Một người là chỉ huy trưởng Cụm tình báo H63, người kia là “điệp viên hoàn hảo”- lúc bấy giờ đã là cán bộ của cụm này. Đứng từ bến nhìn xuống, sẽ thấy hai người như hai du khách sành điệu đang thưởng thức gió mát trên sông. Nhưng kỳ thực, họ đang thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt. Ấy là quan sát thật kỹ để vẽ toàn cảnh sơ đồ căn cứ của Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn đóng trên bờ.
Ở ngoài nhìn là vậy, còn bên trong căn cứ quan trọng này ra sao? Phải làm cách nào để mô tả chi tiết và nắm quy luật đi lại, giờ giấc sinh hoạt, số nhân viên lẫn lực lượng thường trực ở đó? Việc khó khăn này rốt cuộc phải nhờ đến sự hợp sức của nữ tình báo viên xinh đẹp Nguyễn Thị Yến Thảo.
Và Yến Thảo đã được cài vào làm việc như thư ký riêng của viên sĩ quan tình báo Mỹ CIA ở căn cứ này ra sao?
Yến Thảo vào Đảng từ 1950, ra chiến khu miền Tây và sau đó được tổ chức đưa trở lại Sài Gòn để hoạt động từ 1954. Nhà cô là một địa điểm thuận lợi giữa trung tâm Sài Gòn (số 136 B Gia Long- nay là Lý Tự Trọng), cách dinh Độc Lập không xa. Chính ở căn nhà đó, Tư Cang - lúc ấy mang cấp bậc thiếu tá thuộc phòng tình báo B2 - đã chuyển đến cư trú và chỉ huy hoạt động của cụm H63 từ giữa 1966.
Trong nhà còn có ba má của Thảo và mấy em gái. Vào thời điểm trên, số quân Mỹ đổ vào Việt Nam tăng nhanh đến chóng mặt: từ 200.000 quân cuối 1965, tăng lên 389.000 cuối 1966 và lên đến nửa triệu năm 1967. Cùng lúc, số lượng không nhỏ cố vấn tình báo Mỹ cài vào các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn cũng tăng theo.
Trước tình hình đó, cụm H63 nhận định cần đào tạo thêm cán bộ thông thạo tiếng Anh để tiếp cận nhân viên tình báo Mỹ, nên đã cho Thảo đi học tiếng Anh. Thảo học rất giỏi, nhanh chóng nói và viết đều rành. Đến kỳ thi, H63 chi một món tiền lớn để Thảo có được chứng nhận tốt nghiệp với số điểm thật cao. Xong việc ấy, phải tiếp tục xoay xở để tìm cho Thảo chỗ làm thật “vừa ý” theo kế hoạch của cụm tình báo. Kết quả thật khả quan, không lâu sau, Thảo được tuyển làm phiên dịch cho một thiếu tá tình báo Mỹ.
Viên sĩ quan này lúc bấy giờ đang là cố vấn cho tình báo hải quân Sài Gòn, có phòng làm việc riêng trong Bộ tư lệnh Hải quân đóng trên bến Bạch Đằng. Về phần Tư Cang, khi đến ở nhà Thảo, để giữ thế hợp pháp và che mắt người chung quanh, ông phải tìm một công việc theo kiểu công chức hằng ngày. Là một học sinh xuất sắc, đỗ cao vào trường Petrus Ký Sài Gòn từ những năm đầu thập niên 1940 và biết cả tiếng Pháp lẫn Anh, nên Tư Cang được một văn phòng kế toán gọi tắt là OCOGES đồng ý thu nhận và ông bắt đầu đi làm hằng ngày với thẻ căn cước giả mang tên Trần Công Tâm.
Đến sở rất sớm để bắt tay vào việc từ 6 giờ rưỡi đến tận 11 giờ rưỡi trưa, ông cũng không về nhà như nhiều đồng nghiệp khác mà mở chiếc ghế nệm ra ngả lưng tại chỗ trên lầu hai Thương xá Tax để tiện dậy tiếp tục làm việc đến 5 giờ chiều mới về nhà.
Nhiều hôm tan sở, ông không đi xe, lại thả bộ quanh khu vực chợ Bến Thành, vừa đi vừa để ý nhìn ngắm, ghi nhận từng hẻm nhỏ, từng lối rẽ vào các con đường lớn của khu trung tâm. Cũng có hôm ông rủ vài đồng nghiệp vòng qua phía Chợ Cũ, hoặc sà vào một quán nhậu để nhắp rượu Vĩnh Tồn Tâm với mấy con chim sẻ ram vàng chấm tương ớt. Sinh hoạt từ sáng đến chiều của ông theo nếp công chức như vậy, đã tạo cho ông bình phong khá chắc chắn nhằm che mắt hệ thống cảnh sát - mật vụ của Sài Gòn.
Sau này, khi Thảo được nhận làm phiên dịch cho viên thiếu tá tình báo Mỹ, ông đã xin nghỉ việc, lấy cớ “sức khỏe kém” để có thời giờ tập trung xử lý tin tức. Buổi sáng, ông chở Thảo đi làm bằng xe Honda. Buổi trưa, nhiều hôm ông đợi Thảo về, để nhận tài liệu tiếng Anh do Thảo lấy được từ nơi làm việc của viên sĩ quan Mỹ, dịch ra tiếng Việt thật nhanh, rồi giao lại bản gốc ngay trưa ấy để Thảo mang về trả lại trên bàn của anh ta. Những tài liệu này được Tư Cang tự tay chép lại theo kỹ thuật riêng trên giấy hút thuốc ABC mỏng lét để bí mật chuyển về phòng tình báo B2.
Sao viên thiếu tá tình báo Mỹ lại tin Thảo đến vậy? Theo Tư Cang, vì Thảo là một phụ nữ trẻ đẹp, với thân hình thon thả, gương mặt tròn đầy, nói giọng Nam pha một ít hơi Bắc (gia đình Thảo gốc Bắc) nghe là lạ, rất duyên. Viên thiếu tá tình báo Mỹ còn trẻ, rất ga-lăng, chiều chuộng cô thư ký phiên dịch của mình, nhiều đêm còn đột ngột đến nhà Thảo thăm chơi. Việc ấy tạo thêm một “lá chắn” nữa cho hoạt động bí mật của Thảo lẫn Tư Cang. Bởi thói thường, hễ nơi nào có “hơi” Mỹ thì nơi ấy công an mật vụ Sài Gòn né ra.
Dần dà, cứ đến buổi chiều xong việc, viên sĩ quan tình báo Mỹ lại lấy xe jeep tự đưa Thảo về. Một bữa, Thảo nói với Tư Cang: “Em nghĩ đời em cũng hay hay anh à”. Tư Cang hỏi: “Hay làm sao?”. Thảo đáp:
“Buổi sáng thì thiếu tá tình báo Việt Cộng đưa đi làm. Buổi chiều thì thiếu tá tình báo Mỹ đưa về. Không hay sao được hả anh?”.
Bật cười vì câu nói ngộ nghĩnh của Thảo, Tư Cang lại nghĩ, viên thiếu tá tình báo kia đã thật sự “đóng góp” vào cuộc tổng tấn công 1968 của quân giải phóng qua các tài liệu mà Thảo lấy được, kể cả tấm ảnh quý giá cô đứng chụp chung với anh ta trước những tòa nhà trong Bộ tư lệnh Hải quân. Khi chụp những bức ảnh đó, Thảo đã khéo léo dẫn viên thiếu tá đến đứng cạnh mình ở những vị trí rất cần cho việc tham khảo trước giờ tấn công.
Ngoài ra, Thảo còn lấy được rất nhiều tài liệu tốt, thường là những đánh giá của CIA và các nhận định của Phủ Đặc ủy Tình báo Trung ương và của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn gửi về. Là người đẹp, được tin dùng, luôn sát cánh bên cạnh sĩ quan CIA, nên Thảo lấy tài liệu ra khỏi văn phòng một cách khá dễ dàng. Cô nói với Tư Cang: “Ai làm việc xong ra về cũng bị xét cặp, lục giỏ xách, riêng em được miễn. Quen mặt rồi. Lính Mỹ gác cửa thấy em chỉ cười và khoát tay cho đi”.
Tư Cang đáp, đúng thôi, phụ nữ đẹp hoạt động tình báo luôn có ưu thế hơn người nam ở điểm đó. Nhưng không nên vì thế mà coi thường tình báo Mỹ được. Hãy nhớ rằng CIA vẫn theo dõi những nữ nhân viên người Việt đang thường ngày sát cạnh các sĩ quan của họ, như Thảo chẳng hạn. Tư Cang đã nhắc nhở Thảo điều rất quan trọng ấy.
Quả vậy, một hôm Thảo đang làm việc, bỗng có hai viên chức CIA Mỹ mặc thường phục đột nhiên vào phòng. Họ đưa giấy, mời cả viên thiếu tá tình báo lẫn Thảo ra ngoài, yêu cầu lên xe, phóng về căn biệt thự có cây xanh bọc quanh ở Chợ Lớn, rồi áp tải Thảo vào phòng thẩm vấn đặc biệt.
Đó là lần đầu tiên nữ tình báo viên Nguyễn Thị Yến Thảo phải đối mặt với một nhân viên hỏi cung người Mỹ cứ chằm chằm nhìn thẳng vào mặt mình với đôi mắt xanh lè... (còn tiếp)
Theo Trái Tim Người Lính