Dứt khoát phải có năm xây cổng, to thì có đôi câu đối, các góc đắp hình con dơi xoè cánh (chứng tỏ cái sự trường tồn, tích phúc vào nhà ta).
Phải có mái cổng lợp ngói, che mưa nắng cho người tra then đóng cổng, cho bà già con trẻ ngồi chơi, chào hỏi người làng đi qua ngõ nhà mình.
Nhà giàu có cánh cửa gỗ chắc nình nịch, nhà sa sút cánh cửa hỏng ko thay, để trống trơ, lo gì vì đã có đàn chó lốc nhốc canh giữ nhà.
Nhà nào có con gái tuổi trăng tròn, thì đây là biên giới, đấy là điểm hẹn ban tối: nàng ở trong chàng ở ngoài nhỏ to tâm sự, nhìn nhau qua khe hở cánh cổng. Xen lẫn cái đằng hắng của phụ huynh là tiếng chó sủa nhiệt tình dai như chão chuộc.
Tiếng lạch sạch tra then, cái lộc cộc của sừng trâu hai buổi ra vào cổng nhà, cái đuôi chó ngoảy tít mù hay tiếng sủa bảo vệ cương thổ của đàn mộc tồn theo vào nỗi nhớ xa quê của ối thằng đi bộ đội.
Nói thêm có người cầu kỳ trồng hàng rào bằng các loại cây găng, mây, dứa dại, chịu khó xén tỉa nom rất đẹp. Trong làng có chú Băm, ông Dăm gần câu lạc bộ (nhà ông hai Vinh bị tịch thu) nhà chú Tý Tôm và ông ba Côi quanh Điếm canh giữa làng là có hàng rào cây kể trên, kỳ công cắt xén để...nên nhớ cổng chỉ là tấm phên tre đan mắt cáo.
Đến bây giờ Tôi vần còn nhớ hình dạng cổng các nhà tại thôn Trung Kính hạ, bởi vì kỷ niệm buồn vui thuở trộm quả trong vườn, chặt nạng súng cao su, học tổ nhóm, đánh trận giả và thăm họ hàng.
Xóm Điếm có Chú Nhâm, bác cả Xanh, bác hai Giao, bác tư Tường, bác cả Xanh, bà Oản, cô Phượng, bác cả Cửu, anh ba Phối, chú phó Lộng, chú năm Tò, bác Lý Nuôi, nhà ông Lý Cần chia quả thực, già phó Luẩn.
Xóm Trại có nhà chú tư Côn, bác cả Nhân, ông Sồ, chú hai Thanh, chú cả Thuận, chú tý Vẻn, chú ba Vị, chú hai Toát, chú Phê mức, chú sáu Dị, chú cả Sang và bác Ký Trực ở đầu làng.
Xóm Chùa có nhà bác hương Vấn, anh cả Ca, anh cả Luận, vợ chú tư Trác, ông thủ Dủ, chú phó Bút, ông hai Thành, anh cả Lưu, chú tư Trác, ông Phó Đôn, anh cả E, anh cả Quý, bác tý Tỵ, bác hai Vọng, anh hai Vồng, chú cả Khai.
Xóm Đầm có nhà bác Duệ, ông cả Ý, bác phó Hội, chú hai Phan, ông Kiểu, bác cả Xích, bác hai Nghi, bác ba Thành, bác phó Trá, chú trưởng Lưu, chú cả Kho, anh cả Xương, bác ba Thuật, chú cả Khương, anh cả Tài, anh ba Đức, bác ba Cốc, chú hai Hào.
Đến thập kỷ 198x, nhà nhà chia đất cho con cái ra ở riêng, cổng bị phá rất nhiều, vườn chặt trụi thùi lụi cây ăn quả lâu năm, ao tắm giặt rửa ráy bị lấp thành nền nhà...hồn cốt làng xóm xưa phai lạt. Giờ còn dăm cái cổng ngày xa xưa, rêu phong, cây cỏ lùm xùm, nom nhỏ bé khiêm nhường, cánh cửa gỗ thay bằng cửa sắt bọc tôn khập khễnh cái nhìn. óc bật ra chân dung các vị gia chủ đã về giời, ùa về bao ký ức tuổi thơ. Tôi đã chụp đã đăng về các cổng xưa ở làng Giàn.
Biết được em Nguyễn Công Hoan chụp được tỷ mỷ 5 cổng ngõ của xóm Điếm, Trại, Chùa, Đầm, Chùa cả xây từ ngày xưa, trước khi bị phá dỡ trải đường nhựa. Tôi và mọi người xin ảnh đăng fb đều không được, đấy là của gia bảo của chàng kiến trúc sư chăng? May mà qua sưu tầm của tôi và sụ đồng ý của gia chủ, mọi người trong làng Trung Kính Hạ thế hệ sau này mới biết phong cảnh ngày xưa. Thôi được tý nào thì quý thế đó, biên dăm dòng bố sung.
Sáng nay lang thang, tình cờ trong ngõ sâu vẫn còn cổng xưa và nhà cũ thời bao cấp, không nói về kiến trúc thẩm mỹ, mà chỉ thấy toát lên cái nghèo ngày xa xưa của bố mẹ, ông bà của cả một thế hệ người làng.
Chuyện Làng Quê