24 giờ đêm ngày 26/01/1971, chúng tôi đến làng Tây Gia gặp 2 du kích một nam, một nữ đón ở đầu làng. Người nam ở lại canh chừng, người nữ dẫn chúng tôi đến một xóm bên bờ sông Hoài Cổ.
Làng không nhà trống, chỉ có mấy cái trại của du kích. Chúng tôi vào nhà, dưới có hầm trú ẩn để tránh bom pháo địch, trên nhà có mấy tấm ván kê để ngồi. Tôi thấy 7 người vận đồ bà ba vải KT xanh, một người tóc đã muối tiêu tuổi ngoài lục tuần. Tư Sồm, Huyện đội phó có bộ râu đen quai nón, tuổi ngoài tứ tuần, tự giới thiệu rồi chỉ tay vào người tóc bạc:
- Giới thiệu với mọi người, đây là đồng chí bí thư Huyện ủy huyện Đại Lộc.
Ông chỉ tay vào người cụt cánh tay trái:
- Còn đây là đồng chí Ba cụt, Chính trị viên Huyện đội cùng các đồng chí trợ lý cơ quan huyện.
Ông Thủ trưởng bắt tay chúng tôi nói:
- Mời các đồng chí uống nước ăn kẹo, hút thuốc, rồi quán triệt nhiệm vụ Cách mạng miền nam hiện nay, tình hình địch, tình hình dân, địa bàn hoạt động và tình hình quân sự địa phương.
Thưa các đồng chí, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta vô cùng gian lao, ác liệt. Xét tương quan lực lượng thì quân Ngụy Sài Gòn đông, có lưới tề điệp ác ôn trung thành. Quân Mỹ mạnh, phương tiện chiến tranh sẵn có, cuộc chiến không cân sức 1 chọi 10. Các đồng chí đã thấy làng mạc hoang tàn; ngoài đồng, chân núi, bờ khe, xương phơi nhan nhản. Con mất mẹ, vợ mất chồng, cha mất con, nhiều gia đình chết không còn ai nối dõi. Trẻ mồ côi bơ vơ, chính quyền địa phương đã có hướng đưa các cháu ra Bắc đào tạo nguồn Cách mạng lâu dài. Các đồng chí đã vào đây vì miền Nam ruột thịt sát cánh cùng bà con cô bác chúng tôi chung tay diệt Mỹ...
Ông Thủ vừa nói vừa khóc vừa nói, khiến chúng tôi cảm động thật sự. Đó là một người đàn ông có tầm vóc cao to, tiếng nói hùng hồn tự tin, chiếc khăn rằn vắt ở cổ, vận đồ bà ba dép lốp và mũ tai bèo. Một người chúng tôi mới gặp mà đã thấy tình cảm thân thương.
Lúc này, tôi mới à lên:
- Hóa ra “Dốc Ông Thủ” là tên chú phải không?
- Đúng vậy, tôi vinh dự được bà con Đại Lộc đặt cho cái tên vậy đó.
Khoảng 3 giờ đêm, rạng ngày 27/01/1971, Tham mưu phó Huyện đội Bảy Chột dẫn Khẩu đội cối 82 của Làng 4.K8 đi sang bên làng Vu Gia còn Trợ lý Huyện đội Sáu Tân đưa chúng tôi về thôn Phú Mỹ, xã Đại Cường giao cho Xã đội trưởng Dân Dỗ cùng Bí thư chi bộ Tôn.
Một buổi sáng buồn ngủ và mệt mỏi, nhưng chúng tôi vẫn triển khai làm cộng sự trận địa và dọn 2 hầm trú ấn gần hầm của Xã đội ở ngã tư giữa làng để tối rút về ngủ.
Được 4 ngày vừa nghỉ ngơi, vừa bắt cua, mò cá, kiếm rau, chặt mía… cuộc sống cũng dễ chịu.
*
19 giờ tối 30/01/1971, có lệnh chuyển địa điểm sang Thôn 10, xã Đại Cường nằm bên bờ sông Vu Gia. Từ Quảng Đợi giáp ngã 3 sông Thu Bồn đến Đại Cường ngược lên thượng lưu là các xã: Đại Minh, Lộc Tân, Lộc Vĩnh… Nằm dọc bờ sông Vu Gia thuộc vùng B Đại Lộc.
Bên kia sông Bắc Vu Gia là vùng địch kéo dài theo quốc lộ 14 từ Ái Nghĩa, Hòa Mỹ, Búi Lở, Hòa Nha, Hà Sống lên đến Thượng Đức là vùng A – Đại Lộc. Dân vùng B ven sông, quân Ngụy lùa sang các ấp chiếc lược ở vùng A; chỉ ở Thôn 8, Thôn 9, Thôn 10 Đại Cường còn một ít nhà dân.
Ngày 31/01/1971, chúng tôi đào trận địa ở đầu phía Bắc Thôn 10 nam sông Vu Gia, có một súng máy Đại liên 7ly62, một súng Trung liên, một súng M79, 2 quả M72, một súng Ak. Bộ phận trực chiến có Trung đội trưởng Ba, Tiểu đội trưởng Cát. Tôi làm xạ thủ súng máy đại liên. Trung đội phó Hoàn và liên lạc Hin nhiệm vụ lấy gạo, ngô, đạn dược, kiếm rau, bắt cá. Đại đội phó Hoành ở nhà làm anh nuôi.
Từ bờ sông vào làng, phải qua bãi cát dân trồng ngô và ớt. Bọn địch từ đồn Núi Lở thường vượt sông sang phục kích và càn quét.
Chúng tôi ăn tối 6 người có một xoong cơm ngô, một nồi canh mồng tơi, một xoong canh rau cải, một rổ rau muống luộc, một rổ rau cải sống, một xoong 5 cá chuối kho… vậy mà ăn nhẵn xoay. Du kích nhìn chúng tôi ăn đều trố mắt, mấy người cả nữ cả nam ngồi xem chúng tôi ăn kêu:
- Chu cha, chi mà ăn hung dữ cha nội.
- Đói lâu rồi. Ăn thế mới có sức mà đánh giặc chứ!
Về khuya, bác hàng xóm đem đến một đùm cám ngô. Anh Hoàn đem nấu cháo ăn với một rổ rau cải sống.
Mấy ngày nay, đời sống nâng lên, rau mồng tơi, rau dền mọc ở bãi, rau muống ở mương, cá tát ở hục bom. Được tự do thoải mái, tinh thần chúng tôi sảng khoái hẳn lên.
Ngày 03/02/1971, sáng sớm chúng tôi đi chiếm lĩnh trận địa. Cát đi chặt ngụy trang thì phát hiện quân Ngụy có một Trung đội 40 tên vừa vượt qua sông bãi cát đi vào làng. Ba mang súng M79 và một quả đạn rốc két M72 ra bên trái súng đại liên, cách 30m bố trí ở hầm trú ẩn của dân, mai phục sẵn.
Bọn địch vừa đi vừa bắn đạn M79, bắn tiểu liên AR15. Còn cách trận địa đại liên 150m, ở bên kia vạt ruộng có 4 hộ dân và vườn cây ăn trái; chúng dừng lại lấy vú sữa, chặt dừa của dân ăn. Có 7 tên tách khỏi đội hình Trung đội men theo hàng rào cây ô rô đi thẳng vào hầm của Cát. Khẩu RPD nổ giòn giã, 4 tên ngã nhào xuống ruộng. Ba bắn một quả rốc két sang xóm bên kia. Tôi rê súng máy bắn liên tiếp vào đội hình chúng. Bọn địch không kịp trở tay mạnh ai nấy chạy. Chúng dạt xuống cái rãnh bên kia xóm, bỏ thằng chết và thằng bị thương lại. Khi đã hoàn hồn, chúng mở máy bộ đàm gọi pháo bắn chi viện. Ba bắn quả M79 vào chỗ máy bộ đàm, tiếng léo nhéo câm tịt. Cối 81, pháo 105 ly từ Núi Lở bắn sang; cối 106,7 từ Ái Nghĩa bắn đến. Chúng tôi rúc hầm và địch cũng rút lui.
18 giờ tối 03/02/1971, xã đội trưởng Thuần đến báo: Bọn địch khiêng về bên sông 17 cáng. Bà con, cô bác đem rau cá đến cho bộ đội.
Cô Ba Dỉnh nói với liên lạc Hin:
- Em làm kinh tế của huyện, các anh muốn có ngô gạo thì đến Giảng Hòa – Quảng Đợi em cấp cho.
Từ đó chúng tôi tạm yên cái bụng. Tiền phụ cấp lương thực, tiền ăn hàng tháng do Huyện cấp, còn tiêu chuẩn ở đơn vị vẫn có. Vậy là chúng tôi được ăn 2 mang. Còn quần áo thì duy nhất một bộ, rách đít, vá lưng, đầu gối thủng.
Ở với dân có một số nữ du kích, chúng tôi chẳng ai bảo ai cũng tự cắt tóc, cạo râu, đánh răng, rửa mặt tử tế. Một tuần sau Trợ lý Huyện đội Sáu Tân mang đến cho chúng tôi mỗi người một bộ đồ bà ba may bằng vải KT xanh. Thế là chúng tôi thành con người mới.
Từ hôm bị đánh phủ đầu đến nay, quân Ngụy không dám sang quấy phá vùng này nữa.
*
Ngày 11/02/1971, lúc 2 giờ đêm đơn vị có lệnh chuyển quân.
Trợ lý Sáu Tân đưa chúng tôi về thôn Phú Mỹ, xã Đại Minh. Lại cùng ở với anh Dân và chú Tôn. Ngay đêm ấy chúng tôi phải đi chiếm lĩnh trận địa có sẵn ở phía đông làng, đằng trước là cánh đồng rộng giáp Ô Gia Lam. Phía tây làng là bãi đến tận Lộc Tân. Anh Dân vác về 2 vác mía bảo chúng tôi ăn và dặn:
- Từ mai các cậu muốn ăn mía thì cứ ra đồng mà tự lấy, kẻo bom pháo cày xới tan hoang. Chúng ta ăn để mà đánh Mỹ!
10 giờ trưa 12/02/1971, chúng tôi đang ăn cơm thì một bầy trực thăng vũ trang 6 chiếc ào ào bay đến. Chúng chia làm 3 tốp: 2 chiếc HU1 quần lượn cánh đồng Dâu bên bờ sông Vu Gia; 2 chiếc AH1 quần lượt cánh đồng Lộc Tân phía tây làng Phú Mỹ; còn 2 chiếc AH56 quần đảo bắn phá phía đông làng.
Pháo, cối ở các trận địa liên quan bắn theo trục đường từ Thôn 10 lên Thôn 8 của Đại Cường. 12 tàu vận tải trực thăng 2 chong chóng từ Đà Nẵng bay lên, nối đuôi nhau thành một hàng dài bay trên ngang sườn dãy núi Lâm Tây. Chúng theo đường 14 đến cầu Chìm, thì đội hình hành quân quay về phía tây nam, bay qua sông sang Đại Cường rồi lại chia thành 3 tốp.
4 chiếc CH46 bay đến phía bắc làng Phú Mỹ đổ quân một Đại đội. 4 chiếc CH47 bay về phía tây làng Phú Mỹ đổ quân một Đại đội. Còn một tốp 4 chiếc HH53, loại tàu bẹ từ Thôn 8 bay qua cánh đồng Ô Gia Lam đỗ trước trận địa đại liên 200m.
Chú Tôn bảo:
- Hễ ngụy thì đánh, Mỹ thì chạy đó nghe.
Lúc này là 11 giờ trưa ngày 12/02/1971. Một chiếc trực thăng đã tà tà mặt đất, chiếc thứ 2 cũng sắp đỗ. Tôi rê súng đại liên ngắm chiếc đi đầu bóp cò, bắn liên tiếp 7 – 8 điểm xạ. Một số quân Mỹ nhảy ra khỏi máy bay chạy tán loạn. Chiếc máy bay bốc lên lại rơi bịch xuống đất, khói lửa bùng lên. Tôi chuyển bắn tiếp chiếc thứ 2, bắn liên tiếp tới 10 điểm xạ, nó cố lết đến gần Ô Gia Lam thì bốc cháy.
Khẩu súng trong tay tôi liên tục chớp lửa, còn 2 chiếc xuống sau thấy tình hình không thể đổ quân được quay đầu vòng về Ái Nghĩa. Khẩu súng trung liên Anh Hoàn bắn quân Mỹ giữa đồng kết hợp súng M79 của Trung đội trưởng Ba trong làn tre bắn ra, quân Mỹ chạy tan tác. Bọn chúng tản mát ngoài đồng, bỏ thằng chết, không cứu thằng bị thương.
Trước trận địa không còn máy bay, tôi hạ súng bắn ngang. Bọn Mỹ thấy đường đạn đại liên bay trên đầu căng quá chúng không dám ngóc đầu lên, bò trườn tìm bờ bụi nấp.
Vì 2 cánh quân ở bãi dâu bên sông Vu Gia và cánh đồng Lộc Tân không có hỏa lực bắn, nên quân Mỹ đã đổ bộ được. Một mũi đánh vào sau làng phía tây thôn Phú Mỹ.
Chú Tôn bảo:
- Vứt súng đại liên xuống hố bom, giấu đạn, mang súng trung liên AK, M79, M72 chạy sang ấp Trung.
Đại bác súng cối các loại ở núi Lở, Hà Sống, Ái Nghĩa, Thượng Đức bắn chi viện. Máy bay phản lực ném bom, trực thăng bắn phá. Số quân Mỹ ở 2 chiếc máy bay bị cháy không đáng kể.
Cánh quân Mỹ ở bờ sông Vu Gia sau khi đổ bộ, không chiến đấu, không đi càn mà án binh bất động. Mũi ở đồng Lộc Tân phía tây làng Phú Mỹ tấn công đánh vào làng không gặp sự kháng cự. Quân Mỹ vào xóm lùng sục dùng bộc phá đánh tung các hầm trú ẩn. Một Trung đội Mỹ đánh vào khu tập kết của chúng tôi. Chúng đạp trúng mìn của du kích làm bằng 2 quả đạn 105 giết chết 40 tên.
15 giờ chiều 12/02/1971, quân Mỹ rút ra cánh đồng Ô Gia, hợp với tàn quân ở chỗ 2 chiếc máy bay cháy. Mỹ rút ra, chúng tôi lại tiếp cận vào làng, tranh thủ đi thu chiến lợi phẩm. Ba lô, bông băng, đạn dược, đồ hộp các loại quân Mỹ bỏ lại rất nhiều. Đó là suất của những thằng chết và bị thương vứt xuống hố bom, quăng vào bụi rậm. Chúng tôi mò lượm được nhiều, cái dở thì ăn cái nguyên để dành tiếp tục chiến đấu.
Cánh quân Mỹ ở bãi dâu bên bờ sông Vu Gia phía bắc làng Phú Mỹ án binh bất động, không chịu đi càn, ngày 3 bữa chúng ăn xong di chuyển chỗ khác ẩn nấp.
Chúng tôi quan sát địch, ở trong bãi bói nhìn ra đợi khi chúng đi khỏi mới đột nhập tìm kiếm. Hộp nguyên bỏ gùi, hộp dở thì ăn, bánh mì, bích quy, thịt hộp, cá hộp, dứa hộp, cơm khô, phở khô, thuốc lá, cà phê, đường sữa, chúng tôi dự trữ chiến lợi phẩm khi trên danh có người xuống thì gửi về cho anh em ở cứ.
*
Ngày 13/02/1971, chúng tôi chuyển trận địa về phía Tây Nam cuối Làng Phú Mỹ, cách trận địa cũ 200m, rồi dọn đường cơ động để tiện khi chiến đấu tiến thoát dễ dàng.
Ở giữa Làng Phú Mỹ, nơi tập kết của du kích cách chúng tôi 500m về phía đông bắc có 6 nóc nhà làm trên hầm trú ẩn với 6 ông nông dân cỡ 45 đến 50 tuổi và 4 nữ du kích là Hai Lợi, Ba Sị, Năm Thắm và Bốn Dịu.
Mấy lần tôi đem ngô đến để xay nhờ cái cối xay đúc bằng đá. Cối to như cối xay lúa ngoài Bắc. Xay dập nhỏ như gạo, xong cho vào cối giã gạo giã nhừ dần lấy cám nấu bánh đúc. Hạt ngô nhẵn nhụi đã giã gọi là gạo bắp rồi nấu như nấu cơm gọi đó là cơm ngô.
Chiều 14/02/1971, lúc 13 giờ, tôi mang ngô đi xay, mới hết một cối chú Sáu Tâm bảo một cô gái:
- Con hai ni làm đỡ hắn đi. Bộ đội giúp dân thì dân giúp bộ đội có sao đâu.
Hai Lợi từ nãy đến giờ cứ ngồi ở cửa hầm nhìn ra xem tôi làm, nghe chú Sáu nói giật mình đánh thót, mặt đỏ lên:
- Hứ, dị òm, con không chịu mô.
- Tao nói đi ra, nó làm chi mi mà dị.
Hai Lợi bẽn lẽn đến chỗ tôi kêu:
- Kỳ quá đi.
Rồi ngồi thụp xuống, hai tay che mặt mủm mỉm cười. Lúc lâu sau cô hỏi:
- Anh giải phóng chi vậy?
- Là sao cơ, tôi không hiểu?
Cô gái nửa muốn nói, lại thôi nhìn tôi cười, cuối cùng bảo:
- Để em làm đỡ nghe.
Tôi nhìn cô gái từ đầu đến chân. Chà! Ở nơi chiến tuyến đạn nổ bom rơi, chết chóc tương tàn thế mà có cô gái như hoa lựu trong sương sớm. Một cây xương rồng hoa mọc trên sa mạc, bão táp dập vùi vẫn tươi nguyên.
Tôi lúng túng mặt đỏ gay:
- Không, không, tôi làm được, ở nhà tôi làm hàng sáo quen rồi.
Hai Lợi giật lấy cái sàng ở tay tôi:
- Anh xay bắp đi, để em làm đỡ.
Tôi đứng ngắm cô gái, trời ơi cái miệng cái mắt quyến rũ không thể nào nói hết được. Lợi lại hồn nhiên hỏi:
- Anh giải phóng chi vậy? Bữa sau có việc đem lại đây em làm giùm nha.
Cô gái vận đồ bà ba, làm cho làn da nổi trắng mịn màng, chiếc khăn rằn vắt qua cổ trông vừa khéo làm sao. Cô gái sẩy ngô, tóc bay theo gió, mùi lá sả gội đầu thơm dịu.
Tôi ngắm lại mình mà ngại ngùng: bộ quân phục rách lưng, vá đũng, đầu gối toạc chằng dây chỉ đen dù. Ôi, khó coi thật, có phụ nữ thêm nhiều phiền phức. Tôi xoay xoay ngồi bó gối quay lưng về phía bụi chuối. Bữa nay xúi thật, biết thế này thì mình mặc bộ đồ KT xanh mới phát bữa nọ cho xong.
Hình như cô gái biết ý, cười nói:
- Mai mốt anh thay đồ đem lại đây em đùm cho.
- Không, tôi làm được, tụi tôi thường vá may mà.
- Bộ đội với dân như cá với nước, ngại chi.
Ngày 16/02/1971, buổi trưa mọi người ngủ, tôi vừa cảnh giới. vừa ngồi ăn mía dưới vạt điền thanh. Bỗng giật mình khi thấy Hai Lợi xuất hiện với trang bị gọn gàng dây lưng lựu đạn, mũ tai bèo, tay cầm súng các bin, tay xách một bao cát đựng đầy măng tre. Tới nơi, cô vất bịch xuống chỗ tôi và nói:
- Mấy ảnh bảo em đem đến cho bộ đội.
- Cô lấy ở đâu thế?
- Ở bên Ấp Bắc, nhiều hung nớ. Măng tre hoa chuối, đu đủ thích ăn bữa tê em đưa anh đi.
- Chỗ Lợi có những ai thế?
- Bữa nọ Mỹ càn chết mất 2 người là chú Bốn Kẹo, chú Bảy Mùi, giờ đây có chú Sáu Tâm em gọi bằng cậu người bà con họ xa còn 4 người nữa là chú Liên Nhỡ, chú Tám Vớ, chú Năm Kỳ, chú Nên Cá Lóc. Bà con cô bác Mỹ ngụy lùa sang vùng địch ở Hòa Nha, Núi Lở, Hòa Mỹ cả rồi. Ở đây chỉ còn có Nớ với 4 đứa con gái tụi em.
Hai Lợi ra về đúng lúc anh Hoàn ngủ dậy, tôi đưa Lợi đến ngã tư thì quay lại.
Sáng 16/02/1971, Xã đội tổ chức đón nhận Huân chương, sau đó liên hoan Mỳ Quảng.
(Còn nữa)
Đ.V.H
Trái tim người lính