Anh tỉnh dậy khi cô y tá đang thay băng, một tay cô đỡ đầu anh, gương mặt thật gần.
"Tôi đang ở đâu thế này?"
"Anh Hai tỉnh rồi!", cô reo khẽ.
Và rồi hàng ngày thay băng, tiêm thuốc cho anh là cô. Anh đã biết cô là Sinh viên y khoa Sài Gòn năm nhất, còn anh hơn tuổi cô mới học hết lớp 10 (hệ Mười năm).
"Sao em mới 17 mà là Sinh viên?"
"Em học sớm hơn một năm anh ạ".
Giao lưu văn hoá hai miền sao chẳng khác nhau là mấy. Họ yêu nhau lúc nào không biết. Đơn vị hai bên ủng hộ.
Anh đã khoẻ, có thể tham gia vài việc giúp viện. Hôm ấy chị cho anh đi lấy nước ngọt cùng. Ở rừng Sác nước ngọt phải bơi xuồng ra gò bìa rừng lấy. Tối ấy chị bơi xuồng gọi: "anh Hai lấy nước với em đi". Ngồi đầu mũi thuyền, đằng sau chị cầm lái, không dám quay lại mà anh mường tượng dáng chị mềm mại chèo thuyền chắc đẹp lắm... Anh mơ ngày không còn chiến tranh.
Thuyền cập gò. Quan sát đề phòng địch phục kích rồi anh múc nước vào bồng chị cầm sẵn, chị thắt chặt bồng rồi anh vác xuống khoang thuyền. Đã xong, khoảng bốn trăm lít. Anh còn cố múc thêm gầu nữa rồi như quá mệt, anh ngã đổ ướt hết áo chị.
"Trời anh sao vậy, chắc mệt quá rồi". Chị biết đâu anh đang sung sướng ngắm chị dưới trăng... và chỉ thế thôi. Về đến cứ, mặc chị ngăn cản lo lắng, mình anh lại vác từng bồng nước dưới xuồng lên đổ vào bồn.
Rồi anh ra viện, bao lưu luyến, quà của chị là gói tôm rang.
Tình yêu có sức mạnh thật kì lạ. Họ tìm đến nhau như không cần nghỉ ngơi sau mỗi trận đánh của anh và sau mỗi ca cứu thương vất vả của chị.
Rồi viện quân y bị lộ. Bất ngờ máy bay oanh tạc cả một ngày. Chị hy sinh khi tuổi 19. Sau trận đánh, nghe tin dữ anh ào đến. Như một điều kì diệu là đúng khi những xẻng đất đầu tiên rơi xuống huyệt chị nằm. "Khoan đã các đồng chí ơi..."
"Em mở cho anh Hai coi chị nhé", tiếng cô y tá nức nở. "Chị mất vẫn đang cầm ống nghe, thân thể nguyên vẹn, chỉ một vết đạn xuyên ngực trái".
Anh chọn thân cây bom làm gãy, vạt hai đầu, dùng dao găm khắc lên: Nguyễn Thị Ngọc Đào sinh 1951. Hy sinh 15/3/1970. Đơn vị quân y Miền Đông. Quê quán Sài gòn.
Tim anh ứa máu. Đơn vị giao cho anh ba lô của chị, vì chị không có người thân. Anh giữ tấm hình tìm thấy trong ba lô chị.
Chiến dịch Hồ Chí Minh trong anh là đi Giải phóng quê hương chị. Anh bị thương, được chăm sóc ở viện anh càng nhớ những ngày được chị chăm sóc. Cùng nỗi niềm khôn tả: Mảnh đạn quái ác cướp đi bản năng làm cha của anh.
Ra viện anh đi trên Sài Gòn tìm gia đình chị, anh đâu có địa chỉ nhà chị. Nhìn ai giống chị anh cũng giữ lại hỏi, quý anh bộ đội, họ chỉ nhẹ nhàng: "không biết, không có anh ơi".
Trước ngày đi A (ra Bắc). Anh cùng đồng đội vè nơi cứ cũ chào đồng đội đã hy sinh. Anh ngồi bên mộ chị gục đầu xuống đầu gối mà nước mắt ướt chân.
Sau 10 năm chiến trường. Anh cùng bố mẹ và em gái gầy dựng cuộc sống. Bố mẹ mất, anh lo cho em. Trông anh lành lăn vậy chẳng ai hiểu vì sao không xây dựng gia đình. Em rể cảm động nguyện ở quê vợ cùng anh làm nên một gia đình. Các cháu con em gái là con anh.
Năm tháng qua anh muốn thăm nơi rừng Sác chiến trường xưa cùng mộ đồng đội, và mộ chị. Anh viết thư vào hỏi thăm. Thư ra làm anh choáng váng: Khu mộ đã thành nơi nuôi tôm, đồng bào đưa các Liệt sỹ về nghĩa trang chung. Bia mộ không còn, thành Liệt sỹ Vô danh hết.
Thời gian thật khốc liệt. Tấm bia anh làm cho chị không còn... Đêm ấy anh lại mơ thấy chị, nhưng không phải gương mặt dịu hiền cúi xuống băng bó cho anh, không phải dáng thon dẻo lái thuyền...
Anh mơ chị khóc: sao từ Giải phóng không thấy anh?
Chuyện làng quê