Phía đông bắc Sài Gòn mặt trận Xuân Lộc là một điểm nóng. Được lệnh của trên bàn giao nhiệm vụ kiềm chế sân bay cho đơn vị bạn, chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới, cán bộ chiến sĩ đều náo nức chờ đón nhiệm vụ mới. Trong buổi giao nhiệm vụ cho các đơn vị, đồng chí Nguyễn Thành Lộc, Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 9 lật cánh sang hướng đông sân bay. Tiếp sau là nhiệm vụ của chúng tôi anh nói: - Đây là nhiệm vụ mà Tiểu đoàn 23 (Đặc công nước) và Tiểu đoàn 174 (pháo) phải làm bằng được với bất cứ giá nào.
Đó là: đánh chiếm và chốt giữ cầu Mới (Hóa An) và cầu Ghềnh bảo đảm cho đại quân ta cơ động. Đây là trận đánh có ý nghĩa lịch sử. Với giọng rất truyền cảm, sâu lắng anh nói tiếp: - Trước đây khi giao nhiệm vụ cho các đồng chí phá cầu không hoàn thành nhiệm vụ thì bị kỷ luật. Nhưng giờ đây không phá, mà phải giữ bằng được! Nếu không sẽ ảnh hưởng lớn. Và đến đây giọng anh trầm xuống gần như tâm sự với chính mình, anh nói: - Là những người lính không gì khổ tâm bằng khi không hoàn thành nhiệm vụ, và nhất là nhiệm vụ quan trọng trong thời điểm lịch sử. Do đó chúng ta phải tập trung mọi khả năng để hoàn thành bằng được! Chia tay nhau, trên đường về cứ anh Dĩ nói vui với tôi như sau: - Bọn mình đánh ở dưới nước nay lên cạn, còn các bạn sở trường đánh từ xa, nay đánh thiệt gần. Dù khó khăn, ác liệt thế nào chúng mình cũng không ngán. Cứ xáp vô miễn là “chí cốt” phải không? Chúng tôi cười vang và xiết chặt tay nhau. Về tới đơn vị sau khi hội ý cấp ủy và Ban Chỉ huy xong, chúng tôi quán triệt nhiệm vụ cho anh em. Một mặt tiến hành giao số súng ĐKB (hỏa tiễn 122 mm) về kho quân giới, đồng thời lĩnh vũ khí mới gồm: ĐKZ 82 mm, cối 82 mm, cối 60, súng chống tăng B40, B41, trọng liên 12,7 mm, trung liên, thủ pháo, lựu đạn... Đi đôi với việc huấn luyện cấp tốc để anh em nắm vững kỹ thuật sử dụng loại vũ khí trang bị mới, chúng tôi tranh thủ tổ chức sinh hoạt chính trị, quán triệt nhiệm vụ mới vì từ trước đến nay đơn vị quen sử dụng pháo ĐKB bắn ở cự ly xa tuy gay go ác liệt, nhưng lần này cùng đơn vị bạn đánh chiếm và chốt giữ cầu, mặt đối mặt với kẻ thù anh em không khỏi băn khoăn.
Vấn đề đặt ra là phải động viên giải thích để mọi người đều thông suốt. Qua bàn bạc dân chủ anh em đều thống nhất: dù phải hy sinh cả tính mạng nhưng anh em chỉ bàn cách khắc phục, không có ý kiến bàn lùi. Đợt huấn luyện 5 ngày đạt kết quả tốt, ai nấy đã sử dụng thành thục các loại trang bị mới. Sẵn sàng bước vào trận đánh.
Ngày 25 tháng 4 năm 1975, chúng tôi rời hậu cứ gần trảng Nhà Nai (Chiến khu Đ) bắc thị trấn Tân Uyên hành quân ra mặt trận. Đêm 26 tháng 4, vượt lộ 16 tiếp tục tiến về hƣớng mục tiêu. Tiếng súng của các mặt trận dồn dập dội về, như giục giã chúng tôi bước gấp. (Sau này được biết là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu). Đến địa điểm quy định đã gần nửa đêm, gió từ sông Đồng Nai thổi về mát rượi, bên kia sông là Thành phố Biên Hòa có căn cứ của quân đoàn 3 và quân khu 3 ngụy và căn cứ không quân chiến lược Biên Hòa, ánh điện vẫn sáng rực... Toàn bộ đội hình dừng lại ở khu vực phía đông ấp Tân Bản (nay thuộc phường Bửu Hòa), Chỉ huy sở trận đánh cũng ở đây. Cách hai cầu khoảng một cây số. Đơn vị tôi bố trí ven ấp gần ngã ba cầu Hang. Theo phương án tác chiến, nhiệm vụ cụ thể các đơn vị như sau: - Đại đội 1 Tiểu đoàn 23 và Đại đội 14 Tiểu đoàn 174 đánh chiếm cầu Ghềnh. - Đại đội 3 Tiểu đoàn 23 và Đại đội 13 Tiểu đoàn 174 đánh chiếm cầu Hóa An. - Các đơn vị còn lại bố trí gần Sở Chỉ huy làm lực lượng dự bị, đồng thời có nhiệm vụ ngăn chặn địch từ hướng Thủ Đức, Dĩ An đánh lên. - Hỏa lực chi viện trực tiếp cho các đơn vị đánh chiếm hai cầu bố trí gần cầu Hang. - Đại đội 8 bố trí phía sau sử dụng bốn khẩu ĐKB chi viện cho các lực lượng phía trước. Về vị trí và tầm quan trọng của hai cầu Ghềnh và cầu Hóa An mà chúng tôi có nhiệm vụ chiếm giữ. - Cầu Ghềnh là bằng sắt có từ hồi Pháp thuộc, bắc qua sông Đồng Nai ở đầu Cù Lao Phố, cầu tuy hẹp nhưng vẫn dùng cho xe lửa và xe hơi qua lại. - Cầu Hóa An (cầu Mới) dài 800 mét ở phía thượng nguồn cách cầu Ghềnh 1 ki-lô-mét, là cầu bê tông kiên cố. Hồi tháng 10 năm 1974 bị một tổ của tiểu đoàn đặc công 23 đánh sập hai nhịp, địch đã sửa lại, xe vận tải có thể qua lại được. Đánh chiếm, chốt giữ hai cầu này hết sức quan trọng: Một là, không cho địch rút về co cụm ở Sài Gòn. Hai là, bảo đảm đường cơ động cho các binh đoàn chủ lực ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Sau khi nghiên cứu địa hình, chúng tôi triển khai cho đơn vị đào công sự chiến đấu. Đêm đã khuya bà con trong xóm vẫn chưa ngủ. Giữa lúc này một thanh niên đến gặp chúng tôi cho biết tên anh là Tân, anh nói: - Xã này đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa do cô Hai (tức chị Hai Não) và chị Tám (Tám Huệ) lãnh đạo phái em đến để liên lạc với đằng mình, cần gì các anh cứ nói. Các anh về tụi em mừng quá trời. - Thế thì hay quá - tôi nói: Anh đến thật đúng lúc, đề nghị anh cho biết tình hình ở khu vực này. Sau khi nói một số tình hình, anh chỉ tay về phía trước mặt nói tiếp: - Hồi hôm ở Xóm Chùa cách đây khoảng 1.000 mét có lính và cả xe tăng mới đến, nhưng số lượng bao nhiêu thì chưa rõ. Tôi nghĩ sơ bộ như vậy là quý lắm rồi. Thấy bộ đội đào công sự mấy bác trong xóm đem trà nước cho anh em uống, một bác nhỏ nhẹ nói: - Nói thiệt với mấy chú, tụi tôi thấy các chú đến mừng lắm. Nhưng thế nào cũng đánh nhau to, mà đánh nhau thì... - bác ngừng lời, tôi nhẹ nhàng nói: - Có gì bác cứ nói, đừng ngại. -Một lát sau bác tiếp lời: - Nói các chú đừng buồn, ý bà con muốn giao lại nhà cửa vườn tược cho các chú, để đưa sắp nhỏ lánh xa làn tên mũi đạn. - Bà con định đi đâu? - Tôi hỏi. - Vô trỏng chứ còn đi đâu nữa mấy chú! - Tức là vô Biên Hòa hay xuống Sài Gòn? Các bác không ai trả lời mà chỉ thở dài... tôi lại nói: - Không ổn rồi! Cô bác ơi! Những chỗ ấy bộ đội mình nay mai cũng tiến về đó cả thôi. Cuộc trao đổi tạm ngưng vì tôi phải nhận lệnh của Ban Chỉ huy trận đánh là khẩn trương hoàn thành mọi công tác chuẩn bị trước 4 giờ sáng ngày 27 tháng 4. Sau khi phổ biến mệnh lệnh trên cho đơn vị chúng tôi trao đổi với nhau: trƣớc tình hình nhân dân lo lắng nên cử cán bộ cùng anh em du kích đến từng nhà động viên bà con bình tĩnh ở lại bám đất, nổi dậy làm chủ xóm ấp. Cần có kế hoạch sơ tán số người già yếu và các cháu nhỏ về phía sau, số còn lại thì đào hầm ngay trong nhà, ngoài vườn để ẩn nấp. Khi đã hiểu ra, bà con cô bác không những tự đào hầm cho mình mà còn giúp đỡ anh em làm công sự chiến đấu. Có nhiều gia đình tháo cả cánh cửa, ván nằm đưa cho chúng tôi làm nắp công sự chiến đấu. Tuy đất rắn nhưng với nỗ lực của anh em được bà con giúp đỡ, 4 giờ sáng ngày 27 tháng 4 chúng tôi đã hoàn thành mọi công việc chuẩn bị chiến đấu. Đúng 4 giờ 30 phút trận chiến bắt đầu.
Tại cầu Ghềnh một mũi của ta bí mật tiếp cận ém sát mục tiêu, bất ngờ tập kích vào lực lượng địch canh giữ cầu. Bọn chúng trở tay không kịp hốt hoảng bỏ chạy, ta chiếm cầu tổ chức lực lượng chốt giữ. Tại cầu Hóa An khi ta tiến quân, gặp địch chốt tại ngã tư Tân Mỹ cách cầu 500 mét, buộc ta phải nổ súng đánh thốc lên chiếm cầu. Chỉ trong vòng 30 phút, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm hai cầu, về phía ta không ai thương vong. Nhưng nhiệm vụ tiếp sau là giữ cầu, mới thực sự diễn ra vô cùng quyết liệt. 8 giờ 30 phút ngày 27 tháng 4, địch tổ chức phản kích chiếm lại cầu. Mở đầu pháo của chúng từ Thủ Đức bắn lên, từ Long Bình, Biên Hòa bắn tới, Châu Thới bắn qua. Đứng ở Sở Chỉ huy quan sát thấy từng cụm khói bốc cao, lẫn trong tiếng nổ vang rền. Tuy đã quen với cảnh tượng này nhưng tim tôi như thắt lại với nỗi lo: liệu anh em mình có sao không? Có trụ vững không? Nhưng cái gì thế kia? Những tiếng nổ đanh dồn dập của đạn B40, B41, ĐKZ 82, xen lẫn những tràng tiểu liên, trung liên, trọng liên 12,7 mm của hai cánh quân ta, đánh thẳng vào đội hình của địch, chặn đứng bọn biệt động quân và lính dù ngụy có xe tăng yểm trợ phản kích hòng chiếm lại cầu. Bị giáng trả quyết liệt, bọn phía trước không tiến lên được, đội hình phía sau ùn lại. Tận dụng thời cơ, trận địa cối 82 của chúng tôi bắn cấp tập vào đội hình địch, gây cho chúng tổn thất nặng nề một số chết, một số bị thương, số còn lại chạy nhốn nháo. Nhìn cảnh tượng ấy có đồng chí bỗng thốt lên: Đánh cừ lắm! Rất bài bản. Như để trả lời đồng chí ấy, tôi nói: đúng bài bản đấy! Nhưng bọn chúng lại xông lên bây giờ đấy mà, chuẩn bị đi thì vừa. Quả đúng vậy! Tiếng súng lại rộ lên từ phía hai cầu xen lẫn tiếng súng của ta và địch. Còn nghe rõ tiếng động cơ xe tăng địch gầm rú, không gian như vỡ ra, đợt phản kích thứ 2 của địch lại bắt đầu. Cứ như vậy, suốt ngày 27 tháng 4 qua bốn đợt dùng xung lực, dưới sự yểm trợ tối đa của pháo và xe tăng, tấn công quyết liệt nhằm đánh bật ta ra khỏi cầu, nhưng đều thất bại. Ngày 28 tháng 4, mới mờ sáng các trận địa pháo của địch bắn liên tiếp vào các chốt của ta. Sau đó năm trực thăng vũ trang của chúng từ hướng sân bay Tân Sơn Nhất tới bắn hỏa tiễn và đạn 12,8 mm xuống trận địa của ta, mở đầu cho các đợt tấn công của bộ binh kết hợp với xe tăng nhằm chiếm lại cầu. Hồi 10 giờ sáng cùng lúc với việc đánh chiếm hai cầu, địch còn dùng một tiểu đoàn đánh vào Chỉ huy sở của ta. Được du kích phối hợp, nhân dân lo cơm nước, cứu chữa chăm sóc thương binh, lực lượng ta bám trụ kiên cường, giáng trả địch quyết liệt tiêu diệt nhiều tên, thu 20 súng buộc chúng phải tháo chạy.
Ở hướng cầu Ghềnh hôm đó do lực lượng không cân sức, địch tạm thời chiếm được cầu. Nhưng ngay đêm hôm đó (28-4) ta tổ chức lực lượng phản kích chiếm lại cầu.
Suốt đêm hôm đó tất cả các bộ phận lại củng cố công sự, chuẩn bị vũ khí, giải quyết hậu quả, sẵn sàng đánh trả các đợt tiến công của địch. Ngày 29 tháng 4, sau nhiều lần dùng máy bay L19 trinh sát thăm dò lực lượng ta, vẫn theo nếp cũ, pháo địch lại bắn phá điên cuồng vào các chốt của ta: lần này chúng sử dụng hai tiểu đoàn bộ binh kết hợp với xe tăng đánh vào hai cầu và chốt của ta ở cầu Hang. Hướng cầu Ghềnh Đại đội 1 Tiểu đoàn 23 và Đại đội pháo 174 chiếm lĩnh địa hình có lợi, đánh lui nhiều đợt tiến công của địch diệt hàng trăm tên, bắn cháy năm xe tăng. Ba đồng chí trong Ban Chỉ huy đại đội 1 trong một lần tiến công của địch bị chúng bao vây chia cắt đội hình, không liên lạc được với anh em. Các đồng chí không nao núng, chiến đấu rất kiên cường, mưu trí, vừa nghi binh đánh lừa địch, vừa chiến đấu diệt nhiều tên, bằng mọi thứ vũ khí có trong tay nhằm kéo dài cuộc chiến đấu không cân sức với hàng trăm tên lính ngụy. Các đồng chí đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh tại trận địa. Tại cầu Hóa An, các chiến sĩ ta ngoan cường giành đi giật lại từng tấc đất với địch để giữ cầu. Ngoài lực lượng địch đánh chiếm hai cầu, chúng còn dùng lực lượng mạnh nhằm đánh bật chốt ở cầu Hang do đại đội pháo chiếm giữ. Đây là một vị trí quan trọng vì không những chi viện trực tiếp cho lực lƣợng chốt giữ cầu, mà còn là một vị trí “yết hầu” nhằm án ngữ không cho địch rút chạy về Sài Gòn, đồng thời ngăn chặn các lực lượng của chúng từ Thủ Đức, Dĩ An lên chi viện cho lực lượng chúng đánh chiếm cầu.
Trời vừa mờ sáng (ngày 29 tháng 4 năm 1975) tổ cảnh giới báo cáo: bộ binh địch từ hướng cầu Hóa An theo trục lộ tiến về phía ta. Khi tốp đi đầu cách trận địa ta 100 mét rồi 50 mét, lập tức các cỡ súng AK, trung liên, B40 nổ đồng loạt. Xác địch liên tiếp đổ xuống mặt lộ và rải rác ở các thửa ruộng ven lộ, số còn lại chạy tán loạn. Bị một đòn phủ đầu choáng váng, chúng không dám tiến lên nữa. Lợi dụng các bờ ruộng, mương cạn ẩn nấp, gọi pháo bắn vào chốt của ta. Loạt pháo cuối cùng của chúng vừa dứt, trên trục lộ xuất hiện sáu xe tăng nối đuôi nhau chạy về hướng chúng tôi. Tiếng xích sắt và động cơ ầm ầm, mặt đất như rung chuyển. Chiếc đi đầu vừa chạy vừa bắn xối xả vào phía chốt. Lợi dụng các thửa ruộng khô hai bên lộ, chúng triển khai đội hình cách trận địa ta khoảng 300 mét. Khẩu đội ĐKZ 82 của đồng chí Nghị ở gần chiếc đi đầu nhất, pháo thủ số 1 - Lã Văn Điều đề nghị khẩu đội trưởng cho bắn, nhưng đồng chí Nghị nhắc Điều cứ để thật gần mới bắn. Khi khối thép di động còn cách trận địa 100 mét thì khẩu ĐKZ chồm lên kèm theo hai tiếng nổ hầu như cùng một lúc, chiếc M41 trúng đạn bốc cháy. Chiếc thứ hai của chúng vượt lên thì cũng chịu chung số phận. Bốn chiếc còn lại bắn xối xả về phía ta và tiếp tục xông lên. Đồng chí Nghị hạ lệnh nạp đạn tiếp. Nhưng lúc này chân pháo bị mảnh đạn của địch tiện gãy. Khẩu đội trưởng hy sinh, một số đồng chí khác bị thương, đồng chí Điều cũng bị thương vào trán máu chảy tràn xuống sống mũi và một bên mắt chưa kịp băng bó. Chúng tôi định cho khẩu đội ngưng bắn lui về phía sau!
Nhưng thật bất ngờ! Đồng chí Điều bật khỏi công sự, đứng thẳng tư thế hiên ngang với nòng pháo còn nóng bỏng trên vai, động tác chính xác, dứt khoát giật cò. Chiếc xe tăng thứ 3 của địch bốc cháy, những chiếc còn lại đứng tại chỗ không dám tiến lên chỉ dùng hỏa lực bắn xối xả vào chốt của ta. Điều nạp tiếp quả đạn thứ 4. Nhưng... chưa kịp giật cò, thì đạn của địch trúng nòng pháo của Điều, quả đạn trong nòng nổ! Đồng chí Điều hy sinh trong tư thế ngẩng cao đầu “Nhắm thẳng quân thù bắn!”. Noi gương Điều các khẩu khác tới tấp nã đạn vào quân địch.
Những chiếc xe tăng còn lại quay đầu bỏ chạy, bộ binh của chúng hoảng sợ, bám theo xe tăng chạy thục mạng về hướng xóm Chùa. Ở một hướng khác, Nguyễn Tiến Huân trinh sát viên của tiểu đoàn tăng cường cho đơn vị, khi xạ thủ B41 bị thương, Huân xin thay thế, đã bắn cháy hai xe tăng địch. Khi bị thương vẫn không rời trận địa đã cùng đại đội đánh lui nhiều đợt tiến công của địch diệt nhiều tên. Khoảng 12 giờ trưa địch chuyển hướng tiến công từ chính diện sang tiến công cạnh sườn, chúng sử dụng chín xe tăng kết hợp với bộ binh tiến công phía sườn trái chúng tôi. Xe tăng của chúng chạy băng băng trên các thửa ruộng tiến lên chiếm lĩnh dãy đồi cao cách chúng tôi 800 mét (nay là khu khai thác đá) dùng pháo trên xe bắn xối xả vào đội hình của ta.
Hướng chính diện chúng dùng xe kéo hai khẩu pháo 105 mm đặt ngay trên lộ bắn thẳng vào chốt của chúng tôi. Trận địa cối 106,7 mm trên núi Châu Thới cũng bắn dồn dập vào đội hình phía sau và trận địa cối 82 mm của ta. Đợt tập kích hỏa lực của chúng làm sập một số công sự, một số đồng chí ta hy sinh và bị thương. Trước tình hình đó chúng tôi hội ý cán bộ hạ quyết tâm: bất luận tình huống nào cũng phải giữ vững trận địa, với khẩu hiệu hành động là: “Còn người còn trận địa”. Một mặt điều chỉnh binh hỏa lực, củng cố công sự, bố trí đội hình hợp lý. Mặt khác cán bộ đi đến từng tổ chiến đấu động viên anh em, củng cố quyết tâm... Qua mạng thông tin báo cáo tình hình lên cấp trên và xin chi viện hỏa lực. Từ Sở Chỉ huy, đồng chí Đinh Xuân Nghiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn động viên chúng tôi phải giữ được trận địa bằng mọi giá. Trung đoàn sẽ chi viện cho các đồng chí, cần hợp đồng chặt chẽ với đại đội 8 quan sát hiệu chỉnh bắn cho tốt, sau cùng anh thông báo: - Đại quân ta đã tiến gần tới chỗ các đồng chí rồi đấy! Thông báo cho anh em. Cần giữ vững quyết tâm. Chúc các đồng chí thắng lợi! Chúng tôi phổ biến ngay lệnh của Trung đoàn và tin đại quân ta đang đến. Anh em rất phấn khởi như được tiếp thêm sức mạnh.
Sau khi hiệu chỉnh chính xác đạn bắn thử, thì từ trận địa phía sau, từng loạt, từng loạt hỏa tiễn ĐKB của đại đội 8 bắn cấp tập vào cụm bộ binh và xe tăng, trận địa cối của địch trên núi Châu Thới. Phối hợp với trận địa ĐKB, trận địa cối 82 của chúng tôi tới tấp nhả đạn vào hai khẩu pháo của địch đặt trên lộ. Đạn pháo và cối của ta trùm lên các mục tiêu của địch phá hủy một khẩu pháo 105, trận địa cối trên núi Châu Thới phải câm họng, số còn lại phải bỏ chạy. Khi loạt đạn cuối cùng của ta vừa dứt, bộ binh và xe tăng địch chạy nhốn nháo. Từ phía Tân Uyên các cỡ súng nổ dồn dập (sau này được biết là cánh quân Quân đoàn 1 của ta đang đánh địch ở hướng đó). Đội hình của địch lúc này càng nhốn nháo, cuối cùng chúng phải tháo chạy bỏ dở cuộc tiến công. Mặt trời đã khuất sau rặng núi phía xa, những tia nắng cuối cùng tắt hẳn. Không gian như dịu lại khi màn đêm buông xuống, chúng tôi sơ bộ tổng hợp tình hình: trong ngày đơn vị đã đánh lui năm đợt phản kích của địch, diệt hàng trăm tên; bắn cháy bảy xe tăng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng nhiệm vụ tiếp theo vẫn còn phải cố gắng nhiều. Chúng tôi lại bắt tay vào công việc chuẩn bị cho ngày mai...? Đến đây chúng tôi muốn nói về tấm lòng của nhân dân đối với đơn vị qua những ngày chiến đấu. Trong lúc anh em du kích phối hợp chiến đấu, thì một số bà con lo cơm nước cho chúng tôi. Đối với người lính trong công tác và chiến đấu cảnh đói cơm khát nước là chuyện thường. Nhưng hoàn cảnh của chúng tôi lúc bấy giờ thật vô cùng khó khăn. Thời tiết vào cuối mùa khô, mặt trời như đổ lửa phơi mình dưới cái nắng như nung, cộng thêm khói lửa mịt mù của mưa bom bão đạn. Không khí càng bị nung nóng thêm, ngột ngạt vô cùng. Áo quần ai nấy đều bê bết đẫm mồ hôi, khói bụi - mặt mũi xạm đen, môi nứt nẻ, cổ họng rát bỏng vì khát! Khát đến cực độ thì bà con cô bác bất chấp nguy hiểm, đem tới tận chiến hào cho chúng tôi những bình trà, ca nước. Lúc này quý giá biết chừng nào! Trên các khu vực xảy ra chiến sự, bom pháo địch bắn bừa bãi bất chấp khu dân cư, mà nhiều nhất là ở khu chợ Đồn, Tân Bản nhiều nhà cửa bị sập, bị cháy.
Ở Tân Bửu chiều 29 tháng 4, pháo địch bắn trúng nhà của các bác Sáu Tây, Hai Căn, Chín Thăm, lửa bốc cháy ngùn ngụt, chúng tôi điều động một số anh em đi cứu chữa tài sản cho dân, nhƣng bà con ngăn lại và nói: - Trước sau gì thì nhà cũng cháy rồi, may mà còn người. Các chú cứ lo đánh tụi nó đi (ý nói địch) nay mai yên bình rồi làm lại mấy hồi. Tấm lòng của nhân dân đối với cách mạng, với các chiến sĩ thân yêu thật quý giá biết nhường nào. Việc chăm sóc thương binh, tẩn liệm, mai táng tử sĩ được các bác Tư Minh, Hai Sớt, Năm Được, Tư Nhị và bà con cô bác rất tận tình. Cô bác chăm sóc thương binh, tẩn liệm mai táng tử sĩ mà nước mắt lưng tròng, nhiều người khóc ròng, trước tình cảm đó chúng tôi vô cùng xúc động. Tình cảm thân thương trìu mến mà bà con cô bác giành cho chúng tôi những người đang sống cũng như người đã khuất, mãi mãi in sâu vào tâm trí chúng tôi. Trên 60 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã ngã xuống bên bờ Sông Phố và ven sông Đồng Nai trước ngày toàn thắng, đã được nhân dân mai táng chu đáo, và đã trang trọng ghi tên các anh vào danh sách liệt sĩ của địa phương mình.
Hàng năm cứ đến dịp kỷ niệm chiến thắng 30 tháng 4 và 27 tháng 7, cấp ủy và chính quyền địa phương đều gởi thư thăm hỏi gia đình các liệt sĩ. Nhân đây cũng xin nói thêm một kỷ niệm về các đồng chí lãnh đạo địa phương đối với đơn vị trong những ngày này. Chiều 1 tháng 5 năm 1975, sau khi nắm tình hình giải quyết một số công việc cho các địa phương ở hướng tây, chúng tôi đi trên chiếc xe Jeep chiếm lợi phẩm để qua căn cứ Hốc Bà Thức (đông thành phố) do Tiểu đoàn 9 chiếm giữ. Xe chúng tôi đến cầu Ghềnh thì chốt cầu gồm bốn đồng chí còn lại của Đại đội 1 Tiểu đoàn 23 đón chúng tôi.
Mặc dù rất mệt nhưng ánh mắt các đồng chí vẫn sáng người, với nụ cười rạng rỡ trong niềm vui chiến thắng. Đó cũng là những người đầu tiên đón chúng tôi. Dọc đường xe chúng tôi chạy qua ngổn ngang các thứ vũ khí, quân trang, quân dụng của địch bỏ lại làm cản trở giao thông. Xe chúng tôi ghé qua tòa thị chính (dinh tỉnh trưởng ngụy) nay là trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh gặp anh Năm Trang (Phan Văn Trang) và các anh trong Ban Quân quản. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, trong không khí của ngày vui toàn thắng. Chúng tôi báo cáo tình hình và kết quả chiến đấu của đơn vị các anh rất vui, anh Năm lại hỏi: - Anh em mình thương vong có nhiều không? -Nén xúc động chúng tôi báo cáo tiếp: - Số hy sinh nắm chưa đầy đủ nhưng khoảng 60 đồng chí. Số bị thương cũng gần như vậy. Tất cả đều lặng đi. Lát sau bằng một giọng trầm hẳn xuống anh Năm hỏi tiếp: - Số anh em bị thương giờ nằm ở đâu?
Đồng chí Nguyễn Thanh Lộc báo cáo: - Đơn vị được bà con giúp đỡ đã đưa anh em về nhà thương Biên Hòa hồi chiều 30 tháng 4, chút nữa chúng tôi ghé thăm anh em. Suy nghĩ giây lát và sau khi trao đổi với các anh lãnh đạo, anh nói: - Tuy rất bận nhưng chúng tôi sẽ cùng các anh đến thăm anh em. Tôi sẽ làm “giao liên” vì tôi rành đường lắm. Bệnh viện Biên Hòa tiếp nhận hầu hết thương binh của các đơn vị chiến đấu ở địa bàn thị xã và phụ cận, nhưng nhiều nhất vẫn là thương binh của Đoàn Đặc công 113. Anh em được các y bác sĩ giải phóng cùng với một số nhân viên y tế chế độ cũ tận tình cứu chữa. Chúng tôi giành nhiều thời gian, thăm hỏi động viên anh em. Các đồng chí lãnh đạo địa phương còn muốn ở lại thêm nữa với anh em, nhưng công việc rất bận nên tạm chia tay.
Xe chúng tôi đến căn cứ Hốc Bà Thức, đây là căn cứ, hậu cứ của lữ đoàn kỵ binh thiết giáp số 15 ngụy và liên đoàn biệt kích 81 ngụy. Đêm 29 tháng 4 Tiểu đoàn 9 đã bí mật tập kích đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn căn cứ này để bảo đảm thông đường tiến quân cho các cánh quân đánh chiếm sân bay Biên Hòa, bộ tư lệnh quân đoàn 3 ngụy, giải phóng thành phố Biên Hòa. Tại Sở Chỉ huy tiểu đoàn (trước đây là bản doanh của chuẩn tướng Lê Quang Khôi lữ trưởng lữ 15).
Đồng chí Đỗ Văn Ninh ( *,) Trung đoàn phó người chỉ huy đánh căn cứ Hốc Bà Thức và Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 9 vui mừng chào đón chúng tôi. Mới xa nhau mấy ngày mà ai cũng tưởng như hằng năm mới gặp. Chúng tôi kể cho nhau nghe diễn biến chiến đấu của từng cánh, gương chiến đấu dũng cảm mưu trí của những tập thể và cá nhân các đơn vị, trong niềm tự hào nhƣng không khỏi xót xa khi nghĩ đến nhiều đồng chí không còn nữa để chung vui ngày toàn thắng. Kể về sự giúp đỡ của nhân dân trong đợt chiến đấu vừa qua, mọi người đều chung ý nghĩ, nếu như không được dân giúp đỡ thì nhiệm vụ của chúng tôi sẽ khó khăn biết chừng nào! Sau câu chuyện hàn huyên, chúng tôi lại tiếp tục bàn kế hoạch triển khai công việc. Thắng lợi rồi nhưng chưa phải lúc nghỉ ngơi. Nhiệm vụ mới đang chờ! Đã nhiều năm trôi qua, thời gian đã làm cho ai đó phai nhạt đi nhiều kỷ niệm và nhiều hình ảnh thân thương. Nhưng với chúng tôi, những cán bộ chiến sĩ Đoàn Đặc công 113 quên làm sao được? Mỗi khi qua cầu Mới, cầu Ghềnh, nhìn những nhịp cầu soi bóng xuống dòng sông, và những dòng người, những đoàn xe tấp nập qua lại, lòng chúng tôi vô cùng xúc động nhớ lại bao kỷ niệm.
Chính nơi đây qua ba ngày đêm cán bộ chiến sĩ chúng tôi đã dũng cảm, mưu trí chịu đựng mọi thứ thách gay go, ác liệt lập nên những chiến công hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ cầu diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy xe tăng, phá hủy và phá hỏng nhiều khẩu pháo của địch. Chúng tôi không thể nào quên nơi đây trên 60 đồng chí đã ngã xuống và đã thấm máu biết bao nhiêu cán bộ chiến sĩ thân yêu. Trận địa cầu Mới, cầu Ghềnh đã tô thắm thêm truyền thống của Trung đoàn 113. Và mãi mãi thắm đượm tình nghĩa quân, dân cá nước.
Qua bài viết này, xin nêu lên đôi điều cảm nghĩ của chúng tôi, mà cũng là cảm nghĩ của các thế hệ cán bộ chiến sĩ Đoàn Đặc công 113 về mảnh đất Biên Hòa với những tên làng, tên núi, tên sông, đều gắn liền với chiến công của đơn vị. Thân thương biết mấy, khi nhắc tới Thiện Tân, Đại An, Hưng Nghĩa, Bàu Hàm, Bình Sơn, An Viễn, Tân Hiệp, Tân Vạn, Bửu Hòa, Tân Phong, Tân Mai, Tân Bửu, Hóa An, Hiệp Hòa... Tuy nghèo nhưng giàu lòng yêu nước, chắt chiu từng lon gạo, hạt muối nuôi quân. Chăm lo cho các chiến sĩ cũng như con em ruột thịt của mình. Từ lòng đất núi Bùng Binh, Giang Tói, Ông Tạ là áo giáp chở che cho đoàn quân tinh nhuệ. Và đây nữa những dòng sông quê mẹ Đồng Nai, Sông Bé, Sông Buông... đã bao lần đưa đón các đoàn quân xuôi ngược. Từng chứng kiến những tiến công trên sông nước của cảng Long Bình Tân, cầu Mới, cầu Ghềnh.
Sân bay chiến lược Biên Hòa, tổng kho liên hợp Long Bình “mục tiêu điểm của chiến trường trọng điểm” bị đánh đi đánh lại nhiều lần bằng những đòn đánh hiểm, những đòn sấm sét làm cho kẻ thù choáng váng, hoang mang. Những tháng năm chiến đấu hào hùng. Đoàn Đặc công 113 chúng tôi sinh ra và lớn nhanh như Phù Đổng, mà cái nôi là mảnh đất Biên Hòa “miền Đông gian lao mà anh dũng” hun đúc bồi đắp hào khí Đồng Nai. Đảng bộ địa phương chăm sóc, nhân dân yêu thương đùm bọc, tạo điều kiện cho chúng tôi làm nên những chiến thắng diệu kỳ. Ngày nay trong hòa bình, Đảng bộ và nhân dân đã dựng lên những tượng đài chiến thắng và dành vị trí trang trọng ghi tên những đơn vị đã từng chiến đấu trên mảnh đất Biên Hòa, trong đó có Đoàn Đặc công 113 chúng tôi. Về phần mình, cán bộ chiến sĩ các thế hệ của Trung đoàn từ vị tướng tới binh nhì dù còn tại ngũ hay đã về với đời thường, từ trái tim mình luôn luôn ghi nhớ những tình cảm mà Đảng bộ và nhân dân dành cho đơn vị. Xin nguyện giữ gìn và phát huy truyền thống của bộ đội đặc công: “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời. Mưu trí sáng tạo, đánh hiểm thắng lớn” và Đoàn Đặc công 113 ba lần được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Mãi mãi xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và nhân dân Biên Hòa, Đồng Nai trăm quý ngàn thương.
VĂN DĨ - VŨ CHIẾN
( Văn Dĩ - nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 23, E113, Vũ Chiến - đại tá nghỉ hưu )
Theo Trái tim người lính/ BLL Đoàn Đặc Công 113