link tải gowin99 mới nhất

Lớp vỡ lòng của tôi ( Ký ức xưa )

Tôi đã lần lượt đưa các con tôi lần đầu tới trường. Con gái với cái váy xoè và cái cặp to bự, bước tung tăng. Sáu năm sau đến lượt thằng em suy dinh dưỡng với cái quần dúm dó, cũng có cái cặp to bự, bước tung tăng.

Năm nay đồng loạt có tới 7 đứa cháu trong đại gia đình tôi cầm tuổi Tân Mão của tôi. Chẳng biết cuộc đời của chúng sau này sẽ ra sao. Tôi nhớ về ngày đầu đi học của mình

lop-vo-long-1650690768.jpg
Ảnh lưu giữ cá nhân do tác giả cung cấp

 

Thời bấy giờ quê tôi vẫn còn ông Đồ Tiến, bà Đồ Đào, bà  Phó Lăng, ông  Phó Bạc...

Nhưng khi đi hoc tôi đã được gọi một tiếng "thầy".  Người đầu tiên (thực ra là ông chú họ tôi) là thầy Nghiệp. Chính vì vậy bố tôi xin được cho tôi " học ké " để làm quen. Trường học-thực ra là một lớp -một lớp thực ra lại học ở nhà thầy.

Chẳng ai đưa tôi đi.Tôi đến sớm một mình nên còn rụt rè, đành chui vào ruộng ngô trước nhà thầy để chờ. Bọn trẻ nhốn nháo đông dần. Can đảm, hồi hộp,tôi cầm quyển vở và chiếc bút chì lao ra. Có thằng nào đó trông thấy, hét toáng lên "chúng mày ơi...thằng Khánh! ( tên gọi ở làng tôi cho tới tận bây giờ  ) thằng Khánh con địa chủ đi học này".

Trời ơi những đứa trẻ quê tôi đấy, thằng Huân thằng Lạc, con Hoa con Đào... đứa nào tôi chẳng biết. Thế mà chúng nó...chúng nó ?

Hình như thằng Lân lại hô tiếp  " hai ba...địa chủ hút mủ nông dân...hai ba...địa chủ hút mủ nông dân..." Cả đám trẻ gào lên. Tôi run rẩy ôm lấy cột nhà, nước mắt rơi lã chã.

Thầy Nghiệp từ dưới bếp lên, tay cầm cái thước dài quát lớn. Cả bọn ùa vào lớp để lại mình tôi ngơ ngác, buồn tủi..

Tôi được xếp ngồi mép ngoài của dãy bàn đầu với thân phận  học nhờ, học ké. Thầy Nghiệp viết mấy hàng chữ để tôi tô theo trên trang đầu tiên cuốn vở đầu đời của tôi, Khi cả lớp đã tự viết theo chữ có trên bảng ( hồi đó gọi là " viết coi bảng"). Sau này tôi hỏi bố tôi sao cho tôi đi học muộn thế. Bố tôi bảo vì tôi gày yếu, hay bị trẻ trong làng bắt nạt.

Tay run run cầm chiếc bút chì một đầu có tẩy tô lên chữ của thầy,  Tôi đâu biết rằng một lát nữa tôi phải chịu cú sốc mà sau này mãi mãi không quên.

Giờ ra chơi khá lâu. Thầy giáo ra vườn hay đi đâu không biết, để lại một lũ "ma quỷ ". Bọn chúng xô lại nhìn vở tôi để reo hò  "A(a) bê(b) xê(c) lợn xề chết đói, thầy bói nhe răng" náo loạn cả lên. Tôi chỉ biết khoanh hai tay đè giữ cuốn vở của mình. Chúng lại tiêp tục  chìa cuốn vở chúng vừa viết ngệch ngoạc vào tận mặt tôi khoe khoang: "Đoc đi...mày đoc đi...tao đố mày đọc đấy " với vẻ đầy ngạo mạn. Tôi chịu đựng trong yên lặng. Chỉ tới khi một thằng giật cái bút chì của tôi chọc xuống bàn gẫy mất đầu viết thì tôi òa lên khóc:  "Mợ ơi... mợ ơi..."

Tât cả bọn ma quỷ  học trò ấy lại cười ré lên. ( Ở quê tôi người ta chỉ gọi "bố mẹ" hay "thầy u" chứ không ai gọi là" câu mợ "bao giờ ). Có thể vì kiểu goi thị thành ấy mà nhà tôi bị quy là địa chủ. Các anh chị đầu của tôi đều sinh ở Hà nội. Ngày toàn quốc kháng chiến gia đình lánh nạn về quê và sau đó sinh ra tôi.

Tôi đã khóc... khóc nức nở. Những giọt nước mắt trong buổi học đầu tiên đã rơi xuống cuốn vở đầu đời của tôi, là như thế.

Vài tháng học  (bây giờ  gọi đùa là dư bị lớp một) vẫn  không được yên ả.Thằng Lân lớp trường ghét tôi. Còn tôi đã nhanh chóng gần đuổi kịp chúng nó trong cái sự học.

Chuyện cái lọ đựng ruồi tôi không thể quên được. Ở vùng quê vốn lắm ruồi. Để giữ vệ sinh thầy giáo bắt trò đập ruồi  ở nhà và kiểm tra bằng cách đem đến lớp nộp. Vẫn biết mình đi học ké, học nhờ nên tôi cố gắng đập thật nhiều ruồi, hy vọng được nhất lớp, muốn được thày khen. Bố tôi hồi kháng chiến 9 năn có làm ở ban y tế xã nên tôi kiếm được lọ "bisilin" đã hết.Tôi nhét đầy ruồi và hân hoan đến lớp. Lân lớp trường cầm cái que và viên phấn quát nhặng lên. Nó có vẻ không thích việc đếm ruồi. Cả bọn túa ra mỗi đứa đứng một chỗ trên sân gạch nhà thầy. Tât cả đều gói ruồi vào lá chuối khô hay giấy cũ để trước mặt. Lân lớp trưởng dùng que gạt đếm và ghi số ruồi bằng phấn vào bên cạnh. Chỉ có tôi là ruồi nhét vào lọ

 " Ruồi đâu" ? nó quát với khuôn mặt hầm hầm. Khi nó vừa mở nắp lọ, đầu nó vội ngửa ra đăng sau kêu toáng lên: "ôi thối quá...thối quá! ". Nó ném ngay lọ ruồi của tôi đi xa. Rồi không ngần ngại,nó viết ngay"số không" chỗ tôi đang đứng. Thể là tôi bị phạt. Vài đứa khác cũng bị phạt do quên mang ruồi tới lớp hay không đâp ruồi ở nhà. Tôi thấy Lân lớp trường khoanh một vòng tròn to cho một đứa con gái gần tôi. Nó có thể ngồi mà cũng không sợ chạm vạch. Còn tôi,nó bắt đứng quắp chân với vạch phấn rất sát. Tôi đứng uốn éo một cách thật tội nghiệp. NhưngTôi nhận ra điều này: Ruồi chết nhét vào lọ kín thối hơn gói vào lá chuối.

Thời gian học"dự bi "rồi cũng qua đi. Học giỏi nhất lớp là cô bé Quế Anh việt kiều về nước. Khi các bé rút rát thì Quế Anh thường đứng lên hát một mình bằng tiếng Hoa" Đông phương hồng mặt trời lên..." cả lớp phải vỗ tay rào rào .

Đương nhiên số học sinh chính thức vào từ đầu năm sẽ được chuyển thẳng lên lớp một, còn tôi học ké mấy tháng để làm quen chẳng biết sẽ ra sao. 

Một buổi tối chú tôi (thầy Nghiêp) đến chơi nhà, chắc là vì cái sự học của tôi. Chủ nói:" cháu nó học cũng được em cho tạm vào lớp một nếu theo được thì theo không lại về vỡ lòng. Hè này anh bảo nó tập đọc tập viết thêm". Tất nhiên bố tôi đồng ý...

Tuổi thơ tôi đã không có được lần khai giảng đầu đời khi vào lớp một như mọi đứa trẻ khác là  vì thế.

Nhưng tôi vẫn hăm hở học. Bấy giờ tôi không nghĩ xa xôi gì.Tôi học vì Lân lớp trưởng luôn bắt nạt tôi hay  vì cô bé Quế Anh hát hay kia?.  Lân lớp trưởng đã tụt lại ngay khi vào lớp một . Tôi tranh chấp nhất nhì với Quế Anh sau đó. Anh trai- người đã cho tôi cái bút chì có đầu tấy- đi học xa về vẫn hỏi tôi: "có còn đội đít Quế Anh không?". Nếu tôi cười là tôi xêp thứ 1 còn "lờ" đi là đang xếp phía sau.

Nhưng rất may khi cô bé này lớn dần, sắp thành cô gái thì không bao giờ vượt tôi được nữa. Tôi không hiểu, nhưng tôi trở thành đứa học giỏi nhất làng.  Đến lớp 7 còn được đề nghị Bác Hồ khen. Nhưng không được thưởng huy hiệu. Bố tôi (tôi vẫn gọi là"Cậu" ) thì bảo:"nhà mình con địa chủ tuy đã được sửa sai thì cũng chẳng bao giờ được khen đâu".

 Sau khi ra khỏi làng thì tôi mới biết không phải thế. Bằng tuổi tôi nhiều người giỏi hơn tôi rất nhiều.

Mấy năm trước vô tình gặp Quế Anh trên chuyển tàu Yên bái-Hà nội. Cô ấy làm ở đường sắt, về hưu nay bán hàng ăn uống trên một toa tàu kiếm thêm tiền nuôi con đang học đại học. Tôi lại vừa bất ngờ nhân được điện thoại của Lân sau hơn 50 năm không găp. Ngỡ tướng anh ta đang ở với vợ 3 ở Nghĩa Lộ thì anh lại vừa quay về với vợ 2 ở Việt Trì, bỏ hẳn cô vợ đầu ở làng.

" Tôi đây, Lân lớp trường đây..." anh ta vẫn xưng hô như thế.

 Sắp tới tôi sẽ gặp anh để đòi lại lọ đựng ruồi ngày xưa. Những chuyện ấy tôi sẽ để lại cho riêng minh.

Cuối cùng tôi viết thêm mấy dòng này:

 Cuộc đời tôi thiếu đi một lần khai giảng / Nước mắt trẻ thơ rơi trên cuốn vở đầu tiên / Suốt cả thời gian đi qua  nỗi ưu phiền / Tôi đã từng xoay bút chì tẩy đi những điều đã viết /  Nhưng những vết hằn này đã trở thành một dấu nhấn không quên.

Chuyện quê