Thực ra là sau kiểm tra lại thì kết quả sản xuất kinh doanh thì: Tuy nhà máy của chúng tôi đã xuất khẩu rất nhiều hàng, đồng thời cũng nhập rất nhiều hàng đối lưu, nhưng lại lỗ quá lớn. Thời buổi đó, nền kinh tế bị cấm vận, nên chủ yếu ta nhập hàng về để đổi nguyên liệu và đây cũng chính là kẽ hở cho những kẻ cơ hội kiếm lời bằng cách kê đội đơn giá hàng hóa lên cao…
Cũng từ đâu không biết, lại có tin đồn râm ran do tôi có chút nhan sắc, nên được nhiều người giúp đỡ, nâng đỡ, được tổ chức đào tạo…
Có lần tại hội nghị Đảng của khối Xuất nhập khẩu, một người đã đưa ra câu hỏi xấc xược với chú Bảy:
- Lý do gì các anh lại đào tạo cô Vân?
Chú Bảy đã thẳng thắn trả lời ngay:
- Có hai lý do: Một là cô Vân được Nhà nước đào tạo cơ bản, chịu khó làm việc. Thứ hai, cháu Vân (câu này chú gọi bằng cháu) là con một đồng chí từng vào sinh ra tử suốt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để giải phóng đất nước. Đồng chí ấy vào Đảng trước năm 1940, đã giữ nhiều trọng trách quan trọng ở Trung ương Cục và Khu ủy Sài Gòn Gia Định. Đồng chí đã hy sinh anh dũng vì công cuộc giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài ra, mẹ cháu Vân cũng hy sinh ở chiến khu Việt Bắc khi cháu chưa đầy 2 tuổi … Vậy theo các đồng chí tổ chức đào tạo cháu cho thế hệ mai sau có gì sai trái?
Tất cả những kẻ hèn mọn, kèn cựa đều ngồi im phăng phắc…
Sau cuộc họp đó, cũng có nhiều người lại bắt tay và nói “Em xứng đáng” hoặc “Bây giờ hiểu những tin đồn là không chính xác”.
Thời gian đó, đầu óc tôi lúc nào cũng bị căng thẳng. Tôi vẫn đi làm đều đặn và làm tròn bổn phận của một Phó giám đốc. Nhưng ở bên trong tinh thần tôi cảm thấy rất mệt mỏi, cô đơn, tôi thấy mình bị cô lập.
Đến tháng 9 năm đó, một hôm ông Mười gọi tôi đến nhà ông chơi, ông nói với tôi: “Dù gì thì bác cũng công nhận cháu giỏi và bản lĩnh” (thực ra, tôi đâu có cần câu nói này) tôi chỉ cần ông Mười nói với tôi là: “Bác có sai sót và sẽ điều chỉnh lại”. Nhưng ông ta lại nói tiếp: “Bác thấy cháu khổ quá, một mình phải nuôi ba con nhỏ. Bác sẽ cho cháu tiền và giúp cháu đi vượt biên qua tới đảo. Rồi bác cho các con của bác bảo lãnh cháu vào Úc”…
Tôi không trả lời gì cả, vì lúc đó tôi đang ngồi ở nhà ông Mười. Về nhà tôi cũng không dám tâm sự gì với hai em của tôi. Lý do là các em còn đang rất trong trắng, giống như tôi trước đây. Nghĩ trên đời lại có người xảo quyệt vậy, tôi sợ đến tính mạng của các con tôi và chính tôi.
Do hoang mang đến tính mạng của mình, nên có một lần tôi nói với Hồng: “Nếu chị có gì thì em ráng nuôi các cháu giúp chị”…
Tôi vội vàng tìm lên gặp chú Bảy Dự và anh Mười Lù và chú Năm Xuân. Tôi kể lại câu chuyện ông Mười nói cho tôi tiền để đi vượt biên. Chú Bảy nói:
- Để chú nghĩ cách.
Còn chú Năm thì cười sang sảng:
- Bay đi đâu? Ba bay là ai mà thằng cha đó xúi bay vượt biên? Để tao bàn với chú Bảy của bay… Cẩn thận kẻo bọn nó chơi xấu…
Chú Ba Châu cũng gọi lên dặn không được đầu hàng, nhưng phải cẩn thận. Các chú ở quá xa và trên cao, các chú không thể hình dung được cảnh tượng hàng ngày tôi đi làm bị cô lập và bị xì xầm khổ sở đến thế nào.
Đúng thời gian đó, bác Mười Cúc chuẩn bị lên Tổng Bí thư. Bác có đến thăm nhà máy, vì nghe báo cáo xuất khẩu hàng năm được nhiều hàng. Tôi với tư cách là trong ban lãnh đạo đón tiếp. Bác nhận ra rồi ôm tôi vào lòng và dặn dò nhiều thứ.
Chiều hôm đó ông Mười gọi vào phòng hỏi:
- Bộ ông Út biết ông già cô phải không?
Tôi chỉ trả lời:
- Đúng, họ có ở gần nhau hơn 10 năm trong chiến tranh…
Ông ta im lặng không nói gì cả. Tôi ra về cứ thắc mắc mãi tại sao ông ta hỏi câu đó. Mọi chuyện xảy ra liên tiếp nhưng tôi chưa một lần nào hỗn láo với ông Mười và ông Ba.
Khi có phong trào “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi làm đơn xin ra làm dân. Trong đơn tôi nói rất rõ khi vào Đảng tôi rất vô tư và trong sáng nhưng tôi thấy một số đảng viên quanh tôi không như vậy… Ngoài ra tôi nói rất rõ tình hình kinh doanh ở nhà máy và phân tích tình hình nguyên nhân gây lỗ ở nhà máy gởi cho Thành ủy…
Sau này tôi chỉ nghe nói bức thư đó là cơ sở cho thanh tra vào làm việc với nhà máy nhiều ngày, rồi cũng tìm ra “Những điều mờ ám”. Tôi không đợi quyết định của tổ chức. Tôi bàn giao kỹ lưỡng công việc của tôi cho ông Phó giám đốc - người luôn thích làm ra vẻ quan trọng và về nghỉ ngay.
Cuối cùng thì trời có mắt, sau đó Thành ủy cho người về kiểm tra nghiêm túc và phát hiện nhiều sai sót.
Nhiều năm sau tôi vô tình gặp lại ông Mười trong một bữa tiệc, ông nói với tôi:
- Trong tất cả các hàng ngũ Phó của bác, phải công nhận cháu là người giỏi.
Rồi ông kể, sau đó bác mở hai cơ sở chế biến riêng nhưng cũng bị thất bại và phá sản. Tôi nghĩ cũng đúng thôi, trước đây ông ta thành công vì dựa vào tên tuổi và vốn của Nhà nước ưu đãi về mọi mặt.
*
Thời gian đó tôi khó khăn vô cùng vì chưa xác định được tôi đã làm gì để sống nuôi con. Các bạn tôi vẫn đứng bên tôi đầy đủ, nhưng các bạn tôi cũng làm cũng chỉ vừa đủ nuôi con. Câu nói “Vân ơi tự đứng dậy đi” của các bạn khích lệ tôi vô cùng.
Trong lúc đó thì các chú ở Thành ủy và Ủy ban vẫn cho gọi và bảo: “Thôi cháu hãy quay lại làm việc cho Nhà nước đi. Các chú sẽ tạo điều kiện thuyên chuyển cháu qua đơn vị khác”.
Em Hồng đã có việc làm. Em đi dạy ở trường đại học. Thanh chồng Hồng nhập ngũ vào quân đội đóng ở Vũng Tàu…
Lúc đó thì cháu Mai phát bệnh liên tục, còn cháu Còi lại lên cơn suyễn hàng đêm. Cái cảnh bốn mẹ con dắt díu nhau vào bệnh viện nhi đồng cùng ôm ẵm bế nhau, cùng ăn cơm bệnh viện là thường xảy ra liên tục… Người tôi gày đét, như con mắm.
Ngọc tốt nghiệp Tiến sĩ ở Liên Xô về, xuống tôi tâm sự và em khóc…
Tôi chẳng biết nói thế nào chỉ an ủi em:
- Ráng chịu đựng. Chị cũng đồng ý là má được quyền lấy chồng, vì ba đã hy sinh…
Những lần Hồng hay Thu tâm sự, tôi thường trả lời:
- Má Hường lá má của các em, chứ không phải má chị.
Tôi biết, câu nói đó là tàn nhẫn. Nhưng hoàn cảnh của tôi lúc đó, tôi biết nói gì với các em. Cho dù tôi cũng thương xót cho hoàn cảnh của các em. Giờ ngồi nhớ lại và viết những dòng này, tôi chỉ muốn nói: “Cho chị xin lỗi các em”.
Ba tháng sau khi tôi nghỉ việc Nhà nước, tôi được ông Ba Hùng, Trưởng Ban Tổ chức gọi lên mắng xối xả, vì tội tôi đưa đơn xong là nghỉ ngay. Phê bình kiểu gì tôi cũng nhận, nhưng còn kêu quay lại làm việc tôi xin từ chối. Tôi đang cố gắng tìm một con đường cho mình để nuôi sống bản thân và các con.
Cuối cùng thì chú Bảy, chú Năm và bác Hai Văn đều dặn: Cháu cương quyết ra làm tư nhân một thời gian cũng được. Nhưng nếu liệu không kham nổi thì cứ quay lại, tổ chức sẽ sẵn sàng đón nhận.
Cũng may, tôi nhận được quyết định cho tạm nghỉ việc một thời gian chữa bệnh, nên nhận được ít tiền. Nhưng rồi tiền dành dụm cũng cạn kiệt.
Tôi bắt đầu hành trình đi tìm công việc mới trong khi đầy lo lắng. Đến lúc này, tôi có cảm giác rằng tôi được ông bà tổ tiên, cha mẹ tôi giúp đỡ góp sức nên tôi đi thi ở đâu cũng đậu. Có lẽ do lúc làm ở Bộ Ngoại giao B tôi đã học được cách tổng hợp kiến thức và phương pháp suy luận. Thời gian dạy học đã cho tôi phương pháp tập hợp cách diễn đạt sao cho ngắn gọn, để mọi người dễ hiểu, trình bày theo cách đơn giản nhất mà rõ ý nhất…
Tôi đã đi thử việc ở 4 Văn phòng Đại diện Công ty nước ngoài ở Việt Nam và đều được chấp nhận. Chỉ còn lại là thỏa thuận mức lương và công việc cụ thể. Lúc đó thì tôi lúng túng vô cùng, không biết tham khảo ai lúc này? Các bạn tôi đều làm việc cho Nhà nước. Me Kíu tôi thì đã đi xuất cảnh qua Canada với cô Sâm em ruột của bà. Hỏi má Hai lúc đó ở Cần Thơ thì bà bảo: “Con thấy cái việc nào phù hợp với con nhất thì con làm, chú ý ký hợp đồng ngắn hạn tôi, để còn có đường rút.”
Nhà gần hết tiền, có lúc thực sự tôi không còn đồng xu nào cả. Em Hồng lúc đó vừa tách ra ở riêng có một căn nhà nhỏ để sống tự lập. Về đêm, tôi cảm thấy bơ vơ và cô đơn. Nhưng cứ có mặt trời mọc là tôi lại phấn chấn, buộc mình không được lùi buớc.
*
Tôi quyết định sẽ đi làm ở một Văn phòng đại diện của một Công ty nước ngoài. Tôi chọn Công ty của một Việt kiều về Việt Nam kinh doanh với hai lý do: Tôi còn dốt tiếng Anh nên làm cho một Việt kiều sẽ có điều kiện học thêm tiếng Anh và cũng đỡ bị lúng túng ban đầu.
Những ngày đầu quá vất vả, tôi nói với Hồng cho tôi gởi ba con ở nhà Hồng vì dì chưa có con và dì lại là cô giáo, nên có thể chăm lo việc học của các cháu. Hồng đã giúp tôi thực sự, tiền làm ra tôi chia về cho Hồng chi tiêu chỉ giữ lại một ít. Lúc đầu đi làm lương chỉ 400 USD, với tôi như vậy là quá đủ. Tôi vẫn sang nhà anh Mười Lù ăn chực cơm của anh chị và tìm thấy tình cảm chân chất đôn hậu của một người nông dân Củ Chi chính hiệu rất ngay thẳng.
Lúc đó tôi quyết định bán căn nhà ở cư xá Lữ Gia, vì ở quận 11 quá xa để đi làm ở quận 1. Bán nhà xong, tôi gom góp số tiền đi làm dành dụm được, vay thêm bạn bè một ít mua căn nhà ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, số 26/2B. Nhà tốt hơn, đẹp hơn và cũng sạch hơn. Đây cũng là căn nhà đầu tiên tôi tự mua được. Phấn khởi vì đã có công việc làm và được mọi người cũng cư xử tốt với mình. Tôi cũng có tiền để đưa cho Hồng đi chợ, lo cho các cháu.
Ngoài ra tôi còn tự đi học thêm tiếng Anh ban đêm. Lúc đó, lại có chuyện xảy ra: Một ngày, trên tờ báo Tiền Phong xuất hiện bài báo do phóng viên Minh Diện viết, mắng tôi với ý rằng: “Người được Nhà nước và Đảng giáo dục, đào tạo, nay lại bỏ Nhà nước đi làm cho Tư Bản”. Bài báo thử so sánh mức lương của tôi với cán bộ Nhà nước, yêu cầu phải thu thuế tôi trên 60% cho công bằng.
Lúc đó, tôi vừa được lên lương 800 USD/tháng. Thế là mọi việc lại ồn ào lên. Mặc dù hợp đồng tôi ký thông qua cơ quan quản lý người nước ngoài. Và tất cả người Việt Nam làm việc cho công ty nước ngoài đều có đóng thuế đầy đủ.
Tôi đi tìm gặp nhà báo nọ, nói thẳng với ông ta rằng tôi không hại ai, tôi không phản bội Tổ quốc, chỉ đi làm để kiếm tiền nuôi con… Ông ta dọa tôi rằng ông ta sẽ tiếp tục viết bài về tôi. Lúc đó tôi không kìm chế được nữa, tôi nói vậy ông cứ viết cái gì ông thích, viết gì tôi cũng không sợ…
Đúng là trời lại có mắt… một thời gian sau, cũng chính báo đó đăng tin, nhà báo nọ bị ra tòa vì đặt điều và viết sai sự thật về một vấn đề của cơ quan trực thuộc tổ chức quân đội… Nghe nói ông ta bị cấm hành nghề nhà báo từ đấy. Vì cơ quan đó kiện ông ta ra tòa, tòa xử ông ta sai trái hoàn toàn.
Giải quyết xong việc này lại tới chuyện khác. Thời gian đó, tôi đã học và tự lái xe ô tô đi hàng ngày.
Một hôm, anh Mười Lù bảo: “Bay làm cho tụi nước ngoài, có một anh bên bảo vệ đến đây gặp tao. Nó yêu cầu tao không cho bay đến thăm ông Năm Xuân. Tao nói thẳng: Con Vân nó tới chơi, nó có làm cái gì sai mà tụi bay sợ.” Anh dặn tôi: “Bay ráng đừng vi phạm Pháp luật và Chính sách Nhà nước điều gì. Tụi nó đang theo dõi mày, vì nó sợ bay theo giặc, hoặc cung cấp thông tin cho giặc.”.
Khi tôi đi xin hộ chiếu, thì được trả lời là: Cơ quan chức năng sẽ tạm thời không cấp hộ chiếu cho tôi đi đâu cả. Chú Bảy Dự với cương vị Phó Bí thư Thành ủy gọi đến dặn dò: “Hiện bên kinh tế đang theo dõi con. Vì có quan điểm con là con của bố Đạo, mà lại đi làm cho nước ngoài.”
Sự việc tôi bỏ Nhà nước xin ra làm việc bên ngoài lúc đó còn là hành động mới lạ, cũng giống như việc “cầm đèn chạy trước ô tô”. Vậy nên, việc quyết định ra bên ngoài làm của tôi cũng không suôn sẻ. Cái mà tôi căm ghét mỗi khi nhớ lại là: Khi mình bị như vậy, thì có một số người cũng quen biết mình lại nói ra nói vào và bịa đặt ra đủ thứ chuyện, gây điều tiếng cho tôi.
Tôi đã tự tìm ra đường đi cho mình. Tôi không cãi cọ hoặc trả thù ai cả. Tôi nghĩ, họ muốn nói gì thì đó là quyền của mỗi người. Họ có mồm miệng cứ mặc sức mà nói. Song, tôi luôn tự nhủ với lòng mình: Hãy cố gắng, đừng có vi phạm luật pháp mà ảnh hưởng đến vong linh của bố. Cái gì làm được tôi quyết làm, không nề hà gì cả. Tôi thực hiện đúng lời me Kíu dạy khi còn bé: Mình làm gì, miễn không trộm cắp là được.
Dần dần, tôi cũng trả hết tiền vay mua nhà ở Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tôi vẫn hay lên thăm chú Bảy, chú Năm, chú Ba, bác Hai Văn… Các chú các bác rất thích nghe những câu chuyện của tôi kể về những người đi làm thuê cho Tư Bản thời gian trước khi đất nước ta mở cửa và tự đổi mới.
Những người đi làm bên ngoài cho Tây thật sự là nặng nề. Cũng vì những tin đồn thất thiệt. Một số người còn suy diễn ác ý: “Vì ba con Vân từng làm trùm tình báo, nên tụi nó (tức nước ngoài) mới nhận nó vào làm để hòng moi tin tức”… Chuyện chẳng ra đâu vào đâu cả mà cũng lan truyền và ầm ĩ.
Thực tế, thời đó rất ít người Việt Nam làm cho nước ngoài, vì chưa có chính sách mở cửa kinh tế và cũng chưa có chính sách, quy định cụ thể cho người Việt Nam làm cho người nước ngoài. Nên việc tôi đi làm cho công ty nước ngoài trở thành cái gai trong mắt mọi người.
(Còn nữa)
______
Rút từ bộ sách CHUYỆN ĐỜI TÔI ngàn trang khổ lớn, do Đặng Vương Hưng chủ biên, dự kiến sẽ xuất bản quý II năm 2022. Ai có tự truyện muốn tham gia, hoặc đăng ký sở hữu bộ sách, xin để lại tin nhắn và số điện thoại.
Theo Trái tim người lính