link tải gowin99 mới nhất

Hầm trú ẩn Hà Nội và trận đánh đêm Nô en

Hôm qua ông bạn Đức có lời mời đến dự Noel. Với lũ bạn đã chơi với nhau từ hồi thơ bé. Lệ vẫn thế. Không đi được. Vì cô vít. Chợt nhớ một chuyện xưa, gắn với anh. Ngẫm lại có thể nói đó là một câu chuyện kì ngộ.
dem-noen-1640391839.png
Ảnh do tác giả chọn lọc

 

Đến bây giờ tôi biết mình đã nhầm, chuyện diễn ra hai ngày trước trước đêm Giáng sinh. Nhưng không thể không kể lại câu chuyện của gần 50 năm trước. Cũng vào dịp Noel. Đó là chuyện của Hà Nội trong 12 ngày Điện Biên Phủ trên không hào hùng và khó quên năm 1972 ấy.

Số là hôm 26/4/2017, nghe truyền hình báo Nhân dân nói đến những căn hầm trú ẩn còn sót lại từ thời chống Mĩ. Đặc biệt, có nhắc đến ba căn nổi tiếng, nay vẫn còn. Đó là những căn hầm tại 62 Trần Quốc Toản, tại Hàng Trống, trong trụ sở báo Nhân dân và khách sạn Metropole. Chợt nhớ, nhà tôi ở trước đây, số 1 Trần Khánh Dư, cũng có một hầm trú ẩn. Khác với những hầm trên, hầm này đã có từ lâu, khi nhà được xây. Có lẽ để chống bom Mĩ từ thời Pháp thuộc. Những năm 1940.

Vẫn nhớ, vào kì nghỉ hè lớp 9 sang lớp 10, tức là mùa hè năm 1966, Hà Nội bắt đầu làm hầm trú ẩn trên hè phố toàn thành. Hè đó, do bố mẹ sơ tán tận Thái Nguyên, tôi về ở nhà bà bác, bác Lã, tại 74 Trần Quốc Toản, rất gần số nhà 62 có căn hầm nói trên. Hầm mới không phải là chiếc tăng sê vách đất, đào tay, như từng thấy ở ATK hồi chống Pháp, mà là hố cá nhân, thành bê tông. Thành gồm hai khoang, trụ tròn, bằng bê tông đúc sẵn. Khoang dưới có đáy bằng. Bên trên là nắp hầm, cũng bằng bê tông, có cốt thép. Nắp để sẵn bên cạnh, người vào tự đậy lại. Để chống mảnh.

Hai vợ chồng bác đều ở lại, làm ở tổ phục vụ. Hàng ngày, tôi theo các bác đánh cái xe ba gác ra phố. Đấy là nơi tôi giúp bác, chở các khoang hầm bê tông đúc sẵn, đến đặt tại nơi đã định. Đào hầm và đặt khoang hầm xuống là việc người khác. Vì bố mẹ không ai về, tôi đã ở với hai bác gần như hết vụ hè 1966. Sau này, trên tất cả các đường phố Hà Nội, kể cả phố vắng như Trần Khánh Dư, nơi tôi ở, đâu cũng có hầm tránh. Hầm xếp thành hàng, đều đặn, cách nhau lối mươi mét. Sau Hiệp định Paris 1973, hầm còn đấy, song chẳng ai ngó ngàng. Thỉnh thoảng, vài dân quê đánh xe ba gác đến. Đào lấy một hai hầm, rồi hết. Hỏi thì bảo, để làm thành giếng. Cả nắp hầm cũng biến dần. Cốt sắt gỡ bán đồng nát.

Riêng căn hầm trú ẩn tại 1 Trần Khánh Dư nay vẫn còn. Chuyện về nó gắn với đám cưới anh bạn, Nguyễn Tiến Đức. Đấy là bạn học, suốt cấp hai, trường Trưng Vương IIA. Nhà Đức hồi ấy ở Nguyễn Chế Nghĩa, cũng gần. Trong lớp, hai đứa chơi thân. Thậm chí, có dạo tôi còn bắt đâu một gà con, đem nuôi ở nhà bạn. Nuôi mãi, gà lớn lúc nào quên khuấy. Chỉ nhớ, không hiểu sao gà chết. Mẹ Đức đem thịt, luộc lên, sai nó mang tận nhà. To tướng, vàng hườm. Bấy giờ bố mẹ mới biết. Về đám cưới thì vài hôm trước đó, qua nhà, thấy mấy đồ trang điểm con gái, sặc mùi Tây. Ông bạn có vẻ nâng niu. Rồi dặn, tuần sau tao cưới, nhớ về. Bấy giờ vẫn chưa biết mặt người sau này là chỗ đầu gối tay ấp của ông bạn.

Thế là theo hẹn, hôm ấy tôi vượt cỡ bốn chục cây số, từ nơi trường Bách khoa sơ tán, Hiệp Hòa Bắc Giang, phóng xe đạp về. Vơ theo tuốt số kẹo, thuốc lá, tiêu chuẩn cán bộ đi học của mấy người lớp tôi lúc ấy. Đến cầu phao Chương Dương đã tối hẳn. Trời đang mưa phùn nhẹ, hay đúng hơn đang mờ sương, sáng hồng lên dưới ánh đèn thành phố hắt ra. Và trong màn sương ấy, bỗng hiện lên rõ ràng, một chiếc máy bay, đen trùi trũi, bay thấp, sát theo lòng sông từ phía thượng nguồn. Nhìn cũng biết là F-111. Hồi còn ở trong Nam, máy bay này tôi gặp không ít. Tiếp đến, thấy vô số những vệt lửa đỏ lừ, to có, nhỏ có, lao đến chặn đầu. Một vệt lửa từ phía Vân Đồn, cạnh nhà, xuyên đúng vào bụng máy bay. Đến khoảng bến phà Khuyến Lương, nay là nơi đặt cầu Vĩnh Tuy, chiếc máy bay oằn mình, rồi đâm nhào xuống bờ trái sông Hồng. Một nháng lửa bốc lên. Rồi lịm đi trong chớp mắt. Bấy giờ thành phố mới tắt đèn. Rồi rộ lên tiếng nổ đầu nòng, đùng đoàng, lép bép. Cuối cùng là một tiếng nổ trầm, đặc, xa xăm.

Không quan tâm đến chiếc máy bay nữa. Quá quen rồi. Tôi vội đến nhà Đức. Cả nhà mừng rỡ với kẹo cả thùng, thuốc Tam đảo bao bạc cả tút. Toàn của hiếm của cái thời bao cấp khó khăn đó. Tất cả kéo đến nhà thờ Hàm Long, Đức theo đạo. Tiếp theo là rong ruổi đến quảng trường Nhà hát Lớn, bây giờ gọi là quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Hàng loạt phóng viên nước ngoài bâu đến. Máy ảnh, máy quay phim chớp lên. Đường phố nhấp nhoáng như chớp lóa đêm mưa. Họ hiếu kì với đám cưới giữa bom rơi. Hôm ấy là dịp Nô en năm 1972. Sau vẫn thấy lạ, sao nghe Mĩ tuyên bố ngừng bắn Nô en cơ mà. Mãi mới hiểu, tôi về Hà Nội vào thứ bảy, cuối tuần. Mới 22/12 chứ đâu đã phải Nô en.

Sau đám cưới về nhà. Lập tức bị mẹ lôi tuột xuống hầm. Cái hầm nằm ngay bên dưới tầng một căn nhà. Có từ lâu. Song đến cái 12 ngày đêm ấy thì được dùng thường xuyên. Cũng không nghĩ bố mẹ lại có nhà khi ấy. Song chưa kịp nói gì thì cả nhà đã trong hầm. Mẹ cẩn thận đã mang cả một cái giường cá nhân kê xuống hầm, cho đỡ ẩm. Cô bạn hàng xóm, tên Thúy, con bà Chẩm, bên số 3 Trần Khánh Dư cũng sang trú nhờ. Thế là cả bốn người có mặt tại Hà Nội của xóm tôi đã qua đêm trong căn hầm ấy.

Sau mới nghe, người xiết cò của khẩu đội ấy là một bạn học cấp III, cùng trường Phổ thông công nghiệp Hà Nội với tôi, nhưng khác lớp. Tôi không quen. Chưa gặp. Đêm ấy, tôi chỉ là một trong vô số chứng nhân trên cầu phao Chương Dương. Những người đã nhìn rõ luồng đạn súng máy đỏ lừ, như mũi dùi xuyên trúng máy bay. Những người ở đủ gần để thấy rõ ràng, nó được bắn ra từ cái trận địa Vân Đồn. Chứ không phải đâu khác. Cũng không phải đạn pháo cao xạ hay tên lửa phòng không nào đó khác.

Hà Nội hẳn phải có rất nhiều hầm trú ẩn như nơi tôi đã trú. Trong dân. Trong số đó, chắc nhiều chiếc vẫn còn. Chiếc hầm tại 1 Trần Khánh Dư, nơi tôi đã sống, chỉ là một. Nơi có khẩu đội bắn rơi máy bay F-111 của Mĩ đúng đêm ấy, giờ đã không còn dấu vết. Chẳng ai hay đâu là nơi đặt trận địa Vân Đồn nữa. Họa chăng, còn nhớ chỉ đôi người có tuổi. Người trong cuộc còn khó tìm ra dấu vết nữa là.

Chỉ có điều, tôi đã qua cái Nô en 1972, một trong những đêm cuối cùng của trận đánh 12 ngày đêm ấy, như một cậu bé con trong truyện cố tích. Cậu vô tình lạc vào một không gian kì ảo, với bầu trời đêm Hà Nội se lạnh, thấm đẫm thứ mưa phùn nhè nhẹ, ửng hồng lên dưới ánh đèn điện bao nhớ mong riêng có của Hà thành, như thực như mơ. Cậu đã vô tình chứng kiến một trận đánh kì lạ, một đám cưới có một không hai, và cuối cùng, qua đêm trong một căn hầm quen mà lạ, ngay dưới gầm cầu thang của chính ngôi nhà bao năm quen thuộc của mình.

Trái tim người lính