Nhờ bình dân học vụ, cụ xong bằng cấp hai. Sau thêm lớp bồi dưỡng, tiến tới chức thủ kho. Một lèo bốn đứa con trong năm năm, hai cụ đi làm, tăng gia sản xuất ở xóm ven đô, abc các kiểu nuôi lũ tàu há mồm. Lại thêm bên nội, bên ngoại các em còn nhỏ, muốn hay không, hai cụ đều con cả, vẫn phải xắn tay vào; chưa kể công tác Đảng, công tác phụ nữ. Theo như lời cụ ôn nghèo kể khổ, có nhẽ thời gian đáp ứng ngần ấy việc, một ngày của cụ lên đến 30 hoặc 48 tiếng. Thị thầm nghĩ : "mình mà thế, chắc chết ! " và len lén thở phào.
Ở cái đê cổ nghìn năm này, chả ai không biết mẹ chồng thị. Cụ mẹ và cụ bố chồng thị nổi tiếng người công tâm , tốt bụng ( nhưng không hiền lành). Không hiền lành, bởi lẽ mắng cả thằng hàng xóm hỗn láo với mẹ đẻ nó. Sửa gáy cả thằng rể hàng xóm khi anh ta buồn bực, cáu gắt vì vợ vừa sinh không được nếp tẻ như ý. Chị hàng xóm, năm nay suýt 70, vẫn luôn kể: " ngày đó không có tiền của ông bà cho vay vô thời hạn, không lãi thì tôi không thể có ngày hôm nay". Thị đã không còn ngạc nhiên khi trong làng( vâng, nó là làng cổ trước khi gọi là phường), cụ nào qua đời tại nhà, việc đầu tiên con cái làm là lên gọi hai cụ nhà thị. Vậy là bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, hai cụ lo việc tẩm liệm, chỉ đạo ma chay các kiểu đến khi xong xuôi. Có lần mưa rét, cụ ông bị lạnh, thị cùng cụ bà đun nước gừng" cấp cứu". Thị lẩm bẩm:" bố mẹ cứ ôm vào làm gì, người ta khắc lo được". Mẹ chồng thị bảo: " chúng tôi ở mấy chục năm với nhau, người làng, không làm không yên tâm. Tình nghĩa là chính cô ạ". ( đấy, gọi dâu là cô, còn " vâng", "tôi xin" với dâu... Ngày đầu về thị nghe sợ mất mật, hoá ra tính cụ thế).
Trần đời thị chưa gặp ai chi li tiết kiệm như cụ mẹ chồng. Nilon bẩn hả, không được vứt, phải rửa sạch phơi khô tái sử dụng( các bác giờ mới kêu gào vì môi trường, xời, hơi muộn). Cửa xếp các nhà mặt tiền nilon cụ phơi như bươm bướm, vui mắt đáo để. Chả ai kêu, trái lại gom nilon sạch để dành cho cụ bán hàng. Mấy chị ngoại tỉnh bán rau chợ cóc, vào toilet rửa chân rửa tay thoải mái nhưng chớ có vặn nhầm vòi nước giếng khoan sang vòi nước máy. Nước máy đồng hồ nó luỹ tiến hiểu chửa, phải nhìn kỹ trước khi dùng.
Chả cứ vì bệnh tiểu đường bắt cụ kiêng khem. Bác sỹ dặn, hơi thừa. Bản chất cụ khổ quen rồi, sướng không chịu được. Quanh năm rau dưa, thịt thà gọi là chỉ lướt qua, như Mai Xiêu Phong phi thân qua ngọn cây trong truyện của Kim Dung. Có mỗi quả mướp nấu lạc mà tấm tắc " ngọt như đòng đòng", bó tay. Ấy vậy mà ky cóp cho bảy đứa cháu mỗi đứa một chỉ làm vốn nếu sau lấy vợ lấy chồng. Rồi việc giỗ, việc họ nội ngoại, cụ đóng góp đủ hết, không khiến đến các con.
Chuyện của mẹ chồng thị thì nhiều lắm. Cụ là người quê nhưng rất tỉnh, tỉnh nhưng rất quê. Cụ lý luận chặt chẽ, cắt đặt trước sau, theo một trình tự mà không ai cãi được. Nhiều việc cụ làm, phải một thời gian sau thị mới hiểu cái ý tứ của cụ. Thật đúng" khôn đâu đến trẻ, khoẻ đâu đến già".
Ngày cụ quy tiên, quần áo, giày dép... gì cũng có. Nhưng thị chợt thấy, hơn hai mươi năm làm dâu, thị chưa thấy mẹ chồng tô son một lần nào. Cụ chỉ có màu trầu cau. Cùng đứa cháu ngoại tô son đánh phấn cho cụ , thị chỉ lo nước mắt rơi vào người đã khuất, thì vương vấn mà không đi...
Mẹ chồng ơi, dẫu đời mẹ không có nhiều dịp hoặc chưa từng son phấn, thì mẹ đã rất đẹp trong lòng con cháu và bà con ở cái làng cổ ven đô này rồi.
Theo Chuyện làng quê