link tải gowin99 mới nhất

Mẹ chồng

Ở cơ quan… Giờ nghỉ trưa, ấy là thời gian dành cho các "bà Tám" công sở, cũng là cái sở thích, chỉ vì là đàn bà với nhau cả mà.
fb-img-1663520057075-1663520558.jpg
Ảnh minh họa sưu tầm

      Các nàng bàn nhau xôm tụ, hết chuyện trên mây, lại chuyện dưới đất. Khi thì các nàng bàn về váy áo thời trang, lúc thì những chuyện cỏn con, cãi nhau trên FB. Cứ phải gọi là hầm bà lằng, đủ thứ rách việc, lôi thôi ra phết. Hôm nay, các nàng lôi chuyện mẹ chồng ra bàn tán. Thế là "muôn mặt mẹ chồng" được các nàng mang ra buôn chuyện. Vui có, trách móc có, hờn giận có, hằn học cũng có luôn.

   Hằng là đứa trẻ nhất, mới cưới hồi đầu năm, chồng cô là con một, thuộc dạng gia đình có điều kiện, "nhà mặt phố, bố làm to", phải mỗi tội chồng Hằng được cưng chiều quá mức. Ai đời, ngót ba mươi tuổi, lại có vợ rồi, vậy mà bà mẹ chồng Hằng vẫn ngỡ như trẻ con. Mỗi lần chồng Hằng đi làm về, bà ra tận cửa xách cặp cho con như hồi học lớp một, rồi nhắc tháo giày, lau chân sạch sẽ bước vào nhà, đến bữa ăn còn nhắc nhở rửa chân tay. Rõ khổ! Đã vậy, mỗi sáng đi làm còn phải "thơm" mẹ một cái rồi mới đi. Làm nhiều lúc Hằng là vợ, mà cứ phải đứng trơ như phỗng.

   Mẹ chồng Loan thì không đến nỗi như mẹ chồng Hằng. Chỉ phải cái bà khắt khe trong việc "váy áo" ở nhà với cô con dâu. Nhà có ba người phụ nữ, cả cô em chồng nữa. Vậy mà ở nhà mỗi lần Loan mặc váy dài quá, thì bà lại móc máy:

   - Nhà mình sắp sửa vứt hết giẻ lau nhà được rồi! 

   Nếu mặc hơi ngắn một tí thì bà bảo: cái cữ này thì "chó nó táp bảy ngày chưa đến gấu". Chỉ có vài cái váy may theo chuẩn công sở thì chả nhẽ lôi ra. Thế là nàng chọn cách mặc đồ bộ ở nhà… cho nó lành.

   Mẹ chồng Hồng thì khá hơn một chút, bà ở quê nên ít khi va chạm. Nhưng chết nỗi, vợ chồng Hồng cất công dành dụm, rồi mua trả góp nhà chung cư. È cổ ra trả cho ngân hàng chục năm nữa chưa hết nợ. Nhưng bà mẹ chồng vẫn hớn hở khoe với bà con lối xóm rằng: con bà nó có nhà trên Thủ đô, oách lắm. Mỗi lần về quê đối với vợ chồng Hồng như một cực hình, không về không được, mà về thì phải quà cáp, tay xách nách mang. Theo chỉ đạo của mẹ chồng. Rằng Ông X phải quà này, bà Y phải quà kia, bác Z thì quà nọ, mà phải mang đến tận tay mới chịu. Riêng tiền cho bà "ăn giầu" cũng phải đưa trịnh trọng, nếu không thì rách việc với bà chứ chả chơi. Mỗi lần về quê lên thì vợ chồng xoay sở muốn bù đầu.

   Riêng chỉ có Thu là may mắn nhất, cũng mẹ chồng ở quê, nhưng được bà mẹ dễ tính, bà bán hết nửa mảnh vườn, rồi dốc hết cả tiền bòn mót dưỡng lão, cũng như tiền "hậu sự" dồn cả cho vợ chồng Thu, mua nhà chung cư trên thành phố, bà cũng chả đòi hỏi, "tao ở nhà sống chết gì có thằng cả lo" - bà nói vậy. Tết vừa rồi, vợ chồng Thu muốn đi du lịch nước ngoài, loay hoay mãi, chỉ lo cho cu con mới ba tuổi, lấy đâu ra người giữ trẻ? bà nghe thấy vậy liền nhắn: cứ đưa về đây bà trông, thế là vợ chồng Thu cứ việc tung tăng, còn mẹ chồng thì tự nhiên mất Tết, bởi loay hoay với đứa bé vẫn còn bú sữa bình. Thế mà lúc về, nàng còn quên cả mua quà cho bà nữa. Bà chả nói gì mà vẫn… vui như Tết. Đúng là Thu sướng thật, sướng cứ phải gọi bằng Tiên, mấy nàng cứ trầm trồ, xuýt xoa. Có mấy ai mà may mắn được như nàng ta.

   Chỉ mình Hường ngồi thu lu bên chiếc máy tính ở bàn làm việc, thỉnh thoảng lại "chét, chét" với những trò chơi điện tử được cài đặt sẵn trên máy. Nàng không quan tâm đến chuyện ấy. Nàng không có mẹ chồng, chính xác là mẹ chồng nàng mất từ ngày nàng chưa lấy anh ấy. Bố chồng nàng là sỹ quan quân đội đã về hưu, những gì nàng biết về mẹ chồng, chỉ là một khuôn mặt phúc hậu, mờ mờ trong di ảnh. Ngày đám cưới Hường, trong khi cha mẹ Hường xúng xính trong những bộ áo dài, com lê, cà vạt, thì bố chồng Hường lại giản dị trong bộ quân phục như hồi ở quân ngũ. Nhìn cứ thấy tội làm sao ấy. Đám cưới xong, ông giao hết tiền mừng cho Hường quản lý, rồi "tống cổ" hai đứa ra căn nhà nhỏ ở vùng ngoại thành mà ông đã mua từ lâu. Còn một mình ông ở trong gian chung cư ọp ẹp, được hóa giá từ thời xóa bao cấp. Ông bảo: các anh chị đủ lông đủ cánh rồi, cứ việc đi, bố ở đây sống chết đã có nhà nước. Cứ liệu mà bảo ban nhau làm ăn, đừng có việc gì rồi lại lôi tao với nhà thông gia ra là được.

   Nói là vậy, nhưng mỗi khi vợ chồng Hường có chuyện gì, nàng lại "tọc mạch" với ông, rồi ông đứng ra hòa giải, việc nào ra việc đấy. Hường nể phục ông ra mặt, Ông xử lý theo đúng phong cách nhà binh. Tự nhiên Hường thấy thèm được nghe tiếng chửi, thèm được thấy cái mắt liếc xéo không vừa ý, kể cả những cái dậm chân bành bạch của mẹ chồng, mỗi khi bà tức giận. Nhưng Hường biết rằng, những thứ đó không bao giờ đến với Hường, "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" 

   Hường bỏ bàn tay khỏi bàn phím máy tính, nàng dõi mắt nhìn ra ô cửa kính, ngoài kia dòng người qua lại đông lắm. Nàng biết rằng: trong dòng người ngược xuôi ấy, mỗi người có một số phận khác nhau. Không ai giống ai, và cũng chẳng ai phải theo ai cả.

        Sài Gòn Ngày áp thấp nhiệt đới.

Chuyện Làng quê