Chúng tôi chủ yếu ăn rau rừng, chỉ ao ước có ngày trở về được ăn bữa cơm không độn với rau muống luộc vắt chanh, chấm mắm cáy với những con tôm trứng đầu, trứng đuôi. Mỗi ngày mỗi người chỉ được ăn 2 gạt ca US ngô bung thối và 2 thìa nhựa muối hầm.
Ngày 31/10/1970, Đại đội phát động toàn đơn vị “Cải thiện toàn năng”, thay nhau đi đánh bẫy sóc, bẫy gà rừng, chao nhện vằn; bắt bô dô, thằn lằn, tắc kè, ốc suối, cua rừng để bồi dưỡng.
Ngày 18/11/1970, Mỹ đổ quân chiếm Hòn Sai cao điểm 530, cao điểm Hòn Bung, sân bay Dốc Mực, Bãi Tranh. Mấy khẩu đại bác trên núi bàn cờ bắn cầm canh suốt ngày đêm.
2 chiếc OV-10 và L19 chế ngự trên bầu trời gọi loa kêu hồi chánh; tiếp đến gọi 2 chiếc F86 và 2 chiếc F18 chia làm 2 tốp đánh bom cùng với 2 chiếc trực thăng UH1 và AH1; 2 trực thăng AH56; 2 chiếc HU1A. Chúng tung hoành bắn phá làm chủ bầu trời.
Đại đội trưởng lệnh sơ tán đến trường Quân Chính. Ở kho không còn gạo, chỉ có mấy ang ngô thối và gạo thối. May mà chúng tôi mang cối xay bột theo để tráng mì, vì gạo chua nấu không thành cơm.
Chính trị viên phó Công từ miền Tây về đem được mấy con gà băm ra nấu nước chấm. Trung và Mưu đem bánh tráng và nồi xáo gà về hầm quên muôi quay lại lấy, trong hầm tối om.
Tôi thò tay vào xoong mò thịt chạm phải mấy bàn tay, đến lúc Trung cho muôi vào khua thì không còn miếng thịt nào nữa. Mưu nói: “Thịt tử sĩ thì có, chứ thịt gà thì không”. Chúng tôi được bữa cười.
Hôm sau 19/11/1970, Đại đội cử 3 tổ đem Trung liên, B41, AK, CKC; các tổ do Trung đội trưởng hoặc Trung đội phó chỉ huy, mỗi tổ 5 người chốt chặn các trục đường đi vào hậu cứ. Tôi với anh Thịnh đi chặt gỗ làm hầm mà cầm dao không nổi. Quả mẫu đơn xanh, chín; quả lá nón ăn vào khi đi vệ sinh khác nào xôi gấc. Làm hầm xong người gác, người ngủ mặc cho bom nổ, pháo chần; ăn tối mỗi người được gạt bát ngô thối muối hầm.
Ngày 20/11/1970, máy bay bỏ bom, pháo bắn vào các thung lũng, máy bay trực thăng bắn vãi đạn xuống rừng. Quân Mỹ ở ngoài Bãi Tranh dùng 2 khẩu súng đại liên 7,62 ly bắn dọc theo đường trục, cối 81 và 61 bắn dọn đường, chuyển làn lên phía trước cho quân Mỹ tấn công.
Một Đại đội Mỹ trang bị đầy đủ, những tên đi đầu đã đến bờ khe, 17 tên đã xuống suối còn đang ngơ ngác chưa dám lội sang. Tên chỉ huy đứng trên bờ quát nhặng xị một lúc. Quân Mỹ đặt 2 khẩu súng máy trung liên 30 Mỹ cùng đạn M79, M72 bắn sang bờ phía Tây - Nam suối. Một Trung đội Mỹ ì ọp lội nước tấn công sang phía ta. Nước chảy mạnh, quân Mỹ đến giữa dòng, Trung đội phó Thành ném liền 2 quả lựu đạn. Chúng tôi đồng loạt ném theo. Lựu đạn nổ tiêu diệt trên 10 tên Mỹ. Bị đòn đánh phủ đầu những tên còn sống chạy quay trở lại.
Bổng - xạ thủ B41 bắn 1 quả sang bờ bên kia trúng vào khẩu súng máy của Mỹ. Quân Mỹ nhốn nháo, khẩu trung liên của Thân bắn trần sang, Bổng bắn hết 4 quả B41; súng AK, M79, M72 của ta cũng bắn. Tôi tì CKC lên bờ cộng sự bắn chết 4 tên.
Bờ bên kia, quân Mỹ chạy lùi về phía sau triển khai hỏa lực bắn phản kích lại, đạn bay như mưa, cày dưới đất, cành cây gẫy rào rào, tiếng kêu viu víu nổ dày đặc trên mặt đất. Cơ số đạn của chúng tôi gần hết. Trung đội phó Thành hô: “Chạy thôi!”. Chúng tôi vọt khỏi hầm, luồn lách về trường Quân Chính.
Ngày 21/11/1970, Đại đội trưởng Mậu cử 2 tổ đem vũ khí và mìn đi phục kích con đường từ hậu cứ ra và chiếm lĩnh đỉnh dông Đồi Tranh, ngụy trang kín đáo.
Ngày 22/11/1970, lúc 9 giờ sáng, quân Mỹ dùng bom, pháo và các loại hỏa lực đi cùng đánh vào hậu cứ Dốc Mực. Quân Mỹ tiến lên không bị kháng cự, bởi 2 tổ chốt đường của ta nằm im không dám manh động. Quân Mỹ vào được hậu cứ, súng nổ loạn xạ, quân Mỹ đem bộc phá đánh tung các hầm.
Ngày 23/11/1970, Đại đội cử 3 tổ đi 3 hướng nắm địch, còn ở hậu cứ của ta, chúng tôi tìm vị trí cao hơn, thuận lợi hơn đào hầm hố, bố trí 3 tổ chốt vây quanh hậu cứ. Đơn vị quyết định dùng Trung liên, B41, M72, M79, CKC, AK bắn tỉa uy hiếp gây căng thẳng cho địch.
Tôi cùng Trung đội phó Hoàn, A Trưởng Định, A Phó Lương mang súng Trung liên, AK, CKC và 3 quả đạn M72 vòng về phía Tây hậu cứ, đến một cái dông cách quân Mỹ 100 đến 150m đào cộng sự mé Tây - Nam bờ suối. Mỗi người một hầm hố cách nhau 30m. Quân Mỹ hò hét chặt cây, căng bạt, ném hỏa mù, lựu đạn, bắn tiểu liên.
Ngày 24/11/1970, chúng tôi chuẩn bị xong; anh Hoàn bắn quả đạn M72 vào nhà bạt trong đó có quân Mỹ. Tổ ở phía Đông hậu cứ thấy vậy bắn súng trung liên. Quân Mỹ la hét thì tổ ở phía Tây - Bắc ngang Sườn Dốc Mực lại bồi thêm cho một quả B41.
Trong lúc quân địch hoang mang trở tay không kịp, tôi đặt súng trường lên thành cộng sự bắn những tên Mỹ chạy lăng nhăng. Cứ thế 3 tổ liên chi bắn cầm canh. Quân Mỹ bắn vãi đạn ra xung quanh, gọi pháo bắn một ngày một đêm. Chúng tôi chờ trò giỡn nhau với quân Mỹ, khiến cho chúng lo sợ không ăn không ngủ được.
Ngày 25/11/1970, lúc 9 giờ sáng quân Mỹ liều chết mở đường tháo chạy ra Bãi Tranh đến suối không tên. Quân Mỹ vừa ào xuống thì bị tổ 2 chốt chặn rút lựu đạn quăng ra tới tấp đánh gục toán đi đầu rồi rút lui.
Ngày 26/11/1970, chúng tôi trở về hậu cứ dọn dẹp sửa sang hầm hố, củng cố tinh thần và nghỉ ngơi.
Ngày 31/11/1970, sát nhập Trung đoàn 31 vào Trung đoàn 38.
14 giờ chiều 31/11/1970, tôi được kết nạp Đảng lần thứ 2.
*
Hậu cứ Dốc Mực đến lúc này xem chừng không thể trụ bám được, tan hoang, cây rừng sơ xác, hố bom pháo lộn lên - chỉ là một bãi chiến trường. Hơn nữa, mới sát nhập thêm Trung đoàn 31, hầm hố không đủ, bộ đội mắc võng ngoài gốc cây. Cán bộ Đại đội Trung đội hội ý rồi quyết định di chuyển đơn vị sang Trường Quân chính tạm thời.
Vào ngày 02/12/1970, đêm mùng 3, tôi với Ka ngủ một hầm, về khuya đói quá Ka không ngủ chẹp miệng phàn nàn:
- Giá bây giờ có hộp sữa mà ăn nhỉ?
Thằng Ka nói, làm tôi nuốt nước miếng. Chả biết sống chết khi nào, có hộp sữa chiến lược tôi để trong ba lô đợi khi nguy cấp mới ăn cầm hơi. Biết thế nào đi nữa mà để dành, tôi quyết định lấy ra bảo thằng Ka:
- Có thèm sữa thật không?
- Thật, giá có phụ nữ cho bú một hơi cũng đã!
- Sữa phụ nữ thì hão huyền thôi! Nhưng sữa bò thì có thật đây.
- Ở đâu thế?
- Sữa chiến lược đó, có thì ăn thôi, thời chiến để dành thế là đủ rồi.
Ngày 06/12/1970, Đại đội điều 20 người đi Giảng Hòa lấy gạo và 20 người khác cùng đi Phú Xuyên lấy gạo. Nhưng tất cả đều trở về không. Hai bộ phận này đều cụm lại ở danh C10 do Đại đội phó Lập phụ trách làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực ở đồng bằng lên.
*
Ngày 07/12/1970, Đại đội trưởng Mậu đi họp ở Trung đoàn về, họp các Đại đội quán triệt tình hình nhiệm vụ, chuyển hậu cứ.
Ngày 08/12/1970, chúng tôi ba lô, đồ đoàn trang bị khiêng gánh rời khỏi hậu cứ Dốc Mực hành quân về hướng đông bắc. Sau 4 tiếng, chúng tôi đến khu vực phía tây của Dốc Mực hướng về đông bắc rồi đến khu vực phía tây của Dốc Bền. Ở đây gần K7 và Đại đội quân y.
Ngày mùng 9/12/1970, chúng tôi triển khai xây dựng hậu cứ mới, chặt gỗ làm nhà, đào hầm hạ thổ, hầm trú ẩn. Từ khi quân xứ Nghệ, Trung đoàn 31 hợp nhất đến nay, đơn vị nảy sinh cục bộ. Số quân mới đến từ huyện Hòa Vang rút về ít nhiều cũng có vài lạng mì chính với gói muối chiến lược phòng thân. Bữa ăn mỗi người được 2 gạt bát ngô thối và 1 thìa nhựa muối hầm. Ăn hết bát thứ nhất thì hết muối, đến bát thứ 2 quân xứ Nghệ đem ra suối móc túi ngực lấy muối rắc vào.
Giống như Dần Đỉn, quản lý cũ của quân đoàn 31 ngày xưa, bớt sén thì cũng có tiền, có kẹo luga, đường sữa, bột cam; mỗi khi hút thuốc, ăn kẹo thì vào hố xí hoặc chui trong màn nhấm nháp như chuột.
Ngày 14/12/1970, bộ phận ở dưới danh đi lấy lương thực về, qua gò Cây Cau mọi người đến suối Trâu Đái thì dừng lại cởi quần áo bọc trong nilon bơi qua sông. Khi Trung đội trưởng Ba, quân 31 lên bờ giở bọc lấy đồ mặc thì không thấy áo, bơi sang tìm mò không thấy.
Lúc ấy chỉ còn anh Hôn chưa sang. Ba hỏi:
- Có nhặt được áo tôi không?
Hôn bảo:
- Không thấy.
Về đơn vị, Trung đội trưởng Ba báo cáo Đại đội rằng: “Anh Hôn nhặt được áo, sờ túi lấy tiền 1000đ rồi vứt áo đi”.
Đơn vị kiểm điểm, anh Hôn ngồi khóc. Chẳng ai ủng hộ anh Hôn.
Tôi thấy có gì đó không đúng, đứng dậy chỉ mặt Ba nói:
- Anh đừng cậy quyền mà bức ép người ta quá vậy, ăn cắp phải có chứng cứ chứ! Áo của anh vắt ở đâu, có tiền hay không? Không ai biết. Trời đêm như mực có vất ra đó cũng không nhìn thấy, vô cớ đổ vạ là không được. Anh Hôn hiền đấy, tôi mà nhặt được biết anh là người tốt thì cầm hộ, còn là người xấu tôi móc tiền, quăng áo xuống suối, anh bú kẹc tôi à. Có phải không các đồng chí?
Mọi người nhao nhao lên:
- Phải phải!
Chính trị viên Quang giơ 2 tay lên:
- Trật tự, im lặng nào. Thôi thế này nhé: Việc này không truy cứu nữa, nhầm thua, vô ý mất tiền, nhưng tiền không là gì cả. Chúng ta ở các tỉnh, huyện khác nhau từ miền Bắc bỏ nhà, bỏ quê vào đây vì nhiệm vụ cao cả, chiến đấu hi sinh cho dân tộc, hãy đoàn kết một lòng bỏ qua chuyện nhỏ, đánh Mỹ diệt ngụy, đem lại đất đai non sông Tổ quốc, đem lại cơm no áo, ấm cho nhân dân, trong đó có cả gia đình chúng ta. Gian khổ đói khát, chết chúng ta cũng không sợ, vài nghìn bạc để làm gì kia chứ. Tôi lên tiếng muốn để anh Hôn khỏi ấm ức, anh Ba phải xin lỗi vì việc này của anh gây ra rắc rối cho cả đơn vị.
*
Cả Đại đội đi chỉ còn 4 xoong ngô bung, mỗi người được chia 4 ca US. Mỗi Trung đội cử hai người qua sông Thạch Mỹ đến Trạm 5 gặp quân kinh tế nhận sắn làm bánh. Bộ đội vừa đi vừa xin dân sắn, ngô, bí ngô… để ăn. Lần này, đồng chí Bình lượm dù pháo sáng đạp phải mìn chết.
Ngày 17/12/1970, đơn vị đi rồi còn hơn 10 đồng chí bệnh tật, chân đau. Đại đội phó Hoành phân công đi bản Mực phát rẫy trồng sắn, ngô, nuôi gà lợn; một số đi đồng bằng lấy lương thực để khi đơn vị đi chiến đấu về có cái ăn.
Ngày 18/12/1970, sáng sớm Đại đội phó Hoành cử tôi với anh Thìn đi vận chuyển vũ khí, đến K7 lấy 10 súng AK đem ra C10 của Đại đội vận tải Trung đoàn ở danh Khe Dèn để cấp cho bộ đội, du kích địa phương.
Buổi sáng mỗi người được gạt bát sắt ngô bung thối, chúng tôi đến K7, quân giới giao cho mỗi người 5 khẩu súng. Lúc quay về gặp anh Bẩy là Trợ lý hậu cần K7, chúng tôi và anh Thìn hỏi xin được 4 ca US ngô bung lấy dù gói đến trưa mới ăn.
Vượt Dốc Bền qua Khe Hoa đi đến gần trưa, ngược khe Dốc Gió thì chân tôi mỏi nhừ, gối như muốn khuỵ xuống. Tôi trèo lên cây gỗ đổ rìa suối nằm nghỉ, rêu trơn tuột xuống dỗ xương cụt xuống đất đau quá, đứng dậy không nổi. Anh Thìn quay lại đỡ cho.
Nghỉ một lúc, thì Luật là Y tá ở Danh gùi ngô về xúc lại cho chừng 5 ca US ăn trưa, rồi lại leo lên dốc vượt sang bên đông, đến ngã 3 đường đi Khe Dèn và Khe Cốc thì trời tối, tìm nơi mắc võng bung ngô bằng thùng đạn súng 7ly62.
Đêm ở rừng tối như mực, khói lửa sưởi ấm tâm hồn chiến sĩ. Sau một ngày leo dốc, lối suối trèo đèo vất vả mỏi và mệt, ăn no lên võng vấn thuốc rê hút thấy êm dịu làm sao...
*
Người lính chiến chỉ khi nào ngả lưng trên võng mới thấy mình hạnh phúc rì rầm nói chuyện quê hương. Anh Thìn ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang chưa bao giờ được ra tới biển, chỉ biết núi với rừng. Quê tôi ở tỉnh đông Hải Dương giáp Hải Phòng, mà cũng chưa biết biển là gì. Nếu không đi bộ đội, tôi cũng chẳng biết rừng. Anh Thìn hơn tôi 5 tuổi, nhưng đã có 5 con, đã ngủ lúc nào không biết.
Do có nhạy cảm của lính chiến, lúc 3 giờ sáng rạng ngày 19 tự dưng tôi bật dậy như lò xo, tôi ngồi nép dưới đầu võng bên một hòn đá, tay vớ AK sờ dây lưng thắt vào người và khẽ lay anh Thìn dậy...
Có tiếng người từ đường bãi Văn Công lên. Anh Thìn thì thầm:
- Đơn vị nào mà đi sớm thế?
- Hình như bọn địch đấy!
Chúng tôi quấn võng đeo gùi tay cầm vũ khí. Tiếng nói chuyện càng gần, rồi bọn người đó ngồi ngay bãi đá cách chúng tôi vài chục mét. Chúng tôi nghe rõ tốp người đó nói chuyện, giọng đặc miền Nam:
- Phải đi đến Khe Hoa trước khi trời sáng, giờ này Việt Cộng chưa đi.
- Đù mạ! - Tiếng chửi thề - Hình như có người đó tụi bay à, có cả mùi lửa…?
Tôi căng mắt mà nhìn không rõ mấy tên. Tay tôi đã cầm sẵn quả lựu đạn, liền rút chốt liệng vào chỗ có tiếng nói. Anh Thìn nổ súng AK. Tôi choảng tiếp quả lựu đạn thứ 2 rồi bắn thêm mấy loạt AK. Có thằng chết hay bị thương gì đó, có tiếng kêu:
- Chết cha tao rồi! Việt Cộng…
- Chạy thôi!
Tôi kéo anh Thìn đi về hướng Bắc, đạn M79, AR15 bắn đuổi theo. Đi chừng 10 phút đến rừng thông, chúng tôi rẽ lối đi ngược lên, bỏ đường trục 100m tìm chỗ kín đáo mắc võng ngủ.
10 giờ trưa hôm sau, chúng tôi đến C10 giao nộp vũ khí xong, được anh em đơn vị vận tải cho ăn bữa cơm cá hộp. Ngủ một giấc, 14 giờ chiều chúng tôi đến bộ phận lấy gạo cách C10, 300m. Gặp y tá Gia, quản lý Dần, Trung đội trưởng Ba, Trung đội phó Duy. Gia bảo chúng tôi ở luôn đó đi chuyển gạo.
*
Ngày 20/12/1970, chúng tôi được lệnh đi đồng bằng lấy lương thực.
Mùa khô ở rừng không đến nỗi khổ; cây khô, củi nỏ, thóc chua, cả ngày xì sục rang đổ vào mũ sắt kỳ cộp giã, đói thì ăn thôi. Vừa hơi khói vừa cay cay, thum thủm, năng nhặt chặt bị đến cuối năm cũng được kha khá lương thực dự trữ cho đơn vị đi chiến đấu về còn có cái ăn.
Đường xa dốc cao nhiều suối. 14 giờ chiều cơm vắt bi đông, dây lưng lựu đạn, súng AK, áo mưa, khăn mặt, mũ tai bèo, chúng tôi đi đến Cửa Danh cũng chừng 2 tiếng rưỡi. Mọi người triển khai ẩn nấp dưới các bụi sim mua hoặc rừng cây non lúp xúp. Ở đây đầy đủ các thành phần trai tài,gái đảm của các đơn vị Mặt trận tỉnh, huyện, Quân khu… chừng vài trăm người.
Khi mặt trời xuống đến đỉnh núi Bàn Cờ, mọi người ăn cơm vắt, nai nịt gọn gàng, vũ khí cầm tay. Các nữ chiến sĩ cũng quần xà lỏn quen đường chạy ào đi trước, còn nam giới chạy gằn mới theo kịp. Phải bám sát, nếu để mất hút lạc lối không may lại đụng phải quân Mỹ. Chừng 11, 12 giờ đêm mới đến nơi lấy gạo.
Khi thì đi Giảng Hòa hoặc Quảng Đợi, lúc vượt sông Thu Bồn đi Sơn Phú, Sơn Trường. Có lúc về ngay, có khi nằm lại bãi bói bờ sông cả ngày phơi nắng, gần tối vào dân nấu cơm rồi lại bơi sông, vượt suối chui rừng lên Danh. Có khi gặp Mỹ phục, súng máy bắn chặn, đạn M79 bắn đuổi, cũng có người chết người bị thương.
Hồi đó, quân Mỹ có chiến thuật nghi binh, chừng 10 – 11 giờ đêm, 10 tên cõng 10 tên khoác áo mưa che kín, đến đường trục thì để lại 10 tên chui vào bụi phục, còn 10 tên ra về. Trinh sát của ta từ trên cao nhìn ống nhòm thấy bọn Mỹ nhưng không phân biệt rõ, báo cáo về là: “Địch đi 10 tên lại về 10 tên, đường đã thông không có địch”. Đến tối, quân ta không phòng bị, lọt vào ổ phục kích bị hy sinh trả giá đắt.
Nguồn cung cấp lương thực do dân mới có. Quân Kinh tế của tỉnh bắt mối với vợ con bọn tư sản, sĩ quan Ngụy quyền, dùng thuyền chở gạo, vải, muối mắm, mì chính từ Hòa Vang – Điện Bàn lên vùng giải phóng bán cho Cách mạng. Bọn sĩ quan quân nhu Nguỵ tham tiền, bị quân Kinh tế của ta mua chuộc, đem vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm… bán cho quân Giải phóng.
Cụ thể như ngày 17/12/1970, có 6 xe cam nhông chở lương thực và hàng hóa lên Đông Sơn, Trung Phước, đến đường Xuyên Hiệp, đập Vĩnh Trinh. Dó được mật báo và thoả thuận trước, quân Giải phóng đã mai phục sẵn. Khi đoàn xe vừa đến, thủ pháo, lựu đạn ném ra, mìn nổ, súng bắn chỉ thiên quân ta hò hét xung phong. Quân lính hậu cần Ngụy không quen chiến đấu, chỉ huy chạy trước, lính tráng thi nhau bỏ của chạy lấy người. Những tay lái của ta chỉ chờ lúc ấy cướp xe chạy lên vùng giải phóng.
Gạo ngô quân kinh tế chôn giấu ở các làng bỏ hoang và bãi cát. Địch càn cho xe ủi cày xới phá hủy mất nhiều. Mùa mưa thì ngô thối, gạo chua, gùi trên lưng tưởng như cõng liệt sĩ, ruồi nhặng bay theo hàng đàn.
Lên Cửa Danh ai có võng thì mắc võng, có ni lông thì dải, đặt mình xuống là ngủ li bì. Con gái chui vào hầm nằm chung cũng kệ. Sáng dậy ăn cơm vắt mà Duy Trung đội phó còn tếu được, bẻ cỏm ngô đặt vào hĩm mỗi cô một miếng. Ba vừa cười vừa nói “Con gái miền Trung ăn cơm mồm dưới”.
*
Ngày 28 tháng Chạp năm 1970, để anh Thìn ở lại trạm Trung tuyến, chúng tôi rút về hậu cứ. Bộ phận tăng gia trồng sắn ở bản Mực để anh Lập ở lại trông trại.
20 giờ, tối 30 Tết chúng tôi còn 17 người tập trung ở nhà Đại đội đón Giao thừa, có chè gạo thuốc rubi và kẹo bánh.
22 giờ đêm nghe tiếng lợn kêu ở đầu dốc tất cả cùng ồ lên. Anh nuôi Tích, liên lạc Him cầm đuốc ra đón. Quản lý Cời xách bao đựng con heo hơn chục ký, một không khí tưng bừng khác hẳn khi nãy. Đêm ấy, chúng tôi không ngủ quây bên bếp lửa nói chuyện quê hương. Trung đội phó Duy có nhật ký ghi lại những chiến sự đã qua và nhiều bài thơ hay đọc lên để mọi người nghe.
Sáng mồng 1 Tết, anh Cò nấu nước đóng bình tông xệnh xoạng thế nào làm đổ nước sôi vào chân bị bỏng (điềm báo lành ít dữ nhiều, đến tháng 6 anh Cò hy sinh). Anh Chách, anh Dương đi câu cá, anh Cò thấy vậy cũng đem cần ra suối ngồi câu. Tôi với anh Thịnh xay bột tráng mì; Duy và Cát đi làm thịt heo.
Ăn cơm xong, lúc 13 giờ chiều tôi và anh Thịnh đến chỗ K7 tìm Tư Còm, người cùng xã, cùng ở Đại đội 14 về K7 tháng 9 năm ngoái làm anh nuôi ở bếp Tiểu đoàn Bộ. Tư đem cho chúng tôi một cái bánh chưng, “một miếng khi đói gói khi no”, quý hoá và giá trị quá!
16 giờ chiều mùng 1 Tết có lệnh đi chiến đấu. Đại đội phó Hoành bảo tôi cùng Tiểu đội trưởng Cát đem 2 khẩu đại liên và 2 trung liên ra bắn thử, chọn mỗi thứ một khẩu.
Biên chế quân số một Tiểu đội gồm: Đại đội phó Hoành, Trung đội trưởng Ba, Trung đội phó Hoàn, Tiểu đội trưởng Cát, liên lạc Him, xạ thủ súng máy đại liên là tôi. Vũ khí cố: 1 đại liên, 1 trung liên RPK, một súng phóng lựu M79, 2 tiểu liên AK, 10 quả rốc két M72. Cơ số đạn: Đại liên 3000 viên, trung liên 1500 viên, AK 600 viên (2 khẩu), 100 quả đạn M79, lựu đạn mỗi người 6 quả. Anh Thịnh, anh Chách, anh Huấn, anh Sang 4 người gùi đạn đi theo đến khu chiến thì quay trở lại...
(Còn nữa)
Đ.V.H
Trái tim người lính