link tải gowin99 mới nhất

Hồi ký chiến tranh: Trở lại La Vang

Tôi vẫn khắc khoải có một ngày nào đó được trở về thăm lại chiến trường xưa, nơi tôi cùng đồng đội biết bao nhiều kỷ niệm không thể nào quên... Của một thời trai trẻ tôi đã đi qua.
la-vang-1655137033.png
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Bàn chân tôi đã từng hằn sâu khắp mảnh đất đau thương này, từ đường 9 nam Lào năm 1971, tới chiến dịch Quảng Trị 1972 và 81 ngày đêm Thành Cổ, nhưng vì cuộc sống mưu sinh mà tôi chưa một lần trở lại viếng thăm, hôm nay nhân có vợ chồng cô bạn thân từ Canada về nước mời vợ chồng tôi về Quảng Trị cùng viếng thăm Thánh Địa La Vang. 

Chiếc Toyota màu sữa bon bon trên trục đường Quốc lộ từ Tp biển Đà Nẵng xinh đẹp, hướng về Quảng Trị thân yêu!. Cứ thế, tôi vừa là bạn bè của mọi người, vừa là hướng dẫn viên bất đắc dĩ, bởi đoàn đi đông, nhưng chưa có một ai biết địa danh những nơi này ngoài tôi ra.

Ngẩn ngơ trước cảnh đẹp mê hồn, non nước mây trời của Hải Vân quan hùng vĩ... Ngập chìm với dòng Hương Giang lững lờ thơ mộng... Đang mải ngắm, mải nhìn cảnh quan bao đổi thay của làng quê hai bên Quốc lộ, bỗng chiếc xe Toyota "kít" phanh dừng bánh mọi người ngỡ ngàng nhìn thấy: Tháp chuông nhà thờ sừng sững hiên ngang giữa trời cao trong xanh lồng lộng. 

La Vang đây rồi! Bồi hồi biết bao! Xúc động biết chừng nào! 44 năm trời xa cách, hôm nay tôi mới trở lại nơi này, cảnh cũ thật quen mà người xưa giờ đây ai còn? ai mất?

Anh bạn tên Vinh người nhà của vợ chồng cô bạn vội vàng cầm máy bấm lia lịa biết bao nhiêu cảnh đẹp. Nhưng kỳ lạ quá, hễ Vinh  đưa máy lên định chụp tôi thì Vinh lại nói: "Đen ngòm không chụp được ". Tự nhiên tôi như thấy gai gai toát lên sau gáy như ai đó nhắc tên mình "Đúng, đúng rồi" .Tôi vội vàng  chắp tay khẩn vội mấy lời xin lỗi: "Các bạn ơi! Thông cảm cho Hòa nhé! Tôi giờ chẳng biết các bạn nằm ở nơi đâu mà đến thăm các bạn! ". Lạ thay, tôi vừa nói xong thì Vinh đưa máy lên chụp cái nào cũng được. Không biết rằng có linh thiêng thật không? hay chỉ là một sự trùng lập ngẫu nhiên làm sao tôi hiểu  được? Bà xã tôi cứ nhắc mãi, nhắc hoài: "Thiêng  thât, cứ bảo sao Vinh  không chụp được ảnh cho anh Hòa ".

Nơi đây 44 năm về trước  bạn bè tôi hy sinh nhiều lắm. Riêng tôi, trong gần hai tháng giải phóng (1/5 - 28/6) ít nhất ba lần tôi hụt chết nơi này, đó là chưa kể đến 81 ngày đêm (28/6 -16/9) bảo vệ Thành Cổ  thì càng không thể nào nhớ nổi có biết bao nhiêu lần tôi chết hụt.

Nhìn bức tường nham nhở vẫn y nguyên dấu tích đạn bom ngày xưa... Làm tôi xúc động vô cùng... Tôi muốn chụp chính chỗ này, bởi chính chỗ này có một kỷ niệm không thể nào quên, đó là: Tối ngày 15/5/1972 đơn vị tôi đi lấy gạo qua nhà thờ. Không biết là tàn quân hay là giáo dân nào đó bắn mấy tràng AR 16 ngay trước mặt đội hình đơn vị. Như một phản xạ tự nhiên của người lính chiến, chúng tôi nằm rạp xuống lấy balô chắn phía đạn bay, may sao không ai việc gì. Tôi và anh Lân sau này về tới nhà, mỗi đứa nhặt lấy một mảnh đạn trong bao gạo làm kỷ niệm. Nói tới đây chắc nhiều người thắc mắc, sao không bắn trả lại? Thưa rằng, mặc dù lúc ấy đại đội tôi có tới 10 cây súng AK đầy ắp 3 băng đạn đã lên nòng, chỉ cần chờ lệnh mở khóa an toàn xiết cò là tiêu diệt được ngay, nhưng người lính chiến chúng tôi luôn biết bình tĩnh, luôn biết chịu đựng và đó cũng là chuyện cơm bữa của chúng tôi ngày ấy.

Có ai từng ở chiến trường miền Nam mới hiểu... Miền Nam ngày xưa không như ngày xưa ta từng coi phim ngoài Bắc: Chưa coi đã  biết ta thắng địch thua. Cầm quyển truyện: " Từ tuyến đầu Tổ Quốc ", chưa  đọc đã biết đồng bào miền Nam một lòng với Giải Phóng Quân, nhưng thực tế xa vời không như thế đâu. Bộ đội chúng tôi đánh nhau nhiều phen cũng thua liểng xiểng chạy thấy mồ... Cũng có lúc gặp phải phản ứng của người dân.

Tôi nhớ mãi hôm hành quân từ ngã tư Sòng về tới La Vang thì trời vừa sẫm tối. Trời mưa, mưa to lắm, mưa như thác đổ trên đầu. O Giao Liên chỉ vào một cái nhà mái tôn khá to lớn:  " Mấy anh vô đó nghe! " Tiểu đội tôi vừa bước tới cửa nhà, nghe thấy tiếng động một bà cụ ra mở cửa. Chúng tôi đồng thanh cùng nói: " Chào mẹ ạ! ". Bà cụ trừng từng đôi mắt nhìn chúng tôi như kẻ thù số một:

- Mấy ông là ai? Ở mô tới vô nhà tui?

Anh tiểu đội trưởng Nguyễn Quang Sủng mau miệng đáp:

- Dạ! chúng con là bộ đội giải phóng ạ!

Bà cụ huýt một cái thật dài buông lời trách móc:

- Giải phóng cái chi mô? Mấy ông là giặc đốt phá làng quê, giết người man rợ.

Nói đoạn bà cụ quay ngoắt tấm lưng đóng sầm cửa lại. Anh Sủng lắc đầu, cả Tiểu đội tôi buồn thiu... Ngay lập tức anh Sủng cho Tiểu đội triển khai hầm hố ngủ trong vườn mít nhà bên. Trời vẫn mưa dữ dội, tôi và anh bạn Lê Đình Lân không  tài nào đào nổi cái hầm, đào tới đâu thì nước mưa tràn ngập tới đó. Cuối cùng tôi và Lân liều mình căng Tăng trên một mô đất cao đủ hai thằng ôm nhau. Đang thiu thiu ngủ bỗng anh Sủng đi kiểm tra phát hiện:

- Dậy, dậy xuống hầm ngủ chứ!

Anh vừa nói vừa ngả cái mũ cối trên đầu mặc cho nước mưa đang xối xả trên mái tóc anh. Anh hì hục tát nước trong cái hầm đang đào dở dang mà hai thằng tôi đã chịu bó tay. Tôi vội vàng bật dậy đỡ cái mũ trả anh:

- Vâng! anh về ngủ đi để em tát rồi chúng em xuống hầm ngủ ạ.

Cái khó lại ló ra cái khôn, hai thằng tôi cho chân chui vào bao tử sỹ nilon, kê đầu ngóc lên cao mặc cho nước òng õng ngập thân người tranh thủ làm một giấc chiêm bao... Bỗng " Ùng " một tiếng long trời, lở đất bay luôn mái tăng phủ trên miệng hầm, đất đá rào rào phủ kín hai thằng tôi. Ôi! May quá, không có anh Sủng nhắc nẫy thì chắc chắn hai thằng tôi giờ đã đi chầu Diêm Vương, bởi viên đạn pháo khoan của Mỹ, từ hạm đội 7 ngoài khơi Thái Bình dương bắn vu vơ, trúng ngay chỗ tôi và Lân nằm ban nẫy.

Sáng ra tôi trốn đơn vị tới vườn chuối bên kia đồi thăm chơi thằng bạn đồng hương Vũ Hoài Châu C.17 Công binh, hai thằng lâu ngày gặp nhau hàn huyên bao nhiêu là chuyện mà chưa hết, Châu hứa với tôi: " Mai tao tới vườn mít chơi với mày ". Hôm sau tôi và Lân hái trộm nắm chè tươi trong vườn mít của bà cụ, nấu một cặp lồng nước chè tươi đặc quánh. Chờ mãi, chờ hoài không thấy thằng Châu sang? Quái, thằng này sao thế nhỉ? Nó với tôi thân nhau như bóng với hình. Sốt ruột, tôi lại mò sang đơn vị nó nhưng không gặp mặt vì nó lên cơn sốt rét ác tính đi viện mất rồi. Về đón vị, tôi dốc hết gói đường, gói sữa bột, khẩu phần nhu yếu phẩm  tính theo 5đ /1 tháng hồi chiến thắng Đông Hà đơn vị rút về Cam Lộ thanh toán mấy tháng liền ở chiến trường cho mỗi người lính chúng tôi, xong rồi tôi lại trốn đơn vị đi thăm nó. Tôi đi tới gân nhà thờ, giật mình nghe tiếng " hú hú " đạn pháo bay, tôi vội nằm ép mình bên bờ ruộng, một tiếng nổ "ùng " ngay sát nách, bay luôn cả gói đường, gói sữa trên tay. Tôi  hoảng hồn vội vàng bỏ chạy, thôi không dám đi thăm anh bạn Châu nữa.

Từ giã La Vang, đơn vị tôi tiếp tục hành quân tới các vùng quê khác. Sau ngày 28/6 quân địch mở cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị, chúng tôi lại trở về La vang tiếp tục chiến đấu cho tới ngày 3/9 tôi bị thương và được chuyển ra ngoài miền Bắc.

Vĩnh biệt La Vang! Vĩnh biệt chiến trường Quảng Trị!

Hôm nay vừa tròn 44 năm tôi trở lại nơi này. Làng quê La Vang giờ đã khác xưa nhiều quá... Con đường đất nhỏ từ quốc lộ vô nhà thờ sao giờ như ngắn lại? Phải chăng ngày xưa đi trong bom đạn tôi thấy nó dài.

Nhà thờ vẫn còn nham nhở vết đạn, vết bom ngày ấy... Gợi lại cho tôi nhớ về đồng đội...!

Thấp thoáng trong tôi căn hầm chữ A chất đầy bao cát đâu đây... Làm tôi cay cay khóe mắt!

La Vang ngày xưa... La Vang ngày nay... Buồn, vui lẫn lộn trong lòng...

Bỗng chuông Thánh Đường vang lên, mọi người cười tươi, tôi bừng tỉnh dậy. Kính chào Đức mẹ La Vang! Chúng con lên xe quay về Đà Nẵng.

Trái tim người lính