Bà ngoại Lan Anh có nghề làm chả mực, mỗi ngày bà ra chợ mua mực mai về, tự tay làm sạch, lột mai, da, râu sạch sẽ trong ngoài. Với thịt ba chỉ, gia vị, tỏi, chút ớt, bà tự tay giã mẻ mực làm chả bán trong ngày. Chính vì vậy mà chả ở đây đặc biệt ngon.
“Ôi, anh Hà….” Cô bán hàng thốt lên rồi đứng ngẩn tò te giữa chợ. Tôi cũng ngẩn người khi ngẩng lên và nhìn cô gái. Gương mặt thanh tú lấm tấm mồ hôi giữa nắng hè 37oC, dù đang trong quầy hàng khá mát, mát hơn bên ngoài chắc trên 40oC. Khách xếp hàng mua đông quá, cô vừa trực tiếp vừa luôn miệng sai bảo người làm để phục vụ khách, rồi chỉ dừng tay khi nhận ra tôi. Mái tóc ngắn được ép gọn trong mũ lưỡi trai, loà xoà một chút bên má lúc cúi xuống, nhưng không che được đôi mắt to đen nhánh rất đẹp và miệng xinh như thời thiếu nữ đang há ra chưa biết nên nói gì.
Khá lâu rồi tôi không về Quảng Ninh, không sang Hòn Gai. Hôm nay có giải chạy Marathon Hạ Long được VNExpress tổ chức có hơn chục ngàn vận động viên tham gia cùng nhau kéo về. Tôi là một trong số đó, cũng tham gia giải chạy và xuống đây từ hôm qua và chạy từ 3 giờ sáng nay. Điểm xuất phát là Quảng trường bên Hòn Gai, ngay gần chợ, nên đa số mọi người đặt khách sạn xung quanh cho tiện. Nhờ đó, tôi có chuyến thăm lại vùng đất này, nơi trước kia từng đến làm việc. Thật nhiều thứ đổi thay… “Lan Anh à? Sao em ở đây?” Tôi đứng ngẩn người vì cũng bất ngờ không kém. Phải đến hai chục năm đã trôi qua rồi. Mọi thứ đổi thay và thời gian trôi thật nhanh bỗng chốc như vừa mới chớp mắt vậy.
Lần đầu xuống xưởng, trưa thằng Hùng gọi điện vào bảo: “Mày đi ăn trưa cùng bọn tao nhé, xe đang chờ ngoài cổng đấy.” Tôi dừng công việc vội đóng cửa xưởng, rồi đi bộ ra cổng. Vừa lên xe, Hùng nói ngay: “Việc để chiều làm, việc của xưởng hoạt động chủ yếu ngoài công trường, ở đây cứ từ từ…” Nó cười và lái xe đi. “Mày muốn ăn gì?” Nó hỏi vậy thôi, thừa hiểu tôi chẳng có ý niệm gì ở đây, chúng nó tự quen dẫn đi đâu thì ăn đó.
Xưởng là một chi nhánh của công ty ở Cẩm Phả, Hòn Gai, mục đích chính là thể hiện sự hỗ trợ cho khách hàng một cách nhanh chóng. Công ty chúng tôi là của Mỹ, chuyên bán thiết bị mỏ. Nhiều phương tiện khai thác mỏ hiện đại được bán cho mỏ thời gian này, nên xưởng thực hiện các dịch vụ sửa chữa. Hùng phụ trách kỹ thuật được phái xuống quản lý trong thời gian này. Tuần về Hà nội 1 lần. Tôi phụ trách công nghệ thông tin, chỉ là phương tiện cho hoạt động của xưởng và kết nối các dịch vụ liên quan thiết bị, giai đoạn này tôi hay phải xuống để thiết lập hệ thống, mỗi lần chỉ 1 vài ngày rồi về.
“Em ơi, đồ ăn bọn anh có chưa?” Hùng oang oang gọi từ cửa khi đến quán ăn. Một căn nhà nhỏ trong con phố nhìn ra biển, khá sơ sài nhưng gọn gàng. Cô gái trẻ, gầy nhẳng, nhưng rất ưa nhìn, đặc biệt đôi mắt to đen láy, đáp nhẹ nhàng. “Em dọn ra ngay đây. Chờ các anh đến mới làm cho nóng.”
“Bạn anh, cùng công ty, xuống công tác mấy hôm.” Hùng giới thiệu ngắn gọn, chỉ sang cô gái nói: “Em Lan Anh, chủ quán này đấy. Hôm nay có chả mực chứ em?” Tôi không phải là người sành ăn nên không để ý lắm, nhưng khi đĩa chả mực được bê ra, thực sự thu hút chú ý của tôi. Mùi thơm ngậy khắp xung quanh phòng trước khi nhìn thấy đĩa trên tay Lan Anh. Những miếng tròn như phồng tôm vàng rộm, nhưng dày mình và lồi lõm cục. Bề mặt vẫn còn những bọt mỡ li ti đang vỡ vì mới vớt trong chảo ra. Lan Anh má ửng hồng chắc vì nóng, đôi mắt lúng liếng cùng đôi môi mọng đang xuýt xoa vì nóng khi mỡ bắn sang bên bàn tay. “Em mời các anh ạ” Lan Anh với giọng nhẹ nhàng mời rồi quay vào bên trong. Cái áo sơ mi có lẽ quá rộng trong thân hình gầy mảnh của cô, nhưng chính nó lại làm cho cô cố có một vẻ đẹp lạ lùng.
Thấy tôi nhìn theo cô gái, Hùng kể: “Lan Anh tội lắm, bố là công nhân mỏ, bị tai nạn trong vụ sập hầm năm xưa, vụ nổi tiếng trên Ti-vi ấy. Mẹ sau một thời gian ngắn lấy chồng và bỏ vào Nam. Nhà còn hai anh em lúc đó cũng đã lên cấp hai nên về ở với bà ngoại, nhà này đây.” “Cậu anh đâu rồi?” Tôi buột miệng hỏi. “À, về với bà từ hồi đó, giờ học xong đi làm rồi, lấy vợ ngoài Uông Bí nên về bên đó ở, ở đây còn hai bà cháu.” Hùng trả lời.
Bà ngoại, thực ra cũng vẫn còn trẻ khoẻ, chưa đến 60 tuổi nên để nuôi cháu, bà mở quán nhỏ này tại nhà. Quán bình dân chủ yếu phục vụ cán bộ, nhân viên một số cơ quan xung quanh. Thời gian này, các mỏ làm ăn phát đạt lắm, nhân viên lái máy, tính lương sang đô la cũng ngàn rưỡi luôn. Chính vậy mà việc bán máy khai thác mỏ chúng tôi cũng phát triển và mở xưởng dịch vụ dưới này là vâỵ. Và cũng chính thế mà cái quán cơm này cũng làm ăn được. Bà ngoại Lan Anh có nghề làm chả mực, mỗi ngày bà ra chợ mua mực mai về, tự tay làm sạch, lột mai, da, râu sạch sẽ trong ngoài. Với thịt ba chỉ, gia vị, tỏi, chút ớt, bà tự tay giã mẻ mực làm chả bán trong ngày. Chính vì vậy mà chả ở đây đặc biệt ngon. Thằng Hùng sành ăn, cũng chỉ với món chả mực, nó thường kéo đồng nghiệp ra ngồi lai rai cuối ngày. Dần dần nó như người trong nhà, thân quen luôn. Mỗi cuối tuần về Hà nội là nó lại mang chả mực về làm quà. Từ lần đấy, tôi cũng hay nhờ nó mua cho.
“Chả mực có khắp nơi, nhưng ở Quảng Ninh là ngon nhất. Không chỉ là do con mực ở biển Quảng Ninh, mà còn từ sự pha chế và thực hiện giã tay nữa.” Thằng Hùng kể với tôi khi tôi thưởng thức lần đầu với nó ở nhà Lan Anh. Miếng chả đang nóng, chấm bát nước pha chế đặc biệt theo vị riêng của cô. Miếng chả thơm, cắn một miếng không bị dai, nhưng không bị mềm, vẫn giòn sần sật cơ mực, đượm vị đặc trưng con mực tươi lan toả trong vòm miệng. “Giã mực không hề đơn giản, hồi đầu sang đây, tao đòi giúp bà giã. Cậy khoẻ nên giã lấy giã để. Bà mắng cho một trận. “Giã thế thì mực nó bị sốc, hỏng hết cả mẻ mực rồi còn đâu!” Hùng cười kể chuyện.
Mực khi lọc sạch sẽ, cắt miếng nhỏ. Thêm ít thịt ba chỉ cũng cắt con cờ, tỏi, tiêu hay ớt, các gia vị. Thân mực, râu mực sẽ tuỳ sở thích để cho vào. Khi giã cho ít một và giã đều tay để khỏi bị bắn ra ngoài nhưng cũng để đảm bảo mực mềm nhuyễn nhưng không quá nát. Khi nặn thành miếng vẫn còn cơ mực để ăn vẫn còn giòn. Nhiều loại mực bán họ cho máy xay, mực nhuyễn, thậm chí xay không nhuyễn thi cơ mực cũng bị cắt nát không như giã tay, điều tạo ra sự khác biệt rất xa của miếng chả mực. Mực nặn thành miếng chả, với chảo mỡ nóng sôi, nếu chiên để ăn ngay sẽ cần cho chín kỹ khi miếng chả chuyển màu vàng óng toả mùi thơm ngậy, ăn ngay tuyệt nhất. Nhưng nếu để lâu hay mang đi, sẽ chỉ chiên qua rồi để nguội và cần phải ướp đá không sẽ hỏng.
Rồi hệ thống ở xưởng cũng làm xong, về sau rất ít khi tôi phải xuống chi nhánh, chỉ khi cần nâng cấp hoặc có sự cố mới xuống. Thằng Hùng thì khác, hằng tuần bọn tôi hóng nó về để có chả mực nhậu, thế nhưng thưa dần, thưa dần, cuối tuần nó kêu nhiều việc và đi lại xa, nó ở tịt luôn dưới đó, có khi tháng cũng không thèm về. Khi xuống xử lý hệ thống, tôi mới biết, nó quấn quýt với Lan Anh. Hết giờ là hai đứa bên nhau, nó như nhân viên của quán, đi mua mực, chở Lan Anh đi chợ, cùng nhau giã những mẻ mực mỗi ngày. Cuối tuần, chúng nó ra phà Bãi Cháy, lên phà tâm sự, đi sang bên kia bờ và lại vòng về là hết tối.
Chuyện tưởng vậy là ổn, ai dè, thằng anh trai Lan Anh về, nó muốn giới thiệu cô em cho một chủ mỏ than thổ phỉ, một đại gia khi đó. Thằng Hùng bị cấm cửa, bọn than thổ phỉ kéo vào tận xưởng đập phá và đe doạ, thằng Hùng phải bỏ về Hà nội, dứt tình mà đi.
“Em làm gì ở đây?” Tôi hỏi lại sau khi đã bình tĩnh. “Cửa hàng của em, giờ em chuyên làm chả mực và bán ở đây.” Lan Anh hoạt bát trở lại trả lời tôi. “Gia đình em sao rồi? Anh tưởng em về Uông Bí chỗ mỏ của chồng?” Tôi hỏi thẳng.
Hoá ra là câu chuyện dài. Đại gia từ than thổ phỉ cũng không được lâu, thời thế, thế thời nó đổi thay, nhưng gì lấy từ đất thì trả về đất cả. Không chỉ cuộc chiến khốc liệt giữa các chủ mỏ, mà chính quyền cũng ra tay xử lý. Mất hết cả chì lẫn chài, anh chồng chán nản và sinh ra nghiện ngập, chẳng được bao lâu thì mất. Cô về ngôi nhà xưa với bà ngoại. Nhưng cũng được mấy năm chăm bà thì bà cũng ra đi. Ngôi nhà không còn phù hợp cho quán cơm xưa. Hòn Gai, Cẩm Phả lên phố, hiện đại khang trang, không còn những yên bình hai mươi năm trước.
“Em học theo bà ngoại, làm chả mực và mở cửa hàng này, chuyên chả mực luôn anh ạ.” Lan Anh kể và khoe cơ ngơi cửa hàng đang tấp nập khách mua. “Hoàng Mai, con lấy 4 gói loại kia đóng hộp cho bác nhé.” Quay sang tôi, Lan Anh nói “Em gửi anh chút quà, khi nào có thời gian qua thăm em.” Lúc này tôi mới chú ý, cô bé bên trong nãy giờ thoăn thoắt phục vụ khách mua, trạc tuổi em năm xưa, với dáng người đó, nét mặt rất quen cùng đôi mắt đen to, ngước lên nhìn tôi thoáng ngạc nhiên rồi quay vào làm theo lời mẹ dặn. “Nhà chỉ có 2 mẹ con, nó giúp em quản lý và điều hành sản xuất anh ạ.”
Ra khỏi chợ, tôi có vô vàn câu hỏi, vô vàn suy nghĩ. Một vòng đời mới đã tới, vậy nhưng thằng Hùng, từ khi về Hà nội, vẫn công việc cũ, nó thay đổi, trầm tính, hút thuốc như điên, chẳng giao tiếp ai và tận giờ vẫn ế vợ dù đã trên năm chục!.
Hòn Gai, 24 tháng 7 năm 2022.
Thiết kế & Concept: Bình An