link tải gowin99 mới nhất

Em gái văn công

Mùa hạ 1969, tốt nghiệp lớp 10, tôi lên đường nhập ngũ. Gác lại một tình yêu vô bờ bến với thơ văn, cùng những mơ mộng viển vông để kiên quyết làm một người lính chiến thực sự.

Chỉ một thời gian ngắn sau đơn vị chúng tôi vào chiến trường.

Có một đêm trên đường hành quân, bỗng bắt gặp một tốp văn công đang đứng ngay nơi lưng núi để đàn hát phục vụ chiến sỹ. Đêm thăm thẳm, chỉ le lói những vì sao, chẳng ai nhìn rõ mặt ai, mà một giọng hát con gái bay lên xiết bao trìu mến. Bỗng một vần thơ như bản năng vang lên trong tôi:”Níu áo anh lại giữa chặng hành quân/Là em đấy, lúc xa lại lúc gần/ Đêm tối quá chỉ nhìn ra tiếng hát” Đúng là đêm mịt mùng, chỉ nghe thấy, nhìn thấy tiếng hát mà thôi .Và ngươi hát cứ mờ ảo trước mặt, để rồi tiếng hát cứ ám ảnh trong tâm hồn người lính:

em-gai-van-cong-1641535448.jpg
Ảnh minh họa do tác giả chọn lọc

 

Giọng em thanh chắc là người em thanh

Ngân cao qúa -

em có gầy không đấy?

Thương em nhiều qua bom rơi lửa cháy

Em gầy đi cho tiếng hát đầy hơn

Chúng tôi cứ đi bập bùng trong tiếng hát, và tiếng hát cứ bay dài theo đòan quân, cho đến lúc tắt hẳn , chỉ còn le lói những vì sao....Điều lạ kỳ là như cùng hành quân cùng tiếng hát ấy, là những vần thơ cứ nối dài trong tôi ( Cho dù tôi đã quyết gác lại tất cả, để quyết làm một người lính chiến thực thụ). Nhưng rồi từ đâu thơ cứ ập đến trong mình, cứ ngân nga trong mình…

Cho đến lúc chúng tôi đến bãi khách nơi ngã ba biên giới , thì cũng là lúc bài thơ hòan thành. Tôi bấm đèn pin chép vội ra một tờ giấy, rồi cho vào một phong bì và đề gửi về tạp chí Văn nghệ quân đội 4 Lý nam Đế Hà nội (Nói thật trước lúc nhập ngũ, tôi đã có thơ in ở báo Văn nghệ, báo Tiền Phong, nhưng lại luôn mong ước được in thơ ở tạp chí văn nghệ của những người lính). Sáng hôm sau trước lúc hành quân, tôi gửi một cô gái giao liên nhờ bỏ vào hòm thư gửi về Hà nội…

Ít tháng sau, lúc ấy tôi đã về chiến đấu tại khẩu đội 3, C11 tiểu đoàn pháo cao xạ 11 đóng ở Tây Trường sơn . Có một tối nằm trong công sự, có chính trị viên Dởn xuống thăm anh em, mở đài cho anh em nghe.Bất thần tôi nổi hết gai ốc khi nghe từ chiếc đài Ôrionton của thủ trưởng Dởn trong mục giới thiệu tạp chi VNQĐ số mới, có bài thơ “Em gái văn công” của Châu La Việt. Muốn khoe với anh em là thơ của mình mà không dám (vì anh em chỉ biết tên tôi là Lê Khánh Hoài . Mà nói thật có khoe có lẽ cũng chẳng ai tin vì làm sao mà một thằng lính binh nhất như tôi lại có thể có thơ đăng ở tạp chí Văn nghệ quân đội bề thế như thế…)

Lại cũng một sự tình cờ. Chẳng hiểu sao ít đêm sau đại đội phó Chấp xuống ngủ cùng anh em.Ông cũng có một chiếc đài bán dẫn và cũng có lẽ rất yêu thơ nên đến mục tiếng thơ của đài TNVN, thủ trưởng mở to hết cỡ cho mọi người nằm trong hầm cùng nghe.Thêm một lần tôi lại nổi hết da gà khi chương trình giới thiệu bài thơ “Em gái văn công” của Châu La Việt do nghệ sỹ Linh Nhâm trình bày. Khi tiếng sáo, rồi giọng ngâm thơ ngân lên, cả căn hầm như lặng đi, ngay cả tiếng thằng OV10 trinh thám vè vè trên trời cũng câm bặt từ lúc nào..Chỉ tiếng sáo, chỉ giọng thơ và tiếng nhịp tim của chiến sỹ.Và có lẽ nhịp tim đập mạnh nhất chính là của tôi…

Đã 50 năm. Sau này khi làm tập Mai,pi muôn (NXB Văn học) bao gồm những bài thơ, truyện ngắn tôi viết ở mặt trận, không hiểu sao tôi lại không chọn bài thơ này vào tập.Có lẽ tôi nghĩ nó cũng bình thường, không có gì đặc sắc. Thầm nghĩ có lẽ nó chỉ xứng đáng là một kỷ niệm bài thơ đầu mình viết khi vào mặt trận, là bài thơ đầu mình được in ở tạp chí Văn nghệ của những người lính mà mình hằng ao ước mà thôi..

Nhưng rồi giờ đây vân vi nghĩ lại, có lẽ chưa hẳn là vậy. Nếu không có gì, tại sao ngày ấy tạp chí VNQĐ vốn rất khắt khe lại in cho mình, nếu không có gì tại sao lại được đưa lên làn sóng đài TNVN, lại do một giọng ngâm thơ nổi tiếng ngày ấy là nghệ sỹ Linh Nhâm trình bày

Và đặc biệt, nếu không có gì, tại sao đã 50 năm trôi qua , tôi vẫn nhớ như in từng câu,từng chữ của bài thơ ấy? Và cả những đồng đội của tôi, như Duy Hậu, chiến sỹ lái xe binh trạm 17 Khe Ho Quảng Bình, sau là nghệ sỹ nổi tiếng của Nhà hát Tuổi trẻ, nổi tiếng với vai Lão Hàm trong phim truyền hình Đất và người,, dù sau này đọc ngàn vần thơ khác, hát ngàn bài ca khác, mà một câu thơ ngày ấy của tôi không quên trong lòng anh, vẫn ngân nga trong lòng anh suốt 50 năm nay...

Xin chép lại bài thơ tặng bạn bè hôm nay.

Em gái văn công

Níu áo anh giữa chặng hành quân

Là em đấy, lúc xa lại lúc gần

Đêm tối quá chỉ nhìn ra tiếng hát…

Anh chàng nào trong hàng ngũ xuýt xoa

Bấm tay nhau tiếng cười chuyền khúc khích

Anh chẳng biết em đứng gần hay xa

Chỉ tiếng hát xà vào thân thiết …

Giọng em thanh chắc là người em thanh

Ngân cao quá -

em có gầy không đấy

Thương em nhiều qua bom rơi lửa cháy

Em gầy đi cho tiếng hát đầy hơn

Lại nghĩ về những cô gái quê anh

Cô gái quan họ giọng sắc hơn đôi mắt

Câu hát trao duyên cho lúa chín nhành

Mới nghe giọng ngân đã thấy mùa đầy hạt

Rồi một bè trầm nổi dậy giữa hàng quân

Không nhận ra nhau chỉ thấy đầy tiếng hát

Một cánh rừng bay dậy gió rung ngân

Tiếng hát ùa ra từ trăm vòm ngực

Níu áo anh rồi lại để anh đi

Như câu quan họ níu áo người đưa mắt

Anh biết lắm còn nợ em khúc hát

Phải trả cho em bằng những chiến công…

(Đường Trường sơn 1970)

Theo Trái tim người lính