Còn nhớ, cách đây không lâu, sau bữa cơm, bố gọi nàng lại bảo:
- Con à, mẹ con khuất núi đã hơn ba năm, bố đã làm tròn bổn phận nuôi con ăn học nên người. Con cũng đến lúc phải xây dựng gia đình. Vậy bố quyết định đi bước nữa để có người bầu bạn sớm hôm. Con ủng hộ bố chứ?
- Không được, con không đồng ý! Trước khi mẹ nhắm mắt, bố đã hứa gì với mẹ, sao bây giờ bố lại bội ước nhanh đến vậy! Con không bao giờ đồng ý. Nếu bố vẫn quyết, con sẽ dọn ra ngoài ở, lúc đó bố muốn đưa người đàn bà nào về nhà thì tùy. – Nói xong, mặc cho bố ngồi đó, nàng bỏ lên phòng.
Những ngày tiếp theo là những ngày hết sức nặng nề. Hàng ngày nàng đến nhiệm sở làm việc, chiều về nấu cơm, hai bố con ăn cùng mâm nhưng giữ im lặng. Nhiều đêm đi ngang phòng bố thấy đèn còn bật sángnàng ghé mắt nhìn vào, bố ngồi đó một mình hútthuốc, hết điếu này đến điếu khác. Nàng nghĩ thương bố bao năm vò võ một mình gà trống nuôi con, nhưng cứ nghĩ đến việc bố lấy vợ kế là lòng nàng lại sôi lên. Cho dù mẹ mất đã lâu nhưng hình bóng mẹ luôn hiện hữu trong từng bữa ăn và giấc ngủ của hai bố con nên nàng không muốn có thêm nhân vật thứ ba trong nhà.
Nàng nhớ hồi mẹ còn sống, không khí gia đình thật ấmcúng. Hàng ngày mẹ đi làm chiều về lại lao vào bếp,bữa cơm tối ngày cuối tuần bao giờ cũng có món dấmcá quả dọc mùng, cá rô rán chấm nước mắm ớt, chanh,tỏi, món ăn mà hai bố con rất khoái khẩu.
Mẹ sinh ra trong một gia đình gia giáo, ông ngoại làm quan lục lộ phụ trách cầu đường thời Pháp thuộc. Bố mẹ yêu nhau từ lúc cả hai còn theo học tại giảng đường đại học. Ra trường, bố làm việc tại Viện Nghiên cứu cây trồng, mẹ công tác tại Viện Nghiên cứu lúa của một tổ chức phi chính phủ. Hai người cưới nhau được hai năm rồi sinh ra nàng. Năm nàng mười bảy tuổi, mẹ gặp một tai nạn ô tô rồi qua đời. Trước lúc mẹ hấp hối, bố khóc như một đứa trẻ, hứa với mẹ sẽ không đi bước nữa, ởvậy nuôi dạy con gái nên người. Vậy mà giờ này, bố lại đổ đốn muốn cưới vợ kế.
Ngày tháng dần trôi, không thấy bố nhắc đến chuyện lấy vợ nữa, khiến nàng rất yên lòng, tình cảm hai bố con được hâm nóng trở lại. Hơn bao giờ hết, nàng hiểu tâm tư cũng như nỗi cô đơn trong lòng bố, nên dành nhiều thời gian chăm sóc bố. Vì vậy đã ngoài hai mươi lăm tuổi, mà nàng chưa xây dựng gia đình.
Cho đến một ngày, sau chuyến công tác dài ngày, vừa xuống xe nàng đã sốt sắng về nhà ngay. Vừa đẩy cửa bước vào, một cảnh tượng đập vào mắt nàng, bố ốm nằm trên giường, bên cạnh là một người đàn bà.Không kìm nén, nàng hét toáng lên:
- Bà là ai mà vào nhà tôi!
Người đàn bà đang cầm chiếc khăn mặt bông trên tay,vắt bớt nước xuống cái chậu men đặt trên ghế, chườm lên trán bố. Nghe nàng hét bà ngỡ ngàng nhìn lên vànhận ra cô con gái mà ông Trọng - bố nàng, thường kể.
-Cô chào cháu. Bố cháu ốm, nhờ cô tới giúp cơm cháo, thuốc thang. Sao cháu lại nổi nóng với cô như vậy?
Nhận ra mình đã quá lời, nhưng nàng vẫn không chịubuông tha.
- Vâng, cám ơn cô. Giờ cháu đã có mặt ở nhà, vậy xinmời cô về được rồi ạ!
Thấy con gái về nhà đột ngột, không hỏi han mình xem bệnh tình ra sao mà lại có thái độ hỗn hào với bạn gái mình, bố nàng gượng dậy gay gắt:
- Kìa Liên, sao con lại có thái độ với cô như vây. Con làm bố thất vọng quá!
- Nhưng con không thể chấp nhận bố đưa người tình vào nhà. Nếu bố muốn gặp thì đưa bà ta ra công viên, chứ nhà này không phải chỗ để bố hẹn hò!
Nghe con gái chì chiết, ông thấy tim mình nghẹn thắt.
- Đồ mất dậy. Tao nuôi mày khôn lớn để giờ mày đối xử với bố mày thế à!
Người đàn bà, nãy giờ thấy hai bố con to tiếng, lắc đầurồi chào ông Trọng ra về. Ra đến cửa bà còn quay lại nói với nàng:
- Cháu cố gắng chăm sóc bố, ông ấy đang còn yếu lắm.Thôi, chào hai bố con, tôi về!
Ông Trọng nhìn theo người đàn bà, ái ngại. Ông rầu lòng vì đứa con gái ông hết mực thương yêu không hiểu cho tâm tư tình cảm của ông. Không còn vợ bên cạnh, ông chơi vơi cô đơn muốn suy sụp nhưng vẫn phải gồng mình lên để con gái có điểm tựa. Giờ con đãcứng cáp ông cũng muốn có chút ủi an cho riêng mình mà con không thấu hiểu thì biết làm sao.
Sáng chủ nhật, nàng dậy sớm, vào bếp chuẩn bị bữa ăn sáng cho bố, sau đó hẹn mấy đứa bạn đi tụ tập. Biết bốthích ăn món phở cuốn, nên chiều qua nàng đã mua sẵn nguyên liệu ngoài chợ về chế biến. Mọi khi, vào giờ này bố vẫn đi đạp xe thể dục quanh hồ, nàng thường để phần cho bố về ăn sau. Nhưng gần đây, bố vừa ốm dậy nên chỉ ra sau vườn tập thể dục nhẹ nhàng rồi vào bàn ăn sáng. Chờ một lúc không thấy bố vào, nóng ruột nàng vội chạy ra sau vườn tìm bố, rồi thở phào nhẹ nhõm nhìn thấy chiếc xe đạp không còn dựng ở góc tường. Hóa ra bố đã khỏe bắt đầu đi đạp xe vớimấy bác trong câu lạc bộ. Trưa nay, đang ngồi chém gió với mấy cô bạn hồi học đại học, nàng thấy nóng ruột bèn gọi điện về nhà nhưng không thấy bố bắt máy. Thường bố rất ít ra ngoài ăn uống, nên giờ này không có mặt ở nhà khiến nàng rất lo lắng.
Lên xe máy, phóng vội về nhà cũng không thấy bố. Linh tính mách bảo, chắc có chuyện gì không ổn đang xảy ra với bố, nàng liền gọi điện cho cô em họ Lan Anh, hẹn cùng đi tìm bố. Cả chiều hôm đó cho tới tối mịt,hai chị em tìm kiếm khắp nơi vẫn không thấy tung tích bố. Hoang mang, hai chị em ra Công an phường trình báo việc bố mất tích. Nàng nghĩ, hay bố bỏ nhà đi theo người đàn bà đó! Vậy chỉ có cách tìm ra địa chỉ cũng như điện thoại của bà ta mới biết bố giờ đang ở đâu. Càng nghĩ nàng càng thấy ân hận, giá như hôm đó nàng biết kìm nén, không vô cớ nổi nóng với bà ta, thì giờ này đâu xảy ra chuyện đau buồn như vậy.
Một ngày, rồi hai ngày nặng nề trôi qua, bố vẫn biệt vô âm tín, khiến ruột gan nàng lúc nào cũng như lửa đốt. Nàng xin cơ quan nghỉ phép bởi chẳng còn tâm trí nào ngồi làm việc. Nàng điện thoại cho khắp lượt họ hàng và các bạn bè thân quen của bố mà vẫn không có một tin tức gì. Một buổi sáng, nàng đang ngồi thẫn thờ trên bậu cửa thì Lan Anh gọi:
- Chị Liên à, mình đã báo công an rồi, nhưng đến giờ họ cũng chưa tìm ra manh mối. Vậy chị đăng tin tìmngười lạc trên đài, báo đi, may ra còn có tia hy vọng. Mà em nghĩ không khéo ông mắc bệnh trầm cảm quẫn trí bỏ nhà ra đi rồi sa sông chết đường đấy!
- Phỉ thui. Mày chỉ được cái nói linh tinh!
Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, con em mình nói cũng có lý, ngộ nhỡ điều đó là sự thật thì nàng sẽ là người ân hận suốt cả đời. Càng nghĩ nàng càng căm hận bà ta,bởi nếu không có sự xuất hiện của bà ta thì đâu xảy ra nhiều chuyện rắc rối như vậy.
Sáng sớm hôm sau, còn đang mắt nhắm mắt mở chưa tỉnh hẳn, nàng bỗng nghe ngoài cổng có tiếng chuông. Nàng tất tưởi chạy ra, đã thấy bà ta đứng trước cổng. Cơn giận dữ trong người nàng lại sôi lên:
- Cô còn đến đây làm gì, cô cố tình chia rẽ tình cảm bố con tôi, khiến bố con tôi mâu thuẫn để ông ấy bỏ nhà đi, giờ cô thấy vừa lòng chưa?
- Kìa cháu, nghe cô nói đã. Đêm qua, cô định gọi điện cho cháu khi có người báo tin bố cháu đang nằm trong viện, nhưng cô muốn để cháu ngủ ngon nên sáng nay mới đến sớm để báo cháu tin cho cháu.
Nghe cô ta nói như vậy, nàng hạ giọng, hỏi dồn dập:
- Chuyện là thế nào, cô nói đi!
- Tối hôm qua, cô nhận được cuộc điện thoại của một người đàn ông báo tin bố cháu đang cấp cứu. Ông ta kể, lúc đang ngồi câu cá bên hồ thì thấy một người đàn ông đạp xe đi tới, chẳng hiểu lý do gì mà ngã lộn nhào xuống đất, đầu đập vào một rào chắn bê tông bên đường rồi nằm bất tỉnh. Ông ấy đã đưa người bị nạn vào bệnh viện. Người đó chính là bố cháu.
Cô im lặng một chút và nhìn vào mắt nàng nói tiếp:
- Do bố cháu chưa tỉnh, không có người nhà bên cạnh,nên ông ấy đã ở lại chăm sóc. Sau đó ông ta tìm thấy trong túi áo bố cháu có quyển sổ nhỏ ghi các số điện thoại và ông ấy đã gọi trúng số cô. Rất may bố cháu chỉ bị chấn thương nhẹ, giờ đã ổn, ông ấy nói gia đìnhchiều mai vào bệnh viện làm thủ tục đón bố cháu về.
Nàng mừng quýnh, không đợi được tới chiều mà ngaylập tức gọi cậu bạn trai đánh xe đến đón nàng cùng côLoan - người đàn bà mà lúc này nàng mới biết tên, cùng đến bệnh viện Toàn Cầu đón bố.
Xe vừa dừng trước cổng bệnh viện, theo lời tả, cô Loan nhận ra người đàn ông câu cá đang đứng chờ ở đó. Người đàn ông câu cá có cái tên Văn Tình vui vẻ thông báo cho mọi người biết bố cô đã khỏe trở lại.
Theo chân anh Tình, mọi người cùng rảo bước vào bệnh viện. Đang đi, anh Tình bỗng dừng lại bật mí: Tôi muốn dành cho ông ấy sự bất ngờ nên đã không nói có chị Loan đi cùng. Vậy để chúng tôi vào trước, lúc nào tôi ra hiệu chị hãy vào. Mọi người lấy làm thích thú trước việc làm ý nhị của anh Tình.
Vừa bước chân vào cửa phòng, nàng thấy bố ngồi trên giường, vẻ mặt tươi tỉnh. Nhìn thấy con gái và cậu người yêu xuất hiện cùng anh Tình, khuôn mặt ông lộ rõ sự vui mừng. Bỗng ngoài cửa có một người đàn bà ăn mặc sang trọng, tay ôm bó hoa tươi thắm bước vào. Ông Trọng ngỡ ngàng nhận ra Loan, hóa ra hôm nay cô ấy cũng đến đón mình về nhà.
Ông không ngờ, đứa con gái hôm nào còn cấm cửa cô ấy đến nhà, giờ lại mở lòng sắp sẵn một kịch bản tạo cho ông một hạnh phúc bất ngờ. Ông cảm động, nhìn mọi người, rồi chìa bàn tay thô ráp bắt tay anh Tình,cám ơn người đàn ông đã cứu mình thoát chết.
Bất chợt ông bắt gặp ánh mắt rạng ngời của Loan, nhìn ông như muốn nói: “Em sắp làm mẹ kế con gái anh rồi đó". Bên ngoài khuôn viên bệnh viện, nắng xuân đang ngập tràn.
------------------
Trong tập truyện "Bão đời" của Phạm Công Thắng, NXB Văn học, 2024.