Từ nhỏ tôi thường nghe Mẹ tôi kể lại là nhà mẹ của Bà Ngoại mỗi cây cột bằng gỗ mun một người ôm không hết trong căn nhà có gần 20 cây cột như vậy (?). Sau này tôi còn biết Bà ngoại nói chuyện với mấy ông Chệt ngoài chợ bằng tiếng Trung Quốc. Hỏi Mẹ thì Mẹ nói gốc gác của Ngoại là người Quảng Đông (?)
Mẹ kể: Bà ngoại lấy một ông chồng Ba Tàu từ Trung Quốc qua Việt Nam tìm vợ nhưng khi sanh ra Má Hai (Chị thứ hai của mẹ) ông chồng Ba tàu thì chỉ thích con trai nên khi ngoại sinh con gái ổng chê nên bỏ đi luôn về xứ .
Người con đầu của Ngoại anh em tôi kêu bằng Má Hai chứ không kêu bằng Dì. Má Hai tên là Chung thị Muối. Má được ngoại sinh ra và lớn lên ở Cần thơ nên má sau này cũng có chồng là một người chồng Việt Nam bên đó, Dượng hai hiền như cục đất, ông làm thợ trong công trường của sở Mỹ, nhà Má gần chợ Xã Đài má có người con trai lớn là anh Hai Ngọc cũng làm công nhân sở Mỹ, rồi tới chị Ngàn có chồng về ở Cái cui gần khu công nghiệp Cái Côn. Má Hai còn một anh con trai là anh Sáu Hoàng cũng cao to dềnh dàng như dượng hai, anh đi lính TQLC mà hình như anh là tài xế chứ không phải cầm súng ra chiến trường.
Má hai lâu lâu mới về Cái Vồn thăm Ngoại, thăm bà con... mỗi lần Má qua chơi hay mua cho tôi mấy cuốn truyện cổ tích Việt nam như :
Phạm Công Cúc Hoa, Nàng Út Ống Tre, Chàng Nhái Kiểng Tiên, Tấm Cám...
Những cuốn truyện đó khổ lớn hơn cuốn tập học trò mà ở chợ Cái Vồn thì không nơi nào có bán. Má hai có cây Vú sữa trái ăn rất ngon và giữa ruột của trái vú sữa có cái bọc sữa ngọt ơi là ngọt. Má Hai làm dưa rau Muống thì khỏi chê, rau muống làm dưa phải là loại rau muống đồng có cọng màu tím, ai ăn thử đều khen má làm cách nào mà nó vừa giòn vừa chua chua ngọt ngọt ngon ơi là ngon. Nhà Má không khá giả gì nhưng mỗi lần qua chơi Má đeo vàng nhiều lắm...
Má chỉ cách để dành tiền mua vàng cho Mẹ tôi
- Mỗi ngày sau khi đong gạo nấu cơm chị hốt lại một nắm bỏ vô một cái khạp để riêng, chừng một vài tháng là mua được vài phân vàng...
Bà ngoại tên trong khai sinh là Hồ thị Quế, bà sinh năm 1889. Sau khi chia tay ông chồng người Ba tàu bà gặp được người chồng thứ hai là ông ngoại tôi. Ông ngoại tên Nguyễn văn Thắng lớn hơn bà ngoại 5 tuổi là một trong ba anh em chú bác cùng là thợ cưa "Líu" từ Bình phước Xuân Chợ Mới An Giang xuống hành nghề ở xứ Cần Thơ (Thủa xưa chưa có nghề cưa xẽ gỗ nên thợ cưa Líu một người đứng trên một người ở dưới thân một cây gỗ và xẻ dọc cây gỗ bằng cây cưa của mình, lúc cưa phải đứng thẳng và kéo lên kéo xuống không ngừng nghỉ mà không phải ai cưa cũng được)
Hai ông anh của ông ngoại cũng có vợ ở Cái Vồn, một người là Ông Nội của anh Năm Quang nhà anh ở ngay cái cua quẹo Basto, một ông kế là ông Ngoại của anh Tư Sính con Dì Tư Hưởn nhà sát cái tiệm thuốc Bắc của Thầy Năm Quân. Trong ba anh em Ông ngoại tôi là người có vai vế nhỏ nhất. Tiếc là cả đám con cháu sau này không người nào đến Phủ thờ Nguyễn Tộc ở Bình phước Xuân để truy tìm nguồn gốc của ông Ngoại tôi.
Ba anh em Ông ngoại cùng có vợ và cất nhà ở xứ Cái vồn cùng làm việc cho xưởng cưa gỗ bên Cần Thơ. Bà ngoại lâu lâu canh ngày ông ngoại lãnh lương bà qua thăm ông ngoại một lần. Có lần gần tết, bà ở Cần Thơ về hơi trễ qua bến Bắc thì hết xe về Cái Vồn. Hai tay bà ôm hai trái dưa mới mua ở Cầu Bắc lội bộ đoạn đường 3 km về chợ , tới khúc chùa Cô Ba là đường vắng tanh tối đen như mực, bà thấy ớn lạnh vì sợ ma. Bỗng bà gặp một người đàn ông mặc bộ đồ đen đang ngồi xổm bên đường hút thuốc.
Mừng quá Bà làm bộ hỏi:
- Ông anh ơi, đây về Cái Vồn còn xa không anh?
Người đàn ông ngồi làm thinh không trả lời nên vừa bước qua Bà ngoại ngoáy đầu lại thì ông già đâu mất? dưới đất có mấy cục gì đen thui cỡ bằng trái dưa đang lăn theo chân.. Bà ngoại hoảng vía buông cặp dưa vừa chạy vừa la làng tới nhà người quen. Nghe Ngoại kể họ cười ngất nói:
- Chị bị thằng Lục lộ Tố nó giỡn vậy thôi chứ có sao đâu (Lục lộ Tố là tên của một công nhân cầu đường làm lộ bất cẩn bị xe hủ lô cán chết)
Bà ngoại ở với Ông ngoại đến năm 1915 thì sinh ra cậu Ba. Cậu Ba tuổi Thìn lớn hơn mẹ tôi 7 tuổi, từ nhỏ Cậu nổi tiếng hay rắn mắt phá phách đầu trên xóm dưới nên ai cũng gọi là Ba Tề, cậu Ba có vợ ở gần mé sông cuối lộ 71 chỗ chùa Cô Ba đi xuống, sau khi cưới vợ cậu về bên vợ sinh sống bằng nghề lái Heo, chuyện về cái tánh phá phách của Cậu Ba thì đám con trai trong xóm chẳng ai bằng.
Mẹ kể:
- Gần nhà ngoại có vợ chồng Ông mù. Vợ thì đi buôn bán ngoài chợ, mỗi lần người vợ về nhà thì bị ông chồng mù ghen nghi ngờ bà vợ ngoại tình chứ buôn bán gì mà hay về trễ như vậy. Cả xóm ai cũng thấy ghét ông mù ghen bậy, Cậu Ba biết chuyện bực lắm nên Cậu canh khi không có bà vợ ở nhà là Cậu vạch vách chun vô nhà không nói không rằng vả vô cái mõ của ông chồng hay chửi bậy rồi Cậu im re bò ra. Không biết ai đánh mình nên anh mù nghi là nhân tình của vợ mình chứ ai vô đây? Bà ngoại nghe chuyện suy nghĩ chỉ có Ba Tề mới dám làm chuyện này nên trong lúc ăn cơm Bà giả bộ nói:
- Cái thằng mù xóm này con vợ buôn bán cực khổ như vậy mà ghen bóng ghen gió bữa nào tao lại nhà tao vả cho tét cái mỏ.
Cậu Ba tưởng thiệt cười ngất rồi khai
- Con vạch lỗ chó chun vô nhà đánh nó hoài.
Bà ngoại xách cây chổi lông gà rượt Cậu chạy trối chết vì tội đánh ông mù.
Mẹ còn kể chuyện ngày Ông bà Ngoại đi hỏi vợ cho Cậu, Cậu cương quyết không đi chung vì mắc cỡ và cam kết là sẽ có mặt đúng giờ. Nhưng sơ ý nên Cậu quên hỏi nhà đàng gái ở đâu? chỉ biết khúc gần lộ 71 phía bờ sông. Nhanh trí Cậu mượn chiếc ghe bắt Heo vừa chèo cặp bờ vừa rao :
- Heo bán không...
Nghe tiếng Cậu Bà Ngoại ra ngoắc vậy là sau đó Cậu có vợ và ở rể luôn.
Cậu Ba còn một chuyện xem như là một giai thoại cho con cháu đời sau nhắc đến Cậu.
Năm 1973 ông NCK lúc đó làm PTT về Bình Minh (tên gọi khác của chợ Cái vồn) làm lễ đặt tượng cho Tướng Năm Lửa (Trần văn Soái) mà ông NCK là con rể của Bà Dì em ruột của Bà Ngoại nên Cậu Ba thỉnh thoảng có lên Sài gòn nhậu với người em rể mình. Ông em rể rất mực cung kính ông anh vợ bà con mỗi lần cậu Ba lên là cho xe đưa rước đãi đằng ăn nhậu đàng hoàng. Nên khi cuộc lễ đang Long trọng chuẩn bị cắt Băng khánh thành thì phía bên ngoài rào Cậu Ba nhoi người lên la to
- K.. K.. chút ra nhậu với anh...
Thế là Cậu Ba bị tụi lính Bảo vệ bắt lôi vô nhốt trong chuồng cọp được rào toàn bằng dây kẽm gai bên hông cái Dinh Quận .
Tan lễ, Ông PTT nói nhỏ với ông Thiếu tá Quận trưởng :
- Ông hồi nãy bị lính bắt là ông anh vợ của tôi, làm ơn thả ổng ra giùm và mời ổng qua nhậu luôn. Thế là Cậu Ba được ông Quận trưởng đích thân thả ra và được mời nhậu chung trong buổi Liên hoan chiêu đãi Sếp lớn. Cậu Ba cương quyết không chịu uống rượu Tây mà nhất quyết phải có rượu Công xi Trà Ôn mới chịu uống!
Rượu Công xi Trà Ôn ở chỗ anh Lời tiệm tạp hoá Lý Thu Ký có bán, nhưng chuyện đó ông Quận trưởng ổng đâu có biết nên ngài Quận trưởng nhờ 1 Chiếc Trực thăng bay xuống chợ Trà ôn (cách Bình minh 16 km) chở về nguyên một "Tỉnh" đế rượu Công xi Trà Ôn 30 lít .
Xong tiệc Cậu Ba ra lệnh cho Quận trưởng:
- Hồi nãy tụi bây bắt tao ai cũng thấy hết. Bây giờ xin lỗi rồi đãi nhậu thì đâu có ai biết. Bây giờ tao mà đi về nhà người ta sẽ nói tao mới ở tù ra thì quê lắm nên tao đề nghị thằng Quận mày phải lấy xe jeep đưa tao về tới nhà cho tao khỏi quê với vợ con và bà con lối xóm.
Thế là là Cậu Ba được ông Quận trưởng đưa về tận nhà và còn kêu mấy anh lính khiêng tới nhà nguyên tỉnh rượu cho Cậu Ba.
Con của Cậu cũng nhiều lắm:
Anh Ba Cẩu, Chị Tư Châu, Chị Năm Nhanh, anh Sáu Chen, chị Bảy Đẹp, chị Nữ, Chị Lập , chị Ngọc Ánh mắc bệnh câm, chị Út Nên.
Cậu Ba mất nhằm ngày Mùng 5 tháng 5 âm lịch vậy mà con Cậu bây giờ anh chị nào cũng khá giả. Mợ Ba thì sống thọ nhất trong dòng họ, mợ mất ngày 27/11 âm lịch năm 2017.
Đến năm 1922 bà ngoại lại sinh ra Mẹ tôi và người Dì thứ sáu (lần này ngoại sanh đôi) Dì Sáu Ngoại không nuôi mà cho Dì ở cù lao Giêng tận vùng Chợ mới Long xuyên.
Mẹ tôi 17 tuổi thì được ngoại gả cho một Ông Chệt từ bên Tàu qua, ông Chệt trắng trẻo đẹp trai văn hay võ giỏi nên mẹ tôi nhận lời gả cho ông Chệt.
Một năm sau (1940) thì sinh ra Anh hai tôi. Đến năm 1945 thì bà ngoại đuổi thằng rể Ba tàu ra khỏi nhà khi mẹ tôi đã có ba đứa con trai. Ngoại thì tánh tình bộc trực đụng chuyện gì là ngoại la làng lên như giặc tới, ông rể thì mắc cỡ nên cũng ôm gói đi luôn thế là mẹ tôi một mình vất vả nuôi ba ông anh tôi ăn học bằng nghề chiên bánh cam bán. Sau đó vài năm thì mẹ đi bước nữa với Ba tôi và mối tình này theo vết bánh xe của Ngoại nhưng bà cương quyết phản đối vì bà không tin Ba tôi, một thằng chưa vợ con nhảy vô hốt ổ đàn bà ba con như Mẹ tôi làm sao mang hạnh phúc lại cho con gái của bà. Bên Nội cũng vậy nên Ba và Mẹ dẫn ba người anh lên tuốt trên chợ Sa Đéc xây hạnh phúc. Nhưng xứ lạ quê người khó sống nên phải hồi cố xứ.
Đến năm 1957 thì ông chồng Ba tàu trở về ông chồng sau là ba tôi hiên ngang trả vợ lại ra đi vì vậy ai cũng tưởng tôi là con ông Ba tàu nhưng thật ra ít người biết là Mẹ tôi có Bầu tôi trước khi chia tay với ông chồng sau. Năm 1976 mẹ mất vì bệnh đau bao tử, năm đó mẹ 55 tuổi.
Cậu Tám La là em trai của mẹ tôi từ nhỏ cậu đã đi xin làm phụ việc cho các quán ăn của mấy ông Ba Tàu nên sau này cậu ra 125 Định Quán Đồng Nai mở tiệm Cà phê, hủ tíu bán đủ thứ thức ăn theo kiểu người Hoa nên Cậu rất giàu. Mấy đứa con của cậu là: Lệ, Hoa , Sáng , Suốt...
Lâu lâu tụi nhỏ được Cậu dẫn về đều ghé nhà tôi chơi và tụi con Cậu tuy là con nhà giàu nhưng cũng rất dễ thương và lễ phép. Mợ tám mất sớm vì bệnh nên Cậu bước thêm bước nữa với một bà mợ khác. Hai đứa con trai của Cậu sau cũng chết vì bệnh, vợ sau của cậu cũng chia tay Cậu dẫn con đi về bên cầu Sài Gòn ngay chợ Nam Vang. Cậu nghiện á phiện nên từ từ xe cộ nhà cửa đội nón ra đi... những ngày cuối đời Cậu về Bình minh khi túi không còn một cắc. Cậu ở nhà Dì Út nuôi cơm lâu lâu có tiền thì Cậu qua Cần thơ mua á phiện để chích và một lần người ta cho Dì Út hay là Cậu nằm chết vì sốc thuốc tại bến Ninh kiều. Dì Út và mấy ông anh tôi tìm tới thì cậu đã được chôn và trước mộ có cắm một miếng ván viết mấy chữ : VÔ DANH NAM ...
Dì Út là con gái Út của Ngoại, Dì sinh năm 1929 (Một năm sau thì Ông ngoại mất khi ông mới 46 tuổi) khi lớn lên đã được Bà ngoại gã cho một Ông Ba Tàu cũng từ Trung quốc qua tìm vợ, Dượng Út cái tên cũng rất dễ nhớ Lưu tri Tập. Ông thì rành nghề cơ khí máy móc lại rành thêm một nghề ngoại không thích là lắc tài xỉu trong các sòng bài. Khi Dì sanh con gái đầu lòng năm 1952 ( Lưu kiến Hưng) thì Dượng cũng bị Bà ngoại đuổi vì Dượng có thêm cái tật trăng hoa phải ôm gói bỏ đi... thế là Dì Út lại mất chồng giống như hoàn cảnh của Mẹ. .
Đến 1955 thì người ta cho Dì hay là Dượng đang làm cho một sòng tài xỉu ở xã Mỹ Hiệp huyện Chợ Mới - An Giang, thế là Dì bồng con gái mới ba tuổi đi tìm chồng. Đến Mỹ Hiệp là trời đã tối ôm con tới sòng bài hỏi người chồng ba tàu thì không ai biết (Dượng Út đổi tên khác và trốn khi biết Dì Út tới tìm mình) xứ lạ quê người không quen biết ai thời chiến tranh loạn lạc ai dám cho ở nhờ. Dì Út đành ôm con chịu trận ở nhà lồng chợ.
Ông Chánh Tổng Mận tối dẫn lính đi tuần tra gặp Dì ông hỏi thăm sự tình và bất ngờ khi Ông chánh Tổng Mận là cháu ruột của Ông ngoại và vai vế thì Ông kêu Dì Út bằng chị. Thế là ông lo chỗ ăn ngủ cho chị mình và sau đó dẫn lính lại lục soát sòng bài và nói với ông anh rể:
- Vợ của nị là chị ruột của tôi đó, nị bỏ chị tôi thì sau này đừng mong ở xứ này làm ăn nữa.
Đêm đó Dượng Út lại thăm Dì Út thấy mặt đứa con gái trắng trẻo dễ thương nên sau đó ông bà có bầu thêm đứa con trai. Năm 1956 thì sinh ra thằng Hỏi (Lưu tri Hồng) khi sòng bài giải tán Dì dượng trở về Cái vồn gầy dựng Lò hủ tíu cho Dì. Dượng đi làm Cai máy cho các tàu biển từ Hồng Kông đi các nước Đông nam Á. Năm 1958, Dì sanh ra thằng Hò (Lưu Tri Hà) rồi Dì có thêm mấy người con nữa:
Lưu tri Cường, Lưu tú Phương , Lưu tú Phụng , Lưu tri Đức...
Sau khi giải phóng thì Dượng út bị kẹt ở nước ngoài các con lớn của Dì đi vượt biên sau đó bảo lãnh cho Dì Dượng qua CHLB Đức sau một lần về thăm quê Dì đi du lịch khắp nơi và mất năm 1999 thọ 70 tuổi.
Bà Ngoại khó tính lắm, từ nhỏ bà không có thương tôi bằng mấy người con Dì Út, chắc vì ngoại ghét lây Ba của tôi? Gặp bà hay bị ký vô đầu, có khi bị tát... Lần duy nhất hai bà cháu vui vẻ bên nhau là một lần Ngoại bệnh, Ngoại qua nhà đưa củ khoai lang kêu tôi nấu cho chè cho Ngoại ăn vì ngoại thèm. Năm đó tôi mới tròn 8 tuổi mới vừa biết nấu cơm nên được Ngoại sai là mừng lắm.
Ăn xong Ngoại khen :- Con trai mà giỏi quá, hôm nào Ngoại thèm con nấu chè cho Ngoại ăn nữa nhe.
Hai hôm sau thì Ngoại mất... năm đó là năm 1966 Ngoại Hưởng thọ 77 tuổi. Nồi chè Khoai lang của thằng Cháu ngoại 8 tuổi nấu cho Ngoại ăn lần đầu cũng là lần cuối nhưng nó vẫn còn mùi vị ngọt ngào cho tận đến bây giờ.
Theo Chuyện Làng Quê