Tiếng vọng chính là những tiếng lòng trắc ẩn, sự trăn trở thao thức của một con người sống có trách nhiệm, nghĩa tình với đồng chí, đồng đội và cả những ân tình sâu nặng với quê hương, xứ sở.
Tiếng vọng là cách nói đầy ám gợi, để từ đó nhà thơ Trần Ngọc Phượng có dịp thủ thỉ, tâm tình, chuyện trò, giãi bày những nỗi niềm sâu kín của lòng mình, thế hệ mình về một thời đã qua và cả những điều đáng nói hôm nay.
Thành phố sau lưng/ Bom đạn nổ vang trời/ Tiếng sóng vỗ biển khơi/ Tiếng gọi đò nơi mom sông ngày đó/ Tiếng em, nhẹ như hơi thở/ Khắp nẻo đường cứ thủ thỉ bên anh/ Tiếng vọng dội lên/ Từ những vinh quang/ Tiếng vọng chìm sâu/ Trong đau buồn thương nhớ/ Tiếng gần, tiếng xa/ Tiếng to tiếng nhỏ/ Tiếng lòng ta trong tiếng vọng quê hương (Tiếng vọng Thành Nam).
Là một người lính từng từng tham gia chiến đấu vào những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên những ký ức về người lính, về đồng đội trở thành mạch ngầm xuyên suốt trong thơ Trần Ngọc Phượng.
79 bài thơ trong tập sách thể hiện rõ các cung bậc cảm xúc của chính anh về quê hương, đất nước, về gia đình, về những năm tháng gian lao mà hào hùng của cả dân tộc. Ở đó, còn là tiếng nói trữ tình da diết với những trăn trở, chiêm nghiệm, suy tư về những điều đã qua, những cái của hiện thời và cả những dự cảm về tương lai.
Giờ đây, sau gần 50 năm đất nước hòa bình, những người may mắn như Trần Ngọc Phượng vẫn còn sống đó là điều vô cùng hạnh phúc. Ngày gặp mặt, bao ký ức thuở nào lại ùa về, nhà thơ Trần Ngọc Phượng hồi tưởng: Hồi ấy lính tụi mình trẻ lắm/ Vượt Trường Sơn sốt rét xanh rờn/ Vào sư đoàn mang tên lạ lẫm/ Công trường 5, đất đỏ miền Đông// Núi Mây Tàu lá reo suối hát/ Buổi xuất quân đánh Võ Đắc, Ông Đồn/ Đêm rừng Lá nghe chân voi rậm rịch/ Tiếng pháo bầy, bom tọa độ nổ dồn// Ngày giặc càn đói quay đói quắt/ Hái măng le, đào củ chụp thay cơm/ Bên miệng hầm võng mắc chung một cọc/ Điếu thuốc rê chia nhau hút xoay vòng// Rồi đến trận Long Tân, Núi Đất/ Đường trượt trơn úp lật bàn chân/ Tiểu đoàn mình vơi đi gần hết/ Xác đến nay đồng đội vẫn đang tìm (Họp mặt Sư đoàn).
Những năm tháng gian lao mà hào hùng ấy đã trở thành niềm tin yêu bất diệt cho những người may mắn còn sống đến hôm nay. Các địa danh, tên núi, tên đất, tên làng, tên các trận đánh... và cả những mất mát hy sinh đã hằn sâu trong tâm khảm của người cựu binh Trần Ngọc Phượng. Anh trân trọng, kính phục và dành tình yêu thương vô hạn với những người đã khuất.
Trần Ngọc Phượng không giấu nổi những cảm xúc nghẹn ngào khi nghĩ về những người đồng chí, đồng đội của mình đã ngã xuống ở khắp các chiến trường. Sau mấy mươi năm đất nước hòa bình nhưng có người đến hiện tại vẫn chưa tìm được hài cốt.Đó cũng chính là nỗi đau đến khôn cùngcủa những ruột thịt và cả những người đồng chí, đồng đội như anh. Dịphọp mặt hay các chuyến đi về những nghĩa trang nơi quy tụ các liệt sĩ, lòng anh lại quặn thắt.
Chiều Trường Sơn/ Lặng ngắt/ Các anh nằm/ ngay hàng thẳng tắp/ nghe tắc kè kêu khắc khoải/ Sắp về// Về đây/ Những đội hình/ Xếp theo tỉnh, theo thành/ theo làng, theo xã/ Như buổi giao quân/ Trống reo rộn rã/ Mẹ và em đẫm lệ nhìn theo// Anh nằm đây/ Heo hút núi đèo/ Vài nén nhang không đủ ấm ngàn ngôi mộ/ Mẹ cha ta đã thành thiên cổ/ Em ta tất bật mưu sinh/ Còn mấy lính già/ Chống gậy ngồi bên (Chiều Nghĩa trang Trường Sơn).
Những câuthơ tạo nên sức gợihình, gợi cảm. Ở đó không chỉ là tình cảm thương nhớ mà còn là nỗi ám ảnh day dứt của những người đã từng đi qua chiến tranh.
Bên mộ em những lính già đứng lặng/ Nhớ một thời trai trẻ mê say/ Ta tặng nhau mảnh khăn dù pháo sáng/ Chiếc lược nhôm làm bằng xác máy bay (Mười cô gái Ngã Ba Đồng Lộc).
Những năm tháng tham gia kháng chiến nơi rừng sâu, núi xa, biết bao gian khó hiểm nguy, cái chết luôn cận kề nhưng chưa bao giờ làm cho anh nản chí. Chỉ có nỗi nhớ quê, nhớ mẹ cha, gia đình... luôn canh cánh đêm ngày. Vì thế người chiến sĩ Trần Ngọc Phượng đã nhiều đêm “mấtngủ”.
Đêm không ngủ đếm từng hạt mưa rơi/ Lòng bâng khuâng xao xuyến bồi hồi/ Ta tự hỏi đã bao đêm không ngủ/ Thả tâm hồn thương nhớ không nguôi// Về đây mắt người thân mong đợi/ Ta in hình trong xứ sở quê hương/ Những đường phố chạy dài sôi nổi/ Những dòng sông lặng lẽ tắm hoàng hôn// Mẹ ơi mẹ! Con ra đi buổi ấy/ Súng vác vai không hẹn ngày về/ Mẹ ôm con, đứa con trai của Mẹ/ Giữa mùa hoa bưởi trắng làng quê// Con đi qua bao núi bao sông/ Đã bốn mùa mưa đã năm mùa nắng/ Đón hoàng hôn về giữa buổi hành quân// Đêm Trường Sơn ấm tình đồng đội/ Bên bếp lửa hồng kể chuyện quê hương/ Rừng miền Đông những ngày giặc bố/ Chia nhau từng củ chuối thay cơm// Con đi như những dòng sông chảy/ Quen vượt thác ghềnh chẳng ngại gian nan/ Chỉ thương mẹ ngày cày sâu cuốc bẫm/ Đêm thương con thức suốt những canh tàn... (Đêm không ngủ).
Chính những năm tháng ấy đã trui rèn nên một Trần Ngọc Phượng giàu đức tin, luôn vượt qua bao gian khó của cuộc sống. Ở đó, luôn có bóng dáng của mẹ, của cha, của em, của quê hương và của đồng chí, đồng đội...Thế giới hoài niệm được Trần Ngọc Phượng vẽ nên qua những bài thơ với những cảm xúc sâu lắng, chạm đến tận cùng cái tôi bản thể... Góc quê, Tiếng vọng thời gian, Bên mộ Cha, Cái ba lô con cóc, Nam Định những phố xưa, Giao mùa, Con sông tuổi thơ, Vay mượn cuộc đời, Hoa tím lục bình, Viếng mộ cụ Tú, Em là Sài Gòn đấy anh ơi!, Gặp bạn lính Mậu Thân, Họp mặt Sư đoàn, Mười cô gái Ngã Ba Đồng Lộc, Hoa bằng lăng tháng Tư, Những mùa thu đã qua...
Đất nước hòa bình, trở về cuộc sống bình yên nhưng tận trong sâu thẳm tâm can người cựu binh Trần Ngọc Phượng vẫn còn nhiều nỗi lo lắng, bất an. Tinh thần trách nhiệm và ý thức công dân của người luôn quan tâm, dõi theo những gìđang diễn ra quanh mình, thời đại mình đang sống; nhà thơ trăn trở, day dứt không yên trước những thực trạng đáng buồn của hôm nay:
Đất nước hòa bình/ Nhưng nào đã bình yên/ Giặc ngoại xâm, nội xâm đe dọa/ Biển trước mặt/ Phơi đầy xác cá/ Rừng sau lưng/ Trơ trọi gốc cây/ Trẻ đến trường/ Phải lội suối, đu dây.
Trần Ngọc Phượng cảm nhận rất rõ những mất mát và tổn thương. Khát vọng đan xen với nỗi buồn, hoài niệm đồng hiện với thực tại khi có những sự thật không hay đang diễn ra từng ngày từng giờ. Nạn tham nhũng, những bất công ngang trái, bao bất cập của đời sống vẫn ngày một nhiều; giặc ngoại xâm luôn lăm le và có ý đồ xâm lấn biển đảo...
Thuyền ngư dân/ Bị đâm từ “tàu lạ”/ Anh nằm đây/ Có lúc nào yên ả/ Sóng biển Đông/ Rung động chỗ anh nằm!// Hương khói bay/ lồng lộng gió ngàn/ Đang bật dậy/ Những linh hồn/ Bất tử (Chiều Nghĩa trang Trường Sơn).
Thơ Trần Ngọc Phượng cô đọng cảm xúc và ý tưởng, dễ đi vào lòng người đọc. Nhất là anh viết về những người đồng đội, những chiến sĩ đã hy sinh. Điều đặc biệt trong tập thơ Tiếng vọng, Trần Ngọc Phượng có nhiều bài thơ viết về người lính, vềtháng Tư và tháng Bảy. Bởi khi nhắc đến đề tài người lính và những tháng ngày đó, nhà thơ có nhiều hoài niệm, lòng dậy lên bao khắc khoải thương nhớ, đau đáu, tiếc nuối, xót xa... Đâu đó còn là tiếng thở dài, tiếng khóc nấc nghẹn của một người cựu binh đa cảm như anh.Kỷ niệm xưa như phù sa đọng lắng/ Nước cứ trôi cỏ vẫn mọc xanh đồng/ Anh vẫn là anh của bão giông/ Mũ tai bèo băng qua lửa khói/ Em vẫn là em tóc tỏa hương bồ kết/ Lao mình trong chớp lửa bom rơi/ Thời gian nhuộm trắng tóc ta rồi/ Bao nhiêu điều để quên để nhớ/ Anh với em một quãng đời cất giữ/ Có lẽ nào ta lại quên nhau (Có lẽ nào).
Năm tháng cứ trôi đi, năm tháng khác lại về; những ngày tháng cũ và cả những tháng năm của hiện tại, của tương lai... có điều gì đó giăng mắc, có điều gì đó rưng rưng:
Tháng Bảy/ Tri ân/ Những người đã mất/ Nhớ bạn xưa/ Đói rừng quay quắt/ Mâm cỗ cao đầy/ Gọi nhau về họp mặt/ Những linh hồn/ Uẩn khuất bốn phương/ Hãy về đây/ Phán xét/ Bao dung (Tháng Bảy).
Sự đối lập rõ nét giữa quá khứ với hiện tại: Đói rừng quay quắt - Mâm cỗ cao đầy. Những người còn sống tề tựu về họp mặt còn người mất là: Những linh hồn - Uẩn khuất muôn phương... Vàlời khẩn cầu: Hãy về đây/ Phán xét/ Bao dung. Có lẽ những linh hồn kia đã hòa mình trong cỏ cây, hoa lá, hòa vào hồn thiêng sông núi, họ đã bất tử hóa.
Tháng Tư này/ Có họp mặt được không? Bốn mươi nhăm năm/ Có năm nào vắng mặt/ Từ tóc xanh nay thành đầu bạc/ Bước chân xưa, thần tốc xung phong/ Ngày thống nhất non sông/ Vỡ òa hạnh phúc (Tháng Tư này).
Tháng Tư lịch sử, tháng Tư của hạnh phúc và niềm đau. Điều ấy, những người trong cuộc sẽ thấu rõ hơn hết. Trong bài Những bài thơ tháng Tư, Trần Ngọc Phượng sẻ chia bằng những lời ngậm ngùi, đắng chát, cả sự vỡ òa hạnh phúc khi biết cố nén vết thương lòng. Những bài thơ tháng Tư/ Viết làm sao cho hết/ Như nước nguồn chẳng cạn/ Như tình đời da diết// Tháng Tư đánh Long Khánh/ Cánh cửa thép mở toang/ Nơi bạn tôi nằm lại/ Nở tím hoa bằng lăng// Ngày thống nhất non sông/ Vỡ òa trong hạnh phúc/ Nén vết đau trong lòng/ Khóc, cười trong nước mắt// Sài Gòn ơi! Sài Gòn/ Nơi chôn nhau cắt rốn/ Tháng Tư xóa hận thù/ để nối vòng tay lớn...
Bài thơ Tháng Tư về, Trần Ngọc Phượng viết tặng anh Nguyễn Xuân Khảm và các bạn đồng đội Đoàn 814 Long Khánh – Bà Rịa, biểu hiện của một tấm lòng nhân hậu, mỗi câu chữ đều ứ động cảm xúc, chạm đến đáy sâu tâm hồn. Bởi đó không chỉ là tâm sự riêng mà trở thành nỗi niềm chung của tất cả mọi người. Tháng Tư về/ Rừng cao su thay lá/ Đất trời oi ả/ Đang khát khao/ Cơn mưa mát đầu mùa/ Để nơi bạn tôi nằm/ Nở tím cánh hoa mua// Tháng Tư về/ Gọi nhau họp mặt/ Lính già ơi!/ Tóc bạc trắng hết rồi/ Năm nay có đứa nào vắng mặt?/ Có đứa nào phải chống gậy đến không?// Tháng Tư về/ Áo lính bạc màu/ Ngồi bên nhau không kể chuyện chiến công/ Hương khói bay/ Con heo quay cúng bạn/ Chỉ thương nó/ Một thời bom đạn/ Ngày ra đi chưa được bữa ăn no// Tháng Tư này/ Khác tháng Tư xưa/ Vẫn cờ hoa, sắc màu rực rỡ/ Đốt cháy niềm tin/ Khơi lên ngọn lửa/ Để tháng Tư về/ Trọn vẹn ước mong.
Nhà thơ nhận ra cái chân lý sâu xa trong những điều giản đơn, bình dị, gần gũi từ cuộc sống bằng cảm quan riêng của người nghệ sĩ giàu trải nghiệm.Ta có là cát bụi/ Cuốn bay theo lốc đời/ Hay là con sóng dội/ Bạc đầu giữa biển khơi// Chiếc lá cũng rơi nghiêng/ Xoay tròn trong cơn gió/ Hạt mưa cũng bay xiên/ Như dốc chiều, bóng đổ// Bến bờ neo cuối đời/ Cũng bên bồi bên lở/ Đắng cay và ngọt bùi/ Là tình đời muôn thủa (Tự cảm).
Trần Ngọc Phượng sống thật với chính mình, nên thơ anh cũng vô cùng chân thật, không cầu kỳ, không màu mè hoa lá. Từ những điều thực tế ấy, nhà thơ đã tự lựa chọn và xác định cho chính bản thân mình cách sống: Bây giờ tuổi xế hoàng hôn/ Người xưa cảnh cũ, ta còn với ai/ Hít thật sâu, thở thật dài/ Xòe tay buông bỏ tháng ngày xót xa// Tưởng gần mà lại hóa xa/ Tưởng sâu đậm lắm hóa ra nhạt phèo/ Đời cho ta có bấy nhiêu/ Chuông chùa thức tỉnh những điều hư vô (Chơi vơi).
Trước bao ấm lạnh của cõi người, đôi lúc nhà thơ Trần Ngọc Phượng muốn tìm cho mình một lối sống, hướng đến sự thanh thản trong tâm hồn, buông bỏ những chuyện không đâu, hướng đến cuộc sống vô tư của một người có tuổi.Bảy mươi tuổi thời a còng là bài thơ tự thuật về mình với lời thơ dí dỏm, rất đỗi chân thành của nhà thơ. Rồi chợt giật mình nhận ra mình đã bảy mươi... khi nghe có tiếng ai chào: “Cụ ơi!”
Cần gì suy nghĩ đăm chiêu/ Lý sự tranh cãi những điều linh tinh/ Trong tay điện thoại thông minh/ Một giờ lướt mạng, ngàn tin trên đời// Sáng đi bộ, chiều đi bơi/ Vui đùa Nắng Gió thảnh thơi tinh thần/ Đường đời còn mấy bước chân/ Cái gì mình thích cứ “mần” tới nơi// Phận mình như thếxongrồi/ Giàu nghèo xấu tốt số trời đã cho/ Ngổn ngang cuộc sống xô bồ/ Thương con cũng chẳng biết lo thế nào// Sống thì khỏe, chết thì mau/ Đỡ phiền con cháu, cơm hầu nước bưng/ Thôi mà! Đừng nghĩ lung tung/ Để mười năm nữa chúc mừng tám mươi.
Tiếng vọng của Trần Ngọc Phượng đã cắt nghĩa được hiện thực cuộc sống thời đạn bom và hòa bình qua những trải nghiệm, ngẫm ngợi, suy tư của một trái tim nhạy cảm, rất đỗi chân thành, hồn hậu. Ở đó, nhà thơ luôn hướng về những điều bình dị, gần gũi với tất cả niềm tin yêu và cả những trăn trở, tiếc nuối, day dứt, khắc khoải...
Đất nước hòa bình, một thời đại mới lại đặt ra những thách thức mới. Cuộc đấu tranh trong thời bình cũng không kém phần cam go, quyết liệt, thậm chí còn phức tạp hơn nhiều so với súng đạn. Bởi kẻ thù không hiện hình mà trá hình dưới nhiều hình thức. Hơn nữa, giá trị đạo đức, giá trị người, giá trị sống đang có những biểu hiện xói mòn, chao đảo trước những cám dỗ của vật chất...
Bây giờ lắm của, nhiều tiền/ Lương tâm đổi chác, chức quyền bán mua/ Nên nhớ, còn nợ ngày xưa?/ Cốt xương liệt sĩ vẫn chưa tìm về (Ngày xưa).