Cách đây vừa tròn 75 năm, trong bài thơ “Nhớ” – tác giả Hồng Nguyên từng viết về tình cảm của những người lính Cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp: “Lũ chúng tôi/Bọn người tứ xứ/Gặp nhau từ hồi chưa biết chữ/Quen nhau từ buổi một hai/Súng bắn chưa quen/Quân sự mười bài”… Cuộc gặp gỡ vô cùng bình dị, bởi những con người ấy đều xuất thân từ làng mạc, ruộng đồng; nghe theo tiếng gọi của non sông lên đường để trở thành người chiến sỹ và họ trở thành đồng chí, đồng đội. Họ sát cánh bên nhau, cùng chung chiến hào, cùng ra trận và cùng sẵn sàng hy sinh xương máu trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm góp phần không nhỏ vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tình cảm đó đã xóa nhòa mọi khoảng cách địa lý, hoàn cảnh sống giúp cho những người lính sau khi rời xa quân ngũ trở về vẫn gắn bó keo sơn, thắm thiết…
Những người lính chúng tôi xuất thân từ mọi miền đất nước gặp nhau ở quần đảo Trường Sa giữa đại dương mênh mông, bốn bề sóng nước, giữa nắng và gió, giữa bão táp và phong ba. Chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ những gian khổ, hy sinh nơi tuyến đầu Tổ quốc, nơi mà kẻ thù ngày đêm rình rập và sẵn sàng xâm chiếm bất cứ lúc nào. Giữa mênh mang Trường Sa, người lính Hải quân “buông neo” trên đảo nổi, đảo chìm trong những năm 80 của thế kỷ trước chịu muôn vàn thiếu thốn: chia nhau từng ca nước ngọt, từng điếu thuốc lá, rồi cả thuốc rê cuộn như tổ sâu kèn. Chúng tôi chung nhau đọc những lá thư nhà đến thuộc làu từng con chữ, coi nhau như những người ruột thịt và cùng háo hức khi mỗi chuyến tàu ra….
Trở lại đời thường, ai cũng cố gắng xây dựng kinh tế, sự nghiệp cho bản thân và gia đình. Rồi chúng tôi có dịp tụ hội với nhau qua mạng gowin99 , qua Facebook. Qua những cuộc liên lạc ấy, anh Trần Văn Xuất - chủ cơ sở Đá Mỹ nghệ Xuất Ánh (hiện là Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Trường Sa tại thành phố Đà Nẵng) đã tìm tới rất nhiều đồng đội từng gắn bó với anh và nhiều đồng đội khác tại quần đảo thiêng liêng Trường Sa. Anh Trần Văn Xuất với sự trân quý tình đồng đội; lại được sự cảm thông, trân trọng và ủng hộ nhiệt tình của nội tướng - người bạn đời của anh là chị Phan Thị Ánh đã tạo điều kiện để anh có những chuyến đi gặp gỡ giao lưu, giúp đỡ xây dựng nhà cho hơn 20 đồng đội và trợ cấp cho những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều nơi trên dải đất hình chữ S này… Từ lâu, địa chỉ R1 -R12 đường Trường Sa, phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn của thành phố Đà Nẵng đã thành nơi gặp gỡ nghĩa tình của những cựu chiến binh Trường Sa. Đầu tháng 5/2023 vừa qua, nhân chuyến đi thực tế tại Nhà sáng tác Đà Nẵng cùng các đồng nghiệp thuộc Hội Văn học nghệ thuật Nam Định, khi vào đến nơi, tôi có thông tin cho anh Trần Văn Xuất; anh hẹn sẽ có buổi gặp mặt giao lưu giữa đại diện các cựu chiến binh Trường Sa của hai tỉnh Quàng Nam và Đà Nẵng với chúng tôi. Đúng hẹn, chiều 13/5 anh cho xe đến đón đoàn văn nghệ sỹ Nam Định, nhưng vì lý do đặc biệt nên chỉ có 3 người và tôi đến hội ngộ cùng với các anh. Dọc đường, 2 nhà thơ nữ cứ thắc thỏm: chúng tôi chỉ đến góp vui chút rồi để không gian cho các anh! Tôi cười: Vui hết mình cùng anh em đồng đội chúng tôi đi, đừng e ngại gì! Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, như những người thân sau nhiều năm xa cách; mặc dù đây mới là lần đầu tiên gặp gỡ. Bữa tiệc tối diễn ra thật ấm cúng, chân thành. Chúng tôi đọc thơ, hát cho nhau nghe, xen lẫn những lần chạm cốc. Anh Trần Văn Sản - trưởng phòng hành chính tổng hợp và 2 nữ thi sỹ Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Trần Thị Bích Liên thực sự bị hút vào cuộc hội ngộ của những người lính Trường Sa một thời gian khó. Chị Bích Liên cứ níu lấy áo tôi và hỏi: Có phải anh gặp các anh ấy lần đầu tiên không? – Đúng vậy đấy! Nói chính xác là lần thứ 2, lần gặp trước vào cuối tháng 3, chúng tôi chỉ gặp nhau thoáng qua và chụp ảnh chung khi các anh ấy chuẩn bị lên máy bay để về Đà Nẵng. Chị tròn mắt nhìn tôi: Thế mà em tưởng các anh ở cùng đảo cơ đấy! Tôi cười: Đây mới là tình cảm lính Trường Sa!