Hồi đó chưa có nhiều quần áo bán như bây giờ mà tem phiếu cấp chỉ mua được vải vì vậy các hàng thợ may rất sẵn việc làm. Bác Tư cũng vậy , bác còn dạy nghề cho vài người nên hiệu may của bác cứ tấp nập người đến người đi.
Mỗi lần trả hàng cho khách họ lại hỏi:
- Bác lấy tôi bao nhiêu ?
Vì bác nặng tai nên họ hỏi to và không biết có phải bác nặng tai thật hay không cứ để khách nhắc lại... Những người học việc rúc rích cười.
Có cô còn đùa:
- Chúng cháu chẳng có ai bảo lấy mà bác thì ai cũng hỏi bác lấy!
Bác chỉ cười trừ.
Nhiều lần như vậy, thỉnh thoảng cũng có người hỏi: "Hết bao nhiêu tiền hả bác " thì thôi, còn người quê chân thật thì cứ hỏi "bác lấy cháu..." Rồi "anh lấy em ..." Rồi "ông lấy con "
Một ngày kia có cô gái trạc 30 tuổi dáng người tầm thước cũng xinh , chắc ở xa đạp xe tới... Mùa hè đôi má rực hồng, cô ngồi cầm cái nón quạt một lúc rồi lấy mảnh vải ra cho bác do ... Đúng ngày hẹn cô đến lấy. Những người học việc có người biết cô này chưa có gia đình nên cứ ghép đôi cho bác thợ may. Bác có vẻ vui vui hình như cũng ưng. Đến ngày hẹn trả hàng cho cô gái bác giả vờ nói: xin lỗi vì chưa may xong. Tốp học việc nháy nhau cười biết thừa là hàng đã may xong . Hẹn lần sau cô ấy đến lấy để còn có dịp bác được gặp . Lần sau cô ấy đến không trì hoãn được nữa bác thợ may đành đưa trả hàng cho cô gái.
Mọi người lắng tai nghe câu hỏi quen thuộc như mọi người mà mãi không thấy. Không biết họ nói với nhau câu gì mà cô ấy đỏ bừng mặt lên ... Rồi cô ra về rất vội!
Bác thợ may lúng túng nhìn tốp thợ học việc đang kín đáo cười với nhau .
Có cô học việc phá tan bầu không khí bằng câu nói:
- Bao nhiêu người hỏi lấy thì bác không lấy,chỉ lấy tiền. Thế mà có người không hỏi lấy thì chắc là... Lại lấy!
Một thời gian sau nhìn bác tươi trẻ hẳn ra và hình như bác không còn nặng tai nữa. Hè năm đó chúng tôi cũng ra trường tạm biệt cái nhà may của bác và thầm chúc bác hạnh phúc.
Chuyện làng quê