Chú ấy lấy em gái tôi, nên là em rể. Tôi đi xa nhà từ thời còn trẻ lắm, mà chú ở quê từ nhỏ, thành ra cái nếp quê vẫn còn tròn vẹn. Những năm kinh tế thiếu thốn, chú vật vã với việc lo lắng cơm áo gạo tiền. Con cái còn nhỏ, nên khó khăn trong cuộc sống không phải là ít.
Kinh tế bây giờ không còn quá hạn hẹp, con cái cũng nhớn cả, nên xoay xở cũng dễ dàng hơn. Không còn cảnh loay hoay với miếng cơm manh áo, cho nên cũng thoải mái tư tưởng. Mỗi lần về quê, chú ấy hay rủ tôi đi ăn uống, anh em ngồi cà kê những câu chuyện trong xóm ngoài làng. Chúng tôi luôn mang cảm giác như bạn đồng niên, nên cũng dễ tâm sự.
Ngoài năm mươi cả rồi.
Cái tuổi chưa phải là già, nhưng không còn trẻ nữa. Bạn bè đồng niên, người ta đã có thông gia, cháu nội ngoại có đầy đủ cả, chúng tôi vậy là muộn so với bạn đồng niên.
Chú ấy là người cẩn thận, tính toán cặn kẽ từng công to việc nhớn trong nhà. Gia đình nề nếp gia phong, nên những công việc nội ngoại, chú ấy sắp xếp ngăn nắp. Hồi bố tôi mất, tôi thấy chú đổ bê tông cái nắp bia, rồi đặt lên trên mộ -cho nó dễ nhớ- chú ấy bảo vậy. Tôi chợt giật mình, hoá ra đúng, bởi sự lo lắng không bao giờ là thừa. Mẹ tôi mất, ngày 20.11 mà chú ấy vẫn còn lo cả hoa để đặt lên mộ.
Ừ! Thì là vậy, chẳng có gì là thừa cả. Chú là con rể, nhưng những công việc lớn bé trong nhà đều thấy chú "nhúng" tay vào. Chúng tôi ở xa về, mà cảm thấy ấm lòng. Người quê là vậy.
Thời gian cứ thế trôi đi, tất cả đều vào dòng chảy cuộc sống. Mọi sự có thể thay đổi, nhưng tình quê thì không bao giờ đổi thay. Năm tháng cứ qua đi, thời gian không bao giờ dừng lại, và con người cũng chẳng dậm chân tại chỗ. Nhưng tất cả những gì còn lại trong con người, là những thứ thiêng liêng nhất, chu toàn nhất mà người ta trao cho nhau.
Tôi là người xa quê.
Mỗi lần trở về là một lần cảm nhận, cái ấm áp rất thân tình trong cách ứng xử, cái tình còn trong gia đình nó đọng lại mãi.
Tôi với chú là đồng niên!
Chuyện Làng Quê