Kỳ 25
Do ảnh hưởng của cách mạng dân chủ tư sản Trung Quốc năm 1911 (Cách mạng Tân hợi), Phan Bội Châu chuyển từ lập trường quân chủ lập hiến sang tư tưởng Cộng hoà. Tháng 5 năm 1912, tại Quảng Đông (Trung Quốc), Phan Bội Châu thành lập tổ chức cách mạng Việt Nam quang phục hội với tôn chỉ mục đích đánh đuổi quân Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập Cộng hoà dân quốc Việt Nam (Phan Bội Châu niên biểu). Việt Nam quang phục hội không có cơ sở trong nước nên ngay từ đầu hoạt động của Hội đã bộc lộ tính chất phiêu lưu. Trong niên biểu Phan Bội Châu viết: Bây giờ chúng tôi tìm đường sống qua muôn vàn cái chết, chỉ nghĩ có bạo động mà thôi. Xuất phát từ đó, Việt Nam quang phục hội thấy phải làm một cái gì đó kinh thiên động địa để đánh thức đồng bào, “kêu gọi hồn nước”. Việt Nam quang phục hội đã gây ra một số vụ nổ. Ngày 13 tháng 4 năm 1913, người công nhân lái xe Phạm Văn Tráng gây ra vụ nổ, giết chết tên tuần phủ Nguyễn Duy Hàn. Ngày 26 tháng 4 năm 1913, người công nhân lái xe lửa Nguyễn Văn Tuý ném tạc đạn vào khách sạn Hà Nội (phố Tràng Tiền) giết chết hai tên trung tá Pháp. Thực dân Pháp khủng bố bắt giam hàng trăm người, xử tử 7 chiến sĩ yêu nước. Giữa tháng 1 năm 1916, Phan Bội Châu bị bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam. Việt Nam quang phục hội thất bại.
Giữa năm 1924, Phan Bội Châu về Quảng Châu gặp lãnh tụ Nguyễn Ai Quốc. Sau đó, cụ cải tổ Việt Nam quang phục hội thành Việt Nam quốc dân đảng phỏng theo chương trình và điều lệ của Quốc dân đảng Trung Quốc. Ngày 30 tháng 6 năm 1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc tại Thượng Hải và đưa cụ về xử ở Toà án đề hình Hà Nội. Trước phong trào đấu tranh rầm rộ của nhân dân, Pháp phải đưa Phan Bội Châu về giam lỏng ở Bến Ngự (Huế). Ông mất năm 1940 tại Huế.
Phan Bội Châu là người tiêu biểu cho một giai đoạn cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ông là người yêu nước, nhiệt tình cách mạng và luôn điều chỉnh quan điểm, hành động cho phù hợp với thực tế, với thời cuộc thay đổi. Từ lập trường quân chủ nghị viện năm 1904, Phan Bội Châu chuyển sang xu hưóng cộng hoà năm 1911. Năm 1924 khi tiếp xúc với lãnh tụ Nguyễn Ai Quốc, được biết cách mạng tháng Mười Nga, ông rất cảm tình với đất nước Xô Viết. Phan Bội Châu tìm ra một trong những nhân tố thành công của cách mạng Việt Nam là đoàn kêt dân tộc để tạo nên sức mạnh. Ông cũng là người đầu tiên chỉ phương hướng ra nước ngoài tìm con đường cứu nước.
Xu hướng ôn hoà cải cách của Phan Chu Trinh: Phan Chu Trinh sinh năm 1872 ở Tiên Phúơc -Quảng Nam, đỗ Phó bảng năm 1901, 1903 làm Thừa biện Bộ lễ. Trong khi Phan Bội Châu chủ trương bạo động để giải phóng dân tộc thì Phan Chu Trinh muốn dựa vào thực dân Pháp, đánh đổ nền quân chủ chuyên chế, giành tự do dân chủ cho nhân dân. Theo Phan Chu Trinh nhờ dựa vào Pháp cải cách mà trình độ dân trí, dân khí của nhân dân ta được nâng cao, khi đó mới nói đến việc giành độc lập dân tộc. Chủ trương của Phan Chu Trinh được sự ủng hộ của Trần Quí Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyên (Quảng Nam), Nguyễn Bá Loan, Lê Tựu Thiết, Nguyễn Mai, Lê Đình Cẩn (Quảng Ngãi), Đặng Nguyên Cẩn (Nghệ An). Vì chủ trương ôn hoà cải cách nên Phan Chu Trinh kịch liệt phản đối chủ trương bạo động chống Pháp của Phan Bội Châu.
Năm 1907, Phan Chu Trinh gửi thư cho Toàn quyền Bô, sau đó, ông đi khắp nơi diễn thuyết đề cao dân quyền, hô hào thực hiện cải cách, gây nên phong trào rầm rộ ở Trung Kỳ như mở hiệu buôn, mở trường học, hô hào dùng chữ quốc ngữ (chữ cái La tinh ghi âm Việt), thể thao, cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn trang phục kiểu Âu -Tây.
Dù chủ trương ôn hoà cải cách nhưng Phan Chu Trinh kịch liệt đã kích vào chế độ quan lại, phong kiến thối nát, điều đó đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Hơn nữa, ở một nước thuộc địa khi mâu thuẫn giữa nhân dân ta với thực dân, phong kiến đã cực kỳ gay gắt thì mọi chủ trương ôn hoà khi đi vào nhân dân vẫn biến thành bạo động như vụ chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908. Vì thế, dù là ôn hoà cải cách cũng làm cho thực dân pháp khiếp sợ. Năm 1908, Phan Chu Trinh bị Pháp bắt, bị triều đình Huế kết án tử hình. Do phong trào đấu tranh rầm rộ của nhân dân đòi thả ông nên chúng giảm thành án đày và đày ông ra Côn Đảo. Năm 1911 ra khỏi nhà tù Côn Đảo, Phan Chu Trinh sang Pháp. Năm 1917, ông gặp lãnh tụ Nguyễn Ai Quốc ở Pa ri. Nhưng do bị ràng buộc bởi tư tưởng Khổng-Mạnh, bởi tư tưởng dân chủ tư sản của Mông te skiơ nên suốt đời ông chỉ dừng lại ở tư tưởng ôn hoà cải cách, mặc cho hoàn cảnh lịch sử thay đổi. Tháng 5 năm 1925, Phan ChuTrinh về nuớc và mất ở Sài gòn ngày 24 tháng 3 năm 1926. Đám tang Phan Chu Trinh trở thành một phong trào yêu nước rầm rộ. Ở Sài gòn, 14 vạn người đưa ông về nơi an nghỉ, lễ truy điệu được cử hành khắp Trung, Nam, Bắc, lễ tưởng niệm kéo dài đến tháng 8 năm 1926.
Trường Đông kinh nghĩa thục: Do ảnh hưởng tư tưởng cải cách của Phan Chu Trinh, tháng 3 năm 1907, một nhóm sĩ phu yêu nước như Lương Văn Can (Quê ở Hà Đông), Nguyễn Quyền (quê ở Bắc Ninh), Đào Nguyên Phổ, Phan Tuấn Phong, Dương Bá Trạc, Lê Đại, Vũ Hoành, Phan Đình Đối, Phan Huy Thịnh, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Tăng Bí, Đặng Kính Luân, Nguyễn Văn Vĩnh đã thành lập trường Đông Kinh Nghĩa thục tại Hàng Đào - Hà Nội. Nhà trường được phụ huynh học sinh và các nhà yêu nước ủng hộ tài chính. Trường có tới hàng nghìn học sinh gồm nam nữ, già trẻ. Nhà trường có ký túc cho học sinh ở. Học sinh không phải đóng học phí, còn được cấp giấy, bút, sách, vở. Trường có 4 ban: Ban giáo dục, Ban tài chính, Ban cổ động và Ban trước tác. Học sinh học tập và nghiên cứu các môn: Lịch sử, Địa lý, Khoa học thường thức, chữ quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp. Các kinh điển Nho giáo lỗi thời bị gạt bỏ khỏi chương trình. Nhà trường còn hô hào thực nghiệp buôn bán, bài trừ mê tín dị đoan, chống lối học hành thi cử xa rời thực tế, đả kích phong kiến tham quan ô lại, phê phán các nhà Nho thủ cựu, hô hào mở mang dân trí, chấn hưng công thương nghiệp, cổ vũ tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc. Đông kinh nghĩa thục biên soạn nhiều sách giáo khoa tiến, bộ yêu nước lưu hành rộng rãi trong học sinh với nội dung tấn công vào chế độ thực dân, phong kiến. Đông kinh nghĩa thục thực chất là một tổ chức cách mạng dùng trường học tuyên truyền cho một nền văn hoá dân tộc, dân chủ, cổ vũ cho phong trào đổi mới, nâng cao dân trí, dân khí của nhân dân. Anh hưởng của Đông kinh nghĩa thục lan tràn khắp Bắc và Trung kỳ. Đông kinh nghĩa thục cũng gắn bó quan hệ với phong trào Đông du. Thơ văn yêu nước của Phan Bội Châu được dùng giảng dạy trong trường. Đồng lợi tế, Đồng thành xương là hai hiệu buôn của Đông kinh nghĩa thục, cũng là cơ quan bí mật của phong trào Đông du.
Tháng 12 năm 1907, thực dân pháp đóng cửa Đông kinh nghĩa thục, bắt Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Lê Đại. Pháp còn cấm nhân dân không được lưu hành , tàng trữ tài liệu của nhà trường.
Cống hiến to lớn của Đông kinh nghĩa thục là ở chỗ tuyên truyền cổ động cho phong trào cách mạng, động viên tinh thần yêu nước, vận động nhân dân chuẩn bị bạo động vũ trang, chỉ cho nhân dân biết hướng tới những tri thức mới, góp phần vào việc phát triển văn hoá, ngôn ngữ dân tộc.
Hai xu hướng bạo động và cải cách của hai cụ Phan cùng Đông kinh nghĩa thục đã tác động to lớn đến phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Phong trào chống thuế của nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định năm 1908 rất quyết liệt, Pháp phải huy động lực lượng quân sự đàn áp. Chúng xử tử những nhà yêu nước như Trần Quí Cáp, Nguyễn Bá Loan, Lê Tựu Khiết, đưa đi đày ra Côn Đảo Các cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Ngôn, Ngô Đức Kế, Nguyễn Đình Kiên, Lê Văn Huân, Trần Cao Vân, Phan Thúc Duyên, Nguyễn Đình Quảng, Trần Kỳ Phong. Ngoài ra, còn có vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội năm 1908 do nghĩa quân Yên Thế tiến hành. Từ những năm 10 của thế kỷ XX nổi lên phong trào khởi nghĩa của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, của người Mường ở Hoà Bình, của người Mông ở Hà Giang, của người Dao ở Tây Bắc, Lào Cai; những cuộc nổi dậy của binh lính người Việt trong quân đội Pháp ở Móng Cái (Quảng Ninh), ở Nam Kỳ. Ở Nam Kỳ ra đời những hội kín chống đế quốc phong kiến mang mầu sắc tôn giáo. Hội kín là phong trào lớn nhất của nông dân Nam kỳ những năm đầu thế kỷ XX như các tổ chức: Thiên địa hội, Nghĩa hòa hội, Duy tân hội, Thái bình hội, Phục hưng hội, Ai quốc hội. Ở Châu Đốc (An Giang), Phan Xích Long xưng hoàng đế và kêu gọi đánh Pháp. Tháng 5 năm 1916, vua Duy Tân (1907-1916) cùng với Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phạm Hồng Cương, Phan Thành Tài mưu khởi nghĩa ở Huế nhưng thất bại . Vua Duy Tân bị Pháp bắt đi đày sang đảo Rê uy ni ông (Châu Phi). Năm 1917 nổ ra cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) lãnh đạo, tiêu diệt 243 tên Pháp, giải phóng 203 tù chính trị. Khởi nghĩa tồn tại trong 6 tháng.
Như vậy, từ đầu thế kỷ XX, tư tưởng dân chủ tư sản Tây-Âu đã truyền bá vào Việt Nam. Khi đó giai cấp tư sản Việt Nam chưa ra đời nên hệ tư tưởng này được các trí thức phong kiến thức thời tiếp thu và muốn biến nó thành cương lĩnh chính trị cứu nước. Cùng tiếp thu tư tưởng tư sản nhưng do hoàn cảnh khác nhau mà hai cụ Phan có hai xu hướng cứu nước khác nhau: con đường ôn hoà của Phan Chu Trinh và con đường bạo động của Phan Bội Châu. Đây là hai xu hướng lớn của phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX, tác động đến tất cả các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong giai đoạn này. Phong trào đấu tranh có nhiều phương pháp mới, nhiều hình thức mới , phong phú khác với thế kỷ XIX. Cụ Phan Bội Châu hô hào đoàn kết đồng bào để có sức mạnh đấu tranh giải phóng dân tộc. Cụ Phan Chu Trinh và Đông kinh nghĩa thục hô hào duy tân đất nước để nâng cao dân trí, dân khí chấn hưng công thương nghiệp. Phong trào đã biết sử dụng sử học, văn học, chính luận, diễn thuyết làm vũ khí tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ thức tỉnh nhân dân, phục vụ cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc theo đường hướng mới. Nhưng do hạn chế giai cấp xuất thân và thời đại nên quan điểm của hai cụ Phan mang tính chất mơ hồ, ảo tưởng. Cụ Phan Chu Trinh mong muốn dựa vào Pháp, kẻ thù của dân tộc Việt Nam làm giầu mạnh cho Việt Nam để cuối cùng chống lại chúng ? Cụ Phan Bội Châu dựa vào chủ nghĩa tư bản Nhật để đánh chủ nghĩa tư bản Pháp? Tất cả đều là ảo tưởng. Những xu hướng chính trị lớn đầu thế kỷ XX đã chứa đựng yếu tố thất bại do đi trái với qui luật của cách mạng Việt Nam. Về mặt khách quan, chủ nghĩa tư bản Pháp thế và lực còn mạnh trên thế giới cũng như ở thuộc địa Đông Dương. Nguyên nhân khách quan và chủ quan làm cho phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX thất bại. Tuy thất bại nhưng sự hi sinh của biết bao anh hùng liệt sĩ đã nêu cao tấm gương yêu nước, khí phách quật cường dân tộc. Phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX là bước quá độ, đặt nền tảng để phong trào chuyển sang xu hưởng tư sản và xu hướng vô sản những năm sau chiến tranh thế giới thứ nhất, tập dượt cho dân tộc ta những hình thức, những phương pháp đấu tranh mới, phù hợp với sự chuyển biến trong nước và trên thế giới.
(Còn nữa)
CVL