Hồi đó khu vực này còn hoang vu trống vắng, ông bà Ngoại tôi từ miền Tây lên đây lập nghiệp, tiếng là gần Saigon nhưng ở đây có đủ ruộng lúa, vườn tược và cả sông ngòi. Nhà tôi gần xóm Ụ tàu kế bên Cầu Ông Lãnh. Chiều thứ bảy nào tôi cũng đạp xe xuống khu Cù lao Nguyễn Kiệu thăm ông bà Ngoại sẵn tắm sông, câu cá, bắt cua... tối chủ nhật chạy lên để sáng thứ hai đi học. Nhà ông Ngoại có đủ ba gian, mái ngói rêu phong, sân vườn rộng rãi. Lúc bấy giờ các cậu dì đã lập gia đình và ở ra riêng mỗi người ở mỗi phương, khi nào có giỗ chạp hay tết nhất, lễ lạt mới được gặp lại nhau.
Thấy cảnh nhà quạnh quẽ đìu hiu nên tôi xin cho ông bà Ngoại một con cún con mới ra tháng , mình mẩy nó đen tuyền từ đầu tới chân trừ đôi mắt trắng dã. Ông Ngoại đặt tên nó là con Mực nghĩa là đen như nhọ nồi, hàng ngày bà ngoại chắt nước cơm pha loãng đường cho nó uống, ông ngoại thì xin một ít thức ăn thừa ở mấy hàng quán hủ tiếu, nhờ vậy mà nó mập ú na ú nần, bốn chân chắc nịch như bốn chân trụ giường, nó lớn nhanh như thổi. Ông bà Ngoại vui lắm.
Từ ngày có con Mực cảnh nhà thật vui tươi, mỗi khi ông Ngoại đi đâu về là nó quẩy đuôi chồm lên hí sủa vang trời. Nó lè lưỡi đỏ lòm liếm tay chân ông. Thương nhất là mỗi khi ông Ngoại nằm thiêm thiếp nó nằm kế bên như canh gác, ai mà đến gần nó gầm gừ như muốn táp. Mấy con chuột cống cũng e dè không dám tự tung tự tác như trước nữa. Nó săn chuột không thua gì mèo, nội nó gầm gừ thôi là đám chuột nhắt chạy khiếp vía.
Mấy hôm rồi có đám trộm vặt ở đâu đó vô trong miệt này định làm ăn, nhưng khi nhìn thấy con mực tụi nó hơi nhợn. Người ta nói chúa sủa là chó không cắn. Nhưng con mực nhà tôi nó không sủa mà chỉ gầm gừ thôi đủ làm ai đó hơi khiếp sợ. Nhất là khi nó trợn cặp mắt trắng dã nhìn trân trân đủ làm cho đối phương khiếp vía. Chiều nào ông ngoại cũng ra hàng quán hủ tiếu xin cho nó một ít xí quách thừa cho nó gặm. Lúc ông ngồi xuống cho nó ăn rồi vuốt đầu như hai người bạn. Ông thường bật radio nghe tin thời sự nó ngồi kế bên quẩy đuôi như đồng cảm với ông.
Một buổi chiều trời vừa sẩm tối vài giọt mưa rào lất phất lơ phơ, sợ mưa lớn sẽ làm dột chái bếp. Ông Ngoại ra sau nhà kê cái ghế lấy dây buộc lại mấy bẹ lá dừa khô. Bỗng nhiên một cơn gió thổi qua ông thấy choáng chóng mặt rồi buông tay ngã xuống đầu đập xuống đất bất tỉnh, con Mực thấy thế lao ra sủa inh trời, nó dùng miệng ngoạm chân ông kéo vô trong nhà. Bà Ngoại nghe tiếng sủa của con Mực vội chạy ra phía sau thấy ông ngoại nằm sấp ngửa, bà hô hoán hàng xóm xúm nhau kêu xe chở ông vô bệnh viện. Các bác sĩ cho biết ông bị đứt mạch máu não khả năng cứu sống rất thấp và khuyên đưa về nhà lo hậu sự.
Hôm đám tang ông Ngoại con Mực nằm buồn thiêm thiếp, nó không ăn uống, thỉnh thoảng nó tru lên liên hồi ai nhìn cũng xót xa. Sau đám tang không thấy nó nữa, không biết nó đi đâu.Chiều hôm qua bà Ngoại ra mộ thắp nén nhang cho ông Ngoại chợt thấy nó nằm bẹp dí bên mộ phần.Tội nghiệp nó buồn không ăn uống nên gầy trơ xương. Tôi cúi xuống vuốt ve năn nỉ nó mới chịu theo tôi vô nhà.
Ông Ngoại mất rồi mấy cậu dì khuyên bà Ngoại bán nhà về ở chung nhưng bà ngoại dứt khoát không chịu, bà bảo còn mồ mã ông Ngoại và đất đai hương hỏa bà phải ở lại giữ gìn. Bây giờ đây niềm vui còn lại là con Mực, nó cũng buồn lắm từ ngày ông mất nó hay ra phần mộ ông mà nằm kế bên, ai cũng nói nó sống có tình nghĩa hơn một số người đang thở gấp.
Rồi một ngày nọ bà Ngoại vì đau buồn mà thành bệnh tật, các cậu dì xúm lại lo thuốc thang nhưng tâm bệnh thì khó mà chữa trị, lúc gần mất bà có ý nguyện được chôn chung gần mộ kế bên ông Ngoại. Con mực nhìn thấy bà nằm nhắm mắt nó tru lên liên hồi rồi bỏ đi mất dạng.
Thể theo di nguyện của bà được chôn cất kế bên mộ phần ông Ngoại. Ba ngày sau mọi người ra thắp nhang mộ phần bà Ngoại thì bắt gặp con Mực nằm giữa hai nấm mồ, mắt nó nhắm nghiền, hơi thở thoi thóp. Tôi chạy đến ôm nó vào lòng, nơi khóe mắt có những giọt nước long lanh. Nghe mọi người gần đó kể lại, trước khi nằm xuống giữa hai ngôi mộ nó tru lên thê thảm. Nó lấy chân bươi quào bên mộ phần ông Ngoại đến rướm máu rồi nằm bẹp xuống đất thở thoi thóp. Một con vật nuôi sống hiếu nghĩa cho tới lúc cuối đời nhắm mắt xuôi tay.
Theo Chuyện làng quê