Món ăn này nấu không khó nhưng yêu cầu về hương vị lại rất cao. Nấu không đúng nó vừa tanh vừa hôi mùi vịt làm mất đi độ thanh tao của ẩm thực Hà Thành. Cả nhà tôi có lần đi du lịch về, mệt quá nên vào nhà hàng vịt cỏ, gọi món này nhưng ăn không thấy ngon vì mùi vịt rất đậm không nuốt nổi.
Từ lần đó mẹ tôi nói không ăn nhà hàng nữa để mẹ nấu cho mà ăn! Bọn tôi bảo mẹ ơi ăn tạm thôi! Cầu kỳ thế mệt lắm ạ! Chúng con đang muốn về tắm rửa rồi đi ngủ chứ ăn quan trọng gì? Tôi xin chia sẻ bí quyết nấu món này của mẹ tôi. Khi mua vịt chọn con vừa phải! Nếu già quá sẽ bị dai, non thịt sẽ nhạt. Làm sạch vịt, rửa bằng cách xát muối và dấm ăn, chặt nhỏ thành miếng vừa ăn. Ướp thịt vịt bằng hành khô, tỏi khô và sả đập dập, cho mắm muối vừa ăn. Nhớ là đừng cho gừng nhé. Và đây mới là bí kíp là thịt vịt không hôi. Đó là cho một ít húng nhổi hay có nơi gọi là húng chó thái nhỏ vào ướp cùng thịt vịt. Để chừng 30’ đến 45’ cho thịt ngấm gia vị thì cho thịt lên bếp đun với lửa vừa. Đảo nhanh tay cho thịt thấm đều gia vị, khoảng 15 phút thì hạ lửa nhỏ và cho vào chừng 5 quả sấu xanh đã gọt vỏ, đậy vung nồi và om chừng 30’ là ăn được.
Mùi thơm khi đang nấu đã rất hấp dẫn, hương vị thì tuyệt hảo. Con gái tôi rất sành mồm mà còn phải nói: Mẹ nấu kiểu gì mà thịt ngon thế ạ ?! Món này có thể nấu thành canh hoặc biến thành món lẩu như sau: Thịt vịt chín ăn được, bạn gắp hết nhưng miếng nạc ở đùi và lườn con vịt để ra đĩa, trình bày đẹp để riêng. Sau đó cho thêm nước nấu thành nước dùng rất thơm ngon. Thời xưa, mẹ tôi thường cho khoai sọ với rau muống nấu thành món canh. Bây giờ có thể dùng làm nước lẩu ăn cùng với khoai môn, khoai sọ, rau muống...
Để giữ hương vị nồi nước dùng đặc biệt này chỉ cần cho thêm sấu vì khi bạn om, nước ở trong thịt và xương vịt đã làm cho nước dùng thơm và rất ngọt rồi! Bạn cho thêm bất kỳ thứ gì đều mất đi hương vị riêng của món ăn đậm chất Hà Nội này.
Theo Chuyện quê