Tôi và chị Ba của tôi học vừa lên cấp II thì quê tôi giải phóng, chị 16 tuổi, tôi 14 tuổi cùng nhau lên đường theo cách mạng, em trai tôi 3 năm sau 14 tuổi cũng theo anh chị lên đường tham gia cách mạng. Mẹ tôi bấm bụng để 3 đứa con chưa đủ lớn lên căn cứ theo các chú các anh, nối nghiệp cha ông. Ba đứa con đi hết bà ở nhà một mình.
Quê tôi địch càn quét liên miên, bà vừa là cán bộ phụ nữ vừa tất cả chồng con là Việt cộng. Địch tới bà phải chạy nơi khác để tránh mặt. Khi địch chiếm lại quê tôi vào cuối năm 1968, bà chạy ra Bình Hải, Bình Sa, Bình Dương bám dân địa phương mà sống, biệt tông tích với địch. Ở đó địch càn tới không biết chính xác mẹ tôi, nếu biết chúng bắt hoặc giết ngay.
Nhưng "quê tôi đầy bóng giặc", địch chiếm lại hầu hết các xã vùng Đông Quảng Nam, bà phải chạy ra Hội An, Đà Nẵng sống lây lấc qua ngày. Trong lúc một thân một mình, các con đã đi hết bà đáp với một người cùng chạy giặc cũng có mấy người con thoát ly tham gia cách mạng. Cha tôi đã chết ở ngoài miền Bắc từ lâu, chúng tôi đã đi hết, bà phải tìm chỗ dựa trong hoàn cảnh sống chết, cô đơn. Bà sinh được một đứa con gái út, cùng với người chồng sau về lại quê rồi trốn lên Tam Kỳ sinh sống. Ở quê không chịu nổi sự đàn áp của bọn nguỵ quyền địa phương. Trong những năm chiến tranh, trong lửa đạn bời bời mẹ tôi chạy mọi nơi để giữ mạng sống nuôi con nhỏ đợi các con lớn trở về.
Kháng chiến kết thúc, em trai tôi hy sinh, tôi và chị Ba của tôi quay về. Bà dẫn em gái út về ở với tôi. Em gái tôi có chồng, bà ở với vợ chồng tôi.
Mẹ đã qua biết bao lần chết, nhưng vẫn còn sống và minh mẫn. Bà hay kể chuyện khổ cực sống chết ngày xưa. Bởi đó là ấn tượng sâu sắc nhất đời người. Bà rất quý gạo cơm. Nấu thừa cơm bà tiếc lắm. Cả đời bà chắt chiu từng hạt gạo củ khoai, thậm chí phải băng qua bom đạn vì gạo cơm cho con cái. Đời mẹ vô cùng gian truân, chút văn mọn của con trai không thể nào kể hết.
Theo Chuyện làng quê