Trong kí ức của tôi, hình ảnh bức tranh gà Đông Hồ vẽ trên giấy điệp được ông ngoại đi chợ Tết mua về treo trên vách tường như vẫn còn đâu đây, thật rõ nét. Bức tranh vẽ một gia đình gà trông rất tươi tắn và bắt mắt. Chị gà mái hoa mơ thân mình mập mạp, đôi mắt nghiêng nghiêng hiền từ, cái mỏ đang cúi xuống nhằn miếng mồi, tục tục gọi đàn con để mớm.
Xung quanh chị gà mái là mười chú gà con nhỏ xíu, lông vàng óng mượt như tơ đang líu ríu chạy theo, vài chú nhanh chân chạy sát bên mẹ, tranh nhau miếng mồi của mẹ cho, trông đến ngộ. Nổi bật nhất vẫn là hình ảnh anh gà trống oai vệ đi bên cạnh với bộ cánh ngũ sắc trổ mã lông tiên, cái mào cờ đỏ rực rỡ, đôi mắt tròn sáng quắc long lanh, cái mỏ cong cong khỏe khoắn và bộ lông đuôi cong vút oai hùng.
Nhìn hình ảnh nhà gà, trong tâm hồn trẻ thơ non nớt hồi ấy, tôi chỉ cảm nhận được một sắc màu tươi sáng, ngộ nghĩnh, vui vui. Giờ nghĩ lại, thấy người nghệ sĩ tài hoa kia đã gửi vào trong đó bao nhiêu là ý tứ sâu xa và ước vọng. Nhìn bức tranh gà, người ta nghĩ đến sự sum vầy, đoàn tụ, đủ đầy, ấm no, hạnh phúc và cả sự che chở, bao bọc, nhường nhịn, yêu thương. Tự nhiên, thấy một niềm vui an lạc, khoan khoái lan tỏa dìu dịu trong tâm hồn. Và cũng rất tự nhiên, thấy có thêm hứng khởi để say sưa cuộc sống.
Gà là loài vật đem lại cho con người rất nhiều giá trị, cả về vật chất và tinh thần. Trong tâm trí của người Việt, giá trị tinh thần đậm đà nhất, có lẽ vẫn là tiếng gà gáy. Đêm về khuya yên tĩnh, tiếng gà gáy sang canh văng vẳng từ xa vọng lại, hoặc rõ mồn một trong vườn nhà, gợi trong lòng người sự yên lặng và lắng đọng. Cái yên và cái đọng ấy dường như theo tiếng gà, đang trôi trôi nhè nhẹ, êm như nhung trước dòng thời gian.
Gà gáy sang canh lúc nửa đêm, khoảng canh một, canh hai, canh ba thường lưa thưa, lác đác. Còn tiếng gà gáy báo sáng lúc canh bốn, canh năm thì dồn dập, liên hồi, một chú gáy sẽ đánh động cả một giàn gáy theo. Rộ lên râm ran một lúc rồi lại im thin thít như tờ. Nghe tiếng gáy, người tinh sẽ nhận ra độ tuổi và chất giọng của từng con trống. Tiếng gáy của trống choai mới lớn thường còn bập bẹ, tuy có độ khoẻ và trong nhưng còn hụt, chưa dài. Tiếng gáy của bác trống già thường có độ trầm, vang dài, tròn vành rõ tiếng. Còn tiếng gáy của chú trống đang tuổi lực lưỡng xuân thì vừa tròn, vừa dài, vừa ngân vang lảnh lót, lại vừa có vần, có nhịp và tiết tấu, nghe thật sung mãn, thoả thuê. Sau tiếng vỗ cánh phành phạch, con nào con ấy đều há mỏ, ưỡn ngực, lấy hết sức bình sinh, lấy hết nội lực để bật ra một dòng âm thanh hết sức vi diệu: Ò ó o o…. Ò ó o o….
Tiếng gà gáy sáng ấy gợi trong lòng người biết bao nhiêu là cảm xúc. Nó đánh thức một ngày mới. Đánh thức để mẹ dậy đi chợ, gồng gánh đường xa. Đánh thức để bà dậy nhóm bếp lửa nấu nồi cám lợn, nấu ấm nước chè xanh và thổi nồi cơm gạo trắng để ông chuẩn bị ra đồng. Đánh thức cha dậy đi đổ đó kiếm con cua con tép cho bữa ăn tươi trong ngày. Đánh thức chị dậy rút rơm, bồi cỏ cho chú trâu trong chuồng. Đánh thức em dậy chong đèn dầu học thuộc bài để chuẩn bị đến trường xung phong lên bảng lấy điểm 10 tròn xoe... Tiếng gà gáy sáng đã đánh thức nhựa sống khỏe mạnh trong lòng người, đánh thức nhịp sống quen thuộc của làng quê. Và giờ đây, tiếng gà gáy sáng còn đánh thức cả bao nhiêu kí ức về một thời xa vắng, xa xôi...
Có lần cháu dặn bà: "Bà ơi, gà gáy thì bà gọi cháu dậy học bài, bà nhé". Bà ừ và nhớ đinh ninh. Nhưng bà già rồi, thính ngủ và ít ngủ nên gà mới gáy báo canh hai, ông trăng vẫn sáng vằng vặc lưng ngọn tre, bà đã rối rít gọi cháu dậy học bài. Cháu mắt nhắm mắt mở cay cay vùng dậy, vặn to ngọn đèn dầu, học thuộc mấy bài rồi mà trời vẫn tối đen, lòng nuối tiếc lại đi ngủ tiếp, trong mơ nô đùa với chúng bạn, cười khúc khích giòn tan đến ngộ.
Giờ, bà đã đi xa, ông cũng đã đi rất xa.... Cha mẹ đã già. Còn tôi thì cũng đã trưởng thành cứng cáp trước sương gió cuộc đời. Năm tháng như con tàu thời gian chở theo bao kỉ niệm. Kỉ niệm về một miền quê dấu yêu. Kỉ niệm về những người thương mến. Kỉ niệm về một tuổi thơ thần tiên và dữ dội. Kỉ niệm về tiếng gà gáy sáng gọi mặt trời…, rất gần mà cũng rất xa xăm....
Tiếng gà gáy sáng. Tiếng gà gáy ò ó o o... vừa ngân vang, vừa dõng dạc, dập dồn. Âm thanh ấy sao lại dội vào lòng người ta nhiều hoài niệm êm đềm và nhiều luyến thương đến thế?
Theo Chuyện quê