link tải gowin99 mới nhất

"Không thể mồ côi" (Kỳ cuối): HỌC LÁI XE HƠI ĐỂ TỰ HÀO CÙNG GIA ĐÌNH VÀ HẠNH PHÚC BÊN CON CHÁU

Thỉnh thoảng, khi có điều kiện, tôi vẫn thường tổ chức sinh nhật cho mình và tri ân bạn bè. Tôi sinh ra vào đúng thời khắc lịch sử đáng nhớ của dân tộc: Nửa đêm ngày 19, rạng sáng ngày 20/12/1946, cả Hà Nội đầy tiếng súng nổ “Toàn quốc kháng chiến”. Sáng hôm sau, mẹ đã đưa tôi vào quang thúng, theo đoàn người tản cư, vượt qua sông Hồng và lên Việt Bắc…

Ngoảnh đi, nhìn lại đã mấy chục năm, quá nửa đời người. Tôi tự cảm thấy mấy năm nay sức khỏe của mình không ổn lắm. Biết vậy nhưng tôi không muốn các con lo lắng, nên không nói ra.

Tôi muốn gặp các bạn tôi nhân dịp này. Bởi với tuổi của tôi và các bạn của tôi, ai dám bảo đảm qua sang năm chúng tôi còn có thể gặp lại nhau đầy đủ. Các con nói với tôi: “Tụi con sẽ làm sinh nhật cho mẹ. Mẹ mời các má, các bác đến cho vui.”

Tôi đồng ý, và mời luôn các cháu đã cùng tôi làm việc và đi với tôi nhiều năm qua trong kinh doanh đến dự luôn. Tôi nghĩ, đó cũng là một cách cảm ơn, với một điều kiện không ai được mang quà đến. Hi vọng tôi sẽ chống chọi được sức khỏe để còn ở với các cháu của tôi lâu dài…

Nói đến sinh nhật tôi lại nhớ đến bố mẹ tôi, me Kíu, má Hai, bá Cung… những người đã cưu mang tôi để tôi trưởng thành. Ước gì tất cả những người thân yêu đó còn, để một người con đã bước qua tuổi 60 là tôi được trả ơn nuôi dưỡng và sinh thành. Ước gì…

chdvh-1641097236.jpgTác giả Minh Vân (ngồi giữa) và mùa xuân hạnh phúc. Mỗi lần bà được gặp các cháu là lại nhớ chuyện xưa...

 

Cuộc đời là vậy, thường khi ta kịp nhận ra những cái ta cần phải làm, những cái mà trước đây ta không có điều kiện để làm, đến khi ta có điều kiện, thì đã quá muộn!

Năm 1982, lúc đó tôi là Phó Giám đốc, một lần tôi chở cả ba con đi bằng xe máy, không hiểu sao lúc tỉnh dậy tôi thấy tôi nằm trong bệnh viện đầu sưng to đùng, một bên mắt và mặt bầm tím.

Lúc đó, con tôi đâu có biết chuyện, có lần khi bố của chúng nó vào thăm tôi lại còn dẫn cả bồ vào. Ông ta còn giới thiệu “Đây là vợ anh, còn đây là bồ của anh”. Ông ta đúng là một kẻ có học nhưng lại trơ trẽn. Chỉ vì cái mã đẹp trai mà sinh ra đủ thứ chuyện. Tôi thực sự không quan tâm và hoàn toàn vô cảm. Vì thế mà không hề nói lại chuyện đó cho các cháu, cho đến khi các cháu có chồng.

Sau lần tai nạn đó, tôi thấy tay lái xe máy của mình quá yếu. Tôi nung nấu ý định mình phải lái xe ô tô giống bá Cung. Khi tôi còn bé, tôi đã thấy bá lái xe ở Hà Nội, lúc đó tôi thấy bá Cung oai lắm. Bây giờ thì tôi đã có lái xe riêng và xe ô tô của công ty. Nhưng tôi chỉ nghĩ là nếu 4 mẹ con ngồi trong xe ô tô, nó có khung xe bảo vệ chung quanh sẽ không bị tai nạn nữa. Đã định làm gì là phải làm cho bằng được đó cũng là đặc tính của con gái họ Đào là tôi.

Lúc đó tôi chỉ có 2 chỉ vàng. Khi hỏi mua chiếc xe ô tô có tên là 360 Honda bé tí xíu giá cũng 5 chỉ vàng. Tôi lại đi vay tiền, mua xe trước học lái sau. Tôi học lái xe cũng liều. Hàng ngày, tôi nhờ chú tài xế của cơ quan tên là Bảy Thất chỉ dẫn cách lái xe.

Đến ngày đi thi lấy bằng lái, tôi nhờ chú đưa đến Nơ Trang Long. Lúc đó thì bằng lái chưa như bây giờ, có rất nhiều thùng phi cao được đổ cát sau đó đổ đầy nước lên trên xếp luôn hai hàng theo hình zic zac, để người thi lái xe luồn qua luồn lại.

Khi vào thi, thấy giấy giới thiệu ghi chức danh của tôi là Phó Giám đốc. Người cán bộ coi thi nhìn tôi rồi buông lửng một câu: “Bày đặt, đã có tài xế rồi còn lái xe, chắc là để quậy ngoài giờ”. Thực tình, thời buổi ấy những người có chức có quyền không có phong trào tự lái xe như bây giờ, nhất là tôi lại là đàn bà nữa. Thành phố Hồ Chí Minh lúc đó, hầu như chưa có phụ nữ tự lái xe.

Vào thi lý thuyết tôi không sợ vì tôi tin vào trí nhớ của mình cùng với sự phán đoán. Còn nhớ thi tất cả 4 câu, hai câu sa bàn hai câu tình huống. Đến phần thi tay lái thì khó khăn cho tôi hơn. Một phần vì cái xe quá cũ, một phần thì do thái độ người giám sát ngồi bên cạnh. Tôi bị mất tinh thần, cũng có thể do tôi chưa chuẩn bị tâm lý cho kỹ. Nên lúc người ta rẽ phải tôi rẽ trái, lúc bảo tôi rẽ trái tôi rẽ phải, lúc bảo lùi tôi lùi tông vào cái thùng phi có chứa cát và nước. Được thông báo rớt, nếu muốn thi lại một tháng sau quay lại.

Một tháng sau, tôi quay lại. Tôi yêu cầu chú Bảy Thất lái xe của tôi đậu ở tận ngoài xa, và tôi đi bộ vào thi. Tôi không muốn cho họ biết tôi có tài xế xe riêng. Và lần đó tôi đậu đủ điều kiện lấy bằng lái.

Tôi nghe họ nói, hồi ấy ở Thành phố Hồ Chí Minh, còn rất hiếm phụ nữ lấy bằng lái xe ô tô. Cái bằng của tôi được cấp mới là cái thứ 5 hoặc thứ 6 gì đó, nghĩa là còn hiếm đến mức có thể đếm trên đầu ngón tay, chứ không như bây giờ. Thế mới biết, con gái bố Lộc nếu đã muốn là bằng mọi cách phải làm được!

Từ đó, tôi đi đâu cũng chở các con bằng cái xe nhỏ xíu mới mua. Lại phát sinh ra một vấn đề mới. Hình như cái việc tự lái xe của tôi lúc đó làm đụng chạm đến sự tự ái của một số người, vì thế bệnh đố kỵ và bệnh ganh ghét lại có dịp bùng phát. Lại có dư luận xấu đổ vấy cho tôi. Rằng tôi tự lái xe là để dễ dàng đi ăn chơi, dễ đàn đúm, cặp bồ cặp bịch cho tài xế khó bề kiểm soát.

Tin đồn đến tai, tôi thấy những điều lùm xùm đó thật vô duyên. Tôi cười rú lên, lại cái bệnh hay cười vô duyên của tôi lúc bé bộc phát ra ngay. Tôi buồn cười, sao ở đời lại có lắm kẻ ăn không ngồi rồi, không có việc làm, chuyên soi mói vào chuyện của người khác? Khi mấy người bạn thân nói lại cho tôi nghe dư luận đó. Thấy tôi cười lăn ra, họ cũng phải phì cười theo.

Tôi đã đi qua nhiều dư luận, hay bị các điều tiếng thị phi, nhưng đã cố gắng không gục ngã vì dư luận để tồn tại nhằm đạt được mục đích của mình, nuôi dưỡng con khôn lớn trong lúc phải đảm nhiệm hai vai trò vừa làm cha lại vừa làm mẹ.

Cho đến nay, tất cả sáu con tôi đều đã có xe ô tô riêng, ba con gái tôi đều tự lái xe đi làm. Chắc chắn các cháu sẽ không hiểu được thời của mẹ, cái gì cũng bị dư luận lên án, tôi tin chắc các cháu có nghe kể lại cũng sẽ hỏi sao kỳ cục vậy? Đã có thời người ta sống hơi bị giáo điều ấu trĩ và hẹp hòi. Do đó nếu giải thích các con tôi cũng không hiểu nổi.

Cho đến nay, tôi vẫn tự lái xe đi đây đó, vẫn chở các cháu đi chơi loanh quanh trong ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Tự tôi đã truyền cho tôi có sức mạnh tinh thần mạnh mẽ. Có mấy ai là phụ nữ, từng này tuổi vẫn tự lái xe đi các nơi mà mình thích như tôi. Tôi đã thực hiện đúng câu mà me Kíu tôi đã dạy: “Cái gì làm được thì con ráng mà làm…”.

Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy tủi cho thân phận mình. Đúng là mỗi người một số phận! Có những việc mà người ngoài nhìn vào không hiểu, như vụ cha các con tôi, đấy là người có học vấn nói chuyện nhẹ nhàng… Chính vì cái vẻ bề ngoài giả tạo đó, mà đã lừa được tất cả mọi người.

Khi tôi quyết định li dị, đa số những người xung quanh, kể cả má Hường đều đổ lỗi tại tôi. Tôi chẳng màng, cũng chẳng lo lắng khi bất cứ ai nói gì mình, nếu mà do họ suy luận. Thời gian này tôi rất hay làm thơ con cóc theo hoàn cảnh của mình. Chẳng qua để tự mình động viên mình không được khóc trước mặt các con một lần nào.

Có ai hiểu được bên ngoài tôi là một con người rất cứng rắn. Nhưng bên trong tôi là con người đầy ắp suy tư, có những nỗi khổ tâm riêng. Đúng như lời me Kíu tôi đã dạy: “Ai cũng có nỗi khổ riêng, kể cả con sau này lớn lên cũng có nỗi khổ riêng của con đấy. Con nhớ điều này nhé con!”

*

Tôi biết, các con tôi còn bé cũng giống tôi lúc bé, chúng có những sự xáo trộn về tâm sinh lý, tình cảm khi biết hoàn cảnh mẹ mồ côi. Có lúc vì ham chơi nghe theo bạn mà làm lòng mẹ hơi buồn. Những lúc như thế, tôi cũng cáu gắt, giận dữ. Nhưng trong sâu thẳm trái tim người mẹ, tôi luôn tin tưởng, khi trưởng thành, các con sẽ hiểu hoàn cảnh của mình.

Tôi chỉ còn cách là phải tìm hướng đi cuộc đời mình sao cho đúng và kiên định với hướng đi ấy để tập trung nuôi dạy, đảm bảo cuộc sống cho các con. Một lần nữa, trái tim của người mẹ trong tôi lại chiến thắng. Nay, các con tôi đạ trưởng thành. Các cháu đều hiểu là phải có ý chí, tự lập. Và phải lao động chăm chỉ để có điều kiện đảm bảo cuộc sống cho mình và người thân.

Chia tay người chồng vô trách nhiệm, nhìn lại cảnh bốn mẹ con đơn chiếc, các con không còn người cha bên cạnh. Tôi tự hứa với lòng mình, hạ quyết tâm, vượt qua bằng được mọi khó khăn. Mặc dù tôi biết rõ, con đường phía trước còn quá dài và nhiều lắm chông gai.

Tôi hiểu, các con cũng có nỗi khổ của chúng vì cuộc hôn nhân không thành công của mẹ. Dù cha con cùng sống trong cùng một thành phố, chưa khi nào các cháu được bố quan tâm, thậm chí đến ngày sinh nhật, các cháu cũng không nhận được một món quà nhỏ nào từ bố. Thái độ hành xử với những đứa con mà mình tạo ra của người cha đó, khiến tôi trở nên xem thường, nhất là với một người có học.

Giờ thì các cháu đều đã có gia đình và có con cái. Các cháu đều tự hiểu ra cách hành xử mà người cha đã đối với mình. Nhiều lúc, tôi nghe lén chị em tụi nó nói với nhau: Ba bị bệnh ăn chơi vô phương cứu chữa, là người đặc biệt… hết thuốc. Hoặc khi có ai hỏi, chúng bảo bố chúng nó đi du lịch xa hơn 30 năm mà không biết đường về… Những lúc như thế, tôi thấy lòng đau như có ai đó lấy dao cứa vào. Nhưng tôi biết phải làm sao đây? Chỉ còn cách là bù đắp tất cả tình thương cho con và cháu.

Ngày sinh nhật tôi, các con tổ chức cho mẹ vui với các bạn của mẹ. Một bữa tiệc sinh nhật lớn với 9 bàn tiệc. Tất cả nhân viên của tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh đều về chúc bà sức khỏe. Hoa nhiều vô kể, đủ các loại hoa, kể cả hoa của chi nhánh Hà Nội gởi vào. Tôi cảm thấy tràn ngập niềm vui. Hạnh phúc về các con tôi với các bạn thân của tôi, với toàn thể nhân viên của tôi. Giờ tôi chỉ mong sao, mình có nhiều sức khỏe để sống lâu dài với các con, các cháu của tôi thôi.

Các bạn của tôi đến mừng sinh nhật tôi có Hiền, Minh Hằng, Hồng Vân, và một vài người anh người chị đã thân thiết với tôi suốt hơn nửa thế kỷ nay. Tình cảm đó vẫn trong sáng, vẫn chân tình và vô tư chia sẻ như ngày nào.

Còn đám bạn đời của tôi như chị Tư, Trung Chiến, Ngọc Liên, Trinh, Kim Em, Hồng Anh, Hồng Lê (ole) Tám Triết, Hai Thảo, Anh Năm, Hồng Vân, Hiền, Hai Long, chị Lý, chị Liễu, anh Nhân, Kiều Giang, Hồng Kỳ, Công… Những người bạn này chưa bao giờ bỏ tôi và ngược lại, tôi cũng luôn một lòng chung thủy với tình cảm mà họ dành cho mình. Thật kỳ diệu khi tình bạn của tôi vẫn nồng ấm. Đồng tiền không hề chen chân vào làm phai nhạt tình cảm của chúng tôi.

Điều mà tôi nghĩ đến trong lúc này, là mong muốn các con cháu tôi sau này sẽ hiểu tình cảm chân thật sẽ luôn tồn tại. Tình cảm lâu bền không thể mua được bằng tiền, mà chỉ có thể mua được tình cảm trong từng giai đoạn ngắn. Hi vọng các con tôi cũng có nhiều tình cảm bạn bè bền vững, lâu dài như thế.

Khi tôi còn học ở Mockova. Mùa đông lạnh lắm. Bên ngoài tuyết phủ trắng, bên trong chúng tôi thường tụ tập tán dóc. Có lần Trung Chiến nói: “Mai mốt nếu có ai trong chúng ta trở thành Bộ trưởng, Thứ trưởng nhớ đừng có quên bạn bè. Nếu ai như vậy sẽ nghỉ chơi luôn…”.

Sau này, chính Trung Chiến trở thành Bộ trưởng và là Ủy viên Trung ương. Riêng tôi, tôi chọn con đường làm một người dân bình thường. Và, Chiến đã giữ được lời nói của nó năm xưa. “Tao cảm ơn mày, Chiến nhé! Cảm ơn tình bạn thân thương và chia xẻ của chúng ta đã rất nhiều năm từ thủa chúng ta còn hàn vi.”.

Bây giờ, nhiều khi ngồi ngẫm lại, mới thấy cuộc sống thật không dễ dàng. Khi tôi quyết định nghỉ công việc ở Nhà nước ra làm dân để có tiền nuôi con, tôi đã gặp bao nhiêu là rắc rối. Lúc đó cũng có nhiều người ganh ghét. Một số người lòng ích kỷ cao hơn tình bạn cũng đã tìm mọi cách dìm mình xuống, đạp thêm cho mau chìm. Cũng có nhiều kẻ ăn theo, kiểu dậu đổ bìm leo. Rồi những kẻ đạo đức giả xuất hiện, tỏ vẻ ta đây là lương thiện nên thêu dệt thêm nhiều chuyện thị phi. Nhất là khi biết tôi ký hợp đồng làm Giám đốc cho Công ty nước ngoài. Lúc đó hơi ấu trĩ giáo điều nên tôi bị cơ quan chức năng gọi lên gọi xuống, hạch sách đủ điều. Tôi đã bị đơm đặt bao nhiêu là chuyện ác ý, để làm quà cho người khác. Mục đích của những kẻ đó đều nhằm chứng minh chỉ có họ là người tốt nhất trong thiên hạ.

Tôi đã cố gắng loại bỏ tất cả những người được gọi là bạn đó. Họ chỉ là những kẻ tiểu nhân trên con đường tôi đi. Tôi biết, xung quanh mình còn rất nhiều bạn tốt. Và tôi đã cố vượt qua được bằng ý chí kiên cường và tự tạo niềm tin cho mình. Tôi cảm ơn các bạn tốt của tôi, và tôi luôn biết ơn họ mãi mãi! Hi vọng rằng con cháu của tôi sau này sẽ không gặp hoàn cảnh thảm hại như tôi lúc đó. Những ngược lại, tôi cũng cảm ơn những kẻ tiểu nhân kia, cũng nhờ họ mà tôi đã mạnh mẽ hơn và quyết tâm vươn lên hơn nữa!

*

Bạn đọc quý mến!

Như vậy, chúng tôi đã giới thiệu 20 kỳ tự truyện "Không thể mồ côi" chiếm gần 1/2 nội dung cuốn sách cùng tên. Cảm ơn mọi người đã quan tâm, theo dõi và ủng hộ.

Xin được tạm dừng tại đây, hẹn khi bộ sách tuyển tập CHUYỆN ĐỜI TÔI ra mắt, chúng tôi sẽ giới thiệu tiếp chủ đề "Hành trình hơn 20 năm đi gặp gỡ các nhân chứng và tìm tài liệu minh oan cho cha" để được công nhận là liệt sĩ và truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như thế nào.

______

Rút từ bộ sách CHUYỆN ĐỜI TÔI ngàn trang khổ lớn, do Đặng Vương Hưng chủ biên, dự kiến sẽ xuất bản quý II năm 2022. Ai có tự truyện muốn tham gia, hoặc đăng ký sở hữu bộ sách, xin để lại tin nhắn và số điện thoại.

Theo Trái tim ngưởi lính