lại làm mồi cho tên và đá của quân Việt. Ngựa trúng tên, bị đá đập đau hí vang thảm thiết. Quân Nguyên Mông lâm vào tình trạng nhốn nháo, hỗn loạn trong thành, xác quân Nguyên Mông ngày càng chồng chất cao lên, người ngựa còn sống dày đạp trèo lên xác chết để di động. Máu tràn ngập thành ngoài, Hoàng thành và Tử Cấm thành. Cuối cùng, quân Nguyên Mông đã cạn kiệt tên đạn. Thoát Hoan biết rằng không tháo chạy thì toàn bộ 30 vạn quân còn lại và bản thân hắn cũng bị tiêu diệt ở cái kinh thành khủng khiếp này. Thoát Hoan nói với các tướng:
-Nay chúng ta thiếu lương thực, thiếu tên đạn, quân ta chết quá nhiều, đã mất ½ quân số. Nếu cố thủ ta và các ngươi sẽ bỏ xác tại đây. Ta muốn rút lui, giữ gìn lực lượng để đánh Đại Việt lần sau. Các ngươi nghĩ thế nào.
Các tướng và binh sĩ hô to:
-Hoàng thái tử anh minh.
-Nguyên soái anh minh.
-Sẽ có một cuộc chiến tranh nữa với Đại Việt, với Trần Nhật Huyên.
-Chúng mạt tướng sẽ hộ giá Hoàng thái tử vượt qua kiếp nạn này.
Thoát Hoan nói:
-Nay cho Sát Tháp Nhĩ Đài, Bốt La Hợp Đáp Nhĩ, Mảng Cổ Thái đi tiên phong phá vây mở đường, A Lý Hải Nha, Khoan Triệt đi trung quân, Lý Hằng, Bồ Tý Thành , Ái Lỗ, Tôn Đức Lâm, Lưu Thế Anh, Nghê Nhuận đi hậu quân chặn quân Việt truy kích. Ta ra lệnh toàn quân rút khỏi Thăng Long.
-Chúng mạt tướng tuân lệnh nguyên soái.
-Phải rút nhanh nếu không quân Việt phá cầu phao thì rất khó khăn.
Rồi quân tiên phong gồm các tướng Sát tháp Nhĩ Đài, Bốt La Hợp Đáp Nhĩ và hàng vạn quân đi trước phá vây mở đường, Thoát Hoan và các tướng đi trung quân theo sau cứ thế 30 vạn quân Nguyên Mông ào ào vội vã phi ra hướng Đông Bộ Đầu. Các tướng lấy thân mình che tên đạn cho Thoát Hoan. Cứ mỗi bước đi của quân Nguyên Mông là hàng nghìn xác chết người và ngựa đổ vật xuống đường do tên đạn của quân Việt. Quân Việt đông trùng trùng điệp điệp, trống, chiêng thanh la vang trời dậy đất, tiếng reo hò vang động cả bầu trời Thăng Long. Sông Hồng như dậy sóng. Sát Tháp Nhĩ Đài nhìn thấy chỉ có góc Đông Bộ Đầu là ít quân Việt liền múa giáo gạt tên và đá liều chết xông ra. Theo sau là kỵ binh Nguyên Mông bất chấp tên đạn cũng xông lên cố mở con đường sống. Hàng nghìn kỵ binh và bộ binh Nguyên Mông lại gục xuống. Các tướng Mông Cổ lấy thân mình che kín cho Thoát Hoan. Quân Tiên phong và Thoát Hoan đã vượt được ra ngoài thành, vội dẫn Thoát Hoan vượt qua cầu phao sông Hồng. Quân Nguyên Mông lớp lớp gục đổ nhưng vì quá đông nên vẫn tràn lên cầu phao hàng chục vạn. Vì quá đông nên cầu phao không chịu nổi, bỗng nhiên gãy gục. Hàng vạn người và ngựa quân giặc lao xuống sông Hồng chết đuối, nước sông Hồng như ngừng chảy vì xác người chắn lại, nước đỏ như máu dồi lên thành sóng khủng khiếp. Các tướng lĩnh đi hậu quân chỉ còn có Lý Hằng chạy trước khi cầu phao gãy nên sống sót. Toàn bộ đạo đi hậu quân làm mồi cho cá.
Thuyền chiến chở quân Việt sang bờ Bắc tiếp tục truy kích quân giặc. Tiếng bước chân người ngựa của kẻ chạy người đuổi, tiếng ngựa hí rền vang. Quân Việt như cơn dông tố quét sách hàng vạn quân giặc trên đất Gia Lâm. Tại bờ Nam sông Cầu, Hưng Ninh Vương Trần Tung và hai vạn quân xông ra quát lớn:
-Thoát Hoan xuống ngựa chịu trói ngay.
Tướng Nguyên Mông Lưu Thế Anh xông ngựa ra cản Trần Tung nhưng được vài hiệp phải tháo chạy để còn hộ giá Thoát Hoan, không thể ham đánh được. Quân Nguyên Mông chạy đến bờ Nam sông Như Nguyệt nhưng không có cầu phao qua sông, còn đang ngơ ngác thì một tướng trẻ tuổi có lá cờ thêu sáu chữ vàng: “Phá Cường Địch Báo Hoàng Ân” dẫn quân xông vào đánh. Quân Nguyên Mông hoảng sợ kêu lên:
-Trần Quốc Toản.
-Trần Quốc Toản.
Quân Nguyên Mông vội dẫn Thoát Hoan chạy về hướng Vạn Kiếp. Trần Quốc Toản mãi truy kích, bị một mũi tên của quân Mông Cổ bắn lén trúng vào giáp che ngực và tên đâm vào ngực trái. Trần Quốc Toản ngã nhào xuống ngựa. Các gia tướng vội xuống ngựa đỡ dậy và xem vết thương. Vết thương không sâu nhưng là mũi tên thuốc cực độc. Lát sau thì trái tim của Trần Quốc Toản ngừng đập. Vị anh hùng trẻ tuổi nổi tiếng làm cho quân thù nhiều phen khiếp đảm đã hy sinh oanh liệt trên mặt trận sông Cầu lúc gần 20 tuổi. Cái chết của Trần Quốc Toản đã làm cho triều đình, các tướng lĩnh, toàn quân và bách tính Đại Việt vô cùng thương xót xen lẫn niềm tự hào cảm phục. Thái thượng hoàng TrầnThánh Tông và vua Trần Nhân Tông khi đó ở Long Hưng được báo tin đã lặng người đi thương cảm vô cùng. Trần Nhân Tông nhớ lại hình ảnh đứa cháu 16 tuổi khôi ngô tuấn tú, chưa đủ tuổi nên không được dự hội nghị quân sự Bình Than bàn kế đánh giặc, tay đã bóp nát quả cam vì căm thù quân giặc.
Quân Nguyên Mông chạy đến sông Nam Sách là đoạn sông Thương chảy qua Vạn Kiếp, khi qua cầu phao bị quân của Trần Hưng Đạo đánh tạt sườn chết hàng vạn. Suốt từ sông Nam Sách về đến Vĩnh Bình chỗ nào quân Nguyên Mông cũng bị tập kích, tên bắn như mưa, xác chết người ngựa rải đầy đường. Quân Nguyên Mông và các tướng lấy thân mình hết sức liều chết che chắn cho Thoát Hoan. A Lý Hải Nha nói:
-Những chỗ hiểm địa từ đây về Tư Minh còn rất nhiều, xin Thái tử bỏ vàng bạc châu báu cho các tướng mang hộ, Thái tử nằm vào đây chúng tướng khiêng và chạy may ra thoát được những trận mưa tên thuốc độc của quân Việt vì tính mạng của Hoàng tử là của quốc gia, xin Hoàng thái tử suy xét.
Thoát Hoan nói:
-Tướng quân nói phải lắm, đổ vàng bạc ra chia cho các tướng, ta sẽ vào đó tránh tên.
Thế rồi các tướng đổ vàng bạc châu báu mà quân Nguyên Mông vơ vét được ở Thăng Long nhưng Thoát Hoan lại đổi ý không muốn vào:
-Nếu ta vào nằm đây thì danh dự liêm sĩ chủ soái của đế quốc Nguyên Mông sẽ làm sao đây?
A Lý Hải Nha nói:
-Tính mạng còn thì còn có cơ hội báo được thù, quân tử 10 năm báo thù chưa muộn. Mong Hoàng thái tử lấy tính mạng làm trọng.
Các tướng cũng nói:
-Mong Hoàng thái tử lấy tính mạng làm trọng.
Khi đó Thoát Hoan mới vào thùng đồng đậy nắp lại và tên 4 lính thay nhau khênh chạy. Vừa khi đó dân binh trong rừng do Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Địa Lô chỉ huy xông ra:
-Bọn giặc cướp tàn ác, không được chạy.
Rồi tên đạn bắn như mưa. Quân Nguyên Mông lại hàng nghìn xác gục xuống bên đường. Đến Vĩnh Bình, quân Nguyên Mông chưa kịp thở thì lại nghe tiếng chiêng trống và quân reo hò như sấm, trên lá cờ hiệu có ghi “Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn”. Quân Nguyên Mông không ham đánh nữa mà cố vượt qua những trận mưa tên mà chạy. Hàng nghìn xác người ngựa lại đổ gục xuống. Tả thừa Lý Hằng trúng tên độc cố chạy theo tàn quân vượt qua biên giới đến Tư Minh. Trần Quốc Uy, Trần Quốc Hiện, con trai Trần Quốc Nghiễn thừa thắng đánh tràn qua biên giới, đến tận Tư Minh Trung Quốc. Lý Quán là tùy tướng của Lý Hằng bỏ mạng. Tại Tư Minh, thuốc độc từ tên cũng ngấm toàn thân và Lý Hằng gục xuống tắt thở khi mới 50 tuổi, kết thúc cuộc đời chinh chiến đầy tội ác của hắn khắp châu Âu, châu Á.
Về đến Tư Minh, các tướng mới mở hòm đồng cho Thoát Hoan ra. Người Thoát Hoan ướt đầm đìa như tắm. Thoát Hoan kêu lên:
-Trời ơi, nóng như nằm trong nồi đang luộc. Chưa có cuộc chinh phạt nào mà nhục nhã như thế này. Ta phải báo thù…
Thoát Hoan đem đi 50 vạn quân, kể cả đạo quân Toa Đô là 60 vạn mà bây giờ sống sót về chỉ còn gần 5 vạn. Thoát Hoan lo lắng nói:
-Chết rồi, ta sẽ ăn nói với phụ hoàng thế nào đây?
A Lý Hải Nha an ủi:
-Thắng bại là việc thường trong chiến tranh, chắc hoàng thượng không trách phạt chủ soái đâu.
Thoát Hoan nói:
-Ta cứ đổ tại khí hậu Đại Việt quá nóng, tại phụ hoàng không chuẩn bị chiến thuyền ở một nước nhiều sông ngòi, nào là thiếu lương thực…
Vừa khi đó thám mã về báo:
-Dạ bẩm chủ soái, đạo quân của tướng Nạp Tốc Lạt Đinh trên đường rút về Đại Lý đã bị tướng dân binh là Hà Đặc, Hà Chương chặn đánh. Bên quân Việt Hà Đặc hy sinh nhưng 5 vạn quân Nguyên Mông đã bị Hà Chương tiêu diệt hết, chỉ còn một mình Nạp Tốc Lạt Đinh chạy thoát về Đại Lý.
Lại có thám mã về báo:
-Dạ, bẩm chủ soái, Đại tướng Toa Đô bị quân Việt chém chết ở Hàm Tử. Quân Việt đã đốt đầu Toa đô thành than để báo thù cho bách tính Việt bị tướng quân sát hại.
-Thế còn Ô Mã Nhi và Lý Khuê?
-Dạ, Ô Mã Nhi, Lưu Khuê đã dùng thuyền nhỏ vượt biển và đã về đến Đại Đô.
Thoát Hoan không vui, lòng đầy lo lắng hận thù, kéo bại quân lôi thôi lếch thếch, tả tơi đi về Đại Đô. Cờ đen ủ rủ, bụi cuốn mù đường, nắng hè chói chang đang tỏa xuống lục địa như những làn khăn tang tóc phủ xuống đầu hàng triệu bà mẹ mất con bởi cuộc chiến tranh phi nghĩa của những thế lực bành trướng điên rồ.
(Còn nữa)
CVL