link tải gowin99 mới nhất

"Không thể mồ côi" (Kỳ 13): NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU LẦN LƯỢT VÀO CHIẾN TRƯỜNG CHO TRẬN ĐÁNH CUỐI CÙNG

Tôi nhớ ngày Hoài Nam con má Hai được đi học ở đại học Liên Xô, sau khi em tốt nghiệp phổ thông. Em cao lớn như Tây và giọng nói sang sảng giống bác Hai như đúc. Hoài Nam chỉ có giống má Hai là cận thị. Trước ngày lên đường, em xuống tôi chơi một ngày. Nam bế cháu Đào, cậu cháu tung tăng. Nhớ lại hôm đó cháu Đào đã tè ướt hết cả áo của cậu Nam. Tính Nam hiền và siêng năng lắm, ít nói nhưng rất tình cảm.
chuytraitim2q-1640487757.jpg
Bà Bùi Ngọc Hường (tức Năm Ngọc) và anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc khi còn trẻ (tư liệu của gia đình tác giả).

 

Tháng 6 năm 1974 má Hai lên đường đi B. Theo như má nói là đợt này sẽ đánh tổng lực trận cuối cùng. Chiều hôm tôi ở nhà má, cùng má xếp ba lô. Lúc chia tay má dặn tôi:

- Má vào Nam lần này, kết hợp sẽ tìm hiểu xem má Hường đang ở đâu? Còn ba con thì, má hi vọng tin tốt lành về ba. Má nghĩ có lẽ ba con đang ở đâu đó. Hai ngày trước đó, má Hai đến báo cho mẹ tôi là bà vào chiến trường. Má đưa cho tôi 30 chục đồng, dặn để cho bé Đào của phòng thân khi đau ốm. Trước lúc lên xe má còn dặn dò: “Con nhớ nhà mình có em Thu, em Phong còn ở trong Nam và kỳ này má sẽ về tìm hai em cho con”. Má Hai cũng nhắc tôi nhớ yêu thương Thanh Hải (con duy nhất của bác với bác Hai Tiên).

Riêng với Hồng và Ngọc, má Hai bảo:

- Ngọc má không lo, má chỉ lo lắng cho Hồng vì nó lì lợm. Con nhớ nhỏ nhẹ với em vì em đang còn nhỏ.

Cuộc đời hình như là những cuộc chia tay nối tiếp nhau. Chín tháng trước, tôi đã chia tay bác Hai Tiên, chồng sau của má vào chiến trường. Bác Hai người đẹp như tiên mà tính hiền như bụt. Bác rất tâm lý và tế nhị. Nay lại đến má Hai ra đi. Nghe nói quân ta dồn hết binh lực cho trận đánh cuối cùng mà!

*

Một ngày tháng 5 năm 1974, tôi được Phòng Tổ chức của cơ quan báo đi xuống ga Giáp Bát, đón má Hường. Thì ra, má vừa được địch trao trả tù binh ở Bù Đốp, được tổ chức cho ra Bắc chữa bệnh và an dưỡng. Đạp xe đến nơi, tôi thấy má Hường quấn khăn rằn, người gày yếu, xanh xao không thể tưởng. Đi cùng với má là chị Võ Thị Thắng, rồi kế đến là dì Một lớn tuổi, rất yếu… Nghe nói dì Một ở tù Côn Đảo mấy chục năm. Dì là một trong những người mà Pháp chuyển cho phía Mỹ tiếp tục nhốt tù từ năm 1954 mà không trao trả cho ta.

Má Hường không nhận ra tôi, vì tôi quá lớn. Khi tôi thông báo bà đã lên bà ngoại, má bật khóc. Rồi má nói: “Phải chi còn cha con”.

Má Hường được đưa về K5B Quảng Bá chữa bệnh. Chị Võ Thị Thắng nói nhỏ cho tôi nghe: “Em nhớ, má em hay lên cơn thần kinh lắm. Ở trong tù má lên cơn hoài. Khi má có về thăm nhà đừng nhắc nhiều về cha”. Nhìn chị Võ Thị Thắng, tôi thấy mình quá nhỏ bé và tầm thường. Trông chị hiền dịu, nhỏ nhẹ, lại đẹp gái. Chị là biểu tượng của cả một thế hệ thanh niên chúng tôi về lòng quả cảm.

Càng ngắm chị Thắng, tôi lại càng khâm phục, tự hỏi: Tại sao những con người bình dị lại có ý chí vĩ đại như vậy? Nghĩ thấy mình thật tầm thường và không có mấy ý chí để phấn đấu. Thật đáng hổ thẹn khi mình và chị cùng lứa tuổi…

Thỉnh thoảng, vào ngày chủ nhật, hai vợ chồng tôi chở Đào lên thăm bà Hường ở K5B. Ở đây tập trung toàn những cô chú, anh chị ở chiến trường và nhà tù ra. Nhìn các dì các má tôi thương lắm. Có bất cứ thứ gì là gom lại cho bé Đào hết.

Tôi nhớ mãi có một lần, Lúc đó là vào mùa hè. Trời nóng nực, buổi tối, khi thấy hai bà cháu đã ngủ, tôi mắc màn. Ai dè, lúc đó bà chưa ngủ. Thấy cái bóng của tôi in lên tường thế là bà bật ngay dậy, cứ thế bà hô: “Đả đảo Đế quốc Mỹ, đả đảo đàn áp, đả đảo chào cờ!…”.

Bà hát các bài hát trong tù mà bà từng hát, giọng bà rất to, giống như đang trong biểu tình, rồi bà lại hô: “Đả đảo Đế quốc Mỹ! Bác Hồ muôn năm”… Tôi sợ quá bật khóc, má của Minh, cô Quảng và mọi người chạy sang cũng khóc. Vì ai cũng biết má Hường vừa từ tù Côn Đảo về…

Một thời gian sau, má Hường được đi chữa bệnh thần kinh ở Đức. Đoàn phụ nữ Miền Nam lúc đó chỉ có ba người đi chung một lần: Má Hường, dì Nga (vợ bác Ba Duẩn) và chị Võ Thị Thắng.

Trước ngày đi chữa bệnh, má Hường về nhà tôi, mang theo đủ thứ, chủ yếu thức ăn mà ở K5B mọi người có tiêu chuẩn đặc biệt dùng không hết. Cả thức ăn dư má cũng gom về, bảo đem về kẻo uổng… Bà vẫn hay lên cơn, những lần sau này tôi đã bớt sợ và biết cách xử trí, còn bé Đào thì sợ lắm.

Có một câu chuyện vui, nhưng cũng cảm động: Một hôm tôi đi làm về thấy má Hường xào một loại rau ăn rất lạ. Má nói con ăn đi, má xào có cả hành mỡ, cho cả bột ngọt vào rồi ngon lắm đấy. Tôi ăn thử không được, tôi kêu chát lắm. Thế má lớn tiếng hỏi tại sao ngon thế mà còn không chịu ăn. Trong tù, má và mọi người vẫn nhặt vỏ chuối ăn. Có vỏ chuối là hiếm lắm và quý lắm. Ở đây còn có cả mỡ, có cả bột ngọt rồi mà còn chê… rồi má khóc. Tôi chả biết nói thế nào trong trường hợp đó. Má và các đồng đội của má đã phải sống trong tù quá cực khổ.

Má Hường rất thương bé Đào. Lúc nào má cũng nhắc đến em Thu bao nhiêu năm chưa gặp mặt, không biết bây giờ em ra sao? Lúc tỉnh táo, má có kể cho tôi nghe câu chuyện má nói ba con kể lại lúc ở Nam Vang.

Những năm còn hoạt động bí mật, lâu lâu ba con đi ngang có xuống Cần Thơ. Cũng có lần ba con cải trang đứng bên này đường cả buổi nhìn sang nhà cậu Tư. Chỉ hi vọng nhìn thấy em Thu một lần, nếu nó chạy ra cửa, xem hình hài của Thu ra sao. Nhưng ba lần đi ngang, ba con cũng không thấy bóng dáng Thu đâu. Vì bí mật tuyệt đối, một phần thời gian đó là Mỹ ngụy thi hành luật 10/59, truy tìm và diệt Việt Cộng đến cùng nên ba con không có điều kiện gặp em lần nào. Mỗi lần kể lại chuyện này, bà cũng khóc.

*

Cuộc sống vẫn cứ thế trôi đi. Tôi đi làm bình thường và được mọi người ở vụ B8 giúp đỡ, chỉ bảo, hướng dẫn tận tình. Một hôm tôi được cô Loan ở tổ chức đưa cho tôi vào gặp một người phụ nữ mới từ Paris về. Đó là cô Chơn (sau này là Thứ trưởng Bộ Tư pháp). Gặp tôi, cô rất vui và nhẹ nhàng. Cô dặn con cứ gọi cô bằng “dì” cho thân mật. Cô hỏi thăm tin cha tôi, tin má Hường và cuộc sống của tôi… Sau đó, chậm rãi kể:

“Hồi kháng chiến chống Pháp, dì là nữ sinh Sài Gòn vào căn cứ tham gia hoạt động Cách mạng. Là con nhà khá giả, được cưng chiều, nên với dì cái gì cũng mới mẻ, lạ lẫm và gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Vì dì biết tiếng Pháp, nên cha cháu lúc đó ở Bộ Tư lệnh Nam Bộ đưa tài liệu cho dì đánh máy, sau đó chuyển lại cho cha xử lý”.

“Cha có tâm sự tất cả chuyện riêng tư cho dì nghe. Cha cháu nói có cháu tên là Vân gởi lại cho người quen nuôi dưỡng. Chuyện má cháu mất ở Việt Bắc. Cha cháu rất tốt, rất hiền và đứng đắn. Anh thật lòng lắm. Cha cháu có hỏi dì làm vợ. Lúc đó dì còn quá trẻ, lại nghe nói có cháu. Dì sợ cha cháu cũng như vài người khác vẫn còn vợ ngoài đó mà vẫn muốn lấy vợ thêm, nên từ chối. Dì chỉ coi ba cháu như một người anh. Thời gian sau cha cháu lấy má cháu...

Lúc ở gần làm việc, dì thấy cái miệng của cha cháu một bên môi phía trái ở dưới hơi bị méo. Nghe anh kể, lúc học ở trường con Tây anh đá banh, đánh nhau, con Tây cầm dao đâm cho một nhát nên có sẹo…

Sau này dì lấy chồng, chú Trần Bạch Đằng cũng lại có miệng còn méo hơn ba cháu. Hai ông mỗi lần đi họp khu ủy hay gặp nhau. Ba cháu lại chơi thân với chú Đằng, nên có lúc ông nói vui “Cái miệng méo của ông thắng cái môi méo của tôi rồi”. Chú Bạch Đằng và cha cháu ở chung chiến trường nên thân nhau lắm.

Dì Chơn cứ chảy nước mắt khi nhắc đến chuyện của cha tôi. Dì dặn tôi: “Con nhớ sống cho tốt để xứng đáng với cha con nhé, cha con là người tốt lắm. Dì không chê gì ba con, nhưng lúc đó dì còn trẻ…”.

Cuộc đời có những cuộc gặp gỡ tình cờ thật lạ. Dì Chơn có cho tôi một cái khăn quàng đem từ Pháp về và một gói kẹo của Pháp. Dì biết tôi được vào làm việc cơ quan này là do bác Hai Chánh và cô Loan. Hỏi sao dì không làm má của cháu? Dì Chơn cười nói: “Ấy, chưa chắc làm má con lại sướng đâu đấy nhé!” Cả dì và cô Loan cùng cười. Lúc chia tay cô bảo rằng “ráng làm việc cho giỏi con nhé!”.

Về vụ tôi mới biết, dì Chơn là người phụ nữ ở Hội nghị Paris của đoàn Chính Phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Trong ảnh, dì luôn ngồi cạnh Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, lúc đó tôi ao ước được đi đây đi đó như các cô, các dì...

Thời gian trôi đi thật nhanh, cô Loan, dì Chơn, bác Trần Bạch Đằng, chú Hoàng, chồng cô Loan, bác Hai Chánh và bác gái tên Sương đều đã bay lên trời. Nay thì tôi đã thực hiện được điều mà tôi mong ước. Có phần còn được tự do đi lại hơn các cô ngày xưa. Tất nhiên, các cô là đi làm nhiệm vụ quan trọng cho đất nước, chịu trách nhiệm nặng nề trong đàm phán hòa bình ở Hội nghị Paris. Phải kiên trì, đấu trí, làm sao thuyết phục được… toàn thế giới ủng hộ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của đất nước mình. Ngày nay, tôi chỉ đi có mỗi hai việc: Hoặc là đi giao dịch kinh doanh, hoặc là các chuyến du lịch.

Trong Vụ B8 của tôi có một số chú lại lên đường vào chiến trường. Người đi đầu tiên là chú Năm. Chú được bổ sung lực lượng cán bộ cho Chính phủ Cách mạng lâm thời.

Khi còn nghèo gia đình tôi cũng đầm ấm. Chồng tôi đi làm về cũng phụ tôi chăm sóc bé Đào. Còn tôi thì cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Tình hình thực tế ngoài Bắc lúc đó là tất cả cho tiền tuyến, cuộc sống đơn giản nên muốn ăn chơi cũng khó. Do đó anh là người cha, người chồng tốt.

Đầu năm 1975, chồng tôi về thông báo anh được bổ sung vào quân số đi B tăng cường chi viện cho chiến trường Miền Nam. Chồng tôi đi rồi, mọi việc trong nhà vẫn diễn ra bình thường.

Lâu lâu, chú Sơn ở Thái Nguyên về thăm cháu, tính chú vẫn hiền lành vậy. Chú thím tôi cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc như bao cán bộ nhà nước ở Miền Bắc lúc bấy giờ. Còn me Kíu tôi vẫn đi làm, tối về làm thêm ít bánh mứt theo đơn đặt hàng của người quen. Bà sống cam chịu im lặng và nhẫn nhịn. Lúc này thì tinh thần bà khá hơn do đã được hạ thành phần.

Mấy năm trước, chú Minh Vân được đưa ra Bắc chữa bệnh. Trong trận đánh tổng tiến công ở Huế. Anh em đã tìm được chú và vài người tù khác ở ngục chín hầm. Chú là tác giả của 3.000 câu thơ “Sống trong mồ”. Lúc đó chú bệnh nặng lắm, cơ thể gày gò, xanh xao, đường ruột hư hết. Nhưng chú vẫn hiền lành như xưa. Chú hay nói với tôi chú may mắn, vì dù sao chú cũng còn sống để được còn gặp lại gia đình, còn bố cháu thì…

Mẹ tôi bảo cả bác Hùng Tàu (là người lái xe đưa đội biệt động đánh vào tòa Đại sứ Mỹ hồi Tổng tiến công 1968), cả bác Mười Hương hiện nay đều đang dưỡng bệnh và làm kiểm điểm suốt thời gian hoạt động bí mật và thời gian ở trong tù cần phải được làm rõ… Tuy vậy, lâu lâu tôi vẫn thấy mọi người có mặt ở nhà me Kíu.

Chú Minh Vân được cấp nhà ở số 6 phố Nguyễn Huy Tự. Những người bộ đội Cụ Hồ mà tuổi thơ tôi từng gặp ở nhà mẹ, sau đó thì họ đều đi học ở “Liên Xô”. Nay trở về ai cũng ốm yếu vì bị bắt vào nhà tù của Mỹ ngụy… Riêng cha tôi thì không bao giờ về nữa.

Bé Đào, con gái tôi càng lớn càng mập, nước da Đào có sáng lên một chút, nhưng vẫn là Đào đen, tính cháu ít nói, hiền lành. Tôi vẫn thân với gia đình của Minh ‘mập”. Nhiều lần Minh cứ nói để đưa tôi đi gặp bác Ba. Nhưng tôi ngại, vì ông làm lớn quá. Minh bảo nó đã hỏi và bác Ba vẫn nhớ cha tôi, vì hai người từng ở với nhau lâu lắm. Kể cả lúc hoạt động bí mật trong nội thành Sài Gòn… Tôi rất muốn gặp bác Ba để hỏi thêm chuyện về ba tôi. Thậm chí có lần bác Ba còn kêu Minh đưa tôi lên. Nhưng cứ nghĩ đến nhà ông có nhiều bảo vệ, là tôi nhụt ý, không muốn đi nữa.

Sau này nghĩ lại, tôi thấy mình dại quá. Phải chi tôi nghe lời của Minh thì có lẽ tôi sẽ biết thêm nhiều chuyện về cha nữa. Cũng có lần chú thư ký của ông đến nói với tôi rằng, bác Ba kêu có rảnh cháu lên gặp ông cho biết mặt. Không hiểu sao lúc đó tôi lại ngu như vậy. Đáng ra tôi phải lên để hỏi về cha mình… Lúc đó tôi còn trẻ, chứ không phải tôi bây giờ, để có thể hiểu đúng giá trị của lịch sử.

*

Má Hường đi chữa bệnh ở Đông Đức, có ghé qua Liên Xô gặp được em Ngọc ở Moskva. Khi má Hường về thì má Hai cũng đã đi, chồng tôi cũng đã đi vào B, bổ sung lực lượng cho Tổng tiến công. Sức khỏe của bà khá hơn nhiều, tuy vậy nhiều lúc vẫn còn lên cơn. Thời gian này tôi mới thấy tính tình má có nhiều sự thay đổi, không còn là má Hường ngày xưa tôi gặp lúc má ở trong thành nữa. Tính má dạo này dễ cáu gắt, hay la mắng những cái không đáng và tính có nhiều thay đổi rất khó chịu.

Tự tôi phải cố gắng tìm ra lời giải đáp, không bao giờ cãi lại hoặc gây gổ với má để không bị mang tiếng là con riêng của cha hỗn với má sau. Tôi tự cố gắng thuyết phục bản thân mình. Tôi nghĩ má bây giờ rất khác xưa, là do ở tù bị tra tấn, ảnh hưởng tác động thần kinh. Cách lý giải này giúp cho tôi có thể chịu đựng được tính khí thất thường và kỳ cục của má.

Nghe kể bác ba Duẩn cũng có gặp má Hường đôi lần khi nghe tin má ra chữa bệnh, vì ông biết má là vợ của ba tôi từ thời chống Pháp. Nghe má nói má lấy ba tôi là được sự đồng ý của bác Ba Duẩn. Má kể lại thời kỳ ba tôi vượt ngục bị bệnh lao nặng, chính bác Ba Duẩn trực tiếp gọi má đến phân công đi B với hai nhiệm vụ là: Công tác và chăm sóc sức khỏe cho Năm Thu. Cơ quan tôi có sự chuẩn bị rầm rộ, đúng với tinh thần tập trung tổng lực cho trận đánh cuối cùng.

*

Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 khoảng một tháng, cơ quan tôi rục rịch nhộn nhịp dữ lắm. Kẻ đi, người ở, lúc nào cũng có sự chia tay, mà là sự chia tay trong không khí hồ hởi, phấn khởi. Mọi người bắt tay, cười nói, hẹn gặp nhau ở Khu 5, Khu 6, hay Nam Bộ là thường tình.

Ai đi cũng mặc quân phục giải phóng. Chẳng gì thì đây cũng là bộ ngoại giao của quân giải phóng, của Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam. Lúc đó, cái tên này nghe oai lắm và linh thiêng lắm. Các cuộc ra đi nhanh đến mức không có buổi liên hoan chia tay nào cả, chỉ hẹn nhau ngày gặp mặt ở niền Nam…

Sáng nào cũng thế, cả cơ quan tôi đều ngóng chờ tin chiến thắng từ Miền Nam, tin phản ứng của địch, tin các bạn bè Năm Châu ủng hộ Chính phủ lâm thời ngày càng rầm rộ… Khí thế hừng hực, phấn khởi cho trận đánh cuối cùng… Ai ai cũng chờ đợi giờ G chờ tin thắng lợi. Cơ quan tôi cô Ba Định, bác Hữu Thọ, chú Trần Văn Thành… ra vào liên tục.

Gần ngày 30 tháng 4, tin mặt trận đưa về từng giờ, từng phút. Tôi lại ở Vụ Thông tin Báo chí nên mừng đến mức rộn rã suốt cả ngày… Sáng ra gặp nhau, đều nghe mọi người hỏi tin tức từ mặt trận nào ra…

Chờ đợi mãi rồi Ngày Toàn thắng năm 1975 đã đến!

Cơ quan tôi reo hò vang trời. Mọi người ôm chầm lấy nhau, nhảy hét la lớn: “Chiến thắng, chiến thắng rồi!”. Lãnh đạo cơ quan tôi họp ngay, thông báo tình hình chiến thắng hoàn toàn. Có người khóc, có người cười, ai cũng ôm nhau vui mừng ngày chiến thắng.

Chiến thắng quá lớn sau 21 năm chờ đợi, chiến thắng đã đến, nghĩa là sự sum họp của chia cắt đã đến.

Hai ngày sau bác Hai Chánh gọi tôi lên: “Bác vào Sài Gòn đây, con sẽ đi sau nhớ vào đến tìm bác nhé! Có thể Ba con còn ở trong một nhà tù nào đấy. Cũng có thể đã hy sinh nhưng ta cứ hi vọng. Khi tới ban quân quản Sài Gòn, con nhớ tìm bác và bác gái nha con”!

Chia tay người bác quý mến ở cơ quan đã động viên tôi rất nhiều về tinh thần, ơn nghĩa đó không bao giờ có thể quên được. Tôi cũng sửa soạn vào, em Hồng lúc đó đã từ Trung Quốc về, vào học trường An ninh, em cũng theo vào Nam.

Má Hường của tôi sau khi từ Đức chữa bệnh về cũng quay lại Miền Nam trước giải phóng 3 tháng. Tất cả mọi gia đình xung quanh tôi, cả gia đình cô Quảng cũng chuẩn bị lên đường.

Trước chuyến đi hai ngày, tôi lên me Kíu báo cho bà biết tôi sẽ vào Miền Nam theo cơ quan. Cả tôi và bà đều hi vọng tràn trề là chuyến đi này tôi sẽ tìm được cha tôi có thể là đang bị thương nằm ở đâu đó, hoặc ở trong tù mà cha tôi đã đổi tên đổi họ để địch không biết được… Tôi nói điều đó với me Kíu. Bà bảo cũng nghĩ như vậy.

Bà cứ dặn đi, dặn lại: Nếu có tìm được cha con ở đâu. Ông có cụt hết tay chân, hoặc ông chỉ nằm một chỗ, cũng phải báo cho bà vào ngay… Tôi đi cũng còn để còn gặp em Thu mà tôi chưa biết mặt, để ra mắt má chồng ở tận Cà Mau và cho Đào gặp lại bố....

(Còn nữa)

______

Rút từ bộ sách CHUYỆN ĐỜI TÔI ngàn trang khổ lớn, do Đặng Vương Hưng chủ biên, dự kiến sẽ xuất bản quý II năm 2022. Ai có tự truyện muốn tham gia, hoặc đăng ký sở hữu bộ sách, xin để lại tin nhắn và số điện thoại.