Này ông bạn! Người yêu của ông xinh gái phết, nhưng sao có vẻ hơi bị “Mít ướt” đấy nhỉ?
Ừ! Mít ướt một tý, nhưng dễ thương và chân thật lắm ông ạ!
Nghe từ “Mít ướt” lão Dần phì cười, bọn trẻ bây giờ dùng từ cũng hay đấy chứ.
Người được gọi là “Mít ướt” theo nghĩa bóng là người giầu cảm xúc (dễ xúc động, dễ khóc) mỗi khi đối đáp, tranh luận mà họ bị đuối lý.
Đôi khi các bạn trẻ còn dùng từ khác, để tạo sự gần gũi hơn, như “Nhìn thấy em lần đầu là anh bồ kết em luôn”, rồi “Em ơi! Tý nữa anh em mình sầu riêng với nhau một tý nhé” v.v…
Việc lấy hương vị, tên gọi của trái cây để gắn thương hiệu, hội thoại…với người mình yêu thích, đậm chất quê này nghe rất gần gũi, thân thương lắm nhé!
…..
Mít ướt! Chính là giống mít mà người miền bắc gọi là “Mít mật”, người nam bộ gọi là “Mít ướt”. Mít ướt có loại trái to, loại trái bé.
Khi chín mùi thơm của mít ướt nhẹ hơn mùi thơm của mít dai, mít thái.
Mít dai, mít thái khi chín múi khô ăn giòn. Mít ướt khi chín, múi ướt ăn nhũn hơn, vị ngọt đậm hơn mít dai, mít thái.
Tuỳ theo sở thích, khẩu vị của từng người…có người thích ăn mít dai, người thích ăn mít thái, nhưng nhiều người lại chỉ thích ăn mít ướt.
Cũng như khi ta ăn trái na, có người thích ăn na dai, có người lại thích ăn na bở…Các loại trái cây khác cũng vậy, tuỳ theo sở thích của mỗi người mà chọn ăn cho phù hợp.
Vườn nhà lão Dần cũng trồng được một cây mít ướt, loại trái nhỏ. Khi chín ăn rất thơm ngon (mùi vị đặc trưng không có cây mít nào có được), có lẽ do giống mít hợp với thổ nhưỡng vườn nhà lão.
Hôm nay về chăm vườn, thấy có mùi thơm. Mít chín rồi! Trèo lên cây nhẹ nhàng cắt hạ trái mít xuống, cũng nặng vài cân đây, tròn và lây đều thế này là nhiều múi và ngon phải biết.
Buổi tối cơm xong, lão ngồi xem ti vi trên VTV3 đang chiếu phần hai bộ phim (Thương ngày nắng về). Cảnh mẹ con bà Nga bán bún riêu có ba cô con gái và một em trai tên cậu Vượng. Xem đến đoạn cậu Vượng khóc tức tưởi, trách cứ chị gái không cho cậu sống cùng với cô Mộng Mơ, người mà cậu Vượng yêu mến, mặc dù đã bị cô này lợi dụng lừa món tiền kha khá, bây giờ lại tìm cậu báo tin (đã có thai), mà tác giả lại chính là cậu. Cậu thương người, yêu thương theo cảm tính mà!
Thấy cảnh cậu Vượng khóc nhiều…lão Dần bất giác thốt lên “Cậu Vượng đàn ông con trai mà mít ướt quá”. Vừa lúc vợ lão bưng đĩa mít lên “Mít ướt năm nay ăn ngon lắm, ngon hơn năm ngoái ông ạ”. Ăn thử một múi, lão gật đầu “Ngon thật”.
Mít ướt hay mít mật, cái tên nghe thật thân quen và gắn với tình thương, nỗi nhớ quê hương của mỗi người.
Mọi người thì lão không biết? Nhưng nếu có ai muốn “Sầu riêng” với lão, vì thích “Mít ướt” của lão, thì lão Dần cũng “Bồ kết” luôn đấy.
Chuyện làng quê