Rất hiếm những thông tin về những trại giam tù binh Mỹ tại miền Nam. Trong STT ngắn này, chúng tôi xin được "hé lộ" về một trại tù binh Mỹ tại Đà Nẵng(?). Rất mong bà con làng FB nào biết, có thông tin gì mới, làm ơn bổ sung thêm...
Theo hồi ký của Zalin Grant - Một cựu phóng viên của tờ Time, từng tình nguyện phục vụ như một sĩ quan quân đội Mỹ tại Việt Nam, cho biết như sau (lược dịch - ĐVH): “Khoảng những năm 1968 - 1971, đã có một Trại tù binh Mỹ được lập ở sâu trong một cánh rừng phía tây của Đà Nẵng(?).
Trại này nằm dưới những tán lá rừng rậm rạp, nơi ánh sáng mặt trời khó xuyên thủng, với những cành cây và dây leo đan chồng lên nhau. Trại tù binh này không đèn điện, không có tháp canh và cũng không có giây thép gai bao quanh. Phòng giam tù binh chỉ là những túp lều tranh, giường ngủ bằng sạp tre, được làm đơn giản như nơi ở của người dân tộc Tây Nguyên trong chiến tranh.
Những người lính Việt Cộng rất giỏi chịu đựng gian khổ, thiếu thốn và hy sinh. Nhưng với những người Âu – Mỹ thì điều kiện sinh hoạt nơi đây thật là tồi tệ đến kinh dị, vì không khí luôn ẩm thấp, bùn lầy và còn bị côn trùng rắn rết tấn công.
Lúc cao điểm nhất, trại này có 32 tù binh. Nhưng 12 người trong số họ đã chết vì nhiều lý do: bệnh tật, đói ăn và cả vì bom đạn của quân đội Mỹ trút xuống.
Suốt một thời gian dài, 18 tù binh Mỹ phải đi chân trần với dép cao su. Không được cấp đủ gạo và lương thực thường xuyên, để cứu đói, họ phải tự đi lao động thu hoạch khoai mỳ trên rẫy về làm thức ăn. Họ sống trong nguy hiểm rình rập đêm ngày, vì liên tục bị ném bom bởi lực lượng Không quân Mỹ và Không quân Sài Gòn.
Một người Mỹ phản chiến được trang bị một khẩu súng trường Marine Bob Garwood đã làm “quản giáo” giúp Việt Cộng giam giữ những tù binh nơi đây.
Tháng 4 năm 1968, các tù binh ở trại giam phía Tây Đà Nẵng này đã tổ chức một kế hoạch chạy trốn, nhân một lần được cử đi thu hoạch khoai mỳ, mà chỉ có một bảo vệ giám sát. Nhưng tất cả đều bị bắt lại, khi họ lạc vào một buôn người Thượng mà không tìm được lối ra.
Về sau, chỉ có một tù binh trốn trại và đào thoát thành công. Thêm 5 người trong số họ may mắn được Việt Cộng trả tự do vì mục đích tuyên truyền. Số tù binh còn lại phải đến sau Hiệp định Paris mới được trao trả hết cho Mỹ tại Lộc Ninh năm 1973.
Riêng năm 1971, còn có một nữ tù binh hiếm hoi thuộc lực lượng Quân y, người Mỹ gốc Đức, được yêu cầu gửi ra Hà Nội cùng một tù binh gốc Đức nữa, theo đường mòn Hồ Chí Minh...” - Đó chính là Monika, một nữ tù binh xinh đẹp mà tôi đã có dịp kể ở những kỳ trước.
(Tổng hợp từ cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam” của tác giả Đặng Vương Hưng )
Trái tim người lính