link tải gowin99 mới nhất

Mẹ tôi, cô giáo đầu đời

Mẹ tôi bước vào nghề giáo ở tuổi mới qua 16. Nhờ một ông bác họ giúp khai sinh sớm lên 1 năm mới tạm đủ tuổi đi làm.

 

 

Ra Hà Nội, cả nhà đoàn tụ.
Ra Hà Nội, cả nhà đoàn tụ.

Từ đó mẹ tôi cũng bắt đầu sống xa bà ngoại tôi, xa các anh chị em mình, xa chốn dân nghèo thị thành ở tỉnh lỵ Thanh Hóa, đến với các học trò nhỏ thôn quê bên kia bờ Sông Chu thuộc huyện Thiệu Hóa. Đi làm vì nhà nghèo nên mưu sinh là yêu cầu bức bách. 

Lương tháng không được bao nhiêu, mẹ tôi dành phần lớn gửi về giúp bà ngoại, còn lại phải lo sắm sửa cho việc lên lớp và chi tiêu cho cuộc sống nơi dạy học. Tuy phải tằn tiện nhưng mẹ tôi luôn để lại hình ảnh vừa đoan trang, mô phạm vừa hiền lành thùy mị của người phụ nữ làm nghề giáo trong con mắt học sinh mình. 

Dẫu do yêu cầu mưu sinh, một khi đã đem con chữ đến các em nhỏ vùng quê, cái nét cao quý của nghề giáo đã nhanh chóng gieo lòng yêu nghề, yêu trẻ nơi con người mẹ tôi, để rồi bà bắt đầu gắn bó với cái nghề ấy, với cái làng quê ban đầu xa lạ ấy. 

Khi từng ngày được nhìn thấy các em học sinh khôn lớn, biết đọc biết viết, mẹ tôi rất vui mừng với công sức mình bỏ ra. Niềm vui đó sâu đậm theo năm tháng. Vì thế, mẹ tôi lập nghiệp nơi đây, xây dựng gia đình vào năm 1938 với cha tôi ở đây, sinh ra chị em tôi tại làng quê này, và gắn bó với cái vùng đất này suốt 25 năm, đến tận giữa năm 1955. 

Hai mươi lăm năm đã đi qua với những thế hệ học trò từ cha mẹ đến con cái họ ở cả 3 thôn dọc đoạn đê bờ Bắc Sông Chu thuộc xã Thiệu Hưng thời đó, nay là Thị trấn Vạn Hà. Tôi cũng bắt đầu cắp sách đến trường, là học sinh của mẹ tôi. Mẹ tôi là cô giáo đầu đời của tôi. Bà cũng là cô giáo dạy những chữ viết, những con số đầu tiên của nhiều bậc cô chú, đàn anh, đàn chị của tôi ở nơi đây. 

Trong vùng tự do Khu Bốn cũ, cha đi kháng chiến, chúng tôi được sống với người mẹ hiền lành phúc hậu. Sống với mẹ tôi trong gia đình có bà nội, bà ngoại đều mù lòa. Bà nội tôi thông minh, cương trực, tháo vát. Bà ngoại tôi hiền lành, phúc hậu. Tôi có người chị hơn tôi 5 tuổi chăm chỉ việc nhà, còn em tôi và tôi nhỏ mà biết nghe lời và lễ phép.

Mẹ tôi trở thành một cô giáo đoan trang, thùy mỵ, khoảng năm 1938.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Là người Nam Đàn, quê hương điệu hát Phường vải nên cái khung cửi luôn gắn với bà tôi thời trẻ. Giờ đây, suốt ngày lại nghe tiếng lách cách theo nhịp thoi đưa của bà từ trong nhà khi bước vào sân. Chỉ khác thời trẻ là lúc này bà ngồi khung cửi theo phản xạ tinh tường của một người khiếm thị. 

Buổi tối lên lớp về, mẹ tôi sáng ngọn đèn dầu lo sợi cho bà nội tôi dệt, rồi mới ngồi vào bàn chấm bài, sửa soạn cho buổi dạy hôm sau. Mẹ tôi cũng hết mực thương yêu và chăm lo cho hai bà mẹ mù lòa của mình.

Tôi bắt đầu theo mẹ đến lớp khi lên năm (năm 1949), rồi khi lên bảy tuổi tôi vào lớp một, “chính thức” là học sinh của mẹ tôi. Lớp học phải phân tán khắp nơi trong làng. Phần nhiều chúng tôi học vào buổi tối để tránh bom đạn. Đi học thời đó vui lắm. 

Tôi có nhiều bạn: Bạn người làng, bạn từ Khu ba theo gia đình tản cư vào, bạn con các thầy, cô giáo khác. Tôi nhớ nhất cái bàn xếp cá nhân đi kèm cái đèn chai mỗi tối xách đi trên đường đến lớp. 

Những tối trên lớp, trong ánh đèn dầu leo lắt tôi dõi theo bước đi mẹ tôi hay bóng của bà trên vách khi bà đến từng bàn, ân cần chỉ bảo, uốn nắn nét chữ cho từng bạn. Trong điều kiện kháng chiến thiếu thốn đủ điều, dưới ánh đèn dầu tù mù buổi lên lớp của bà vẫn làm các bạn tôi chăm chú và hào hứng, nhất là mỗi khi cả lớp cất tiếng đọc đồng thanh.

Lớn lên, tôi có thêm những thầy giáo khác. Các thầy nghiêm lắm, thỉnh thoảng bắt phạt các bạn nghịch hay lười học, bắt đứng xó lớp, bắt quỳ, có khi phạt bằng roi, bằng thước… Đó có thể là một cách dạy xưa kia, nhưng tôi chưa thấy mẹ tôi đánh phạt học trò như thế.

Kết thúc năm học 1954 - 1955 mẹ tôi chuyển ra Hà Nội và cả nhà đoàn tụ với cha tôi đã về tiếp quản Thủ đô trước đó. Mẹ tôi dạy học tại Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu, tháng 3 năm 1970. Như thế, mẹ tôi theo nghề Giáo liên tục 40 năm.

Một trong những điều cao quý nhất với mẹ tôi là tình cảm sâu đậm của nhiều lớp học trò, dù thành đạt hay cả những người không có điều kiện học tiếp đều luôn ghi nhớ công ơn cô giáo mình, nhớ một người phụ nữ tận tình, tốt bụng đem con chữ đầu đời đến cho mình. 

Gần nửa thế kỷ sau, mỗi lúc tôi có dịp về chốn cũ Vạn Hà, những cụ già cao tuổi ở thị trấn này bây giờ vẫn còn nhắc đến Cô giáo Sâm, mẹ tôi, đến gia đình tôi với sự gần gũi và kính trọng. 

Ở Hà Nội, mẹ tôi dạy học lần lượt tại các trường phổ thông cấp I Nguyễn Công Trứ, Mạc Đỉnh Chi, Việt Nam - Cu Ba, Phan Chu Trinh. Dạy học ở trường nào, dù trong những năm tháng yên bình hay quãng thời gian Hà Nội bị máy bay Mỹ bắn phá, mẹ tôi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Trong thời gian này, mẹ tôi có 11 năm được nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua của ngành Giáo dục Hà Nội, được tặng thưởng nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Giáo dục. 

Mẹ tôi cũng đã vinh dự nhận được cuốn sổ tay do Bác Hồ tặng với dòng chữ đề “Quà tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho người lao động giỏi Nguyễn Thị Sâm”. Đó là phần thưởng cao quý mà Bác Hồ đã dành tặng cho những người có thành tích xuất sắc lúc bấy giờ trong lĩnh vực trồng người.

Dạy học xưa nay được coi là nghề cao quý. Tôi nhìn thấy những nét cao quý truyền thống ấy ở chính người mẹ của mình.

Sau này, khi gặp nhau các anh chị lớn tuổi, từng là học sinh mẹ tôi ở Thanh Hóa thường hay kể lại những kỷ niệm tốt đẹp về mẹ tôi mà họ nhớ. Thấy học sinh nào đói, hay thiếu thốn là mẹ tôi lại cố gắng chắt bóp chi tiêu của gia đình mình, san sẻ cho các em nhỏ. 

Ngày ấy, để mua được một quyển vở là rất khó, mẹ tôi đã dạy các em cách viết sao cho tiết kiệm giấy, rồi biết khâu những trang giấy thừa thành quyển vở mới sao cho đẹp. Không chỉ là cô giáo dạy chữ, mà cô giáo còn là người mẹ hiền của các em nhỏ. 

Thời mẹ tôi dạy lớp đồng ấu, theo tôi được nghe lại, học sinh đều là các em rất nhỏ, những lúc các em nghịch bẩn, hay đi vệ sinh cô giáo phải chăm lo, tắm rửa. Có những học sinh ốm hay quấy khóc, có hôm mẹ tôi vừa phải cõng vừa dạy.

Người xưa có câu “luyện nét chữ, rèn tính người”, và mẹ tôi đã làm được như vậy, đã luyện cho các em nhỏ viết chữ đủ nét, đều đặn, từ đó rèn cho các em đạo đức làm người ngay thẳng, tính chịu khó vươn lên để có ích thực sự khi trưởng thành.

Cô giáo Sâm khi dạy ở Trường Nguyễn Công Trứ, năm 1958.

Tôi nhớ, khi mẹ tôi mới chuyển về Hà Nội, lúc dạy học ở trường Nguyễn Công Trứ, ngoài giờ giảng trên lớp, bà cũng là người dày công tìm hiểu nguyên nhân khi có các em học kém, hoặc chán học, bỏ học. 

Ngoài giờ dạy ở lớp bà đã tìm đến nhà các em đó, có khi đến các xóm lao động ngoài đê sông Hồng, bàn bạc phối hợp với gia đình các em để biết lý do, hiểu hoàn cảnh của những thất thường trong học tập và giúp các em vượt khó, mau chóng chăm học hơn, ngoan và tiến bộ. Phối hợp giữa học đường với gia đình là một thành công thời đó của mẹ tôi trong lĩnh vực giáo dục.

Lòng yêu nghề, yêu trẻ như là một tố chất nhân văn sâu đậm trong con người mẹ tôi. Nó không bị mai một kể cả khi bà đã rời xa công việc nhà trường về với bà con chòm xóm, trong con ngõ giữa lòng Hà Nội mà gia đình tôi sinh sống. 

Mẹ tôi đã đem lòng yêu trẻ, bản năng và kinh nghiệm nghề giáo để lo tổ chức sinh hoạt tập thể cho các em tại địa bàn tổ dân phố, góp phần xây dựng khối phố văn minh sạch đẹp, chung sống thuận hòa. 

Có, Tôi còn giữ một tờ giấy viết tay của một bác được Thành phố cử về làm trưởng ban Đại biểu dân phố khối 95 (phường Trần Hưng Đạo bây giờ), Khu phố (nay là Quận) Hoàn Kiếm thời 1967 - 1975 ký, xác nhận mẹ tôi làm tổ trưởng dân phố liên tục nhiều năm kể từ khi nghỉ hưu: “…Tuy tuổi già sức yếu đồng chí Sâm không quản ngại, kể cả thời gian chiến tranh ác liệt, Lúc nào đồng chí cũng nhiệt tình làm việc hết sức mình. Con người đồng chí hết sức phúc hậu, là tấm gương sáng về giữ gìn phẩm chất của người cán bộ Đảng viên. Do đó được bà con dân phố hết lòng thương mến, quý trọng .

Mẹ tôi bị căn bệnh cao huyết áp hành hạ từ những năm dạy học. Thuốc huyết áp, thời ấy phổ biến là reserpine, luôn được bố tôi chắt chiu trữ sẵn, lúc nào cạnh ông cũng thường trực cái máy đo huyết áp cột thủy ngân và cái ống lắng. Đo huyết áp và dùng thuốc kịp thời cho mẹ tôi là việc bố tôi rất lưu tâm. 

Tuy thế, từ sau khi chị tôi mất (năm 1983) bệnh của mẹ tôi thêm trầm trọng. Rồi mẹ tôi bị một cơn tai biến nặng vào tháng 6 năm 1991. Từ đó không tự đi lại được nữa. Qua vài lần tai biến trong mấy năm tiếp theo, sức khỏe mẹ tôi có những đột biến xấu rồi bà ra đi vào một buổi chiều tháng 4 năm 1996, sau khoảng một tuần hôn mê sâu được điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai.

Cuộc đời cha mẹ tôi gắn bó nhau như định mệnh với những buồn vui về gia đình và sự nghiệp. Suốt những năm mẹ tôi lâm bệnh, bố tôi lo lắng. Mẹ tôi đi rồi, bố tôi phiền muộn và yếu đi nhanh chóng rồi ra đi gần 4 năm sau. GS Vũ Khiêu thấu hiểu tâm trạng cha tôi khi mẹ tôi mất và mang đến chia sẻ với cha tôi đôi câu đối sau:

Leo lắt đèn khuya cơn gió lạnh

ngậm ngùi án sách 

ánh trăng xuông

Tôi cũng muốn viết thêm rằng, cùng với những nét đẹp cha tôi từng thấy ở con người mẹ tôi, ông còn ghi tạc trong lòng sự cao đẹp ông cho là hiếm có, của một người phụ nữ trong mẹ tôi: Suốt đời không có sự toan tính nào cho riêng mình.

Bây giờ, ở Nghĩa trang Thanh Tước cha mẹ tôi vẫn nằm cạnh nhau dù về nơi đó cách nhau 4 năm. Tình cờ ở khu A11 số mộ của hai cụ thật dễ nhớ. Số mộ ông là 269, số mộ bà là 270 (Nam thất, nữ cửu). Trước hàng mộ có một lối đi thoáng đãng, và đằng trước là phía Nam nhìn về quê hương Miền Trung xa tít.

Tạ Quang Ngọc