Trong bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" của Minh Huệ, tác giả có từ "dân công", chỉ những người dân đang làm nghĩa vụ ở tuyến lửa, phục vụ cho chiến trường:
Ban chủ nhiệm HTX thường đến các gia đình có chỗ ở rộng rãi, để liên hệ cho các đoàn dân công ở nhờ. Không ít trường hợp, giữa chủ nhà và dân công quí mến, đi lại với nhau như ruột thịt . |
"Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn
Ngoài trời mưa lâm thâm
Làm sao cho khỏi ướt
Càng thương càng nóng ruột
Mong trời sáng mau mau".
Ở thời kì đó, máy móc chưa xuất hiện để thay thế, để giải phóng cho sức lao động của con người nên hầu như mọi việc từ nặng đến nhẹ, người ta đều phải sử dụng đến sức người. Những việc nặng như đào đất, đắp đê, làm đường, đào sông, đào mương máng, vận tải lương thực, đạn dược cho chiến trường... nhà nước đều phải dùng đến dân công. Do phải làm việc chân tay nặng nhọc nên tuổi dân công quy định từ 18 đến 35, là độ tuổi sung sức nhất của con người, để mỗi người dân đóng góp sức mình xây dựng Tổ quốc. Ngày đó, đi dân công là một nghĩa vụ, không được trả tiền mà được tính bằng công điểm, đến mùa quy đổi ra thóc.Trong độ tuổi dân công, mỗi thôn lại thành lập ra một đội tinh nhuệ gồm toàn những thanh niên khỏe mạnh nhất gọi là đội chủ lực hai linh hai (202) để sẵn sàng nhận lệnh điều động đi làm ở những công trình lớn. Ngày đó, tôi còn nhỏ, trên đường đi học về, vào mùa hanh khô, tôi thường nhìn thấy đội chủ lực hoặc đoàn dân công đang đào đất, khơi mương, chuẩn bị cho mùa vụ mới. Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng tháng 10, tháng 11 ta, các con mương, con cừ, cống rãnh thoát nước tưới tiêu cho ruộng đồng đều được nạo vét, đắp lại cho thông thoáng, được khoác lên mình chiếc áo mới tinh, sáng sủa màu đất sét trông rất gọn gàng, đẹp mắt. Khi nước ải đổ về, dòng nước tươi mới trôi băng băng trên các dòng mương, tràn vào ruộng đồng, đầy sức sống, chờ bàn tay con người làm nên mùa màng, biến màu nâu của bùn đất thành màu xanh của ruộng đồng, rồi thành một màu vàng bạt ngàn, no ấm.
Những con đê sừng sững. Những chiếc cống khổng lồ. Những trạm bơm nhiều vòi. Những con sông đào trong xanh và sâu thẳm trong hệ thống Bắc Hưng Hải, một hệ thống thủy lợi, tưới tiêu đồ sộ lớn nhất miền Bắc nước ta đều là do đôi bàn tay và sức lực tươi xanh của những đoàn dân công tạo nên. Ngày đó, đi dân công rất vui. Người ta đi làm rất tự giác và hồ hởi. Họ mang theo cơm nắm để ăn trưa tại chỗ. Ăn xong một lúc, lại tiếp tục làm. Vừa làm, vừa nói những câu chuyện khôi hài. Tiếng cười nói rôm rả, cộng với sức vóc tuổi vật trâu khiến cho công việc nhẹ nhàng, trôi băng băng. Những cái kéo cắt đất, dưới đôi tay lực lưỡng của anh thanh niên, từng thớ, từng hòn đất thịt, đất sét đặc quánh, dẻo quẹo được định hình sau nhát cắt. Ngay sau nhát cắt đó, một anh thanh niên khác đứng đón, mắt dán vào thớ cắt, rồi dùng hai ngón: ngón trỏ và ngón giữa lách vào khe, lật ngả hòn đất vừa cắt, rồi bê thốc nó lên, đặt nhẹ nhàng lên vai một anh thanh niên đứng chờ sẵn ở bên cạnh, đầu và vai của anh trùm một mảnh bao tải gai. Nhờ mảnh bao gai này, tóc của anh đỡ bị lấm, vai của anh đỡ bị đau. Cái vai và cái đầu như một điểm tựa vững chắc cho hòn đất đại vừa đặt lên. Đón xong hòn đất to tướng nặng khoảng hai, ba chục ký ấy, anh thanh niên dùng một tay đỡ hòn đất, tay còn lại vung vẩy theo nhịp chân trần, bước đi trong bùn đất nhơm nhớp hoặc nhão nhoét, hoặc trơn tuột, tiến về phía bờ, rồi thình lình ngả hòn đất trên vai đánh huỵch một cái, trúng chỗ cần đặt. Cứ thế, lần lượt, hàng ngàn, hàng vạn hòn đất được đào, được đắp đều tăm tắp, qua vai của hàng trăm, hàng vạn lượt người, làm nên những công trình thủy lợi đồ sộ trên khắp các vùng miền, làm nên cơ sở hạ tầng cho một nền nông nghiệp lúa nước.
Ngày nay, đất nước đã phát triển vượt bậc. Máy móc hiện đại đã thay thế, giải phóng cho sức lao động chân tay nặng nhọc của con người. Nền kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp. Đời sống nhân dân no ấm, ăn ngon, mặc đẹp, làm theo năng lực, hưởng theo lao động. Từ dân công cũng lui vào dĩ vãng, trở thành một từ ít dùng trong ngôn ngữ hàng ngày. Nhưng có lẽ bất kì ai đã từng đi qua thời kì lịch sử đó, khi bất chợt gặp lại hình ảnh của một thời đã qua, chắc ít nhiều trong lòng đều sống dậy kí ức của một thời ra đi không trở lại. Những ai đã từng đóng góp sức trẻ tươi xanh của mình thời dân công cho Tổ quốc sẽ thấy mắt rưng rưng, lòng nao nao, bồi hồi như được gặp lại mình thời xa vắng. Ai dám bảo thời gian không ở lại? Không đâu! Thời gian luôn ở lại trong hồn cảnh vật, trong từng thớ đất, trong từng ngọn cỏ tươi xanh và trong lòng người.
Theo Chuyện Quê