Để giúp độc giả biết được những kỷ vật có giá trị mà cựu binh Hồ Văn Thông lưu giữ được. PV Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển đã có buổi trò chuyện với ông. Qua cuộc trò chuyện này sẽ giúp chúng ta trả lời được thêm câu hỏi, vì sao ông được giao nhiệm vụ chụp ảnh cắm cờ nhưng lại không thành?.
PV: Trong chiến dịch mang bí danh MB84, diễn ra ngày 12/7/1984. Ông là người đã ghi chép lại cuốn sổ nhật kí của sư đoàn, xin ông có thể chia sẻ một chút về diễn biến của chiến dịch và tinh thần chiến đấu của anh em ta vào 12/7 hay không ạ?.
Cựu binh Hồ Văn Thông: Chúng tôi là sư đoàn 356, thuộc Quân khu II, đơn vị huấn luyện là tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ), sau khi được lệnh của Bộ Quốc Phòng, chuẩn bị cho chiến dịch MB84 thì chúng tôi lật cánh sang bên Hà Giang được trực tiếp ở huyện Vị Xuyên, trước đó thì Trung Quốc đã lấn chiếm sang nước ta những khu căn cứ cao điểm như là: 1509, 772, 685, 230. Vv và vv.
Được lệnh của Bộ Tổng tham mưu, chúng tôi sang phía Vị Xuyên để trực tiếp ở chiến dịch MB84. Để chuẩn bị tốt cho chiến dịch này, chúng tôi đã tổ chức huấn luyện hai tháng và bắt đầu ngày 12/7 bộ đội phải tập trung ở cao điểm đó, vận chuyển mọi phương tiện, điều kiện để đảm bảo được chiến đấu dành thắng lợi, nhất là đường Tăng từ Lang Ping đi lên 812, rồi từ 812 đi lên cao điểm 772 khoảng 15km. 7 km là một chặng đường, 6 km nữa là chặng đường thứ 2. Đêm 11/7, chúng tôi ém quân hoàn chỉnh và 2h sáng ngày 12/7 thì chúng tôi ém quân chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Trung đoàn trưởng Trần Sỹ Tứ đang chờ giờ “rê”. Điện hỏi “sư đoàn trưởng Bùi Thanh Điếm, giờ “rê” là mấy giờ?. Bùi Thanh Điếm trả lời “có thể hơn 3h hoặc chậm hơn”. Mãi đến 4h15 phút, bắt đầu có lệnh cho nổ súng tại vì sương mù dày đặc, không nhìn rõ mặt người. Chúng tôi chiến đấu trong hoàn cảnh 5m không nhìn rõ ra ai, ngay cả đặt mìn, đặt bộc phá ở hàng rào để cửa mở cũng rất khó khăn, nhất là về ánh sáng. Đến khi pháo hỏa chuẩn bị xong, rồi ngừng tiếng pháo là chúng tôi đã cho nổ bộc phá ngay tại cửa mở, nhưng cửa mở rồi thì đạn thẳng của Trung Quốc ở trên đỉnh D3, D2, D1 của cao điểm 772 rót xuống, dù pháo bắn ngợp trời, đạn pháo cày sới tung. Những hầm công sự của ta bị phá huỷ nhưng anh em vẫn quyết tâm lên chiếm chốt, rất nhiều cán bộ, chiến sỹ tiến lên theo được lệnh xung phong thì đã nằm lại ở chiến hào một, ngay tại cửa mở, ngay cả tiểu đoàn trưởng Thanh cũng nằm ngay tại đấy, bởi vì hy sinh nhiều quá. Do chiến thuật cũng có những cái mức độ chưa hoàn thiện và cũng do hỏa lực của địch mạnh, thêm vào đó là thời tiết không đảm bảo cho chúng ta chiến đấu nên những đợt xung phong của các đại đội, của tiểu đoàn 3 là không thành. Chúng ta hy sinh tương đối, thành ra những đợt xung phong đầu tiên thì cũng nằm lại ở chiến hào đó.
Đợt xung phong thứ hai thì liều lĩnh mới xung phong, mà tinh thần dũng cảm, ngoan cường, chiến đấu hy sinh của cán bộ, chiến sỹ đặc biệt tiểu đoàn 3, tiểu đội chủ công của trận đánh 12/7 là không giấy bút nào ca ngợi được hết vì dũng mạnh quá, có quyết tử để tổ quốc quyết sinh, quyết tử để chiếm được điểm cao 772 và dành lại được đất nước.
Tôi lúc đó được giao nhiệm vụ là phóng viên mặt trận, cạnh tôi có hai đồng chí thông tin, hai oát. Tôi đi với đội cầm cờ nằm sát đội cửa mở, bao giờ lên được cửa mở, cầm cờ lên cắm ngay, thì tôi chụp ảnh lại được, thông tin hai oát điện về là ta đã chiếm được điểm cận, nhưng mục tiêu đó không hoàn thành được. Phải nói rằng, diễn biến trận đánh của 12/7 hết sức ác liệt nhưng cũng rất oanh liệt, dũng mãnh của sư đoàn chúng tôi. Đây là trận đánh đầu tiên của sư đoàn 356, với tinh thần gan dạ, dũng cảm xông lên, quyết tử để tổ quốc quyết sinh, quyết dành lại từng tấc đất cho non sông tổ quốc, đặc biệt ca ngợi nhất là tiểu đoàn 3. Tiểu đoàn của ông Hoàng Hữu Thanh làm tiểu đoàn trưởng.
Sau đó đến 6 giờ, tan sương nhìn rõ mặt người thì tất cả chúng tôi phải rút xuống suối cạn để nhìn lên thấy rằng trận địa tan hoang quá, cách đó vài tiếng đồng hồ, chúng tôi nằm ở đấy, đồng đội phải nằm lại đó, nhiều đồng chí bị thương, không bò lê xuống được. Mãi đến chiều, sư đoàn tổ chức xung phong đợt hai, củng cố lại lực lượng và quyết tâm chiếm giữ được, mặc dù đợt 1 không thành. Xúc lại lực lượng, chuẩn bị lại binh lực để tiến công đợt 2 nhưng thấy không có khả năng nữa, cho nên đến chiều 13/7 bắt đầu cho rút quân theo hướng Tây Côn Lĩnh, riêng nhiệm vụ chụp ảnh cắm cờ cũng không hoàn thành được. Sư đoàn và mặt trận giao cho tôi ở lại cùng với các đơn vị để giải quyết chính sách ở chiến trường.
PV: Thưa ông: Được biết, ông là người chứng kiến toàn bộ diễn biến của trận đánh 12/7 với nhiều sự hy sinh của người lính, ông muốn nói điều gì?
Cựu binh Hồ Văn Thông: phải nói là tinh thần quyết tử, tinh thần dũng mãnh bởi vì khát khao của người lính là được cầm súng chiến đấu, giữ được, dành lấy được từng tấc đất của tổ quốc. Khát khao cháy bỏng trong người lính của sư đoàn 356 chúng tôi, kể từ Hoàng Liên Sơn sang bên này cũng có quyết tâm cao như thế, khi vào trận thì tất cả trăm người như một đều xung phong không chần chừ.
PV: Tại sao ông lại vẽ lại chân dung người lính, dựa trên trí nhớ của mình từ thời điểm còn tham gia chiến tranh ở Vị Xuyên?.
Cựu binh Hồ Văn Thông: Tôi cũng có nghề cũ là hội họa nên khi chuẩn bị chiến đấu, tôi đã vẽ trong Làng Lò nhiều cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội phẫu, tiền phương và cán bộ chiến sỹ bị thương, thậm chí hy sinh rơi xuống Làng Lò. Tôi vừa có máy ảnh và vừa trực tiếp tôi vẽ. Cho nên sau này, tôi hình dung được gương mặt của những cán bộ, chiến sỹ dũng cảm hy sinh để tôi tái tạo bằng bút kí họa của mình.
PV: Vậy xin ông cho biết, cảm xúc của ông như thế nào khi vẽ lại những bức ảnh đó?.
Cựu binh Hồ Văn Thông: Tình cảm ở trong trái tim tôi đối với đồng đội của tôi, rất thương, thấy tinh thần dũng mãnh và tôi thấy cảm phục tinh thần đó, cho nên đến bây giờ, tôi vẫn chưa nguôi bằng những ấn tượng và hình tượng người chiến sỹ ở mặt trận Vị Xuyên luôn ở trong tim, trong đầu óc của tôi. Hiện nay, tôi vẫn muốn tái tạo bằng bút pháp của mình trong hội họa.
PV: Xin ông có thể chia sẻ thêm, điều gì khiến ông nhớ nhất về những người lính ở mặt trận Vị Xuyên?.
Cựu binh Hồ Văn Thông: tôi nhớ nhất vẫn là tinh thần gan dạ, dũng cảm. Hầu hết anh em chiến sỹ ở Vĩnh Phú, Hà Nội và nhiều nơi khác ở ngoài Bắc. Cán bộ thì chủ yếu là người Nghệ Tĩnh, Thanh Hoá, cho nên có rất nhiều tấm gương mà đến bây giờ đến hơn 40 năm rồi, tôi vẫn trào nước mắt vì thương. Thương đồng đội của mình, thương cán bộ đồng cấp, cùng cấp với mình, chiến đấu quyết tử đến mức hy sinh làm tôi cảm động quá, còn mình sống sót được trở về với quê hương cùng với gia đình, vợ con, tôi thấy đồng đội mình thiệt thòi quá. Trong đêm hôm đó, đến 500 cán bộ chiến sĩ của trung đoàn 876 nằm lại ở đó.
Tôi nhớ một việc nữa, ở chỗ cột 6, khiêng xuống đó tắm rửa, lục trong túi ra, không có họ tên, khiêng xuống nghĩa trang Hà Giang có khoảng hơn 50 người chỗ cây 6 là vô danh, thông thường đi chiến đấu bỏ trong túi áo, khi cần báo tin cho ai, vợ con, quê hương ở đâu?. Nhưng khi lục trong túi ra không có, nhiều người không biết, nhiều người bị đạn phá xé toang rồi, cho nên tôi thấy ngậm ngùi, đau xót và thương cảm quá.
PV: Thưa ông, có rất nhiều đồng đội đang nằm trên những điểm cao ở Vị Xuyên, bản thân là một người lính trở về từ chiến trường thì ông có mong muốn điều gì?.
Cựu binh Hồ Văn Thông: Tôi mong muốn nhất là Đảng, Nhà nước và đồng đội chúng tôi những người còn sống cố gắng lên tìm lại, giờ hoà bình rồi không ác liệt nữa, lên tìm lại hài cốt của những người đã hy sinh.
Đơn vị tôi lúc đầu khoảng gần một nghìn hài cốt nằm lại trong suốt 4 năm chiến đấu ở đấy. Đặc biệt sau 12/7, cao điểm 685 gọi là “Lò vôi Thế kỷ”, sư đoàn tôi có nhiều người hy sinh ở đó nhiều.
Nhiều người đem được xác về Nghĩa trang Vị Xuyên, nhưng cũng có nhiều người đang nằm lại chưa tìm thấy. Nên mong muốn của tôi cũng như các gia đình và đồng đội đang sống là cố gắng tìm lại được tương đối đầy đủ. Hàng năm vào ngày 12/7 chúng tôi hay tập trung ở Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên, sau đó lên 468 và đi thăm Làng Lò.
PV: Được biết, ông là cựu thông tin viên báo Quân đội Nhân dân, nguyên trợ lý tuyên truyền, ban tuyên huấn Sư Đoàn 356 – Quân khu II. Ông cảm nhận như thế nào về tình quân dân giữa người dân ở Hà Giang và cán bộ, chiến sĩ đã tham gia chiến đấu?.
Cựu binh Hồ Văn Thông: Tôi có viết nhiều bài báo viết về các bà mẹ ở Hà Giang, cứu chữa cho thương binh như mẹ Mùi, mẹ Dậu,v.v.....
Tôi và những người đồng đội của tôi coi Vị Xuyên là quê hương thứ hai, mọi tình cảm, mọi sự hy sinh đều dừng lại ở Vị Xuyên, một tinh thần dũng mãnh như thế. Tóm lại, tình cảm của chúng tôi dành cho Vị Xuyên nói riêng và Hà Giang nói chung, mãi mãi còn ấm nồng trong tình quân dân.
PV: Vâng. Xin chân thành cảm ơn ông.