Hàng ngày mụ đi nhặt ve chai, đồng nát đem bán cho các điểm thu mua cũng kiếm được hai trăm bạc, đủ tiền rau cháo qua ngày. Chồng mụ nhìn cứ quắt queo, da tái xanh như người mắc bệnh sốt rét, hàng ngày lê lết vào chợ, ai nhờ gì làm nấy. Gã vốn nghiện rượu nên làm được đồng nào nướng sạch vào quán lòng lợn tiết canh. Một lần uống say bí tỉ, đi không vững, gã ngã nhào xuống vũng nước nhầy nhụa của mấy bà bán cá trong chợ thải ra. Ai nhìn thấy cũng ái ngại, nhưng chẳng ai đến giúp gã đứng dậy. Một phần, tất cả đều đang bận bịu việc bán mua, một phần người ta ngại bởi người gã dơ dáy lắm. Nằm một lúc, vì bản năng sống, gã cũng bò dậy được rồi lê tấm thân tàn về đến lều. Vừa nhìn thấy gã trong bộ dạng say khướt, chân đăm đá chân chiêu, mụ Bống lắc đầu ngao ngán và cũng chả còn bất ngờ bởi chuyện gã say như thế này diễn ra như cơm bữa. Điều mụ cần làm lúc này là lần mò túi áo gã xem tiền cả ngày đi làm để ở đâu. Rồi mụ lại nổi cơn thịnh nộ chửi rủa thậm tệ khi thấy túi áo, túi quần gã trống trơn chẳng có một xu nào. Hóa ra, gã đã nướng hết vào quán rượu. Thế là, miệng mụ chửi, chân mụ đạp cho gã dạt vào xó nhà. Hết chịu nổi rồi, đêm nay, mụ sẽ tống khứ gã ra đường cho gã biết thân biết phận. Nghe mụ vợ chửi, chẳng những gã không giận mà còn nhe bộ răng sứt vàng cáu bẩn ra cười khiến mụ càng tức khí. Mụ càng đánh hăng, gã càng cười như trêu ngươi mụ. Thực ra, gã đang say, có biết đau là gì đâu mà chống đỡ. Hôm đó, thấy vợ chồng mụ cãi nhau ầm ĩ, bà tổ trưởng dân phố đi qua vào nhắc nhở, mụ vâng dạ rối rít. Nhưng bà tổ trưởng vừa đi khỏi, mụ lại hăng tiết tiếp và vật đổ gã lăn kềnh ra đất, rồi nằm đè lên trên người gã mà đấm mà tát cho hả cơn giận. Thấy có màn kịch hay, người đi đường và người dân sống quanh đó hiếu kỳ đổ xô đến xem rất đông. Họ không những không can ngăn vợ chồng mụ mà còn buông lời đổ thêm dầu vào lửa:
- Trời ơi! Lão Bang sao mà hèn. Đàn ông đàn ang gì mà để vợ đè đầu cưỡi cổ.Thật mất mặt quá!
Nghe đám người đứng ngoài khích bác, gã thấy nóng mặt, máu anh hùng trong người nổi lên, gã dùng hết sức bình sinh vật ngược tấm thân béo của mụ xuống đất, rồi nằm đè lên trên, vừa thở hổn hển vừa chửi:
- Đù mẹ con chó cái. Hôm nay bố mày phải cho mày một bài học, từ nay chừa thói bắt nạt bố mày đi nhé!
Đám người bên ngoài thấy gã lật ngượt thế cờ, nhao nhao vỗ tay tán thưởng:
- Phải thế chứ, anh hùng vượt ải mỹ nhân rồi!
Sau cú phản công, gã thấy mệt bở hơi tai, chẳng còn sức đâu mà đánh vật tiếp với mụ. Lợi dụng lúc gã sơ hở, mụ vùng dậy, đẩy người gã sang một bên rồi bỗng ôm mặt khóc hu hu. Thấy vợ bỗng nhiên khóc, gã chợt dịu lại và rồi thấy ân hận quá! Gã tự trách mình đã vô tâm với mụ, rồi tự hứa với lòng từ nay sẽ tu tỉnh, không rượu chè, làm được đồng nào gã sẽ về đưa hết cho mụ. Lúc này đám người hiếu kỳ thấy vợ chồng mụ làm lành, lặng lẽ giải tán, trả lại cho vợ chồng mụ không gian yên tĩnh. Gã vốn nát rượu, lúc say không làm chủ được bản thân, nhưng lúc tỉnh gã lại rất chăm sóc, chiều chuộngmụ. Gã đứng dậy, phủi quần áo đến bên mụ vỗ về:
- Thôi nào, tôi đưa mình vào nhà, tôi biết lỗi rồi!
Thấy gã nhẹ nhàng, cơn giân dữ trong người mụ bỗng đâu tan biến,mụ đứng dậy ngoan ngoãn theo gã bước vào lều, rồi quay lại nói với gã vẻ trách móc:
- Ông nhìn lại mình đi, cuối cùng chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ.
- Thôi nào, tôi biết lỗi rồi!
Nói rồi, gã dang tay ôm chầm lấy mụ. Mụ đưa tay đẩy gã ra nói “đồ nỡm” nhưng lòng lại thấy ấm áp.
Xưa kia, mụ vốn là một cô gái có nhan sắc, gia đình lại khá giả nên được nhiều chàng trai trong vùng để mắt. Dạo ấy, thầy mẹ mụ định gả mụ cho một gia đình giàu có trên tỉnh, nhưng mụ cương quyết không nghe, bởi trong lòng mụ đã có chàng Bang tuy nhà nghèo nhưng thông minh sáng dạ. Thấy con gái không nghe lời, thầy mẹ giận mụbỏ vào Nam sinh sống cùng vợ chồng người con trai út. Một thời gian sau, mụ cùng chàng Bang lên Ủy ban nhân dân xã đăng ký kết hôn rồi làm mấy mâm cơm cúng gia tiên, mời anh em họ hàng và một số bạn bè thân thiết đến chia vui. Sau ngày đó, chàng Bang về ở rể nhà vợ cùng mụ dệt ước mơ hạnh phúc. Liên tiếp trong bốn năm, mụ sinh cho gã một trai một gái. Tưởng chừng cuộc sống của vợ chồng mụ sẽ yên ổn, nào ngờ cuộc đời lại trớ trêu.
Năm đó, luồng gió đổi mới của đất nước bỗng tràn về cái làng nhỏ bé vốn xưa nay yên bình, nhất là sau khi nghe tin trụ sở ủy ban hành chính huyện chuyển về thôn Vân Phong, giá đất bỗng sốt lên vùn vụt. Nhiều nhà nhờ bán đất mà đổi đời, mua sắm ti vi, tủ lạnh, xe gắn máy. Riêng mụ cũng vung tay cắt hai phần lô đất thổ cư nhượng lại cho một tay cò đất. Còn lại ngôi nhà ba gian hai chái tổ tiên để lại, vợ chồng mụ dự định sang năm sẽ phá bỏ, thay vào đó là một căn nhà mới cho bằng anh bằng em. Đứacon trai của vợ chồng mụ cũng đến ngày tốt nghiệp đại học ra trường, nó được người cậu xin cho vào làm việc tại một cơ quan trong Nam, sau đó nó lấy vợ sinh con rồi ở hẳn trong đó. Còn cô con gái cũng sớm lấy được tấm chồng khấm khá trên tỉnh. Căn nhà chỉ còn hai vợ chồng mụ sinh sống. Thói đời, con người ta lúc nghèo khó thì thương yêu đùm bọc nhau, khi có tiền lại sinh đổ đốn, coi trọng đồng tiền mà quên đi cái nghĩa chồng vợ. Thấy thầy phong thủy phán nhà mụ năm nay chưa thể xây cất, mụ bàn với chồng tậu một chiếc xe ô tô để trước sân cho thiên hạ lác mắt. Nói là làm, mụ nhờ một người bạn dẫn lên tỉnh mua ngay con xe Civic 1.8, nhờ người lái về, phủ bạt đỗ ngay trước sân. Sau vụ đó, cả làng xôn xao chuyện vợ chồng mụ Bống chơi ngông mua xe ô tô về làm cảnh. Người ta còn thắc mắc, không hiểu vợ chồng gã mua xe về làm gì trong khi cả hai vợ chồng đều không có bằng lái. Hay vợ chồng gã mua cho cậu con trai ở phía Nam, tạm thời để đó. Có người còn hài hước: “Làng mình thật ra phải cám ơn vợ chồng mụ Bống mới phải, làm mát mặt cả làng, bởi bao đời nay đã có ai mua ô tô đâu”. Thấy thiên hạ xôn xao bàn tán, mụ càng sung sướng vì mình làm được cái điều không ai dám làm. Một ngày, mụ lên tỉnh dự sinh nhật cô bạn học cùng lớp. Sau khi biết chuyện vợ chồng mụ mua sắm ô tô bày làm cảnh, cô bạn bàn:
- Tao thấy chẳng ai dở hơi như vợ chồng mày, chơi ngông ném tiền qua cửa sổ. Theo tao, mày cho đăng quảng cáo trên mạng cho thuê xe ô tô tự lái hoặc thuê một lái xe chở khách cũng kiếm được ối tiền ra đó.
Nghe cô bạn nói mụ cũng thấy mình thật dở hơi, ai lại tự nhiên bỏ ra một đống tiền mua ô tô rồi đắp chiếu để đó. Mà cũng tại thằng chồng gàn nhà mụ, trước khi mua xe gã đã hứa sẽ đi học để có bằng lái về làm lái xe riêng cho mụ. Ai ngờ sau đó gã lại nhụt chí không dám học nữa. Thế rồi mụ nhờ vào mối quan hệ rộng của cô bạn mà đã tìm được một lái xe để hàng ngày chở khách theo hợp đồng. Mỗi chuyến đi trừ chi phí khấu hao, xăng xe, trả công cho lái xe, mụ cũng có số tiền kha khá ấm túi. Nhưng ai ngờ cô bạn lại là trùm lừa đảo. Lợi dụng lòng tin của mụ, cô ta đã cùng tay lái xe mang xe đi cầm cố rồi cuỗm tiền bùng mất. Mụ hận con bạn bao nhiêu, thì căm thằng lái xe bấy nhiêu. Hóa ra, chúng là một lũ mèo mả gà đồng, tìm cách lừa mụ. Nghe đâu ả đã lừa nhiều người nhẹ dạ cả tin như mụ rồi sau đó cùng bạn trai trốn biệttích. Mất xe rồi mảnh đất hương hỏa tổ tiên cũng đã cắt xén ra bán,mụ như con sư tử hóa điên lao khắp nơi tìm hai kẻ lừa đảo. Tin xấu cứ liên tiếp đến với vợ chồng mụ khi cha mẹ ở trong Nam lần lượt qua đời còn thằng con trai trong một chuyến đi công tác bị tai nạn xe giờ cũng trở nên tàn phế. Đau đớn hơn là con vợ nó sau khi chồng nằm liệt giường đã ôm con nhỏ bỏ đi biệt tích. Bất hạnh chồng lên bất hạnh, những tháng ngày sau đó, vợ chồng mụ đã lao vào cờ bạc đỏ đen với hy vọng gỡ gạc lại những gì đã mất. Nhưng số mụ đen vẫn hoàn đen, thắng bạc đâu chẳng thấy, chỉ thấy bao nhiêu tài sản trong nhà tiếp tục đội nón ra đi. Chơi đến lúc thua cháy túi, mụ phải bán nốt phần còn lại của căn nhà tổ tiên để trả nợ, nhưng số tiền đó cũng chẳng thấm vào đâu so với số nợ khủng khiếp mà vợ chồng mụ đang ôm. Những ngày sau đó, vợ chồng mụ sống trong nơm nớp lo sợ, nhà thì mất đi ở nhờ bà con họ hàng vạ vật, gã chồng lại lao vào rượu chè vì bất mãn,suốt ngày say khướt. Thế là một đêm đông, mụ thu vén những gì có thể cùng chồng trốn khỏi địa phương, bước vào những tháng ngày sống vất vưởng khổ sở nơi đất khách quê người.
Đêm nay, nằm bên gã chồng hôi hám, lại thêm cái rét lạnh cóng tái tê của mùa đông như cắn xé da thịt, mụ không tài nào ngủ được. Thời gian gần đây, việc làm ăn của vợ chồng mụ không được thuận lợi. Do số người thất nghiệp đến các bãi rác tìm phế liệu ngày càng nhiều, nên đồng tiền kiếm được từ thu gom đồng nát của mụ cũng giảm dần. Gã chồng mụ trước đây ngày còn kiếm được trăm bạc, giờ trong chợ chẳng còn ai thuê mướn nữa. Khoảng một tháng nay, gã chuyển sang đi ăn xin nhưng đi đến đâu người ta cũng lạnh nhạt xua đuổi. Tháng trước cãi nhau với vợ, gã bỏ đi đâu mất tiêu, mụ phải đi tìm rồi tỉ tê mãi gã mới trở về với mụ. Hóa ra gã cũng có giá phải biết, nhiều khi tức khí mụ chửi bới gã nhưng những ngày gã bỏ đi, mụ lại thấy cô đơn trống trải. Bao nhiêu năm vợ chồng yêu thương gắn bó, cũng tại mụ lao vào chơi cờ bạc đỏ đen, dính nợ nần nên mới phải phiêu bạt nơi đất khách quê người. Đây là bài học cay đắng suốt đời đeo bám vợ chồng mụ.
Nhìn gã nằm co quắp trên cái đệm rách cáu bẩn mụ nhặt từ bãi rác bên kia hồ, trùm kín đầu trong chiếc chăn len hôi hám vài năm chưa giặt, mụ thấy xót đau. Cách đây không lâu, vợ chồng cô con gái từ quê lên thành phố tìm thầy mẹ, khuyên vợ chồng mụ về quê sinh sống. Nhưng mụ nhất quyết không nghe, bởi vợ chồng mụ không còn mặt mũi nào mà vác mặt về làng. Ngồi mãi thấy mỏi lưng, mụ đưa tay kéo chiếc chăn len nằm xuống bên gã, hy vọng sẽ tạm quên đi tất cả để ngủ một giấc ngon lành. Nhưng đàn muỗi cứ bay vo ve như muốn sà xuống đốt vào mặt mụ, rồi tiếng còi hú inh ỏi của những chiếc xe ô tô tải lao vút trong đêm càng khiến mụ không tài nào ngủ được. Nhớ lại ánh mắt rớm lệ của con gái lúc ra về như khẩn khoản, như cầu xin, rồi nhìn gã chồng ngủ co quắp trong cái ổ chuột bẩn thỉu tồi tàn mà mụ thấy buồn trơ buồn trụi. Và trong phút chốc, một tia sáng lóe lên, mụ quyết định ngày mai sẽ cùng gã trở về quê làm lại từ đầu.
-----------------
Trong tập truyện "Bão đời" của Phạm Công Thắng, NXB Văn học, 2024